I. Các hành vi vi phạm hành chính có liên quan đến phòng, chống dịch Covid - 19, mức xử phạt và căn cứ pháp lý
1. Không khai báo khi phát hiện người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A[1].
- Mức xử phạt: cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng.
- Căn cứ pháp lý: khoản 1 Điều 6 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế (Nghị định số 176/2013/NĐ-CP).
2. Che giấu hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.
- Mức xử phạt: phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
- Căn cứ pháp lý: điểm a khoản 2 Điều 6 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP.
3. Không thực hiện việc xét nghiệm phát hiện bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Mức xử phạt: phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
- Căn cứ pháp lý: điểm b khoản 2 Điều 6 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP.
4. Không khai báo hoặc khai báo không trung thực, kịp thời diễn biến bệnh truyền nhiễm của bản thân với thầy thuốc, nhân viên y tế được giao nhiệm vụ; không tuân thủ chỉ định, hướng dẫn phòng, chống lây nhiễm bệnh truyền nhiễm của thầy thuốc, nhân viên y tế và nội quy, quy chế của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; không đăng ký theo dõi sức khỏe với trạm y tế xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sau khi ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
- Mức xử phạt: cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.
- Căn cứ pháp lý: khoản 1 Điều 9 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP.
5. Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
- Mức xử phạt: cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.
- Căn cứ pháp lý: điểm a khoản 1 Điều 11 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP
6. Vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng, trừ vi phạm quy định tại khoản 7 Mục I Công văn này
- Mức xử phạt: phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
- Căn cứ pháp lý: điểm c khoản 1 Điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
7. Vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị
- Mức xử phạt: phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng
- Căn cứ pháp lý: điểm d khoản 1 Điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP.
8. Che dấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh truyền nhiễm đã được công bố là có dịch.
- Mức xử phạt: phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
- Căn cứ pháp lý: điểm a khoản 2 Điều 11 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP.
9. Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch.
- Mức xử phạt: phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
- Căn cứ pháp lý: điểm a khoản 4 Điều 11 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP.
10. Không tổ chức thực hiện việc cách ly y tế đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A .
- Mức xử phạt: phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
- Biện pháp khắc phục hậu quả: buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế.
- Căn cứ pháp lý: điểm a khoản 2, khoản 3 Điều 10 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP.
11. Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.
- Mức xử phạt: phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
- Biện pháp khắc phục hậu quả: buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế.
- Căn cứ pháp lý: điểm b khoản 2, khoản 3 Điều 10 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP.
12. Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm là trung gian truyền bệnh.
- Mức xử phạt: phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
- Căn cứ pháp lý: điểm b khoản 4 Điều 11 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP.
13. Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng.
- Mức xử phạt: phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
- Căn cứ pháp lý: điểm c khoản 4 Điều 11 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP.
14. Không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra vào vùng có dịch thuộc nhóm A.
- Mức xử phạt: phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
- Căn cứ pháp lý: điểm a khoản 5 Điều 11 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP.
15. Không thực hiện yêu cầu kiểm tra và xử lý y tế đối với phương tiện vận tải trước khi ra khỏi vùng có dịch trong tình trạng khẩn cấp về dịch.
- Mức xử phạt: phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
- Căn cứ pháp lý: điểm a khoản 6 Điều 11 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP.
16. Lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc;
- Mức xử phạt: phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
- Biện pháp khắc phục hậu quả: buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm.
- Căn cứ pháp lý: điểm a, điểm d khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
17. Bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân định giá
- Mức xử phạt: phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
- Biện pháp khắc phục hậu quả: buộc trả lại cho khách hàng số tiền đã thu cao hơn giá niêm yết đối với hành vi vi phạm, trường hợp không xác định được khách hàng để trả lại thì nộp vào ngân sách nhà nước.
- Căn cứ pháp lý: khoản 3, khoản 7 Điều 12 Nghị định 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn.
18. Người có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19
- Mức xử phạt: phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 07 năm.
- Căn cứ pháp lý: điều 330 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); điểm 1.9 mục 1 Văn bản số 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid – 19.
II. Một số lưu ý khi tiến hành trình tự, thủ tục xử phạt
1. Mức phạt tiền nêu tại Mục I Công văn này là mức phạt tiền đối với cá nhân (trừ hành vi Lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid -19; lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc).
Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Một người vi phạm có thể bị áp dụng nhiều chế tài xử phạt hành chính khác nhau tùy thuộc hành vi vi phạm do họ thực hiện.
2. Thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế: Được quy định cụ thể tại Điều 89 đến Điều 93 của Nghị định 176/2013/NĐ-CP. Thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử: Được quy định cụ thể tại Điều 114 đến Điều 119 của Nghị định 15/2020/NĐ-CP. Thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường: Được quy định cụ thể tại Điều 48 đến Điều 51 của Nghị định 155/2016/NĐ-CP.
Thẩm quyền xử phạt tiền của các chức danh này là thẩm quyền đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Trong trường hợp phạt tiền thẩm quyền xử phạt tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền xử phạt cá nhân.
3. Thẩm quyền phạt tiền được xác định căn cứ vào mức tối đa của khung tiền phạt quy định đối với từng hành vi vi phạm cụ thể.
4. Khi thực hiện về xử phạt vi phạm hành chính phải đảm bảo theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền, thời hạn, thời hiệu, mức phạt và các nội dung khác theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, các văn bản hướng dẫn thi hành và các văn bản pháp luật có liên quan.
5. Đối với hình thức phạt tiền: mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt.
6. Việc ghi nhận tình tiết giảm nhẹ/tình tiết tăng nặng phải đảm bảo đúng, đầy đủ theo quy định tại Điều 9, Điều 10 và quyền giải trình của cá nhân/tổ chức vi phạm phải phù hợp theo quy định tại Điều 61 Luật xử lý vi phạm hành chính.
7. Áp dụng đúng và đầy đủ các chế tài mà Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính đã quy định đối với hành vi vi phạm hành chính gồm: Hình thức xử phạt (hình thức xử phạt chính và các hình thức xử phạt bổ sung); biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm.
8. Trong quá trình lập biên bản vi phạm hành chính phải áp dụng đúng mẫu biên bản theo quy định; ghi nhận đầy đủ, chính xác các nội dung trong biên bản.
9. Trong trường hợp người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính giao cho cấp phó thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thì phải thực hiện giao quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, sử dụng mẫu văn bản giao quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật (Mẫu MQĐ29 - Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 của Chính phủ).
III. Chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự
Khi xem xét vụ việc vi phạm để quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc trong quá trình thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu hành vi vi phạm được phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì người có thẩm quyền xử phạt phải chuyển ngay hồ sơ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự theo quy định tại Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
IV. Về một số hành vi vi phạm pháp luật phổ biến có đủ yếu tố cấu thành tội phạm trong phòng, chống dịch bệnh
Thực hiện theo hướng dẫn tại Văn bản số 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid – 19 (Gửi đính kèm Công văn này).
V. Đề nghị các Sở, Ban, ngành cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, căn cứ quy định của pháp luật hiện hành tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, kịp thời phát hiện, khẩn trương xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Riêng đối với Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo, triển khai các nội dung nêu tại Công văn này đến các phòng, ban, đơn vị trực thuộc và Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn trên địa bàn để triển khai thực hiện.