Tìm kiếm
/UploadFiles/TuyChonLk/tailieuhdnd_230x61.png

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Hội thi Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - một hội thi đầy ý nghĩa
Ngày cập nhật 25/06/2014

Sáng ngày 16/5/2014, Nhà văn hóa trung tâm thị xã đông đúc các thầy cô giáo, các em học sinh thuộc Trung tâm giáo dục dục thường xuyên Hương Thủy - đơn vị giáo dục duy nhất hoạt động theo mô hình giáo dục cộng đồng ở thị xã - với tinh thần hồ hởi, phấn khởi đến với Hội thi "Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" lần thứ ba nhân kỷ niệm 124 năm ngày sinh Bác Hồ kính yêu (19/5/1890 - 19/5/2014). Khác với hai lần trước đây, năm nay, Trung tâm tổ chức tại Nhà văn hóa trung tâm của thị xã, tạo cho các em thí sinh cũng như các em học sinh một địa điểm thi hoành tráng, thú vị hơn, giúp các em tự tin hơn trong quá trình thi cũng như thu hút đông đảo khán giả đến xem và cổ vũ.

Hội thi đã diễn ra trong không khí nghiêm túc, trang trọng nhưng vô cùng ấm cúng, thân mật, thể hiện tấm lòng thành kính cũng như yêu mến của các thế hệ thầy trò nhà trường đối với con người Bác, đối với sự nghiệp cách mạng cao cả của Người. Bằng lối kể truyền cảm, kết hợp với trình chiếu hình ảnh tư liệu minh họa đã thể hiện sinh động cho những mẩu chuyện gần gũi, chân thực đi vào lòng người đã nói lên tấm lòng cao cả của Bác đối với các cháu thiếu niên, nhi đồng, với thương binh liệt sĩ, tấm gương mẫu mực cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; tinh thần tự tôn dân tộc; hay giản dị hơn là tấm gương tiết kiệm bằng những hành động cụ thể và thiết thực. Qua mỗi câu chuyện, các thí sinh đều nêu bật được ý nghĩa muốn truyền tải đến người nghe, đồng thời có sự liên hệ với bản thân, trong việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ. Với tinh thần hăng say giảng dạy và học tập trong thời điểm cuối năm, thầy và trò Trung tâm giáo dục thường xuyên Hương Thủy đã nhiệt tình tập luyện, thi kể chuyện trong tiết chào cở, trải qua các vòng sơ khảo ở từng chi đoàn, từng khối học và đây là vòng chung khảo với 8 thí sinh đại diện cho 8 chi đoàn (trong đó có 1 chi đoàn giáo viên). Mỗi thí sinh trải qua hai phần thi: kể chuyện và trả lời câu hỏi của Ban giám khảo.

Các thí sinh tham gia hội thi

Bằng chất giọng ấm áp, truyền cảm, em Nguyễn Văn Long, học sinh lớp 12/3 đã dẫn dắt người nghe đến với câu chuyện "Chiếc áo ấm". Qua giọng kể của em, người nghe hình dung một vị lãnh tụ đức độ, vĩ đại nhưng vô cùng gần gũi, thân thương với chiếc áo ấm nhường cho người chiến sĩ. Bác đã dành áo ấm cho người chiến sĩ đứng gác đêm trong lúc Bác chỉ mặc một chiếc áo bông mỏng đã cũ.
Thí sinh Nguyễn Đình Giàu (lớp 10/2) thì kể câu chuyện về đức tính gần gũi, không ngại khó khăn để chiến đấu thói quen tật xấu "Bác Hồ bỏ thuốc lá". Bác biết hút thuốc lá là một thói quen hại cho sức khỏe nhưng vì do điều kiện công việc, Bác hay thức khuya, hay suy nghĩ nên dùng điếu thuốc làm bạn. Tuy không còn trẻ nhưng Bác đã rất cố gắng, đấu tranh với bản thân để bỏ thuốc lá, làm gương cho những người trẻ tuổi hơn. Qua đây, hình ảnh người lãnh tụ thật sinh động, gần gũi với mọi người biết bao!
Tương tự như vậy, câu chuyên "Ai chẳng có lần lỡ tay" do em Lê Văn Ngọc Trí (lớp 11/2) kể về tính bao dung, rộng lượng của Người về những lỗi lầm, sai trái của con nguời. Không cao xa, Bác Hồ của chúng ta hiện hữu trong cuộc sống qua từng lời chỉ dạy, khuyên bảo, trong từng tình huống bất ngờ nhưng mang ý nghĩa sâu sắc.
Thí sinh Nguyễn Thị Trâm (lớp 12/1) với câu chuyện "Chủ tịch nước xưng cháu với dân" kể về tính giản dị, khiêm tốn của Người. Tuy là một chủ tịch nước, Bác luôn xem mình là con, là cháu, là đầy tớ trung thành của dân trong từng lời ăn tiếng nói và hành động.
"Bác Hồ với các chiến sĩ người dân tộc thiểu số" là câu chuyện của em Nguyễn Thị Thanh Thủy (lớp 12/2/) kể tại hội thi. Bác dạy các cô chú, người dân tộc thiểu số tuy đời sống còn nhiều khó khăn những hãy cố gắng vươn lên. Em đã liên hệ bản thân đầy thuyết phục qua câu chuyện kẻ của mình, rằng "kính yêu Bác Hồ hơn, yêu các bạn dân tộc thiểu số hơn".
Em Ngô Thị Bích Thủy (lớp 10/1) với câu chuyện "Nghĩa nặng tình sâu" kể về mối tình sâu nặng của vị cha già đối với quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn nói riêng, cả đất nước Việt nam nói chung. Em Đỗ Ngọc Phú với câu chuyện "Tấm lòng của Bác Hồ đối với chiến sĩ" thì tri ân các anh hùng liệt sĩ qua tấm lòng của Bác với các thương binh liệt sĩ.
Thí sinh Hồ Thị Quỳnh Lâm là thí sinh đặc biệt nhất tại hội thi, bởi vì cô là giáo viên duy nhất tham gia hội thi với tư cách đoàn viên Chi đoàn TNCS Hồ Chí Minh khối giáo viên. Chất giọng nhỏ nhẹ, truyền cảm, cô đã lấy câu chuyện thật của một cô giáo đã từng gặp Bác để kể cho mọi người nghe "Bác Hồ dặn phải chăm chỉ học tập". Cô như hòa mình vào nhân vật nữ giáo viên khi tiếp xúc với Bác, giữa đông đảo các em học sinh đang chăm chú học tập trong thời kỳ gian khổ. Bác luôn căn dặn phải "cần, kiệm, liêm, chính", biết tự vượt qua gian khổ để đạt kết quả tốt trong học tập và trong cuộc sống. Đến phần liên hệ, cô đã không nén được cảm xúc với đôi mắt ngấn nước "Các em ơi, dù khó khăn đến mấy, dù các em đã từng bị thất bại, vấp ngã nhưng hãy tự tin cố gắng vươn lên. Hãy tập trung học tập đạt kết quả cao nhất, nhất là các em học sinh lớp 12 đang phải hoàn thành kỳ thi cuối cấp kết thúc tuổi học trò hồn nhiên, trong sáng. Các thầy cô kỳ vọng vào các em". Chắc rằng, trong mỗi học sinh đang ngồi nghe câu chuyện kể của cô giáo mình về vị lãnh tụ kính yêu, về tình thầy trò đã rất xúc động và có em hẳn đã tự hứa quyết tâm học tốt để khỏi phụ lòng thầy cô giáo của mình!
Kết quả hội thi, cô giáo Hồ Thị Quỳnh Lâm đã giành giải đặc biệt, học sinh Nguyễn Văn Long, lớp 12/3 - giải nhất, học sinh Nguyễn Đình Giàu (lớp 10/2) -  giải nhì và học sinh Nguyễn Thị Thanh Thủy (lớp 12/2) - giải ba. Tổng kết Hội thi, Bí thư Chi bộ Trung tâm đã phát động thi đua tiếp tục thực hiện tốt cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" trong toàn thể giáo viên và học sinh.

Thí sinh Hồ Thị Quỳnh Lâm dành giải đặc biệt

Giải nhất hội thi dành cho thí sinh Nguyễn Văn Long

Thầy giáo Nguyễn Hữu Văn, Bí thư Chi bộ Trung tâm giáo dục thường xuyên cho biết: "Đây là hoạt động mang hình thức tuyên truyền thiết thực và ý nghĩa, thông qua đó, bằng những câu chuyện, tình huống cụ thể thấm nhuần các lời dạy của Bác đã góp phần tuyên truyền sâu rộng trong toàn thể học sinh nhằm thôi thúc động viên các em sống, rèn luyện và học tập hăng say để xứng đáng với những lời dạy của Người. Hai năm một lần, trung tâm cố gắng duy trì hội thi. Hội thi chấm dứt nhưng chúng tôi xác định cho mình và các em học sinh học tập Bác Hồ là học tập lâu dài, không ngưng nghỉ".
Hội thi đã kết thúc tốt đẹp. Sau Hội thi, Trung tâm giáo dục thường xuyên Hương Thủy đã phát động phong trào thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ trong tập thể nhà trường, hứa hẹn một hội thi sinh động hơn, thành công hơn trong năm tiếp theo.
 

Bài, ảnh: Hà Thu
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 14.608.163
Truy cập hiện tại 1.330 khách