Tìm kiếm
/UploadFiles/TuyChonLk/tailieuhdnd_230x61.png
Nuôi ba ba thu lãi cao
Ngày cập nhật 18/11/2014

Anh Lê Sơn Hà ở tổ 4, phường Thủy Dương (thị xã Hương Thủy) là một trong những nông dân tiên phong trong việc chuyển đổi con giống, cây trồng mới, giúp trang trại của gia đình ngày càng phát huy hiệu quả. Một trong số con vật chuyển đổi đem lại thu nhập cao là ba ba.

Anh Hà bắt đầu nuôi ba ba từ năm 2009. Ban đầu, anh  nuôi thử nghiệm 100 con ba ba giống nhưng do chưa biết cách chăm sóc, phòng bệnh nên số lượng ba ba sau thu hoạch không được như mong đợi. Không nản chí, anh đi học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình nuôi ba ba ở các địa phương khác và tự đúc rút kinh nghiệm trong quá trình nuôi, đến nay, 2 hồ ba ba của anh luôn duy trì số lượng trên 500 con, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Với giá bán từ 300-320 nghìn đồng/kg ba ba thịt, 20-25 nghìn đồng/con ba ba giống, trừ mọi chi phí, gia đình anh thu lãi trên 70 triệu đồng. Theo đánh giá ban đầu, mô hình nuôi ba ba của anh Hà có hiệu quả kinh tế khá cao và đây là loại vật nuôi chưa phổ biến nhiều ở thị xã Hương Thủy, lại đòi hỏi trình độ cao trong chăn nuôi nên rất ít người lựa chọn. Anh Hà cho biết: “Khó khăn nhất đối với nghề nuôi ba ba là đảm bảo số lượng ba ba giống trong quá trình ấp, phòng bệnh cho ba ba con và giữ nguồn nước tránh bị ô nhiễm. Mỗi con ba ba sinh sản từ 10-30 trứng/lần nên số lượng trứng mỗi lần ấp rất lớn, người nuôi phải kiên trì và cẩn thận trong việc nhặt trứng ba ba từ các ổ trứng trong cát, xếp gọn vào hộp xốp rồi đưa vào lò ấp”.

Anh Hà kiểm tra ba ba giống

Ba ba tìm chỗ đẻ trứng

Ngoài ra, việc đảm bảo quy trình và kỹ thuật chăn nuôi là yếu tố quyết định thành bại trong nghề nuôi ba ba. Anh Hà cho biết thêm: “Với các ao nuôi, phải làm cống, bọng thông với nguồn nước bên ngoài để thay nước thường xuyên trong ao, tránh để nguồn nước ô nhiễm gây bệnh cho ba ba. Muốn ba ba thịt đạt hiệu quả thì phải lựa con giống tốt, sạch bệnh, nuôi với mật độ từ 3-5 con/m2, mỗi ao có rào cao trên 40cm so với mặt nước để ba ba không bò ra khỏi chuồng, trong ao có bãi cho ba ba ăn và phơi nắng. Còn ba ba non trong những tháng đầu cần quan tâm đến việc trị bệnh, nhất là bệnh nấm nên thường xuyên dùng thuốc phòng ngừa bệnh, cho ăn đều đặn để ba ba mau lớn và canh để ba ba không leo ra khỏi ao bỏ đi nơi khác”.
Thấy được hiệu quả từ mô hình nuôi ba ba thịt và giống của gia đình anh Hà, thời gian gần đây, rất nhiều người ở các địa phương lân cận trên địa bàn thị xã đến nhờ anh tư vấn kỹ thuật nuôi và cung cấp con giống để về nuôi thử nghiệm. Anh Hà chia sẻ: “Không thể cùng một lúc mà hướng dẫn cho nhiều người, với lại tôi chỉ làm theo kinh nghiêm, để phát triển được mô hình rất cần sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn. Theo tôi, thị xã cần tăng cường mở các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho các hộ chăn nuôi ba ba trên địa bàn, đảm bảo cho ba ba thịt đạt an toàn vệ sinh, gắn liền quá trình sản xuất đạt chất lượng với thị trường tiêu thụ ổn định để tăng cao hiệu quả kinh tế cho người nuôi”.
Lên vùng gò đồi lập nghiệp, từ con số không đến nay trang trại gia đình anh Hà, ngoài 2 hồ ba ba giống và thịt còn có 4 ao cá, đàn dê 50 con, 100 vịt đẻ, 40 con lợn rừng, 20 con lợn nhà và 3ha rừng keo, lợi nhuận thu về trên 200 triệu đồng mỗi năm cho gia đình. Dự định trong thời gian tới, anh sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trang trại và đầu tư nuôi thêm bồ câu Pháp.
 

Bài&ảnh: Thanh Đoàn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 15.912.248
Truy cập hiện tại 2.567 khách