Tìm kiếm
/UploadFiles/TuyChonLk/tailieuhdnd_230x61.png
Một số giải pháp tăng cường góp phần thực hiện tốt công tác dân vận ở Đảng bộ thị xã Hương Thủy
Ngày cập nhật 25/03/2014

Thời gian qua, nhận thức tầm quan trọng của công tác dân vận trong tình hình mới, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội thị xã Hương Thủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận, đạt được những kết quả quan trọng. Nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy. Vì vậy, được nhân dân đồng tình hưởng ứng và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.

Nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với công tác vận động nhân dân được đổi mới. Hệ thống tổ chức Mặt trận và các đoàn thể chính trị xã hội thường xuyên được kiện toàn, củng cố; giữ vai trò nòng cốt trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; tích cực đổi mới phương thức hoạt động và các hình thức vận động nhân dân; tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, xây dựng nông thôn mới. Quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân được chăm lo, bảo vệ; công tác tập hợp, phát triển đoàn viên, hội viên được chú trọng.
Tuy nhiên, qua quá trình lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác dân vận vẫn còn một số hạn chế, khuyết điểm: Việc xây dựng và triển khai thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị các Đảng và các cấp ủy về công tác dân vận có lúc thiếu kịp thời; việc nắm bắt tình hình tư tưởng, nguyện vọng, dư luận của một bộ phận nhân dân có lúc chưa đầy đủ. Sự phối hợp trong công tác vận động quần chúng giữa các ban, ngành trên một số lĩnh vực chưa đồng bộ, công tác tham mưu có lúc thiếu kịp thời. Hoạt động của Mặt trận, các đoàn thể, nhất là ở một số xã, phường chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác dân vận trong thời kỳ mới.
Công tác dân vận trong các cơ quan Nhà nước chưa được quan tâm đúng mức. Một bộ phận cán bộ, công chức vẫn còn biểu hiện sự quan liêu, hách dịch, sách nhiễu và thiếu tôn trọng nhân dân trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, việc tiếp nhận hẹn trả kết quả tại bộ phận cải cách một cửa còn chậm so với thời gian quy định, nhất là trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử đất. Việc nêu gương của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý có lúc chưa nghiêm. Thực hiện quy chế dân chủ trong các doanh nghiệp hiệu quả chưa cao.
Quán triệt tinh thần Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03/6/2013 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), Nghị quyết số 18-NQ/TU, ngày 07/10/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XIV về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới, với những quan điểm mới, đó là: "Phương thức lãnh đạo công tác dân vận của Đảng phải gắn liền với công tác xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Mọi quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước phải phù hợp với lợi ích của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu để nhân dân tin tưởng, noi theo. Quan điểm này vừa xác định rõ công tác dân vận là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng Đảng, Nhà nước, vừa quán triệt sâu sắc tư tưởng "lấy dân làm gốc" khi quyết định, ban hành các chủ trương, chính sách…”, Ban Dân vận Thị ủy đã tham mưu Thị ủy cụ thể hóa bằng Chương trình hành động sát hợp để thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương và Tỉnh ủy, tăng cường chỉ đạo khối dân vận từ thị xã đến cơ sở triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra; trong đó cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận được thể hiện ở việc kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" gắn với các cuộc vận động, chỉnh đốn, xây dựng Đảng. Đồng thời, phát huy sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, để Đảng thực sự giữ vững vai trò tiền phong, gương mẫu của mình trước nhân dân.
Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước, Mặt trận, đoàn thể nắm vững, kiên định với mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ công tác dân vận trong bối cảnh hiện nay tạo động lực để các tầng lớp nhân dân đóng góp tích cực vào sự phát triển KT-XH. Xác định rõ trách nhiệm công tác dân vận là của cả hệ thống chính trị, của mọi cán bộ đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, các đoàn thể nhân dân, cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang. Trong đó, Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, Mặt trận, đoàn thể làm tham mưu và nòng cốt. Phát hiện, bồi dưỡng kỹ năng vận động nhân dân cho những người có uy tín trong cộng đồng dân cư, trong họ tộc, tạo điều kiện để họ tham gia tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo sự lan tỏa, sức sống của công tác dân vận trong tình hình mới.
Hai là, quan tâm đẩy mạnh công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước; chú trọng triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở một cách nề nếp, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đổi mới lề lối làm việc, nâng cao trình độ văn hóa giao tiếp, ứng xử cho cán bộ, công chức, viên chức trong mối quan hệ với nhân dân nhằm tăng cường chỉ số hài lòng của nhân dân. Công khai các quy định cụ thể về trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức để nhân dân biết và giám sát. Chủ động nắm tình hình, tăng cường tiếp xúc đối thoại với nhân dân, tập trung giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc trong nhân dân và cộng đồng như về nhà ở, đất ở; đất nông nghiệp, chính sách về thu hồi đất, bồi thường, giải tỏa mặt bằng, tái định cư, xây dựng nông thôn mới, chỉnh trang và phát triển đô thị, giải quyết kịp thời chế độ chính sách an sinh xã hội trên địa bàn thị xã. Xây dựng hình ảnh người cán bộ tận tụy với công việc, trách nhiệm, thân thiện và quý trọng nhân dân.
Nâng cao năng lực quản lý, điều hành và vận động nhân dân của chính quyền các cấp, xây dựng bộ máy chính quyền trong sạch vững mạnh, thực sự là chính quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Ba là, đổi mới nội dung phương thức hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội, các hội quần chúng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, hướng về cơ sở, đa dạng hình thức tập hợp đoàn viên, hội viên và nhân dân, khắc phục hành chính hóa trong hoạt động; thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của đoàn viên viên, hội viên và nhân dân. Tăng cường lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, "dân vận khéo", tăng cường phối hợp giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị về công tác dân vận...nhằm phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn thị xã.
Bốn là, quan tâm công tác xây dựng, củng cố tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, mặt trận và các đoàn thể, nâng cao chất lượng tham mưu về công tác dân vận ở các cấp ủy. Chú trọng đào tạo cán bộ tham mưu sâu về các lĩnh vực công tác dân vận, nhất là công tác tôn giáo, vận động trí thức, doanh nhân trong tình hình mới; quan tâm cán bộ không chuyên trách, chú ý luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ, chú trọng cán bộ trẻ, cán bộ nữ có năng lực thực tiễn và kỹ năng công tác dân vận.
Kiện toàn tổ chức, bộ máy và cán bộ của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội theo hướng tinh gọn, đáp ứng yêu cầu về trình độ lý luận, năng lực thực tiễn và kỹ năng công tác vận động nhân dân. Coi trọng cán bộ công tác ở vùng khó khăn, vùng đồng vùng đồng bào có đạo, xây dựng đội ngũ cán bộ cốt cán trong tôn giáo, quan tâm cán bộ làm công tác mặt trận, các đoàn thể thôn, tổ dân phố.
Năm là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận. Thường xuyên nắm bắt tình hình đời sống tâm tư nguyện vọng của nhân dân để có chủ trương, biện pháp xử lý đúng đắn những hạn chế tồn tại. Kịp thời động viên, biểu dương, khen thưởng và nhân rộng các tập thể thể, cá nhân điển hình trong công tác vận động quần chúng trong tình hình mới. Đồng thời kiểm điểm, phê bình những tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm, có hành vi vi phạm.
Sáu là, căn cứ tình hình thực tế địa phương cơ sở cần đổi mới công tác học tập, quán triệt Nghị quyết theo ba công đoạn: thứ nhất triển khai việc quán triệt nội dung nghị quyết ngắn gọn, súc tích, đầy đủ, nhấn mạnh những vấn đề thiết thực gắn liền với quyền và nghĩa vụ của người dân; thứ hai tổ chức thảo luận tại chi bộ để cán bộ, đảng viên nói lên chính kiến của mình cũng như tìm hiểu sâu hơn tinh thần của nghị quyết; thứ ba tổ chức giải đáp để tạo sự nhận thức sâu sắc hơn nội dung của Nghị quyết. Nội dung và cách thức phát động các phong trào thi đua yêu nước cũng cần được quan tâm nghiên cứu đổi mới theo hướng: Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân bám sát nhiệm vụ chính trị, nắm bắt lợi ích chính đáng của các tầng lớp nhân dân để xác định nội dung và lựa chọn cách thức vận động sát với thực tế của địa phương, đơn vị với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng, thời điểm; sáng tạo trong lồng ghép, kết hợp các phong trào thi đua, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong nhân dân…
Dưới sự lãnh đạo của Thị ủy Hương Thủy, tin rằng với những gì chúng ta làm được trong thời gian qua, cùng với sự vận dụng sáng tạo những giải pháp đề ra về công tác dân vận trong năm 2014, chắc chắn sẽ tiếp tục gặt hái được những thành công mới, góp phần xây dựng thị xã Hương Thủy ngày càng phát triển bền vững, xứng tầm là một trong những khu kinh tế động lực của Tỉnh, phấn đấu xây dựng Thừa Thiên Huế sớm trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương./.
 

Lê Thị Hòa - UVTV, Trưởng Ban Dân vận Thị ủy
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 15.930.996
Truy cập hiện tại 7.012 khách