Tìm kiếm
/UploadFiles/TuyChonLk/tailieuhdnd_230x61.png
Nâng cao kỹ năng tuyên truyền miệng của Báo cáo viên pháp luật trong giai đoạn 4.0
Ngày cập nhật 30/10/2019

Trong điều kiện bùng nổ thông tin hiện nay, công tác tuyên truyền càng trở nên quan trọng trong việc định hướng thông tin làm cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân tiếp nhận các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước một cách đầy đủ, đúng đắn.

Trong giai đoạn cách mạng công nghệ 4.0, cùng với sự chuyển tải thông tin pháp luật của các loại báo giấy, báo hình, báo tiếng, báo mạng…đến với cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, “Tuyên truyền miệng pháp luật” vẫn là một trong những hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật mang lại hiệu quả cao. Với những ưu điểm riêng, tuyên truyền miệng pháp luật luôn là lựa chọn đầu tiên và không thể thiếu trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Thực tiễn thời gian qua cho thấy, đội ngũ báo cáo viên pháp luật của thị xã Hương Thủy đã không ngừng phấn đấu vươn lên, cố gắng tìm tòi, nghiên cứu nắm vững những vấn đề cơ bản về pháp luật cần tuyên truyền cho từng đối tượng cụ thể; biết xử lý thông tin và chọn lựa các thông tin cần thiết; biết sử dụng ngôn ngữ phù hợp, có thái độ đúng mực khi trình bày, trao đổi, nói chuyện. Tuy nhiên, số báo cáo viên sử dụng phương pháp tuyên truyền miệng có sức hấp dẫn, có tính thuyết phục chưa chiếm tỷ lệ cao. Cách thức tuyên truyền còn thiếu sáng tạo, đơn điệu, một chiều, phần nhiều chưa chuyển được từ độc thoại sang đối thoại trong cách trình bày nên dễ bị khô khan và kém hứng thú, hấp dẫn người nghe. Nguyên nhân của thực trạng trên có cả khách quan và chủ quan như: công tác tổ chức chưa bảo đảm, chế độ chính sách đối với báo cáo viên pháp luật chưa phù hợp, người được tuyên truyền thiếu ý thức và sự hợp tác…Trong đó, có nguyên nhân chủ quan quan trọng là do kỹ năng tuyên truyền miệng của một số Báo cáo viên pháp luật chưa bảo đảm, chưa thu hút được người nghe.

Quá trình tham gia phổ biến, tuyên truyền pháp luật tại địa phương; qua theo dõi, quan sát và nghiên cứu thực tiễn bản thân nhận thấy rằng hiệu quả tuyên truyền miệng pháp luật phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng quan trọng hơn cả là kỹ năng, nghệ thuật tuyên truyền miệng của Báo cáo viên. Hay nói cách khác phương pháp tuyên truyền hợp lý, phù hợp với từng đối tượng là một trong những yếu tố cơ bản quyết định hiệu quả công tác tuyên truyền miệng pháp luật. Để góp phần tích cực nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền miệng pháp luật, bản thân tôi đã rút ra một số kinh nghiệm về kỹ năng tuyên truyền miệng pháp luật như sau:

Xét về quy trình thực hiện tuyên truyền miệng pháp luật, cơ bản có 2 giai đoạn: chuẩn bị đề cương và truyền đạt.

* GIAI ĐOẠN CHUẨN BỊ ĐỀ CƯƠNG

- Đề cương tuyên truyền miệng pháp luật là tài liệu dùng để tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn, phổ biến một văn bản pháp luật, một vấn đề pháp lý mà người sử dụng dựa vào đó để nghiên cứu nội dung văn bản và các vấn đề trọng tâm khác cần tập trung.

- Yêu cầu của việc xây dựng đề cương

Xây dựng đề cương tuyên truyền miệng pháp luật cần bảo đảm các yêu cầu cơ bản sau:

Về hình thức: Bố cục đề cương phải rõ ràng, chặt chẽ, hợp lý. Ngôn ngữ sử dụng trong đề cương phải là ngôn ngữ đại chúng, không đa nghĩa; cách hành văn giản dị, trong sáng, dễ hiểu.

Về nội dung: Đề cương phải thuận lợi cho người sử dụng hiểu đúng mục đích, ý nghĩa của việc ban hành văn bản pháp luật, hiểu chính xác các quy định của pháp luật, nắm được nội dung chính, cách vận dụng văn bản trong các quan hệ pháp luật.

Về thời gian: Đảm bảo tính thời sự của các vấn đề được đề cập trong nội dung tuyên truyền.

* Các loại đề cương (tài liệu)

Căn cứ vào đối tượng và mục đích sử dụng, một nội dung tuyên truyền pháp luật thường có 03 đề cương, cụ thể:

- Đề cương phát cho học viên nghiên cứu.

- Đề cương dành cho Báo cáo viên.

- Tài liệu trình chiếu powerpoint.

Việc xây dựng 03 loại đề cương riêng cho mỗi nội dung tuyên truyền có ý nghĩa và giá trị rất lớn trong việc nâng cao hiệu quả, chất lượng tuyên truyền và uy tín của Báo cáo viên. Nếu đề cương tuyên truyền của báo cáo viên, đề cương phát cho học viên và đề cương trình chiếu như nhau thì buổi tuyên truyền giản đơn, nhàm chán bởi lẽ nó như là một đợt “dò bài” của người nghe đối với người báo cáo. Điều này làm mất hứng thú, không thu hút sự quan tâm, chú ý của người nghe. Vì vậy, phải có sự khác biệt cần thiết trong quá trình xây dựng đề cương mới có thể tạo được lòng tin, sự chú ý, tập trung của người nghe.

* Những lưu ý trong xây dựng đề cương

a) Các bước xây dựng đề cương

Để viết được một đề cương tuyên truyền hoàn chỉnh và có chất lượng, thường được tiến hành theo các bước sau:

Bước 1: Chuẩn bị

- Nghiên cứu các văn bản pháp luật mới ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung.

- Thu thập và nghiên cứu kỹ các tài liệu có liên quan trong quá trình xây dựng văn bản.

- Tìm hiểu đối tượng sử dụng, mục đích sử dụng đề cương để đưa ra các hướng dẫn, cách thức, biện pháp tuyên truyền thích hợp.

- Nghiên cứu tình hình kinh tế xã hội, truyền thống, phong tục tập quán, tình hình vi phạm pháp luật, yêu cầu quản lý về lĩnh vực đề cập trong văn bản.

Bước 2: Biên soạn đề cương

Trước khi viết một đề cương hoàn chỉnh, thường phải xây dựng bố cục đề cương chi tiết. Sau khi lãnh đạo thông qua bố cục đề cương, bổ sung hoàn thiện đề cương làm cơ sở cho việc biên soạn đúng hướng, đáp ứng yêu cầu tuyên truyền.

Bước 3: Biên tập nội dung

Trên cơ sở bố cục đề cương chi tiết đã được duyệt, bằng kinh nghiệm, kiến thức pháp luật, xã hội và kết quả chuẩn bị của bước một, báo cáo viên thực hiện việc biên tập nội dung đề cương.

Bước 4: Thẩm định nội dung đề cương

Trong trường hợp cần thiết, có thể đề nghị các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm, người có thẩm quyền xem xét, thẩm định nội dung đề cương.

Bước 5: Hoàn chỉnh đề cương

b) Một số lưu ý trong biên soạn đề cương

* Đề cương riêng của báo cáo viên

- Sưu tầm tài liệu: Để đề cương giới thiệu có tính hấp dẫn, sôi nổi cần phải sưu tầm những câu chuyện thực tế có tính thời sự, gần gủi với người nghe; các vấn đề vướng mắc phát sinh trong quá trình áp dụng pháp luật, quản lý nhà nước và thực tế cuộc sống.

- Cách vào đề: có nhiều cách dẫn dắt vấn đề trước khi đi vào nội dung chính. Tùy đối tượng được tuyên truyền, tính chất đợt tuyên truyền để lựa chọn cách vào đề gián tiếp hoặc trực tiếp.

- Lựa chọn bố cục đề cương: Thông thường, có 02 cách xây dựng đề cương:

+ Bố cục theo nội dung của văn bản pháp luật tuyên truyền.

+ Bố cục theo chủ đề nội dung.

- Trong quá trình sử dụng câu chữ, có những trường hợp khi viết thì bảo đảm sự logic, thông suốt nhưng khi nói có thể dẫn đến nói ngọng, nói lắp. Để tránh lỗi này, cách tốt nhất là Báo cáo viên nên dành thời gian đọc lại toàn bộ nội dung đề cương nhiều lần để phát hiện ra những lỗi này và có cách xử lý phù hợp.

* Đề cương phát cho học viên

Trên cơ sở đề cương riêng của báo cáo viên, biên tập lại những nội dung chính, quan trọng; lược bỏ những vấn đề mà báo cáo viên dự định trình bày riêng (các câu chuyện thực tế, ví dụ, những lưu ý riêng…), hoàn chỉnh đề cương một cách khoa học.

* Đề cương trình chiếu (powerpoint)

Trên cơ sở đề cương riêng của báo cáo viên, lựa chọn những nội dung quan trọng, vấn đề chính cần nhấn mạnh, các con số chứng minh…để trình chiếu. Lưu ý không quá lạm dụng trình chiếu làm phân tâm người nghe, đặc biệt cấu trúc slide cần đơn giản, không quá rối rắm, không lạm dụng quá nhiều hiệu ứng trình chiếu; màu sắc nhẹ nhàng nhằm tránh gây mõi mắt, khó chịu cho người theo dõi…Đặc biệt, Báo cáo viên phải chủ động sử dụng thuần thục powerpoint khi thuyết trình.

* Tóm lại: Sự chuẩn bị chu đáo, công phu đề cương bài nói, chắc chắn là sẽ không bao giờ thừa!

Chuẩn bị đề cương tốt giúp cho Báo cáo viên tự tin, yên tâm và đây cũng là một trong những khâu góp phần quyết định cho sự thành công của buổi thuyết trình, nói chuyện, tuyên truyền, phổ biến pháp luật.

Khi chuẩn bị đề cương bài nói phải chú ý tính chính xác: Chính xác về quan điểm, các quy phạm pháp luật và các thông tin liên quan. Nội dung phải phù hợp với người nghe. Người nghe đang quan tâm, cần hiểu sâu vấn đề gì, giải đáp vấn đề gì. Khi chuấn bị nội dung cũng cần lường tới (dự kiến) những vấn đề mà người nghe có thể hỏi, chất vấn. Cùng một vấn đề trình bày, nhưng các đối tượng khác nhau phải biết cách chuẩn bị khác nhau.

* GIAI ĐOẠN TRUYỀN ĐẠT

Tuyên truyền miệng về pháp luật là một hình thức tuyên truyền mà người nói trực tiếp với người nghe về lĩnh vực pháp luật, trong đó chủ yếu là các văn bản pháp luật nhằm nâng cao nhận thức về pháp luật, niềm tin vào pháp luật và ý thức pháp luật của người nghe; hướng dẫn cho người nghe hành động theo các chuẩn mực pháp luật.

* Một số giải pháp về kỹ năng trong tuyên truyền miệng pháp luật:

a) Tạo thiện cảm đối với người nghe

Thiện cảm ban đầu thuộc cả nhân thân và biểu hiện của người nói khi bước lên bục tuyên truyền. Thiện cảm ban đầu tác động trực tiếp đến tâm lý người nghe, tạo ra sự chú ý, tập trung của người nghe ngay từ đầu buổi tuyên truyền. Dáng vẻ bề ngoài, y phục, nét mặt, cử chỉ, phong thái, lời nói ban đầu đều có ý nghĩa quan trọng đối với việc gây thiện cảm đối với người nghe.

b) Kỹ năng sử dụng ngôn ngữ và phong cách trong buổi nói chuyện

Ngôn ngữ là công cụ chủ yếu của người tuyên truyền miệng. Ngôn ngữ còn là biểu hiện của nhân cách, đạo đức, năng lực trí tuệ, khí chất và thể lực của người nói. Cùng với lời nói, các biểu hiện của nét mặt, nụ cười, ánh mắt, cử chỉ...cũng có tác dụng quan trọng, tạo nên thành công của buổi nói chuyện. Biểu cảm và phong cách cùng với lời nói làm cho nội dung tuyên truyền càng trở nên hấp dẫn hơn. Điều chủ yếu của việc thể hiện phong cách, biểu cảm là phải chân thực, không giả tạo, không mang tính biểu diễn, để khỏi gây ức chế cho người nghe. Về người tuyên truyền và cách tuyên truyền Bác Hồ kính yêu đã dạy chúng ta rằng “Phải biết cách nói. Nói thì phải giản đơn, rõ ràng, thiết thực. Phải có đầu, có đuôi, sao cho ai cũng hiểu được, nhớ được”.

c) Phương pháp trình bày

Theo phương pháp diễn dịch hoặc quy nạp. Sử dụng những vấn đề trong thực tiễn cuộc sống để chứng minh sự cần thiết phải ban hành các quy phạm pháp luật hoặc nêu các quy phạm pháp luật rồi minh họa bằng thực tiễn gần gủi mọi người đều có thể biết, có thể hiểu dầy đủ.

d) Kết thúc buổi tuyên truyền

Báo cáo viên có thể kết thúc bài nói chuyện (buổi tuyên truyền) bằng nhiều cách như: hệ thống lại toàn bộ nội dung tuyên truyền một cách ngắn gọn; khái quát hóa hoặc chốt lại những vấn đề cơ bản nhất của nội dung tuyên truyền…,trên cơ sở đó rút ra kết luận định hướng tư tưởng, kêu gọi hành động của mọi người.

Thời điểm này có thể người nghe đặt câu hỏi. Dù câu hỏi ở dạng nào cũng cần chủ động trao đổi chân tình, không lảng tránh hoặc tỏ ra lúng túng, gây ra sự phản cảm với người nghe. Nếu chưa nắm chắc vấn đề hoặc không còn thời gian nên chưa thể trả lời ngay thì hứa hẹn sẽ đáp ứng nhu cầu trong dịp khác hoặc trong điều kiện thích hợp nào đó.

Những giải pháp chính nêu trên về kỹ năng Tuyên truyền miệng pháp luật trong giai đoạn cách mạng công nghệ 4.0, chỉ là những gợi ý nho nhỏ tùy theo điều kiện, hoàn cảnh cụ thể để vận dụng thực hiện một cách linh hoạt sẽ góp phần không nhỏ vào việc nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn thị xã hiện nay.

Thực hiện quan điểm của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân và vì dân, việc đưa pháp luật vào cuộc sống bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu. Trong đó, hoạt động tuyên truyền miệng pháp luật có vai trò quan trọng đối với việc thực hiện Luật phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm không ngừng nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân trong tiến trình xây dựng và phát triển thị xã Hương Thủy./.

 

Trương Cường
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 16.484.107
Truy cập hiện tại 5.945 khách