Tìm kiếm
/UploadFiles/TuyChonLk/tailieuhdnd_230x61.png
Cây hương bài - hướng đi mới cho người dân miền núi Phú Sơn
Ngày cập nhật 19/01/2015

Nhằm thay thế các loại cây trồng kém hiệu quả trên diện tích đất vườn đồi tại xã miền núi Phú Sơn, năm 2013, thị xã Hương Thủy đã mạnh dạn đưa vào trồng thử nghiệm cây nguyên liệu hương bài. Sau gần 2 năm triển khai đã mang lại những tín hiệu tích cực cho bà con nông dân nơi đây.

Cây hương bài phát triển tốt trên đất đồi Phú Sơn

Hộ ông Nguyễn Bửu là một trong số 13 hộ gia đình tham gia chương trình thí điểm trồng cây hương bài ở xã Phú Sơn do Trạm khuyến nông lâm ngư thị xã Hương Thủy triển khai. Trước đây, phần lớn diện tích đất vườn đồi của gia đình ông chủ yếu trồng keo - một loại nguyên liệu đang có đầu ra ổn định nhưng thời gian trồng đến khi khai thác tối thiểu cũng phải 5 năm nên việc chuyển đổi sang loại cây trồng ngắn ngày vừa cho lợi nhuận cao, vừa giải quyết được vấn đề kinh tế trước mắt như cây hương bài là một hướng đi hợp lý trong việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi đối với xã nghèo miền núi Phú Sơn. “Sau khi trồng thử nghiệm 5 sào, tôi thấy cây hương bài rất phù hợp với điều kiện thời tiết và đất đai ở đây, tỷ lệ sống khá cao, trên 95%.  Sang năm tôi có dự định trồng thêm 1,5 ha trong vườn đồi của gia đình để mở rộng diện tích”. Ông Nguyễn Bửu phấn khởi nói.
Theo đánh giá kết quả sau nghiệm thu từ Trạm khuyến nông lâm ngư thị xã, trồng cây hương bài chi phí thấp nhưng mang lại thu nhập cao cho người nông dân; trung bình mỗi m2 thu hoạch tối thiểu được 1 kg nguyên liệu tươi; với giá bán từ 10-12 nghìn đồng/kg, 1 ha người nông dân lợi nhuận trên 50 triệu đồng. Nguyên liệu từ cây hương bài dùng để sản xuất hương, nhang và các sản phẩm chế biến dược liệu khác rất có giá trị, chính vì vậy, đầu ra của sản phẩm đã được các công ty  hợp đồng thu mua ngay từ đầu. Ông Đặng Văn Mãnh - Trạm trưởng Trạm khuyến nông lâm ngư thị xã Hương Thủy cho biết: “So với cây keo, sau 5 năm trồng khi thu hoạch, người nông dân thu lợi nhuận khoảng 80 triệu đồng/ha thì cây hương bài chỉ sau một năm đã đem về cho người trồng tối thiểu cũng phải 100 triệu đồng. Hiện tại, chúng tôi đang tiếp tục hỗ trợ bà con mở rộng diện tích và nhân rộng đến các hộ khác trên địa bàn xã Phú Sơn”.

Cán bộ kỹ thuật kiểm tra sự phát triển của cây hương bài

Thay đổi nhận thức, tập tục canh tác của người dân bằng một loại cây trồng mới cho thu nhập cao, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu của địa phương là một một bài toán khó. Thực hiện thành công mô hình sản xuất vùng nguyên liệu hương bài tại xã Phú Sơn sẽ trả lời cho câu hỏi trồng cây gì để giúp người dân nơi đây xóa đói giảm nghèo.
 

Bài & ảnh: Thanh Đoàn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 15.908.690
Truy cập hiện tại 1.360 khách