Tìm kiếm
/UploadFiles/TuyChonLk/tailieuhdnd_230x61.png
Tìm hướng đi mới cho làng nghề tăm hương Vỹ Dạ
Ngày cập nhật 07/07/2021

Khôi phục, phát triển làng nghề tăm hương Vỹ Dạ (thôn Vỹ Xá, xã Thủy Bằng) là mong muốn của lãnh đạo thị xã Hương Thủy trước ngày xã Thủy Bằng sáp nhập, trở thành một đơn vị hành chính của TP. Huế như hiện nay.

Cơ sở sản xuất tăm hương của anh Tuấn trước đây luôn có từ 3-5 lao động làm việc mỗi ngày

Trước khi sáp nhập vào TP. Huế, tăm hương Vỹ Dạ là 1 trong 3 cơ sở của  Hương Thủy đã được công nhận Làng nghề & Nghề truyền thống. Do nhiều yếu tố, hiện trên địa bàn xã chỉ còn 1 hộ gia đình sản xuất với số lượng ít. Nghề tăm hương Vỹ Dạ đang đứng trước nguy cơ mai một rất cao.
 
Anh Ngô Đình Tuấn (thôn Vỹ Xá, xã Thủy Bằng) là người đầu tiên áp dụng công nghệ vào sản xuất tăm hương. Từ nguồn vốn khuyến nông của tỉnh và thị xã, anh đã đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại để đảm bảo chất lượng sản phẩm và giảm được nhiều khâu lao động chân tay trong quá trình sản xuất tăm hương. Nhưng sau khi đi vào hoạt động được 3 năm, cơ sở của anh Tuấn phải hoạt động cầm chừng, thậm chí có khi phải tạm dừng. “Hiện xưởng đang thiếu nhân công do người lao động chọn đi làm công nhân có thu nhập cao hơn, trong khi làm ở đây 1 ngày chỉ từ 100 - 200 ngàn đồng. Ngoài ra, nguồn nguyên liệu ngày càng khan hiếm nên xưởng chỉ sản xuất với số lượng ít vào các dịp lễ, tết”.
 
Chị Bùi Thị Hằng (thôn Vỹ Xá) - một trong những người gắn bó với tăm hương từ những ngày đầu, nay đã chuyển nghề chia sẻ: “Làm tăm hương không cho thu nhập cao, lại không đều nên tôi đã chuyển sang làm công nhân có thu nhập ổn định hơn. Một số hộ gia đình làm tăm hương nhỏ lẻ mà tôi biết cũng đã chuyển sang làm nghề khác”.
 
Không chỉ vậy, là địa phương trước đây trồng nhiều tre, nứa, nhưng do không đem lại thu nhập cao nên gần đây, nhiều hộ dân ở Thủy Bằng chuyển sang trồng cây ăn trái khiến nguồn nguyên liệu chính để sản xuất tăm hương ngày càng khan hiếm. Nhân công không có, nguyên liệu sản xuất trở nên hiếm hoi trong khi phải đối mặt với nhiều cạnh tranh về mẫu mã, giá thành…, các chủ cơ sở sản xuất tăm hương nơi đây đang đối diện trước nguy cơ nghề truyền thống của cha ông đang có nguy cơ mai một.
 
Để vực dậy làng nghề, mới đây, thị xã Hương Thủy đã vạch ra những hướng đi được xem khá khả thi. Cụ thể, thị xã sẽ tổ chức một buổi trao đổi với hộ sản xuất tăm hương cầm chừng và các hộ nay đã chuyển nghề để tìm nút thắt cùng cách tháo gỡ. Thông qua buổi trao đổi này, các hộ sẽ được đầu tư máy móc, trang thiết bị sản xuất hiện đại, đào tạo nhân lực… từ nguồn vốn khuyến công của tỉnh và thị xã.
 
Song song với hoạt động này, các phòng chức năng thị xã sẽ lên kế hoạch xây dựng thương hiệu cho làng nghề tăm hương Vỹ Dạ. Thông qua định hình được địa chỉ thương hiệu sẽ nâng tính cạnh tranh, tạo động lực để làng nghề tăm hương Vỹ Dạ khôi phục, phát triển. Và đó cũng là tâm tư, mong muốn của lãnh đạo thị xã Hương Thủy trước ngày xã Thủy Bằng sáp nhập, trở thành một đơn vị hành chính của TP. Huế như hiện nay.
Nguyễn Quý
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 16.416.616
Truy cập hiện tại 2.168 khách