Tìm kiếm
/UploadFiles/TuyChonLk/tailieuhdnd_230x61.png
Những con người góp phần làm nên chiến công đại thắng mùa xuân 1975
Ngày cập nhật 25/03/2014

Kỷ niệm 39 năm ngày giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế (26/3/1975 - 26/3/2014), hướng đến kỷ niệm 39 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2014), những người con anh dũng của thị xã Hương Thủy lại có dịp gặp nhau, ôn lại những chiến công hào hùng của thời chiến tranh đạn lửa.

Tại Nhà thờ liệt sĩ phường Thủy Phương, sáng ngày 23/3/2014, Hội Trường Sơn phường Thủy Phương -  bao gồm những chiến sĩ cách mạng đã trực tiếp tham gia cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ cách đây 39 năm- đã tổ chức lễ kỵ, dâng hương cho các anh hùng liệt sĩ. Mỗi người bây giờ mỗi công việc, mỗi hoàn cảnh khác nhau nhưng đều có một quá khứ hào hùng, những ngày cùng kề vai sát cánh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước với nhiệm vụ cao cả rất đỗi thiêng liêng cần phải hy sinh cả máu, một phần thân thể hoặc tình cảm riêng tư để hoàn thành trách nhiệm được giao. Trong sự nghiệp xây dựng quê hương, có người đã từng giữ vai trò lãnh đạo cao nay đã nghỉ hưu như đ/c Nguyễn Văn Cường - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đ/c Nguyễn Văn Mễ - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh; anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Thị Lài cùng nhiều đồng chí khác... vẫn không thể nào quên những năm tháng hào hùng để rồi hàng năm vào dịp kỷ niệm giải phóng quê hương lại tụ họp về đây ôn lại kỷ niệm xưa, động viên, giúp đỡ nhau trong cuộc sống đồng thời gặp gỡ những thế hệ hôm nay để góp ý kiến xây dựng quê hương giàu mạnh. Buổi lễ kỷ niệm năm nay còn có sự có mặt của Mẹ VNAH Nguyễn Thị Tuyết, đ/c Lê Ngọc Sơn - Phó Bí thư thường trực Thị ủy, đ/c Nguyễn Văn Phú - UVTV, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thị ủy; đ/c Lê Văn Chung - Phó Chủ tịch UBND thị xã; đại diện các ban, ngành liên quan, lãnh đạo phường Thủy Phương cùng hơn 100 hội viên hội Trường Sơn, đặc biệt còn có sự hiện diện của đại diện thân nhân các anh hùng liệt sĩ trên địa bàn thị xã.


 Những người bạn chiến đấu thăm hỏi, động viên nhau

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ở mảnh đất vành đai bảo vệ thành phố Huế, lực lượng địch dày đặc đánh phá vô cùng ác liệt với các chiến dịch “tố cộng”, các chiến lược chiến tranh vô cùng khốc liệt của Mỹ ngụy cho đến trước ngày đại thắng mùa xuân 1975, nhiều tấm gương chiến sĩ đã hy sinh anh dũng như liệt sĩ Nguyễn Thanh Lam (tức Ái) đã bám trụ quê hương thời đen tối, phải “đi không dấu, nấu không khói, nói không lời”, khôi phục xây dựng lại phong trào cách mạng quê hương sau những năm khó khăn tạm lắng; anh hùng Nguyễn Viết Phong “lá cờ đầu diệt Mỹ tại Trị Thiên Huế”; anh hùng liệt sĩ Nguyễn Đình Xướng, Nguyễn Văn Chư, Nguyễn Duy Luật, Nguyễn Văn Chính, dũng sĩ Lê Minh Đức ... đã chiến đấu đến viên đạn và giọt máu cuối cùng. Qua 30 năm kháng chiến ròng rã để bảo vệ Tổ quốc, giải phóng quê hương, đã có hơn 1.000 nam nữ thanh niên xã Mỹ Thủy lên đường tham gia lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó có 514 liệt sĩ đã hy sinh. Trên địa bàn xã đã diễn ra nhiều trận đánh ác liệt giữa ta và địch, ghi dấu nhiều chiến công hiển hách của quân và dân Mỹ Thủy. Đặc biệt, trận đánh ở Ấp 5 đã tiêu diệt nhiều quân địch mà giờ đây những chiến sĩ Hội Trường Sơn đã đóng góp sức người, sức của xây dựng Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong trận đánh này.


 Đền thờ liệt sĩ phường Thủy Phương


Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước, xã Mỹ Thủy là một trong những địa phương được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang sớm nhất tỉnh. Ông Nguyễn Quốc Huy - Trưởng Ban liên lạc Hội Trường Sơn cho biết: “Hội Trường Sơn ra đời với 4 tiêu chí hoạt động. Đó là cùng nhau động viên giúp đỡ nhau trong cuộc sống, giũ gìn phẩm chất của anh “Bộ đội Cụ Hồ”; giáo dục các thế hệ con cháu tinh thần yêu quê hương, đất nước; tham gia chăm sóc các phần mộ liệt sĩ, quyết tâm tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ ở rải rác các nơi về quê nhà, quan tâm, thăm hỏi động viên gia đình con em liệt sĩ; tổ chức các hoạt động tham quan, tưởng niệm các di tích anh hùng liệt sĩ trong và ngoài tỉnh”.

Thành kính tri ân các anh hùng liệt sĩ


Xã Mỹ Thủy nay đã là phường Thủy Phương. Huyện Hương Thủy nay đã là Thị xã Hương Thủy đã có lớp cán bộ lãnh đạo trụ cột của tỉnh nhà, là những người tiên phong trong các trận đánh làm nức lòng cả nước. Ngậm ngùi nhớ đến những người đã hy sinh, các ông, các bác, các cô chú cũng không thể nào quên những chiến công vang dội năm nào. Ông Võ Văn Lâm, một thương binh hạng 4/4 đã rất kiên cường trong chiến đấu, nay trong lao động sản xuất lại rất chịu khó, nghị lực xây dựng nên cơ ngơi của mình giữa chốn núi rừng hoang vu (thôn Lương Miêu, xã Dương Hòa). Với chiến công dũng cảm của mình, ông hiện đang được BCH QS thị xã và các ban, ngành chức năng làm hồ sơ đề nghi Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Nói chuyện cùng tôi, ánh mắt ông lấp lánh niềm vui bởi được sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước.
Điều đặc biệt của buổi lễ tưởng niệm, gặp mặt năm nay là sự có mặt của những người lính Tiểu đoàn 802 (sau này là Trung đoàn 6 Phú Xuân anh hùng). Các bác, các chú đang trên đường vào thực hiện các thủ tục để tìm thân nhân liệt sĩ, đặc biệt là tìm thân nhân 27 liệt sĩ hy sinh tại trận quyết đấu trên địa bàn khu ấp 5 xã Mỹ Thủy (nay là phường Thủy Phương). Đại tá Vũ Đức Hộ, nguyên chính ủy Trung đoàn 6 Phú Xuân, Đại tá Thái Anh Tùng, nguyên Trung đoàn trưởng, Đại tá Phan Ngọc Nhiễm, Trung đoàn phó và Đại tá Nguyễn Khánh Vân, cán bộ Tuyên huấn Trung đoàn đã rất xúc động khi về lại mảnh đất chiến trường xưa, gặp lại những người chiến sĩ đồng cam cộng khổ năm nào. Các bác, các anh là những người con từ quê hương đất Bắc như Ninh Bình, Hưng Yên, Tuyên Quang đã có thời chiến đấu hào hùng ở mảnh đất Trị Thiên Huế, nay thuộc Ban liên lạc Trung đoàn 6 vẫn không quên quá khứ hào hùng ấy và vẫn đau đáu một nỗi niềm tìm lại người thân cho những liệt sĩ chưa có thân nhân tìm gặp hoặc giúp các gia đình có con em hy sinh được hưởng chế đọ, chính sách do Nhà nước quy định. Trong dịp này, Ban liên lạc sẽ liên hệ công việc một cách tích cực để xác nhận AND cho 27 liệt sĩ hy sinh tại Ấp 5 xã Mỹ Thủy (Thủy Phương). Đại tá Nguyễn Khánh Vân, quê tại Hưng Yên, sau giải phóng công tác tại hà Nội, những năm 1970 - 1982 tham gia mặt trận trị Thiên Huế, với tình cảm sâu nặng với mảnh đất đầy ắp kỷ niệm xưa, trong buổi gặp mặt đã rưng rưng nước mắt, ngâm lại câu ca xưa "Núi Truồi ai đắp mà cao..." làm ai cũng bồi hồi, nhớ mà thương và tự hào!


 Xúc động tìm tên liệt sĩ cũng là bạn chiến đấu năm xưa


Đã qua rồi chiến tranh gian khổ, qua rồi đau thương mất mát vì sự nghiệp giải phóng quê hương! Trong ngày gặp mặt, các chiến sĩ gan dạ năm xưa sôi nổi kể lại những câu chuyện, những kỷ niệm xưa mà cười sung sướng hả hê. Họ đã có những năm tháng đẹp nhất của đời người được tôi luyện trong đạn nổ bom rơi mà giờ đây khi kể lại chỉ thấy niềm tự hào, không mảy may luyến tiếc hay hối hận. Bởi vì họ là những người đã biết chọn lựa lý tưởng đúng đắn, vì mục đích bảo vệ, giữ gìn quê hương mà họ rất đỗi yêu quý. Có những câu chuyện cảm động giờ như mới được kể làm mỗi người đều bùi ngùi, cười vui nhưng nước mắt cứ trào dâng....
Nhờ sự chỉ đạo sáng suốt của các đồng chí lãnh đạo, tinh thần đoàn kết  anh dũng kiên cường của toàn thể nhân dân, ngày 24/3/1975, chính quyền đã về tay nhân dân huyện Hương Thủy, góp phần cùng cả tỉnh giải phóng thành phố Huế, giải phóng Thừa Thiên Huế vào ngày 26/3/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước bằng đại thắng mùa xuân 1975. Những con người đã góp phần làm nên lịch sử! Nhân dân mãi ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ, ghi nhớ các cựu chiến binh, các chiến sĩ đã làm nên mùa xuân đất nước. Họ mãi mãi là tấm gương sáng, là ngọn lửa thắp sáng niềm tin, lòng nhiệt huyết của mỗi chúng ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
 

Bài, ảnh: Hà Thu
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 15.931.029
Truy cập hiện tại 7.037 khách