Tìm kiếm
/UploadFiles/TuyChonLk/tailieuhdnd_230x61.png
Công điện số 11/CĐ-UBND về việc tập trung, khẩn trương khắc phục mưa lũ và chuẩn bị ứng phó với bão số 6
Ngày cập nhật 19/10/2022

Chiều 18/10/2022, Chủ tịch UBND thị xã đã ban hành Công điện về việc tập trung, khẩn trương khắc phục mưa lũ (do hoàn lưu bão số 5) và chuẩn bị ứng phó với bão số 6 

Hoàn lưu bão số 5, kết hợp với không khí lạnh đã gây mưa rất lớn diện rộng cả đồng bằng và miền núi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế với lượng mưa trung bình từ 500-600 mm, có nơi cao hơn như: Khe Tre 802mm, Thủy Yên 752mm; Lộc Tiến 641mm, An Tây (TP Huế) 664 mm, Hương Sơn 673mm, Phú Bài 624mm; do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 5, nên khu vực ven biển có gió cấp 6, giật cấp 8 (Thuận An), sóng biển cao, nước dâng, triều cường 1,7m làm chậm khả năng thoát lũ. Sạt lở bờ sông, bờ biển, vùng đồi, miền núi diễn biến phức tạp.  

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, hồi 13 giờ ngày 17/10, vị trí tâm bão số 6 ở vào khoảng 19,5 độ Vĩ Bắc; 116,2 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 520km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (118-133km/giờ), giật cấp 14, di chuyển theo hướng Tây Tây Nam với tốc độ khoảng 15km/h. Từ ngày hôm nay 17/10, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng tới Thừa Thiên Huế gây mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và dông trong cơn dông cần đề phòng có lốc, sét mưa đá và gió giật mạnh. 

Thực hiện Công điện số 964/TTg-NN ngày 17/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ tại khu vực Trung Bộ, UBND  thị xã yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành thị xã, Chủ tịch UBND các xã, phường và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung chỉ đạo, khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ để hỗ trợ người dân sớm ổn định đời sống, khôi phục sản xuất, sinh hoạt sau lũ; tuyệt đối không được chủ quan, tiếp tục triển khai ngay ứng phó với bão số 6 với các nội dung sau:

1. Chủ tịch UBND các xã, phường

- Quán triệt, triển khai nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, UBND tỉnh, Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh để chủ động ứng phó với mưa lũ trên địa bàn.

- Chủ động thăm hỏi, động viên gia đình có người bị nạn; quan tâm hỗ trợ các gia đình khó khăn; triển khai các chính sách hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại do mưa lũ theo quy định.

- Kiểm tra và tổ chức sơ tán ngay các hộ dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu, phòng chống ngập úng đô thị;

- Bố trí lực lượng kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết, không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người;

- Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn hạn chế thiệt hại về người, đặc biệt là các tai nạn thương tích đuối nước trước và sau lũ; nghiêm cấm người không có áo phao cứu sinh lưu thông trên các phương tiện nổi trên sông, hồ;

- Tổ chức gia cố đảm bảo an toàn cho các khu nuôi thuỷ sản, các lồng, bè trên sông và các ao, có phương án bảo vệ vật nuôi trong các trang trại chăn nuôi đảm an toàn; phương án bảo vệ diện tích hoa màu chưa thu hoạch xong;

- Chủ động đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân có nguy cơ bị chia cắt do ngập sâu, sạt lở, sẵn sàng cứu trợ cho các hộ dân có nguy cơ bị thiếu đói; xử lý khẩn cấp sạt lở bờ sông, cắm biển báo cảnh báo sạt lở, ngập sâu;

2. Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ Thập đỏ, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và các tổ chức thiện nguyện huy động lực phương tiện hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai.

3. Phòng Quản lý Đô thị chỉ đạo khôi phục nhanh hệ thống giao thông bị hư hỏng, xử lý rác thải, bùn đất trên các tuyến đường giao thông; cắm biển cảnh báo tại các điểm nguy cơ sạt lở; bố lực lượng, phương tiện xử lý kịp thời.

4. Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo vệ sinh trường lớp, khắc phục công trình bị hư hỏng; vận động hỗ trợ trang thiết bị giảng dạy, sách vở và đồ dùng học tập cho các trường học, cơ sở giáo dục bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ tạo điều kiện cho học sinh trở lại học bình thường sớm nhất.

5. Trung tâm Y tế chỉ đạo bảo đảm công tác khám, chữa bệnh cho người dân vùng ngập lũ, hướng dẫn xử lý nguồn nước sinh hoạt, xử lý môi trường, không được để phát sinh bệnh dịch sau lũ.

6. Phòng Kinh tế chỉ đạo chuẩn bị giống cây trồng, vật nuôi để phục hồi sản xuất; chủ động hướng dẫn khôi phục sản xuất sau mưa lũ; rà soát, kiểm tra hồ đập thủy lợi, kịp thời sửa chữa khắc phục sự cố hồ đập để chủ động ứng phó và bảo đảm an toàn trong những đợt mưa lũ tới. Có phương án cung ứng đủ hàng hóa, tăng cường kiểm soát thị trường, không để tình trạng khan hiếm hàng dẫn tới tăng giá bất hợp lý, tiêu thụ hàng giả, kém chất lượng; rà soát, kiểm tra, kịp thời triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn hồ đập thủy điện.

7. Phòng Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với các địa phương rà soát những hộ dân bị ảnh hưởng mưa lũ, kịp thời đề xuất hỗ trợ lương thực cho các hộ có nguy cơ thiếu đói, bảo đảm ổn định đời sống cho người dân.

8. Ban Chỉ huy Quân sự thị xã, Công an thị xã chủ động triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ vận chuyển lương thực, hàng cứu trợ, nhu yêu phẩm cho người dân, nhất là tại các khu vực còn bị chia cắt, hỗ trợ nhân dân và địa phương khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ theo đề nghị của địa phương.

9. Phòng Tài chính Kế hoạch ưu tiên cân đối, bố trí nguồn vốn từ nguồn dự phòng ngân sách thị xã, các nguồn hợp pháp khác và đề xuất UBND tỉnh, Sở Tài Chính để tập trung hỗ trợ khắc phục nhanh hậu quả thiên tai.

10. Phòng Văn hóa và Thông tin; Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao thị xã tăng cường thời lượng, tần suất phát sóng đưa tin về bão, mưa lũ để các tổ chức, đơn vị, nhân dân chủ động phòng tránh.

Tổ chức trực ban nghiêm túc sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó với mọi diễn biến xấu của thời tiết có thể xảy ra./.

Tập tin đính kèm:
Kim Huệ
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 16.481.323
Truy cập hiện tại 5.228 khách