Tìm kiếm
/UploadFiles/TuyChonLk/tailieuhdnd_230x61.png
CHIẾN KHU DƯƠNG HÒA Tập 1: CĂN CỨ CỦA LÒNG DÂN
Ngày cập nhật 12/11/2013
Ngã ba Tuần

Xuôi ngược qua vùng đất ngã ba Tuần, ít người có thể biết được rằng, mỏm đất nằm ở ngã ba sông hợp lưu Tả Trạch và Hữu Trạch để thành dòng Hương ấy, từng là một phần của mảnh đất huyền thoại: chiến khu Dương Hòa. Mỏm đất ấy thuộc địa đầu làng La Khê Trẹm, xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà ngày nay.

Chúng tôi đi tìm hiểu về chiến khu Dương Hòa vào những ngày hè. Đứng ở ngã ba Bãng Lãng, còn gọi là ngã ba Tuần, nhìn nước sông lặng và lững lờ trôi như bao năm vẫn thế, chợt ùa về trong trí tưởng của mình, hình ảnh của những dân quân chân đất của một thời chiến khu vượt sông đánh địch. Ngã ba sông này, theo các cụ già ở các làng quanh đây, không có sự thay đổi gì nhiều. Màu xanh của cây cỏ đôi bờ tạo một cảm giác yên bình. Thế mà, bên kia sông, vùng đất suốt một dải từ ngã ba sông lên tận các dãy núi xa xa, cách đây 65 năm, một vùng chiến khu mới được hình thành, đó là chiến khu Dương Hòa.


    Cái tên Dương Hòa gợi nhớ về một thời kỳ oanh liệt của quân và dân Thừa Thiên trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Theo cách nghĩ thông thường của nhiều người, khi nhắc đến chiến khu Dương Hòa, mọi người sẽ nghĩ ngay đến vùng đất thuộc làng Dương Hòa và Lương Miêu thuộc xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy ngày nay. Tuy nhiên, thực tế chiến khu mang tên Dương Hòa mở rộng đến các làng vùng ngã ba sông thuộc xã Hương Thọ ngày nay của thị xã Hương Trà như Định Môn, Kim Ngọc, La Khê Trẹm, Sơn Thọ, Thạch Hàn và một vài thôn thuộc xã Phú Sơn và Thủy Bằng nữa.
Còn nhớ, vào tháng 5 năm 1948 trước yêu cầu bám sát tình hình và mở rộng khả năng tổ chức địa bàn kháng chiến chống Pháp, tỉnh ủy và các cơ quan chỉ đạo kháng chiến tỉnh đã quyết định chuyển địa bàn từ chiến khu Hòa Mỹ vào vùng rừng núi phía Tây huyện Hương Thủy, cách Huế 12km. Lấy làng Dương Hòa thuộc xã Dương Hòa ngày nay làm trung tâm của chiến khu. Việc lựa chọn vùng đất này có ý nghĩa hết sức quan trọng, mang tầm chiến lược. Bởi lẽ, vùng đất vừa được bao bọc ở 2 nhánh sông Tả Trạch và Hữu Trạch, có núi non che chở ở phía Tây, phía Nam vừa gần đô thị Huế và vùng nông thôn rộng lớn phía Nam thuộc Hương Thủy, Phú Lộc, Phú Vang. Chiến khu Dương Hòa hội tụ những yếu tố mà chiến khu Hòa Mỹ không thể có được.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ, vừa rót nước chè nóng mời, Đại tá Huỳnh An, Nguyên Tỉnh đội trưởng Thừa Thiên Huế, vừa nói: “Yêu cầu chiến lược với việc bám dân mà hoạt động, bám địch mà đánh, vì thế, Tỉnh ủy và cơ quan chỉ đạo kháng chiến đã lựa chọn vùng núi Dương Hòa. Đặc điểm của chiến khu Dương Hòa là dễ thủ khó công. Tiếp tế cũng dễ vì có nhiều đường, nhiều phía. Đánh địch cũng dễ bởi chỉ cần vận động trong thời gian ngắn là có thể đến được nơi cần đến.”
Dương Hòa trở thành an toàn khu của kháng chiến chống Pháp. Vì thế, trên hành trình từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước thời kỳ đó như Phạm Văn Đồng, Lê Duẫn, Lê Đức Thọ … đã dừng chân ở đây. Sự an toàn ấy còn được thể hiện khi Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên tổ chức đại hội đầu tiên vào ngày 17/4/1949 ở trung tâm làng Dương Hòa. Theo các cụ già trong làng kể lại, nơi tổ chức Đại hội đầu tiên ấy nằm chếch về phía Tây Nam của đình làng Dương Hòa khoảng 300m.
Những ngày đầu thành lập, chiến khu Dương Hòa dựa vào sự che chở, tiếp tế của nhân dân các làng khắp vùng Hương Thủy, Hương Trà cũng như thị xã Huế. Cũng vì thế, nơi từng được cán bộ kháng chiến và nhân dân các nơi tập kết hàng hóa, hàng tiếp tế được gọi là chợ kháng chiến, nằm ở thôn Hạ, một thôn thuộc làng Dương Hòa ngày nay. Chợ lấy khu đất trống cạnh miếu Ngũ Hành của làng làm nơi tụ họp.
Khi chúng tôi đến khu vực từng là chợ kháng chiến, được gặp ông Nguyễn Hữu Lộc. Ông Nguyễn Hữu Lộc, vốn là một thành viên của trung đoàn Trần Cao Vân lững lẫy. Ngày chiến khu mới thành lập, ông chỉ là cậu thiếu niên mới 14 tuổi. Nhà ông ở cạnh chợ kháng chiến. Ông đã cùng người làng, cùng ba mẹ mình tham gia làm dân công vận chuyển hàng tiếp tế từ bên kia sông lên chợ kháng chiến, rồi từ chợ kháng chiến lên các khu vực đóng quân, các cơ sở kháng chiến.
Đứng nhìn về phía miếu Ngũ Hành, ông Nguyễn Hữu Lộc hồi tưởng rằng: Miếu Ngũ Hành vốn có bãi đất khá rộng, vốn là đất công của làng, đối diện với cái bến đò nhìn từ làng Tân Ba xã Thủy Bằng nhìn sang. Ngày xưa, bên Tân Ba có nhiều ghe thuyền và cũng có một cái bến. Ghe thuyền bên đó thường vận chuyển thứ này thứ khác qua bên thôn Hạ này. Khi nhu cầu tiếp tế cho chiến khu đặt ra, những người chủ ghe thuyền bên Tân Ba đảm đương luôn công việc qua lại. Cho nên, hàng từ Tân Ba chuyển thẳng qua bên thôn Hạ này, không có bãi đất nào rộng và thoáng hơn bãi đất canh miếu Ngũ Hành nên lãnh đạo chiến khu chọn đó làm nơi tập kết hàng luôn.
Trước thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ở làng Tân Ba xã Thủy Bằng có một xóm vạn đò không có một cái tên cụ thể. Chiến khu Dương Hòa thành lập, xóm vạn đò đó tham gia kháng chiến và được đặt tên là vạn Độc Lập. Ý nói là xóm vạn kháng chiến vì độc lập tự do. Bến đò của xóm vạn đã trở thành điểm trung chuyển hàng tiếp tế từ vùng đồng bằng Hương Thủy lên.
Xóm Đồng Tân, xã Phú Sơn thị xã Hương Thủy ngày nay, trước năm 1954, được người dân các làng lân cận gọi là xóm Trung ương. Sở dĩ có tên gọi như vậy là do tất cả những người muốn qua Tân Ba để vào chiến khu Dương Hòa phải được kiểm tra, kiểm soát ở Đồng Tân. Điều này cho thấy, Tân Ba và Đồng Tân trở thành tuyến đầu của chiến khu Dương Hòa ở phía Đông.
Ngày nay, những người tham gia vận chuyển hàng vào chiến khu ở xóm vạn Độc Lập ngày xưa không còn. Người thân của họ đã lên bờ định cư ngay vùng đất Tân Ba ngày nay. Đa số người dân của thôn Tân Ba ít nhớ về một thời mà lớp người đi trước của làng đã không quản ngại bị bắt bớ ngày đêm vận chuyển hàng qua sông và làm vai trò cảnh giới dưới vỏ bọc dân chài.
Những ngày đầu thành lập, chiến khu Dương Hòa đối mặt với sự bố ráp, đe dọa của thực dân Pháp. Cái địa thế hiểm yếu và mang tính uy hiếp trực tiếp của vùng chiến khu Dương Hòa đã trở thành cái gai trong mắt thực dân. Xóa sổ chiến khu dường như là mệnh lệnh tối thượng của lực lượng quân Pháp đóng ở Thừa Thiên. Chúng liên tục tổ chức các trận càn lên vùng chiến khu, từ cấp đại đội đến cấp trung đoàn, từ phía ngã ba Bãng Lãng lên cho đến phía Tân Ba, Đồng Tân qua.
Thế nhưng, tất cả đều bị bẻ gãy. Ngoài sức mạnh của các đơn vị chính quy của quân cách mạng phải kể đến sự hy sinh hết mình của dân quân các làng.
Chúng tôi đến làng La Khê Trẹm, nơi địa đầu của chiến khu, thuộc xã Hương Thọ huyện Hương Trà trước đây, để tìm những người dân quân thời kháng chiến chống Pháp. May mắn thay, còn một người dân quân ngày xưa, từ thời chiến khu mới thành lập vẫn còn sống, ông là Võ Đại Truy, 84 tuổi, một cán bộ lão thành của làng La Khê Trẹm và xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà. Ông dẫn chúng tôi ra mõm đất của làng, nơi nhìn ra ngã ba Tuần để chỉ cho chúng tôi vì sao quân đội thực dân Pháp không thể chiến thắng khi đi vào vùng chiến khu.
Ông Võ Đại Truy kể rằng: “Ở đây, vào tháng 3 năm 1949, cây cối còn um tùm lắm. Đứng doi đất này, chúng tôi có thể quan sát rất rõ những động tĩnh của quân Pháp ở đồn Tuần. Khi đó, chúng tôi gồm có 3 người làm nhiệm vụ canh gác ở cái lùm ngay doi đất này, thì chúng tôi đã phát hiện ra một đơn vị quân Pháp từ đồn Tuần dùng thuyền qua sông và nhắm hướng bến sông bên Trẹm này. Rứa là ba người chúng tôi vừa đánh mỏ báo hiệu cho làng và cán bộ cách mạng ở trong làng, vừa chia ra ba đường để chạy. Một chạy ngược lên làng Thạch Hàn, một chạy vô giữa làng, một chạy dọc sông Tả Trạch. Như rứa mọi người mới có thể biết được. Khi nghe đánh mỏ báo hiệu, chiến sỹ mình ở phía trong đã có sự chuẩn bị từ trước, chiến đấu đánh địch và đã thắng trận càn tháng 3 năm 1949”.
Câu chuyện của người dân quân già Võ Đại Truy đã đưa chúng tôi về cái thời mà người dân mình đánh mỏ truyền tin. Sự mộc mạc đến thô kệch như cái mỏ bằng gỗ mít dài đến cả mét lại có sự hữu dụng vô cùng. Bởi lẽ, theo ông Truy, ngày xưa, làng nào ở vùng ngã ba sông này cũng có một trạm canh và một cái mỏ. Chỉ cần biết quy định nhịp điệu là người dân nói chung và người gác trạm nói riêng có thể hiểu được nội dung của tiếng mõ là gì.
Vì thế, sự chủ động của chiến khu Dương Hòa trong việc chống càn đã được phát huy tối đa. Các chiến thắng ngày 14/3/1949 và chiến thắng ngày 21 tháng 6 năm 1952 của chiến khu Dương Hòa mà đơn vị trực tiếp đánh địch là trung đoàn Trần Cao Vân và dân quân vùng chiến khu là một minh chứng hùng hồn.
Ông Nguyễn Hữu Lộc, Cựu chiến binh Trung đoàn Trần Cao Vân ngày xưa đã kể lại rằng: Khoảng gần 9 giờ sáng, ngày 21/6/1952, khi quân Pháp vừa từ các chiếc thuyền nhỏ đổ bộ lên khu vực bờ sông ở thôn Hạ, làng Dương Hòa, quân dân ta đã mai phục từ trước, ở các rặng tre và một số mỏm đồi cao xung quanh, nhanh chóng nổ súng đánh phủ đầu. Bất ngờ, quân Pháp bị thương vong nhiều nên cố gắng đánh trả và củng cố đội hình. Dưới hỏa lực của địch, quân dân ta lại rút lui các công sự, chỗ phục kích xa hơn và rộng hơn. Trên các tuyến đường có thể đi, quân dân ta đã tổ chức các loại hầm chông, bẫy. Nhờ đó, quân địch khi tiến sâu vào làng, từ thôn Hạ lên thôn Hộ, thì đã phải đối phó với hỏa lực của quân dân ta vừa đối phó với các loại bẫy, hầm chông. Đến chiều cùng ngày, quân dân ta đã đánh bại được trận càn của quân Pháp, giữ vững chiến khu. 2 tiểu đoàn lê dương Pháp bị tiêu diệt.
Chiến thắng ngày 20 tháng 6 năm 1952 khẳng định sự bất khả xâm phạm của chiến khu Dương Hòa đối với quân Pháp. Qua đó, khẳng định sự tồn tại của chiến khu Dương Hòa và sự trưởng thành về mọi mặt của lực lượng vũ trang Thừa Thiên. Ngoài các đơn vị quân chính quy cách mạng, còn có một phần rất lớn sự đóng góp và hy sinh của người dân các làng từ ngã ba Bãng Lãng cho đến vùng đất Hai Nhánh. Đó còn là cơ sở để vùng chiến khu Dương Hòa tiếp tục thể hiện vai trò của mình từ kháng chiến chống Pháp cho đến kháng chiến chống Mỹ./.
 

Đình Đính- huongthuy.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 15.937.914
Truy cập hiện tại 2.153 khách