Theo đó, với mục đích là: Góp phần triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào việc giải quyết chính sách trợ giúp xã hội cho người dân; đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đổi mới về tổ chức và đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực trợ giúp xã hội. Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong chi trả các chế độ, chính sách trợ giúp xã hội theo nhiều phương thức hiện đại, tiện lợi; góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ thanh toán hiện đại của nền kinh tế. Từng bước cải cách thủ tục hành chính trong chi trả chính sách trợ giúp xã hội đối với người dân; bảo đảm chi trả kịp thời, nhanh chóng, công khai, minh bạch và tiết kiệm chi phí hành chính.
Với những yêu cầu: Quy trình chi trả phải đảm bảo đơn giản, thuận lợi, dễ tiếp cận, sử dụng và phù hợp với các nhóm đối tượng chính sách và điều kiện ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; Sự quan tâm chỉ đạo của đảng ủy, chính quyền các cấp trong việc tổ chức thực hiện; Đối tượng chính sách có quyền lựa chọn hình thức chi trả phù hợp, khuyến khích đối tượng nhận qua tài khoản ngân hàng để đảm bảo mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt, với chi phí phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đối tượng hưởng lợi;
1. Xây dựng phương án thanh toán tổng thế và tăng cường mạng lưới chi trả trên địa bàn thí điểm
a) Tổ chức cung cấp dịch vụ tham gia thí điểm xây dựng phương án chi trả, bảo đảm hạ tầng và công nghệ triển khai chi trả không dùng tiền mặt, thực hiện đa dạng hóa phương thức chi trả (qua tài khoản ngân hàng, tài khoản số hoặc tiền mặt..) đảm bảo mạng lưới chi trả tại cấp xã;
b) Đối với các trường hợp đặc biệt (đau ốm, già yếu không có người để ủy quyền, không thể sử dụng được điện thoại..), đơn vị cung cấp dịch vụ có trách nhiệm chi trả tại nhà đối tượng hoặc thông qua người đại diện theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân, nhất là đối tượng về phương thức chi trả không dùng tiền mặt
a) Nội dung:
- Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của cán bộ, đảng viên, đối tượng, gia đình đối tượng và cộng đồng về việc chuyền đổi hình thức chi trả chính sách trợ giúp xã hội bằng tiền mặt sang hình thức chi trả không dùng tiền mặt cho đối tượng hưởng chính sách trợ giúp xã hội;
- Tổ chức các ngày hội tuyên truyền đến đối tượng, người giám hộ, người được ủy quyền về thay đổi phương thức chi trả không dùng tiền mặt;
- Xây dựng tài liệu và tập huấn hướng dẫn về quy trình chi trả không dùng tiền mặt cho cán bộ xã, thôn/tổ; các thủ tục, hồ sơ chuẩn bị cho việc mở tài khoản thanh toán cho đối tượng.
b) Thời gian thực hiện: tháng 02/2021
3. Tổ chức đăng ký phương thức chi trả và rà soát/cập nhật bổ sung thông tin về căn cước công dân, số điện thoại,….
a) Nội dung
- Tổ chức cho đối tượng, người giám hộ, người được ủy quyền đăng ký hình thức chi trả, đăng ký thông tin cá nhân, số điện thoại di động, cung cấp giấy chứng nhân dân/Căn cước công dân để mở tài khoản...bảo đảm đối tượng thụ hưởng chính sách trên địa bàn, người giám hộ, người được ủy quyền có đầy đủ thông tin liên quan để mở tài khoản;
- Rà soát, đối chiếu, phân loại danh sách đối tượng, người giám hộ, người được ủy quyền đảm bảo đủ điều kiện mở tài khoản hoặc thiếu giấy tờ liên quan để hướng dẫn bổ sung;
- Cấp mới, cấp đổi căn cước công dân cho đối tượng, người giám hộ, người được ủy quyền chưa có căn cước công dân.
b) Thời gian thực hiện: Hoàn thành trước tháng 3/2021.
4. Chuẩn bị hồ sơ mở tài khoản thanh toán cho đối tượng đủ diều kiện: Cơ quan thực hiện dịch vụ chi trả phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND cấp xã tổng hợp danh sách đăng ký để mở tài khoản cho đối tượng, người giám hộ, người được ủy quyền. Tổ chức cấp phát thẻ và hướng dẫn cách thức sử dụng thẻ an toàn. Thời gian hoàn thành trước tháng 3/2021.
5. Cập nhật thông tin đối tượng hưởng chế độ trợ giúp xã hội vào hệ thống phần mềm Posasoft: Phòng Lao động - Thương binh và xã hội thị xã Hương Thủy và huyện Phú Lộc phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn rà soát, chuẩn hóa thông tin đối tượng và thực hiện cập nhật đối tượng hưởng chế độ trợ giúp xã hội năm 2019, 2020 và tháng 01/2021 vào hệ thống phần mềm MIS Posasoft trước ngày 20/02/2021 nhằm phục vụ cho công tác quản lý, chi trả chế độ trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt.
6. Thực hiện chi trả cho đối tượng: Hàng tháng, phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã Hương Thủy chuyển danh sách người hưởng dưới dạng điện tử (gồm: danh sách chi trả trong tháng; danh sách tăng, giảm, điều chỉnh nếu có được trích xuất từ phần mềm MIS Posasoft hoặc phần mềm khác) đến đơn vị cung ứng dịch vụ để thực hiện chi trả chế độ trợ giúp xã hội vào tài khoản ngân hàng đối với các đối tượng có tài khoản và đăng ký nhận chế độ qua tài khoản hoặc chi trả bằng tiền mặt cho đối tượng còn lại.
Riêng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phú Lộc sử dụng tên đăng nhập (username) và mật khẩu (password) do Viettel cung cấp để truy cập hệ thống chi hộ của Viettel nhằm cập nhật danh sách người hưởng, người được ủy quyền chi trả hàng tháng lên hệ thống và thực hiện phê duyệt theo thẩm quyền để tiến hành chi trả chính sách trợ giúp xã hội vào tài khoản Viettelpay của người nhận.
Thời gian thực hiện chi trả thí điểm kể từ 01/4/2021
7. Công tác phối hợp quản lý, giám sát thực hiện và đánh giá: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các đơn vị cung ứng dịch vụ, các cơ quan liên quan thường xuyên giám sát, đôn đốc thực hiện; tổng kết đánh giá kết quả thực hiện thí điểm chi trả chính sách trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt tại thị xã Hương Thủy và huyện Phú Lộc.