Hiến pháp năm 1992 khẳng định khiếu nại, tố cáo là một trong các quyền cơ bản của công dân, quyền này được sử dụng không hạn chế ở bất cứ lĩnh vực nào. Tiếp công là một trong những khâu quan trọng của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, đồng thời hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo đúng quy định pháp luật, đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết, hạn chế việc khiếu nại, tố cáo vượt cấp và kéo dài. Luật Khiếu nại, Luât Tố cáo đã cụ thể hoá quyền khiếu nại, tố cáo của công dân thành những chế định được thực hiện trên thực tế và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của pháp luật. Hơn nữa, tiếp công dân chính là việc tiếp nhận các thông tin, kiến nghị, phản ánh, góp ý những vấn đề liên quan đến chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, công tác quản lý của cơ quan, đơn vị.
Thực hiện hiệu quả công tác tiếp công dân, chính là phát huy quyền làm chủ của nhân dân; là thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với nhân dân, tác động tích cực đến tâm tư, tình cảm, thái độ của người dân, củng cố niềm tin của người dân vào chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; khơi dậy tiềm năng, trí tuệ của nhân dân vào các nhiệm vụ chính trị chung của Đảng và Nhà nước. Từ đó giúp các cơ quan kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân về cơ chế, chính sách, đời sống dân sinh. Những kiến nghị, phản ánh từ thực tiễn xã hội sẽ là cơ sở giúp cho các cơ quan có thẩm quyền phát hiện và tìm ra những bất cập tồn tại trong hoạt động tổ chức và quản lý. Từ đó Nhà nước có thể đưa ra được những giải pháp để điều chỉnh sao cho phù hợp và mang lại hiệu quả cao, và “việc tiếp công dân của các cơ quan Nhà nước đã trực tiếp giúp cơ quan nhà nước nhận biết, tự sửa chữa, khắc phục những khuyết điểm của mình, cho dù yêu cầu của công dân có được đáp ứng hay không”.
Tổ chức tốt công tác tiếp dân là biểu hiện cụ thể quan điểm “dân là gốc” của Đảng và Nhà nước ta. Thông qua công tác tiếp dân, mối quan hệ máu thịt giữa dân với Đảng, Nhà nước càng gắn bó hơn, để Đảng và Nhà nước hiểu dân hơn và để cho nhân dân hiểu rõ hơn về Đảng, Nhà nước, về phẩm chất, năng lực của cán bộ, công chức.
Hiện nay, những bất cập trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo xuất phát từ những nguyên nhân chính như: các cơ quan cấp trên chưa sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ những văn bản chưa phù hợp, hoặc không còn phù hợp với tình hình thực tế; việc bố trí nơi tiếp công dân, phòng tiếp công dân chưa thật sự thuận tiện cho người dân; công tác lưu trữ hồ sơ giải quyết khiếu nại, hồ sơ tiếp công dân không đầy đủ hoặc bị thất lạc; bố trí cán bộ tiếp công dân có nơi chưa phù hợp với trình độ chuyên môn được đào tạo, dẫn đến chất lượng phân loại xử lý đơn thư chưa đúng, nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo nhưng phân loại là đơn kiến nghị phản ánh, từ đó áp dụng quy trình giải quyết sai, không hoặc chậm ban hành thông báo giải quyết, dẫn đến công dân bức xúc khiếu nại vượt cấp. Để xảy ra hiện tượng công dân đến khiếu nại, tố cáo vượt cấp và nhiều lần, chính là do công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở (phường, xã) không được xem trọng, cán bộ phụ trách không đúng hoặc không có chuyên môn, trong khi đây là “ tuyến đầu” trong giải quyết khúc mắc, tranh chấp dẫn đến khiếu nại, tố cáo.
Để công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo từ đó góp phần quan trọng xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa thì việc rất cần hiện nay là nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ý thức trách nhiệm của đội ngũ công chức làm công tác tiếp dân, bố trí công chức có năng lực, tâm huyết, trách nhiệm để làm công tác tham mưu thực hiện công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo bảo đảm áp dụng đúng quy định pháp luật; không để xảy ra sai phạm dẫn đến khiếu nại, tố cáo. Tuyên truyền pháp luật về các Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Tố cáo, Luật Đất đai…đến các tầng lớp nhân dân. Biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với công dân khiếu nại, tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật và có chế tài rõ ràng đảm bảo không xảy ra tình trạng vu khống, bôi nhọ… Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý giải quyết khiếu nại, tố cáo phù hợp với chủ trương cải cách hành chính. Tăng cường công tác phối hợp trong giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thực tế cho thấy, để giải quyết dứt điểm, thấu tình, đạt lý một số vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài trong thời gian qua luôn cần phải có sự phối hợp giải quyết của nhiều ban, ngành, đoàn thể. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại các cơ quan, đơn vị…