Theo Thông tư, nguyên tắc ban hành chế độ báo cáo công tác ngành Nội vụ là bảo đảm cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ phục vụ hiệu quả cho hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành của cấp có thẩm quyền trong lĩnh vực Nội vụ; làm cơ sở để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ thực hiện tốt chế độ báo cáo đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; làm cơ sở để Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện chế độ báo cáo đối với Hội đồng nhân dân cùng cấp trong lĩnh vực Nội vụ.
Các số liệu yêu cầu báo cáo trong thực hiện chế độ báo cáo công tác ngành Nội vụ phải đồng bộ, thống nhất về khái niệm, phương pháp tính và đơn vị tính để bảo đảm thuận lợi cho việc tổng hợp, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin báo cáo. Đối tượng yêu cầu báo cáo, bảo đảm rõ ràng, thống nhất, đồng bộ, khả thi và không trùng lắp với chế độ báo cáo khác. Giảm tối đa yêu cầu về số lượng, tần xuất báo cáo nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí, nhân lực trong thực hiện chế độ báo cáo công tác ngành Nội vụ.
Ngoài ra, khuyến khích đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện chế độ báo cáo công tác ngành Nội vụ, hướng tới chuyển dần từ báo cáo bằng văn bản giấy sang báo cáo bằng văn bản điện tử.
Báo cáo sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và tổng kết công tác năm
Đối với báo cáo Kết quả công tác 6 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, nội dung yêu cầu báo cáo gồm: Tổng hợp tình hình, đánh giá tiến độ, kết quả thực hiện nhiệm vụ trong từng lĩnh vực công tác ngành Nội vụ như kết quả công tác tham mưu xây dựng các đề án, văn bản quy phạm pháp luật, văn bản nghiệp vụ và các chế độ, chính sách thuộc lĩnh vực Nội vụ; kết quả, tiến độ triển khai thực hiện các quyết định, chính sách của các cấp có thẩm quyền về lĩnh vực Nội vụ; việc xây dựng kế hoạch, chương trình công tác.
Báo cáo về công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, kiến nghị, phản ánh và phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực Nội vụ; dự kiến kế hoạch, nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm; giải pháp tổ chức thực hiện, bài học kinh nghiệm và các kiến nghị, đề xuất với các cấp có thẩm quyền (nếu có).
Đối tượng thực hiện báo cáo là các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tần suất thực hiện báo cáo 01 lần/01 năm. Thời hạn gửi báo cáo trước ngày 10/6 của năm báo cáo.
Về chế độ báo cáo tổng kết công tác năm: Nội dung báo cáo bên cạnh các nội dung như báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm, cần báo cáo thêm dự kiến kế hoạch, nhiệm vụ công tác năm liền kề của kỳ báo cáo; giải pháp tổ chức thực hiện, bài học kinh nghiệm và các kiến nghị, đề xuất với các cấp có thẩm quyền (nếu có).
Tần suất thực hiện 01 lần/01 năm. Thời hạn gửi báo cáo trước ngày 10/12 của năm báo cáo.
Thông tư 08 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/7/2019.