Tìm kiếm
/UploadFiles/TuyChonLk/tailieuhdnd_230x61.png
Kinh tế đô thị: Đôi điều về những hạn chế của thị xã Hương Thủy trong tương lai gần
Ngày cập nhật 31/03/2014

 Thị xã Hương Thủy đã trở thành một đô thị. Sự thay đổi hành chính vẫn thường là sự khởi đầu cho những thay đổi lớn hơn. Trong đó, có những thay đổi từ các mô hình kinh tế nông thôn chuyển dần qua các mô hình kinh tế đô thị. Tuy nhiên, ở cạnh một thành phố ngày càng phát triển, kinh tế đô thị ở thị xã Hương Thủy gặp những bất lợi nhất định.

 Hơn 4 năm, kể từ khi có quyết định thành lập, thị xã Hương Thủy có những dấu ấn nhất định trên quá trình phát triển của mình. Từng bước thay đổi tích cực từ những mô hình quản lý, mô hình kinh tế đang cho phép Hương Thủy nghĩ về những bước phát triển mạnh mẽ hơn. Lựa chọn con đường phát triển theo hướng công nghiệp và dịch vụ đang trở thành con đường chủ yếu để Hương Thủy chuyển mình. Tuy nhiên, sự chuyển mình với công nghiệp và dịch vụ thì Hương Thủy vẫn mang các đặc điểm dễ nhận thấy.

Trước hết, về công nghiệp, khu công nghiệp Phú Bài trực thuộc sự quản lý trực tiếp từ tỉnh (thành phố tương lai) thì cụm công nghiệp và làng nghề Thủy Phương – có thể còn mở rộng trong tương lai, sẽ trở thành khu công nghiệp chủ đạo để thị xã Hương Thủy thu hút đầu tư. Cụm khu công nghiệp và làng nghề này lại gặp phải sự bất lợi khi đầu tư. Đó là, muốn đầu tư xây dựng các nhà máy lớn, doanh nghiệp phải tốn chi phí san ủi mặt bằng khá lớn vì đặc điểm chủ yếu của địa hình ở khu vực này là những ngọn đồi. Nếu phát triển về phía Nam, dọc theo đường tránh phía Tây của thành phố và thị xã Hương Thủy thì lại lấn cấn với vùng đất thuộc diện quốc phòng. Như vậy, để phát triển cụm công nghiệp và làng nghề Thủy Phương thành khu công nghiệp Thủy Phương đòi hỏi những cơ chế khác, chính sách khác có tính ưu tiên về đất đai, bên cạnh sự ưu tiên về đầu tư cho doanh nghiệp.
Đa phần các doanh nghiệp vào đầu tư ở tiểu khu công nghiệp Thủy Phương là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngay tại Hương Thủy, không có quá nhiều doanh nghiệp để lấp các khoảng trống mặt bằng ở tiểu khu công nghiệp này. Tất nhiên, có những doanh nghiệp doanh nghiệp từ các nơi khác về đầu tư. Nhưng, tiểu khu công nghiệp này không phải là duy nhất để doanh nghiệp lựa chọn. Các huyện, thị xã khác của Thừa Thiên Huế cũng có những tiểu khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề. Với thị xã Hương Thủy, xây dựng chính sách ưu đãi riêng dường như là con đường tất yếu để cạnh tranh. 
Thứ hai, về dịch vụ, vì nằm sát thành phố và không có vùng đệm, các dịch vụ được đưa về thị xã Hương Thủy càng khó khăn, trừ phi trong tương lai, sự phát triển về phía Nam của thành phố đòi hỏi vai trò lớn hơn của thị xã Hương Thủy trong sự hỗ trợ phát triển dịch vụ cho thành phố. Đơn cử như hệ thống lưu trú với khách sạn, nhà nghỉ. Khách sạn với Hương Thủy là sự xa xỉ, bởi lẽ, cả một thành phố Huế đầy khách sạn thế kia thì mấy ai về Hương Thủy để lưu trú ? Vì thế, xây dựng khách sạn ở Hương Thủy, trong tương lai gần, vẫn là điều gì đó chưa nằm trong kế hoạch của các doanh nghiệp du lịch.
Một lần, trao đổi cùng một chủ doanh nghiệp du lịch (xin được dấu tên), được biết, sự lựa chọn lưu trú ở thành phố Huế đã là sự lựa chọn thứ hai sau thành phố Đà Nẵng và doanh nghiệp của ông đã rất khó khăn để duy trì lượng khách lưu trú ở cơ sở của mình. Đó là tình cảnh của nhiều cơ sở lưu trú khác. Sẽ càng khó khăn hơn cho Thừa Thiên Huế về sau khi đường cao tốc nối các tỉnh miền Trung hình thành và hầm đường bộ qua đèo Phước Tượng, Phú Gia hoàn thiện. Khi đó, sự rút ngắn thời gian di chuyển sẽ làm tăng lựa chọn lưu trú tại Đà Nẵng của du khách, thành phố Huế sẽ phải cạnh tranh với Đà Nẵng thì trên tổng thể, các cơ sở lưu trú ở thị xã Hương Thủy sẽ càng ít được nghĩ tới. Điều đó chỉ thay đổi theo hướng có lợi khi sự phát triển quá mạnh mẽ về du lịch ở Thừa Thiên Huế đòi hỏi nhu cầu lưu trú lớn và Hương Thủy trở thành địa điểm đầu tư xây dựng các cơ sở như vậy.
Dịch vụ thì phải đi kèm với con người. Nhưng, ít người quá thì dịch vụ có lẽ phải nằm chờ. 
Với các dịch vụ khác, dường như, thành phố Huế luôn trở thành trung tâm của sự lựa chọn, còn thị xã Hương Thủy chỉ là vùng ngoại biên. Vì thế, việc xây dựng các dịch vụ ở Hương Thủy vẫn phải nằm trên bàn cân để doanh nghiệp tính toán. Bài học khu du lịch ở hồ Thủy Tiên, xã Thủy Bằng, vẫn còn đó, để các dịch vụ mở ra không phải vấp vào hoàn cảnh mở thì có mà sống thì không. Dẫu có nhiều dịch vụ khác nhau, nhưng, tìm ra dịch vụ có thế mạnh để tập trung vào vẫn là dấu hỏi. 
Hương Thủy không có lợi thế là tâm điểm của các di tích lịch sử, văn hóa, và các danh thắng, cũng không phải là nơi có dân cư quá đông đúc. Cho nên, lĩnh vực công nghiệp thì có thể dựa vào để phát triển, còn dịch vụ thì còn phải chờ. Cái khó lớn nhất của thị xã Hương Thủy là địa phương ít lợi thế bên cạnh một địa phương có nhiều thuận lợi và có nền tảng từ trước. Làm sao để phát triển công nghiệp và dịch vụ sẽ là câu hỏi lớn và tồn tại khá dài đối với thị xã Hương Thủy ?
 
Đình Đính-huongthuy.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 15.931.102
Truy cập hiện tại 7.079 khách