Ngày 2 lần, ông Nong cần mẫn đưa những thông tin hữu ích về phòng, chống dịch đến người dân trong thôn
Nằm phía đông nam của xã Thủy Phù, do ranh giới có phần “phức tạp”, nếu tính từ hướng Bắc - Nam, để đến thôn 10 phải đi qua địa phận xã Lộc Bổn của huyện Phú Lộc. Cũng chính địa phận giáp ranh nên người dân thôn 10 thường qua lại, tiếp xúc với người dân Lộc Bổn nhiều. “Thôn có hơn 200 hộ với hơn 1.000 khẩu, trong đó, lao động chính chủ yếu toàn đi Lào làm ăn. Về phía những người ở lại thì đa phần đi làm, đi chợ và học cấp 3 bên phía Lộc Bổn (Trường THPT An Lương Đông) nên việc kiểm tra, giám sát rất khó khăn”, ông Nong nói.
Với việc địa hình cũng như một số sinh hoạt có hơi phức tạp, nên trong việc tuyên truyền, vận động bầu cử đại biểu quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vừa qua, và nhất là trong cuộc chiến phòng, chống Covid-19, thì chính nhiều người dân trong thôn bày tỏ lo lắng về khả năng lan tỏa thông tin, nâng cao ý thức, ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng đến từng mỗi người dân trong thôn. Nắm bắt được những tâm tư đó, với vai trò là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn, một mặt, ông Phan Nong đẩy mạnh tuyên truyền, để bà con yên tâm vào các phương án phòng, chống dịch của chính phủ, của tỉnh và của thị xã đã và đang triển khai, mặt khác liên tục vận động bà con không nên lo lắng thái quá.
“Thú thật lúc đó tôi sợ nhất là xảy ra 2 vấn đề, hoặc là bà con quá chủ quan, hoặc có tâm lý kỳ thị. Nhưng may lo lắng của tôi là thừa”, ông Nong thở phào. Nhưng để được “thở phào”, thì trước đó, một ngày 2 lần, ông Nong phải tìm cách tuyên truyền, đưa những chỉ đạo về công tác bầu cử, công tác phòng, chống dịch đến được với từng người dân trong thôn theo cách súc tích, dễ nhớ nhất là qua hệ thống loa của thôn được ông đặt tại nhà sau khi được sự đồng ý của tập thể.
Để ai trong thôn cũng có thể nhận được những thông tin về bầu cử, về phòng, chống dịch, ông Nong đã nối sào tre dài hơn 3m, gắn 2 chiếc loa vào sau đó lắp đặt ở tầng 2, còn hệ thống âm thanh đặt ở một góc riêng trong nhà. Và ngày ngày, sau khi tiếp nhận, kể cả khi đang dở việc, ông Nong cũng tạm gác qua một bên để thông báo qua hệ thống loa có độ cao gần 8m những thông tin mới nhất, sát sườn nhất sau khi được ông chắt lọc và phát với tần suất ngày 2 lần. Cũng trong thời điểm ấy, để cập nhật thông tin liên quan đến bầu cử và phòng, chống Covid-19 nhanh nhất có thể và kịp thời và lan tỏa đến tất cả người dân trong thôn, ông Nong đã chia tay chiếc điện thoại “cục gạch” gắn bó với ông hàng chục năm và “lên đời” bằng chiếc Smartphone bằng tiền túi của mình.
“Trước đây tôi chỉ có nhu cầu nghe, gọi, tuy nhiên, kể từ khi Covid-19 bùng phát, tôi nhận thấy Smartphone kết nối internet có những tính năng giúp hoàn thành công việc nhanh, trôi tròn, như: tiếp nhận công văn, chỉ đạo từ cấp trên; cập nhật tình hình dịch bệnh trên cả nước và trong tỉnh; lan tỏa vận động tuyên truyền trong bầu cử… Và sau khi sử dụng, quả thật Smartphone đã giúp tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ mà chính quyền, nhân dân đã tin tưởng giao cho”, ông Nong chia sẻ.
Nhưng câu chuyện của ông Nong không chỉ ngang đó. Dù đã có hệ thống loa, Smartphone để phục vụ công việc, nhưng ngày nào, người dân thôn 10 cũng thấy ông Nong rảo quanh thôn. “Ông sợ bà con có người ham làm không để ý thông tin phát trên loa, hoặc có khi nghe đó nhưng lại quên nên ngày mô cũng ghé thăm hỏi bà con có nghe thông tin vừa phát không, nếu không thì để tui nói lại để thực hiện cho tốt”, ông Phan Câu - người cùng thôn cho biết.