Tìm kiếm
/UploadFiles/TuyChonLk/tailieuhdnd_230x61.png

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Bà Huệ chổi đót
Ngày cập nhật 12/08/2020

Không chỉ thoát nghèo vươn lên làm giàu, từ chổi đót, bà Nguyễn Thị Huệ (DNTN Dũng Huệ, phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy) còn giúp hàng chục hoàn cảnh khó khăn, nhất là những phụ nữ khuyết tật ở địa phương có công việc, thu nhập ổn định.

Bị khuyết tật, gia đình lại khó khăn nên cuộc sống chị Nguyễn Thị Bé (phường Thủy Phương) rất chật vật. Để không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội, nhiều lần chị đi tìm việc làm nhưng không tìm được công việc phù hợp, nhiều lúc chị có suy nghĩ mặc kệ số phận. Đến năm 2010, khi bà Nguyễn Thị Huệ (tổ 8 phường Thủy Phương) thành lập DNTN Dũng Huệ chuyên kinh doanh chổi đót và nhận chị Bé vào làm, cuộc sống và suy nghĩ của chị rẽ sang hướng khác, tích cực hơn.
 
“Khi nhận tôi vào làm, bà Huệ bày vẽ cặn kẽ từng công đoạn từ bẻ đót cho đến lúc cây chổi hình thành. Có được nghề, kiếm ra tiền một tháng từ 3-4 triệu đồng mà không quá nặng nhọc, tất cả đều nhờ công sức và tình cảm của vợ chồng bà Huệ dành cho những người có hoàn cảnh khó khăn như chúng tôi”, chị Bé xúc động nói.
 
 
Làm công cho bà Huệ chủ yếu là người già, người tàn tật ở địa phương
 
Nhà nghèo, làm dâu nhà nghèo, sau thời gian cùng chồng xoay sở từ nấu rượu đến nuôi heo, từ những lần tham gia các buổi sinh hoạt của Chi hội phụ nữ tổ 8 mục đích chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, cách làm để phát triển kinh tế cùng một số lớp tập huấn, hy vọng thoát nghèo mà bà Huệ ấp ủ ngày càng mãnh liệt. Mạnh dạn bàn với chồng lấy nghề làm chổi đót của gia đình chồng làm chìa khóa để thoát nghèo, năm 1993, những chiếc chổi đót đầu tiên của vợ chồng bà Huệ với mẫu mã đẹp, bền chắc trên cơ sở chiếc chổi mẹ chồng truyền nghề đã ra đời. Nhờ nắm bắt được thị hiếu cũng như chất lượng sản phẩm được thị trường công nhận, từ việc ban đầu tiêu thụ ít và loanh quanh địa bàn thị xã, dần dà, những chiếc chổi đót của bà Huệ đã có mặt ở Quảng Bình, Hà Tĩnh, TP. Hồ Chí Minh… 
 
Từ thành công bước đầu, đến năm 2010, bà Huệ bàn với chồng vay thêm nguồn vốn và tranh thủ thêm sự hỗ trợ của gia đình để thành lập DNTN Dũng Huệ, đồng thời, mở rộng nhà kho, xưởng làm việc, mở rộng thị trường tiêu thụ, thuê thêm nhân công, đa dạng hóa sản phẩm. Và cũng từ đây, DNTN Dũng Huệ đã tạo cơ hội cho hàng chục người sức khỏe yếu, khuyết tật, cao tuổi… có công ăn việc làm phù hợp, thu nhập ổn định. “Từ năm 2015 đến nay, doanh nghiệp thường xuyên giải quyết việc làm cho 25-30 nhân công trên địa bàn, cao điểm những tháng mùa vụ từ 30-40 nhân công tham gia, với mức lương từ 3-4 triệu đồng/tháng, giúp nhiều phụ nữ khuyết tật, phụ nữ cao tuổi và sinh viên những lúc nghỉ hè có thêm thu nhập, chi phí cho sinh hoạt, học tập”, bà Huệ nói.
 
Với việc không ngừng nâng cao chất lượng, đổi mới phương thức kinh doanh, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, hiện, thị trường chổi đót, chổi rành của DNTN Dũng Huệ đã mở rộng ra các tỉnh, thành phía Nam, phía Bắc, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đấy.
 
“Trong những tháng qua, tuy Covid-19 đã ảnh hưởng đến công việc nhưng với những kế hoạch cụ thể, bà Huệ và chồng đã sớm khôi phục lại tình hình sản xuất kinh doanh và chúng tôi vẫn có được việc làm, thu nhập ổn định như trước”, chị Trần Thị Thiếu, một phụ nữ khuyết tật ở phường Thủy Phương chia sẻ.
 
Hiện, DNTN Dũng Huệ đã tham gia nhãn hiệu tập thể Làng nghề chổi đót Thanh Lam. Và để tiếp tục duy trì, góp phần phát triển làng nghề truyền thống, giải quyết nhiều hơn nữa lao động địa phương, nhất là với những người có hoàn cảnh khó khăn, bà Huệ mong rằng, bên cạnh có thêm nhiều lớp tập huấn nâng cao kiến thức, đào tạo nghề cho phụ nữ, thì chính quyền địa phương nên quan tâm nhiều hơn nữa đến chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giúp người dân có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Thảo Hiền
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 14.608.759
Truy cập hiện tại 1.478 khách