Tìm kiếm
/UploadFiles/TuyChonLk/tailieuhdnd_230x61.png

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp
Ngày cập nhật 09/02/2022

Năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn thị xã Hương Thủy đạt khoảng 27.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 90%. Con số này phần nào cho thấy, hoạt động công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - làng nghề (CN-TTCN-LN) trở thành ngành kinh tế có tỷ trọng giá trị sản xuất cao, đóng góp lớn vào thu ngân sách của tỉnh và thị xã, tạo hàng chục nghìn việc làm, nâng cao mức sống người lao động.

Sản phẩm của cơ sở rèn Trường Tiến tại hội chợ thương mại và triển lãm sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, nông sản, làng nghề năm 2020

Để có được kết quả trên, bên cạnh những quan tâm của tỉnh khi ban hành đồng bộ các chính sách về ưu đãi, thu hút đầu tư của doanh nghiệp, như: miễn, giảm tiền thuê đất trong những năm đầu, quan tâm chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng…, Hương Thủy đã tập trung làm tốt công tác quy hoạch, đền bù giải phóng mặt bằng, từng bước đầu tư về hạ tầng thiết yếu; định hướng công tác đào tạo nghề, tạo nguồn cung về lao động cho doanh nghiệp; các chính sách hỗ trợ về khuyến công, phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, xây dựng nhãn hiệu, giúp nhiều sản phẩm phát triển mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng doanh thu.
 
Nhờ đó, có 4 sản phẩm được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh các năm 2017, 2019; 4 sản phẩm được bình chọn cấp khu vực miền Trung - Tây Nguyên các năm 2018, 2020; 2 sản phẩm được bình chọn cấp quốc gia năm 2019; 3 sản phẩm được bình chọn cấp quốc gia năm 2021 và có 3 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh gồm: gạo thơm Thủy Thanh, hương bài Tân Nguyên, nhạc cụ truyền thống Tân Châu. Các làng nghề, nghề truyền thống, như: rèn, chổi đót cùng nhiều sản phẩm khác như tỏi đen, mắm, gạo thơm, sản phẩm từ chất liệu composite… đã mở rộng thị trường tiêu thụ, giúp giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho lao động địa phương.
 
Theo ông Nguyễn Thanh Minh, Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy, tiếp tục khai thác hiệu quả trên cơ sở tiềm năng, lợi thế so sánh nhằm mục tiêu tạo đột phá trong lĩnh vực sản xuất CN-TTCN-LN để tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho người lao động, từng bước nâng cao mức sống của người dân, thị xã đã triển khai những kế hoạch mang tính chiến lược, dài hơi.
 
Với quan điểm phát triển CN-TTCN-LN phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH theo tiêu chí bền vững, chú trọng đến tăng trưởng xanh và gắn với quá trình sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng, hướng đến xuất khẩu, Hương Thủy đặt mục tiêu đến năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 48.000 tỷ đồng; trên 32.000 lao động làm việc tại KCN, CCN và các cơ sở công nghiệp khác; giá trị kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm CN-TTCN đạt 500 triệu USD; nộp ngân sách Nhà nước trên 5.000 tỷ đồng; quy hoạch mới và kêu gọi đầu tư hình thành CCN Thủy Phương 2, Trung tâm dịch vụ logistics…
 
Để hiện thực hóa những mục tiêu đề ra, giải pháp đã và đang được Hương Thủy triển khai là tập trung thực hiện công tác GPMB Dự án KCN Phú Bài giai đoạn IV và kêu gọi doanh nghiệp đầu tư khu dịch vụ kho bãi logicstic tại khu vực tiếp giáp; đầu tư 2 tuyến đường gom, hệ thống xử lý nước thải tập trung tại CCN Thủy Phương; phát triển thêm một số doanh nghiệp, HTX trong lĩnh vực chế biến lúa gạo chất lượng cao; hỗ trợ đầu tư đổi mới công nghệ; quy hoạch hình thành một số vùng nguyên liệu tập trung theo chuỗi giá trị…
 
“Hiện ưu tiên số 1 của Hương Thủy là tập trung GPMB Dự án KCN Phú Bài giai đoạn IV để bàn giao đúng tiến độ đề ra, bởi đây là dự án trọng điểm của tỉnh, được định hướng là KCN tổng hợp xanh, sạch, công nghệ tiên tiến. Khi hoàn thành đầu tư hạ tầng và thu hút các doanh nghiệp thứ cấp vào đầu tư, dự án kỳ vọng sẽ tạo đột phá cho phát triển KT-XH của tỉnh nói chung, Hương Thủy nói riêng với dự kiến các khoản thu nộp ngân sách hàng năm trên 5.000 tỷ đồng”, ông Nguyễn Thanh Minh thông tin.
Thanh Đoàn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 14.619.051
Truy cập hiện tại 922 khách