Tìm kiếm
/UploadFiles/TuyChonLk/tailieuhdnd_230x61.png
ĐẢNG BỘ THỊ XÃ HƯƠNG THỦY, 85 NĂM XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH
Ngày cập nhật 04/02/2015

Năm nay cùng với cả nước, chúng ta kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng, một sự kiện hết sức đặc biệt và quan trọng trong đời sống chính trị, xã hội. Đây là dịp để chúng ta cùng nhau ôn lại những chặng đường đầy hy sinh, gian khổ, nhưng rất kiên cường, bất khuất, hào hùng trong quá trình xây dựng, trưởng thành, lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của Đảng qua các thời kỳ, từ đó phát huy truyền thống, tiếp tục lãnh đạo Nhân dân vững bước trên con đường xây dựng và phát triển trong thời gian tới.

Ngược dòng lịch sử đất nước, năm 1858 thực dân Pháp nổ súng tấn công xâm lược nước ta, thiết lập bộ máy thống trị, biến nước ta thành một nước nửa thuộc địa nửa phong kiến; Nhân dân chịu cảnh nước mất, nhà tan, bị thực dân đàn áp, bóc lột tàn tệ. Nhiệm vụ cách mạng lúc bấy giờ là phải đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược, giành độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân và xóa bỏ chế độ phong kiến, giành quyền dân chủ cho nhân dân; trong đó, nhiệm vụ giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu… Các phong trào cách mạng do các sĩ phu yêu nước lãnh đạo đã nổ ra liên tục, sôi nổi nhưng đều bị thất bại do thiếu đường lối đúng đắn, cách mạng Việt Nam chìm trong cuộc khủng hoảng sâu sắc về đường lối cứu nước.
Trước tình hình đó, ngày 05/6/1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành, tức Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh sau này, đã ra đi tìm đường cứu nước. Người đã đi qua nhiều nước của Châu Âu, Châu Phi, Châu Mỹ và đã phát hiện ra chân lý: Chủ nghĩa tư bản, đế quốc thực dân là cội nguồn mọi đau khổ của công nhân và nhân dân lao động ở chính quốc cũng như ở các thuộc địa. Tháng 7/1920, Nguyễn Ái Quốc được đọc “Đề cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Lênin và từ tư tưởng đó, Người đã tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam: Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản. Nguyễn Ái Quốc ra sức truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân và yêu nước Việt Nam, tích cực chuẩn bị mọi điều kiện cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, Người nhấn mạnh: Cách mạng muốn thành công phải có đảng cách mạng chân chính lãnh đạo; đảng phải có hệ tư tưởng tiên tiến, cách mạng và khoa học dẫn đường, đó là hệ tư tưởng Mác-Lênin. Trong thời gian này, Người tập trung cho việc chuẩn bị về tổ chức và cán bộ, lập ra Hội Việt Nam cách mạng thanh niên (1925), tổ chức nhiều lớp đào tạo nhằm chuẩn bị đội ngũ cán bộ cho cách mạng Việt Nam, chuẩn bị điều kiện để tiến tới thành lập Đảng.
Cuối năm 1929, những người cách mạng Việt Nam trong các tổ chức cộng sản đã nhận thức được sự cần thiết và cấp bách phải thành lập một Đảng Cộng sản thống nhất, tránh sự chia rẽ phong trào Cộng sản. Nguyễn Ái Quốc đã chủ động tổ chức và chủ trì Hội nghị hợp nhất Đảng tại Hương Cảng, Trung Quốc từ ngày 03/02 - 07/02/1930. Hội nghị đã quyết định hợp nhất 3 tổ chức Đảng (Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn) thành Đảng Cộng sản Việt Nam, thảo luận và thông qua các văn kiện quan trọng: Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản, do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo.
Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản ở Việt Nam thành một Đảng Cộng sản duy nhất - Đảng Cộng sản Việt Nam, theo một đường lối chính trị đúng đắn, tạo nên sự thống nhất về tư tưởng, chính trị và hành động của phong trào cách mạng cả nước, hướng tới mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH. Hội nghị này có ý nghĩa như là một Đại hội thành lập Đảng… Và sau đó Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng đã quyết nghị lấy ngày 03/2 dương lịch hằng năm làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng.
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là kết quả tất yếu của cuộc đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp, là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước của nhân dân Việt Nam. Sự kiện Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sự kiện lịch sử cực kỳ trọng đại, một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam, đánh dấu một mốc son chói lọi trên con đường phát triển của dân tộc ta. Và Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân trọn vẹn nhất cho sự kết hợp đó, là tiêu biểu sáng ngời cho sự kết hợp giai cấp và dân tộc, dân tộc và quốc tế, độc lập dân tộc với CNXH. 
Tám mươi lăm năm xây dựng, trưởng thành và ngày càng vững mạnh, chính là nhờ Đảng ta luôn lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng định hướng cho mọi hoạt động của mình, trong từng chặng đường đã biết vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện nước ta, lãnh đạo Nhân dân ta giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, vượt qua muôn ngàn khó khăn, thử thách, làm nên những thành tựu vĩ đại: Thắng lợi của Cách mạng Tháng 8/1945, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do; thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế; thắng lợi của công cuộc đổi mới, tiến hành CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, tiếp tục đưa đất nước từng bước quá độ lên CNXH với nhận thức và tư duy mới đúng đắn, phù hợp thực tiễn Việt Nam.
Cùng với sự phát triển của toàn Đảng, sự trưởng thành và lớn mạnh của Đảng bộ tỉnh; phong trào cách mạng do Đảng lãnh đạo ở Hương Thủy đã hình thành và phát triển từ rất sớm. Ngay sau khi Tỉnh ủy lâm thời Thừa Thiên Huế được thành lập vào tháng 4/1930, Tỉnh ủy đã phân công cán bộ phụ trách tổ chức các hoạt động ở địa bàn Hương Thủy. Từ ngày 24 - 30/4/1930, truyền đơn vận động cách mạng của Đảng đã xuất hiện ở Phú Cam, An Cựu; ngày 01/5/1930, cờ đỏ búa liềm có in dòng chữ Đảng Cộng sản Việt Nam xuất hiện ở núi Ngự Bình, đình làng An Cựu và nhiều nơi khác thuộc địa bàn Hương Thủy, đã dấy lên một phong trào cách mạng mạnh mẽ hưởng ứng ngày Quốc tế Lao động. Đồng thời, các tổ chức quần chúng cách mạng như Thanh niên Cộng sản Đoàn, Phụ nữ phản đế, Nông dân phản đế,… lần lượt được thành lập. Ngày 18/5/1930, hội nghị Tỉnh ủy lâm thời đã đánh giá: “Ở các huyện phía Nam (Hương Thủy, Phú Lộc), Nông hội phát triển mạnh, phong trào lên cao”. 
Cuối năm 1930, đầu năm 1931, nhiều thanh niên yêu nước Hương Thủy đã trực tiếp tham gia các hoạt động hưởng ứng và ủng hộ phong trào Xô - Viết Nghệ Tĩnh do Tỉnh ủy phát động, như các đồng chí: Lê Trọng Bật, Ngô Hữu Yên, Phùng Văn Nguyện, Phan Cảnh Kế… Một số đảng viên và thanh niên nòng cốt của Hương Thủy bị thực dân Pháp bắt và tra tấn dã man như Hoàng Ngữ, Hoàng Trọng Bang, Bửu Ba, Trương Đình Trung… Từ năm 1936 - 1945, đã hình thành tổ chức đảng và các đoàn thể quần chúng cách mạng, tham gia phong trào vận động giải phóng dân tộc trong giai đoạn 1940 - 1945, vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, đóng góp xứng đáng vào việc hoàn thành cuộc tổng khởi nghĩa toàn Tỉnh ngay tại trung tâm của chế độ thống trị thực dân, phong kiến.
Sau cuộc cách mạng Tháng 8/1945 thành công, tháng 01/1946, Đảng bộ Hương Thủy được Tỉnh ủy công nhận và chỉ định Huyện ủy lâm thời gồm 7 đồng chí, do đồng chí Lê Minh làm Bí thư Huyện ủy. 
Trong chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Hương Thủy nằm trong vùng địch hậu nên cuộc chiến đấu giữa ta và địch diễn ra vô cùng quyết liệt. Kẻ địch dùng thủ đoạn“đốt sạch, phá sạch, giết sạch” để bình định làng xóm, tạo bàn đạp tiến công cơ quan đầu não kháng chiến của Tỉnh ở chiến khu Dương Hòa, ngăn chặn lực lượng kháng chiến từ nông thôn vào thành phố, ngăn chặn sự ủng hộ, tham gia kháng chiến của nhân dân thành phố và vùng tạm chiếm.
Đảng bộ Hương Thủy đã tổ chức, lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc chiến đấu đầy gian khổ ở cửa ngõ phía Nam thành phố Huế, hình thành thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc như bức tường thành, bảo vệ Cách mạng trong lòng thành phố, bảo vệ Chiến khu của tỉnh. Sự phát triển mạnh mẽ của Đảng bộ không những bảo đảm sự lãnh đạo nhân dân toàn thị xã mà còn cung cấp nhiều cán bộ lãnh đạo cho Tỉnh, cho Trung ương, góp phần nhân dân trong Tỉnh và cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử ngày 07/5/1954 “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ và Nhân dân Hương Thủy đã trải qua những chặng đường gian nan, ác liệt nhưng luôn giữ vững niềm tin vào Đảng, anh dũng, kiên cường bám trụ quê hương, đánh bại các âm mưu, thủ đoạn chiến tranh của địch; lãnh đạo nhân dân vùng dậy, xây dựng cơ sở cách mạng, phát triển LLVT, xây dựng thế trận chiến đấu, hưởng ứng cuộc đồng khởi nông thôn trong toàn Tỉnh vào tháng 7/1964, tạo thế làm chủ ở nhiều làng xã, giải phóng một số thôn, ấp, xây dựng địa bàn làm nơi đứng chân cho cán bộ lãnh đạo của Tỉnh và các huyện bạn (Phú Vang, Phú Lộc), nơi trú quân cho LLVT để triển khai cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968, tiến tới cuộc Tổng tiến công và giành được thắng lợi hoàn toàn vào mùa Xuân năm 1975.
Trải qua 2 cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, Hương Thủy đã có 2.526 người con hy sinh cho Tổ quốc, 690 thương binh, bệnh binh; 6.124 người có công cách mạng, được tặng thưởng huân, huy chương các loại; hàng nghìn người bị địch bắt bớ tù đày, bị tra tấn dã man. Sự đóng góp to lớn của Đảng bộ và Nhân dân Hương Thủy trong sự nghiệp giải phóng dân tộc đã được Đảng và Nhà nước đánh giá cao: Phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Đảng bộ, Nhân dân và LLVT thị xã; Nhân dân và LLVT 8 xã, phường (Thủy Thanh, Thủy Phương, Dương Hòa, Thủy Bằng, Thủy Châu, Thủy Phù, Thủy Vân, Thủy Tân); Ban An ninh Công an thị xã; 15 cá nhân được Nhà nước truy tặng, phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân; 93 Bà mẹ VNAH.
Sau ngày quê hương được giải phóng, vết tích chiến tranh để lại nặng nề trên mảnh đất Hương Thủy, Đảng bộ đã lãnh đạo Nhân dân nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục sản xuất và đời sống, xây dựng đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN trong hoàn cảnh mới.
Mười ba năm trong thời kỳ hợp nhất thành huyện Hương Phú, cán bộ, đảng viên và Nhân dân Hương Thủy đã có nhiều đóng góp vào quá trình xây dựng huyện mới. Đảng bộ Hương Phú lãnh đạo trên một địa bàn rộng, đặc điểm địa lý và dân cư nhiều vùng khác nhau, nhưng Nhân dân Hương Thủy - Phú Vang với truyền thống đoàn kết, gắn bó, đã tích cực hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển kinh tế, ổn định chính trị, xã hội, triển khai công cuộc đổi mới theo đường lối Đại hội VI của Đảng, mở ra thời kỳ mới của huyện Hương Phú trong công cuộc xây dựng và phát triển.
Sau khi phân vạch lại địa giới hành chính (năm 1990), Đảng bộ Hương Thủy cùng với cả Tỉnh đứng trước những thách thức to lớn của bối cảnh thế giới, trong nước, trong Tỉnh, nhất là những khó khăn nội tại cần phải tháo gỡ khi mới chia tách… nhưng được sự lãnh đạo sâu sát của Tỉnh ủy, sự đoàn kết, nỗ lực của toàn Đảng, toàn Dân đã khắc phục mọi khó khăn, trở ngại, phát huy truyền thống anh hùng, cần cù, chịu khó, đoàn kết một lòng, khơi dậy ý chí tự lực tự cường và tranh thủ tốt sự đầu tư của Tỉnh, của Trung ương… tập trung lãnh đạo tạo sự chuyển biến tích cực và khá đồng bộ trên nhiều mặt của đời sống xã hội, củng cố QPAN, tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Đặc biệt, Đảng bộ đã lãnh đạo Nhân dân xây dựng huyện trở thành thị xã (Chính phủ ra Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 09/02/2010 về thành lập thị xã và các phường thuộc thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế); tuy mới 5 năm xây dựng và phát triển, nhưng Thị xã ngày càng khởi sắc và đang từng bước trở thành một trong những trung tâm kinh tế động lực và đô thị mới của tỉnh.
Bước vào chặng đường mới, trong thời gian tới, Đảng bộ và Nhân dân Hương Thủy tập trung triển khai kế hoạch tổ chức đại hội nhiệm kỳ các TCCS đảng, đồng thời tích cực chuẩn bị điều kiện để tiến tới Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015 - 2020, tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIV, trên cơ sở đó đề ra phương hướng, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phù hợp cho kế hoạch 5 năm (2015 - 2020):“Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy truyền thống anh hùng và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; tập trung phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh; xây dựng thị xã phát triển nhanh và bền vững, trở thành một trong những trung tâm kinh tế động lực của tỉnh”. 
Nhiệm vụ đang đặt ra cho Đảng bộ và Nhân dân thị xã trong thời gian tới, nhất là năm 2015 hết sức nặng nề, cần phải tập trung phấn đấu, nỗ lực mạnh mẽ, bứt phá trên nhiều mặt; trong đó cần nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu còn lại của kế hoạch 5 năm (2011-2015); chỉ đạo tổ chức đại hội nhiệm kỳ các TCCS đảng, tiến tới Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015-2020; tiếp tục, kiên trì quán triệt, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả NQTW 4“Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và cụ thể hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, nghị quyết của Đảng đạt kết quả tốt nhất.
Với thành quả 85 năm phấn đấu đầy khó khăn, gian khổ, hy sinh, chiến đấu, với sự cần cù và sáng tạo trong lao động để khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển KTXH, giữ vững QPAN ở địa phương, Đảng bộ và Nhân dân Hương Thủy anh hùng có quyền tự hào về những đóng góp của mình với Tỉnh, Đất nước và Dân tộc... Với niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, của Tỉnh ủy, Đảng bộ và Nhân dân Hương Thủy nguyện kế tục, bảo vệ vững chắc những thành quả mà các thế hệ tiền bối, các bậc cách mạng lão thành, các đồng chí lãnh đạo thị xã qua các thời kỳ đã dày công vun đắp, xây dựng để có được như ngày hôm nay; quyết tâm phấn đấu xây dựng Hương Thủy giàu về kinh tế, vững về chính trị, mạnh về quốc phòng-an ninh, đẹp về văn hóa, cao về trí tuệ để hướng tới mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”.
 
Phan Anh Thư, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thị ủy
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 15.907.471
Truy cập hiện tại 1.029 khách