Tìm kiếm
/UploadFiles/TuyChonLk/tailieuhdnd_230x61.png

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Đưa văn hóa, lịch sử địa phương vào trường học
Ngày cập nhật 07/01/2021

Qua trải nghiệm ở những danh thắng, địa chỉ đỏ…, tập thể giáo viên và học sinh Trường THCS Thủy Dương đã ra mắt “Tập san văn học địa phương”, đồng thời trở thành ngôi trường đầu tiên của tỉnh “xuất bản” một tác phẩm có giá trị tham khảo và có thể áp dụng để nâng cao hiệu quả trong việc dạy và học môn Ngữ văn ở khối THCS.

Giáo viên, học sinh Trường THCS Thủy Dương trong một buổi trải nghiệm ở đình làng Thủy Dương

Từ ý tưởng của Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ khi mong muốn người dân Huế, nhất là học sinh càng phải hiểu rõ hơn về lịch sử, văn hóa, truyền thống của cha ông, với sự phối hợp của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô, 2 năm trở lại đây, ngành giáo dục thị xã Hương Thủy nói chung, Trường THCS Thủy Dương nói riêng là đơn vị đi đầu toàn tỉnh trong việc tạo điều kiện để học sinh có nhiều hơn những trải nghiệm về các danh thắng, địa chỉ đỏ… trên địa bàn.
 
Sau một vài lần tham gia, thầy Phùng Hữu Kim Quân - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Thủy Dương đã suy nghĩ làm thế nào để những trải nghiệm của các em không bị quên lãng theo thời gian, đồng thời, trở thành tư liệu quý giúp các thế hệ học sinh, giáo viên kế cận tham khảo, áp dụng trong dạy và học. 
 
Sau thời gian nhen nhóm, từ việc tạo điều kiện về trải nghiệm, tư liệu của thầy Quân, cô Võ Thị Thảnh (giáo viên Ngữ văn, chủ nhiệm lớp 7/4) cùng một số giáo viên đã hướng dẫn để giúp học sinh nhà trường, trong đó 2 học sinh “chủ lực” là Ngô Thị Diễm Phúc (lớp 9/2) và Phùng Thị Thu Sương (lớp 9/1) tập hợp và cho ra đời “Tập san văn học địa phương” sau quá trình sưu tầm, ghi chép lại những gì đã trải nghiệm ở các danh thắng, di tích, địa chỉ đỏ… 
 
Là tác phẩm tổng hợp chương trình văn học địa phương cấp THCS cho cả 3 phân môn: Văn, Tiếng Việt và Tập làm văn, “Tập san văn học địa phương” đã góp phần giúp giáo viên và học sinh có thêm nhiều kiến thức, tư liệu về chương trình địa phương để phát huy tối đa hiệu quả trong dạy và học chương trình Ngữ văn địa phương cùng các văn bản nhật dụng, văn bản thuyết minh trong nhà trường. Theo cô Võ Thị Thảnh, môn Văn học địa phương trong chương trình THCS nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về văn hóa, lịch sử, địa lí, kinh tế xã hội, môi trường, hướng nghiệp… của địa phương, từ đó, bồi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước, ý thức tìm hiểu và vận dụng những kiến thức đã học để góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa lịch sử cộng đồng. 
 
“Nhưng trên thực tế, chương trình này chưa phát huy được hết hiệu quả do nội dung ít phong phú, tài liệu hạn chế và học sinh ít được trải nghiệm thực tế. Vì thế, nhiều học sinh chưa hiểu, chưa cảm nhận hết các giá trị văn hóa, lịch sử phong phú, đa dạng của địa phương mình, kéo theo học sinh còn thụ động, chưa thật sự hứng thú, mặn mà với môn học. Và, “Tập san văn học địa phương” đã hỗ trợ đắc lực trong việc giải quyết hạn chế này”, cô Thảnh chia sẻ.
 
Để thực hiện, đầu tiên, các học sinh xác định chủ đề và hệ thống chương trình văn học địa phương cấp THCS. Tiếp đó, thực hiện chương trình trải nghiệm để tìm hiểu di tích lịch sử, văn hóa địa phương thông qua các bước: Liệt kê một số di tích lịch sử, tìm hiểu văn hóa địa phương bao gồm: thơ ca, điệu hò, lễ hội… và những nhà văn, nhà thơ tiêu biểu của địa phương; xác định địa điểm cần trải nghiệm; xây dựng kế hoạch, xác định nội dung cần tìm hiểu và tiến hành trải nghiệm.
 
Tại mỗi một buổi trải nghiệm, các giáo viên được phân công sẽ chuẩn bị máy ảnh, vận dụng, “lục lọi”, bổ sung kiến thức liên quan cũng như tìm cách thuyết minh súc tích, đầy đủ và dễ hiểu nhất. Ở chiều ngược lại, một mặt nghe giáo viên thuyết minh, mặt khác, học sinh tham gia cẩn thận ghi chép và đem ra thảo luận, chọn lọc, giao nhóm trưởng tập hợp sau đó nhờ giáo viên xác minh lại để điều chỉnh, bổ sung. Với cách làm này, học sinh vừa thu nạp được kiến thức cho bản thân, đồng thời, lưu giữ được những trải nghiệm thông qua câu chữ, hình ảnh, từ đó giúp giáo viên, học sinh các thế hệ tiếp theo có được tư liệu bổ ích trong quá trình dạy và học. “Tập san Văn học địa phương” đã mở ra một cơ hội để những giá trị truyền thống tốt đẹp được giới thiệu rộng rãi, góp phần giáo dục lòng tự hào về truyền thống, lịch sử, khơi dậy tình yêu quê hương đất nước và là chất xúc tác để giữ gìn, phát huy tài sản tinh thần vô giá mà ông cha ta đã để lại. Sắp tới, mô hình “Tập san văn học địa phương” sẽ được ngành Giáo dục & Đào tạo thị xã áp dụng ở các trường học trên địa bàn”, bà Ngô Thị Ái Hương - Trưởng Phòng Giáo dục & Đào tạo thị xã Hương Thủy chia sẻ. 
Thanh Đoàn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 14.618.099
Truy cập hiện tại 648 khách