Tìm kiếm
/UploadFiles/TuyChonLk/tailieuhdnd_230x61.png

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Cầu ngói Thanh Toàn lưu thông trở lại
Ngày cập nhật 08/02/2021

“Việc trùng tu cầu ngói Thanh Toàn cơ bản đã hoàn tất. Hiện chỉ chờ bàn giao và chính thức đưa vào sử dụng”, ông Võ Ngọc Thành - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực thị xã Hương Thủy thông tin.

Cầu ngói Thanh Toàn cơ bản đã hoàn tất trùng tu

Khởi công từ ngày 1/4/2020, dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 2/2021, công trình bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích lịch sử cấp quốc gia cầu ngói Thanh Toàn được UBND tỉnh phê duyệt có tổng mức đầu tư hơn 10 tỷ đồng, do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực thị xã Hương Thủy làm chủ đầu tư. Các đơn vị: Công ty CP tư vấn xây dựng số 1 Thừa Thiên Huế, Công ty CP Tu bổ Di tích Huế, Công ty TNHH Tư vấn đấu thầu xây lắp KK và Công ty TNHH Thiết bị công nghệ miền Trung đóng vai trò thầu chính và thầu phụ.
 
Trong quá trình thi công, các đơn vị liên quan tiến hành hạ giải toàn phần công trình, gia công các cấu kiện sắt, đổ bê tông cốt thép phần móng, mố trụ cầu... Sau phần đánh giá hiện trạng của các cấu kiện gỗ theo các quy chuẩn, quy định và nguyên tắc về bảo tồn, đơn vị thi công tiến hành tu bổ, phục hồi hệ thống ván sàn và kết cấu khung chính bằng gỗ lim (cột, kèo, xuyên, trến, lan can, kệ ngồi...); phục hồi hệ mái lợp bằng ngói âm ống men Thanh Lưu Ly; hệ trang trí bờ mái, bờ quyết, ô hộc, bờ nóc, con giống gắn sành sứ... theo công nghệ truyền thống; xây phục hồi hai tường đầu hồi; phục hồi nguyên gốc hai câu đối, các chi tiết trang trí gắn sành sứ và toàn bộ màu sắc tổng thể công trình bằng sơn truyền thống...
 
“Để phục vụ nhu cầu lễ hội và đảm bảo an toàn, cầu ngói Thanh Toàn còn có hệ thống điện chiếu sáng; hệ thống báo cháy tự động, thiết bị chữa cháy và hệ thống chống sét, nối đất an toàn cho công trình cùng nhà kỹ thuật gần khu vực cầu để cất giữ trang thiết bị PCCC”, ông Võ Ngọc Thành thông tin.
 
Cầu ngói Thanh Toàn xây dựng năm 1776 theo kiểu “thượng gia hạ kiều” (trên là nhà, dưới là cầu), được công nhận là di tích cấp quốc gia vào tháng 7/1990. Cầu có chiều dài 17m và chiều rộng 4m, hai bên thân cầu có hai dãy bục gỗ và lan can để ngồi tựa lưng. Trên cầu có mái che, lợp ngói ống tráng men chia làm 7 gian.
 
Bên cạnh giá trị văn hóa, lịch sử, cầu ngói Thanh Toàn còn có “nhiệm vụ” đón nhận rất nhiều lượt người qua về trên cầu, nhất là trong các dịp lễ, tết, Festival… Do vậy, việc trùng tu lần này hướng đến 2 mục tiêu: an toàn cho người qua lại trên cầu và tăng độ bền cho cầu ít nhất từ 30-40 năm.
 
Hiện, người dân và du khách đã có thể tham quan, lưu thông trên cầu ngói Thanh Toàn.
 
Một số hình ảnh trong quá trình trùng tu, lắp ráp cầu ngói Thanh Toàn:
 
 
Hạ giải toàn phần cầu ngói Thanh Toàn được tiến hành từ 1/4/2020
 
 
Ngoài tu bổ, phục hồi, một số cấu kiện gỗ được thay thế mới do mục ruỗng, có tiết diện không đảm bảo so với tiết diện gốc
 
 
Các cấu kiện gỗ được xử lý bảo quản chống mối và sơn quang truyền thống
 
 
Đổ bê tông cốt thép phần móng, mố trụ cầu
 
 
Phần nề ngõa, khảm sành sứ được đảm trách bởi các thợ có tay nghề giỏi
 
 
Trong quá trình trùng tu, có thời điểm lực lượng thi công liên tục gặp phải thời tiết xấu nên khá vất vả để hoàn thành
 
 
Trong quá trình tu bổ, nơi thờ bà Hoàng Thị Đạo bên trong cầu - người có công lớn trong việc xây cầu ngói Thanh Toàn - được sơn son thếp vàng trang trọng
 
 
Hai câu đối, các chi tiết trang trí gắn sành sứ và toàn bộ màu sắc tổng thể công trình được phục hồi nguyên gốc bằng sơn truyền thống...
 
 
Về đêm, cầu ngói Thanh Toàn càng thêm bắt mắt nhờ được trang trí đèn lồng và hệ thống chiếu sáng nghệ thuật
Hàn Đăng
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 14.466.917
Truy cập hiện tại 4.433 khách