Cuối tháng 11 vừa qua, Trường THCS Thủy Dương tổ chức chuyến học tập trải nghiệm kết hợp tham quan, dã ngoại và tìm hiểu lịch sử tại Bia chiến tích Dương Hòa.
Trong chuyến tham quan, hơn 100 em học sinh cùng thầy cô giáo và phụ huynh đã đến thăm quan Hồ Tả Trạch - là một trong những công trình quan trọng đối với quốc gia và là một trong bốn hồ thủy lợi lớn nhất cả nước.
Tại địa điểm Bia chiến tích Dương Hòa, đoàn đã dâng hoa, dâng hương và dành phút mặc niệm tưởng nhớ hương hồn các anh hùng liệt sĩ - những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do cho Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Cũng tại buổi lễ, các em học sinh đã được các bác cựu chiến binh giới thiệu sơ lược về di tích lịch sử cách mạng Chiến khu Dương Hòa, giúp các em biết thêm về lịch sử đấu tranh anh hùng, những hy sinh, mất mát của quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Em Lê Bá Minh Quân, học sinh lớp 7/2, trường THCS Thủy Dương chia sẻ “hôm nay, em và các bạn được đến với di tích lịch sử cách mạng Chiến khu Dương Hòa, em vô cùng xúc động và tự hào về truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc. Để tiếp bước và noi theo thế hệ đi trước, chúng em nguyện ra sức học tập, rèn luyện và phấn đấu để trở thành những con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày càng giàu mạnh và văn minh”.
Ngoài các hoạt động tham quan, tìm hiểu lịch sử, các em học sinh còn được trải nghiệm các hoạt động về nghề truyền thống, như: làm bánh lọc, trồng cây thanh trà, làm chổi… “Bên cạnh giúp các em có thêm nhiều kiến thức lịch sử, thông qua hoạt động này, các em có cơ hội cùng nhau tham gia vào các trò chơi dân gian, qua đó thắt chặt tình đoàn kết”, thầy Phùng Hữu Kim Quân - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Thủy Dương cho biết.
Cũng trong dịp này, Trường THPT Phú Bài phối hợp Đoàn phường Thủy Lương tổ chức dọn dẹp vệ sinh và tìm hiểu về di tích lịch sử đình làng Lương Văn. Tại đây. các em được ông Hoàng Tích, trưởng làng Lương Văn giới thiệu về lịch sử ra đời của ngôi đình.
“Trước đây đình được xây dựng với quy mô rộng lớn hơn hiện nay, gồm 3 gian 2 chái, theo kiến trúc truyền thống nhà rường Huế, mái lợp ngói liệt, các cấu kiện cột kèo, xuyên, trến được làm bằng gỗ, chạm khắc tinh xảo. Dưới thời nhà Nguyễn, làng Lương Văn thuộc tổng Lương Văn nên hằng năm vào các dịp “xuân thu nhị kỳ”, triều đình cử các quan về cùng dân làng tổ chức tế lễ ở đình làng để tạ ơn các thần linh đã có công hộ quốc và tri ân các bậc tiền nhân có công trong việc mở mang bờ cõi”. Ông Hoàng Tích, trưởng làng Lương Văn nói.
Em Nguyễn Ngọc Hiếu Thảo, học sinh Trường THPT Phú Bài bày tỏ: Qua hoạt động trải nghiệm, chăm sóc và tìm hiểu lịch sử, bản thân em biết thêm nhiều kiến thức về kết cấu và các đồ vật được sử dụng trong di tích đình làng Lương Văn. Bản thân cảm thấy rất tự hào về lịch sử quê hương và mong muốn góp một phần công sức cùng với mọi người để chung tay bảo vệ di tích.