Tìm kiếm
/UploadFiles/TuyChonLk/tailieuhdnd_230x61.png

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Tín dụng chính sách xã hội là “điểm sáng” và là một trong những “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn thị xã Hương Thủy
Ngày cập nhật 06/12/2022

Thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, Quyết định 131/2002/QĐ-TTg ngày 04/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ thành lập Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), cùng với sự ra đời của hệ thống NHCSXH trên cả nước, NHCSXH huyện Hương Thủy (nay là thị xã) được thành lập theo Quyết định số 628/QĐ-HĐQT ngày 10/5/2003 của Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam.

Sau 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, cấp ủy Đảng, Chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội, Ban đại diện Hội đồng quản trị và NHCSXH thị xã đã đạt được những mục tiêu đặt ra đó là: tập trung nguồn lực, tạo bước đột phá trong công tác giảm nghèo; nâng cao chất lượng và hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội; tách tín dụng chính sách ra khỏi tín dụng thương mại; huy động lực lượng toàn xã hội tham gia vào mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, góp phần xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Những kết quả đạt được trong 20 năm qua đã khẳng định vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của thị xã, là công cụ, giải pháp có tính căn cơ, lâu dài để Thị ủy, HĐND, UBND thị xã thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, phục hồi, phát triển kinh tế nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Thành tựu của tín dụng chính sách có thể được đánh giá là “điểm sáng” và là một trong những “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo của Việt Nam.

Đặc biệt, từ năm 2020, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động toàn diện đến nền kinh tế đất nước, ảnh hưởng nặng nề đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội và khả năng thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH hằng năm và 5 năm 2021 - 2025. Theo đó, ngày 30/01/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. NHCSXH được giao triển khai thực hiện 6 chương trình tín dụng ưu đãi và hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 02 năm 2022-2023 đối với các khoản vay có lãi suất cho vay trên 6%/năm và được Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân trong giai đoạn 2022-2023.

Theo đó, ngoài nguồn vốn đã được phân bổ cho các chương trình tín dụng, Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Hương Thủy cũng được bổ sung 42,88 tỷ đồng để triển khai thực hiện các chương trình tín dụng năm 2022 theo Nghị quyết 11/NQ-CP.

Nhằm triển khai thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng để hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách khác vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Ngay từ những ngày đầu được phân bổ nguồn vốn, NHCSXH thị xã Hương Thủy đã phối hợp với các phòng, ban, ngành, địa phương tập trung huy động mọi nguồn lực để tổ chức triển khai thực hiện cho vay kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng thụ hưởng, công khai, minh bạch giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác dễ dàng tiếp cận chính sách. Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền về chính sách tín dụng ưu đãi góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đến các cấp, các ngành, người lao động và nhân dân biết, tổ chức thực hiện và giám sát.

Nhờ làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, đến nay phần lớn thông tin về các chương trình tín dụng mới, các chương trình tín dụng ưu đãi chính sách thực hiện theo Nghị quyết 11/NQ-CP trên địa bàn thị xã Hương Thuỷ đã được người dân trên địa bàn tiếp cận và tham gia thụ hưởng bắt đầu từ cuối tháng 04/2022. Đến nay, NHCSXH thị xã Hương Thuỷ đã giải ngân cho vay 04 chương trình tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết 11/NQ-CP với số tiền hơn 42 tỷ đồng với gần 500 khách hàng tham gia vay vốn, trong đó giải ngân chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho gần 370 khách hàng số tiền 20 tỷ đồng, chương trình cho vay HSSV có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến 80 khách hàng với số tiền 800 triệu đồng, chương trình Nhà ở xã hội với 48 khách hàng số tiền gần 22 tỷ đồng, chương trình cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất 01 tháng theo yêu cầu phòng, chống dịch 1 cơ sở số tiền 80 triệu đồng.

Với việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ đến các đối tượng vay vốn kịp thời đã góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương, nhiều gia đình bộ đội, công an, sĩ quan, công chức, viên chức, công nhân và người lao động trên địa bàn thị xã có cơ hội tiếp cận vốn vay ưu đãi để xây dựng nhà ở an toàn, ổn định an cư lạc nghiệp và học sinh, sinh viên có máy tính để học tập. Từ đó, góp phần cùng thị xã thúc đẩy phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19.

Thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã tiếp tục phối hợp với các phòng, ban, ngành, địa phương tập trung huy động mọi nguồn lực để thực hiện cho vay kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng thụ hưởng, công khai, minh bạch giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác dễ dàng tiếp cận chính sách. Đồng thời sau khi giải ngân, Phòng giao dịch sẽ phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền địa phương kiểm tra, giám sát để các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước, tránh trục lợi chính sách.

Bùi Thị Lệ Tình -- Ngân hàng CSXH thị xã Hương Thủy
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 14.611.033
Truy cập hiện tại 2.079 khách