Tìm kiếm
/UploadFiles/TuyChonLk/tailieuhdnd_230x61.png
Cần có chiến lược dài hơi khi Thuỷ Thanh trở thành phường
Ngày cập nhật 07/08/2024

Là quan điểm chung của lãnh đạo thị xã tại buổi làm việc với xã Thuỷ Thanh về công tác đầu tư công, giải phóng mặt bằng (GPMB) và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc tại địa phương sáng ngày 2/8. Đồng chí Lê Văn Cường - Phó Bí thư Thị uỷ, Chủ tịch UBND thị xã; đồng chí Ngô Văn Vinh - UVTV Thị uỷ, Phó Chủ tịch UBND thị xã; đồng chí Ngô Thị Ái Hương - Thị uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND thị xã cùng chủ trì buổi làm việc. Tham dự còn có đại diện lãnh đạo Văn phòng HĐND&UBND và các phòng, ban chuyên môn của thị xã.

Theo báo cáo, 7 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn xã Thuỷ Thanh ước thực hiện 880 tỷ đồng, đạt hơn 58% kế hoạch, tăng 268 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, giá trị sản xuất ngành dịch vụ - du lịch đạt 716,3 tỷ đồng - đây được xem là lĩnh vực thế mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Điểm sáng trong lĩnh vực này là tổ chức thành công chương trình “Chợ quê ngày hội” - hưởng ứng Festival Huế 2024 với hơn 200.000 lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm đã góp phần khẳng định thương hiệu “Điểm du lịch cộng đồng cầu ngói Thanh Toàn” đối với bạn bè trong nước và quốc tế.
 
Cùng với đẩy mạnh phát triển du lịch - dịch vụ, các lĩnh vực khác, như: tiểu thủ công nghiệp - xây dựng, nông nghiệp cũng được địa phương chú trọng và phát triển ổn định. Bên cạnh duy trì mô hình trồng hoa tết, với 119 hộ tham gia (chủ yếu là hoa cúc và hoa hồng), địa phương đã đưa vào thử nghiệm mô hình nuôi cua đồng thương phẩm. Về xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, Thuỷ Thanh đã hoàn thành 18/19 tiêu chí, đồng thời đang tiến hành rà soát và đánh giá tiêu chí còn lại (tiêu chí giáo dục) nhằm hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền công nhận trong thời gian tới.
 
 
Công tác quản lý đô thị, xây dựng, tài nguyên, môi trường được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Trong 7 tháng đầu năm, UBND xã đã tiến hành giải quyết thủ tục cấp giấy CNQSDĐ lần đầu cho 40 trường hợp, cấp lại 2 trường hợp, cấp đổi  35 trường hợp, thu hồi 300 giấy CNQSD đất nông nghiệp để lập thủ tục cấp mới... đồng thời, phối hợp với phòng Quản lý đô thị tiến hành rà soát lập quy hoạch phân khu xã Thủy Thanh để có cơ sở triển khai thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn. Các hoạt động ra quân vệ sinh môi trường được triển khai thường xuyên, nổi bật là phối hợp tổ chức lễ mít-tinh hưởng ứng “Ngày môi trường thế giới, tháng hành động vì môi trường, ngày chủ nhật xanh năm 2024” do UBND tỉnh triển khai, với hơn 300 đoàn viên thanh niên, lực lượng vũ trang và người dân trên địa bàn tham gia.
 
Thu ngân sách tính đến ngày 30/6 hơn 44,3 tỷ đồng, đạt 230,75% kế hoạch, tăng 32,3 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, thu tiền sử dụng đất 36,387 tỷ đồng, đạt 279,91% kế hoạch.
 
 
Văn hóa - xã hội có nhiều khởi sắc. Công tác khuyến học, khuyến tài được cấp uỷ, chính quyền và các đoàn thể quan tâm thường xuyên, cơ sở vật trường lớp được đầu tư đồng bộ, đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện công tác dạy và học hiện nay. Nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ đặc sắc được duy trì và phục dựng, được lồng ghép sinh động vào các dịp lễ hội chợ quê, tiêu biểu như: hò bài chòi, hò đối đáp, các trò chơ dân gian, các hoạt động trải nghiệm... 
 
Công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững đạt kết quả tích cực. Từ đầu năm đến nay đã giải quyết việc làm mới cho hơn 110 lao động, trong đó có 17 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Hiện, trên địa bàn xã chỉ còn 7 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,25%, trong đó có 6 hộ đăng ký thoát nghèo năm 2024. Thuỷ Thanh cũng được đánh giá là địa phương thực hiện tốt công tác chính sách đối với thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng.
 
 
Công tác quốc phòng - an ninh được tăng cường, là địa phương được chọn tổ chức điểm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2024, với có nhiều mô hình tự quản, tự phòng, tự bảo vệ được nhân rộng và phát huy hiệu quả, như: tổ tuần tra nhân dân, tổ thanh niên tự quản về ANTT, tổ liên gia an toàn PCCC… Đặc biệt, thông qua mô hình camera an ninh đã góp phần giúp lực lượng Công an xã điều tra, khám phá, làm rõ 4/4 vụ trộm cắp tài sản xảy ra trên địa bàn.
 
Trong công tác CCHC, cùng với việc đẩy mạnh cải cách TTHC, địa phương luôn chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, công chức được tham gia học tập, bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC. Từ đầu năm đến nay, Bộ phận TN&TKQ xã đã giải quyết hơn 1.000 hồ sơ, đạt tỷ lệ 96,63%, trong đó chỉ có 1 hồ sơ trễ hạn, chiếm tỷ lệ 0,1%; tiếp nhận hồ sơ trực tuyến toàn trình/một phần trên dịch vụ công đạt tỷ lệ 99,81%. 
 
 
Về tình hình thực hiện công tác GPMB các công trình, dự án trên địa bàn. Theo đó, dự án chỉnh trang khu dân cư CTR11, CTR12 và khai thác quỹ đất xen ghép thuộc khu A - đô thị mới An Vân Dương tại xã Thủy Thanh bị ảnh hưởng đến 235 hộ và 3 tổ chức. Hiện, đã GPMB được 57.904,5m2/61.754,8m2 (đạt tỷ lệ 93,8%).
 
Dự án hạ tầng du lịch cộng đồng thị xã Hương Thuỷ (đợt 2) - nâng cấp mở rộng tuyến đường từ HTX NN Vân Thê đến vườn hoa Lạc Dương, có diện tích thu hồi là 1.650m2, bị ảnh hưởng đến 27 hộ và 1 tổ chức, chủ yếu là đất chuyên trồng lúa và hệ thống kênh mương. Qua vận động, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đã đồng ý hiến đất và tài sản để thực hiện dự án với số tiền ước tính khoảng 350 triệu đồng. 
 
 
Dự án bệnh viện quốc tế Huế - TTH do Công ty CP TTH Group làm chủ đầu tư, diện tích thu hồi thuộc xã Thuỷ Thanh là 2,26 ha, bị ảnh hưởng đến 17 hộ và 1 tổ chức, chủ yếu là đất trồng lúa. Địa phương đã phối hợp rà soát và trình UBND thị xã cấp giấy CNQSDĐ cho 17/17 hộ gia đình, đảm bảo đủ điều kiện để nhà đầu tư thoả thuận nhận chuyển nhượng QSDĐ để thực hiện dự án. Tuy nhiên, phần diện tích đất lúa còn 2 hộ (625m2) nằm ngoài phạm vi thu hồi đất của dự án nhưng do nằm giữa hành lang 30m cây xanh cách ly đường Thuỷ Dương - Thuận An và ranh giới Dự án bệnh viện quốc tế Huế, không thể tiếp tục duy trì sản xuất nên các hộ gia đình có ý kiến đề nghị thu hồi. Vì vậy, UBND xã kiến nghị UBND thị xã xem xét và có phương án thu hồi diện tích nêu trên.
 
Về công tác đầu tư công, từ nguồn thu đấu giá quyền sử dụng đất 36,387 tỷ đồng (trong đó nợ các công trình năm 2022 là 13,101 tỷ đồng, đã trả 4,983 tỷ đồng, còn nợ 8,118 tỷ đồng). UBND xã đã triển khai 26 công trình nằm trong kế hoạch đầu tư công năm 2024, với tổng kinh phí 47,06 tỷ đồng, đến nay, đã giải ngân 25,923 tỷ đồng. Như vậy, tổng nguồn vốn cần chi trả xây dựng cơ bản đối với các công trình đã triển khai là 22,994 tỷ đồng. 
 
 
Tại buổi làm việc, lãnh đạo thị xã và các phòng, ban chuyên môn ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà địa phương đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời đề ra các giải pháp cụ thể để khắc phục những khó khăn, tồn tại cũng như các kiến nghị, đề xuất trên từng lĩnh vực, như: định hướng quy hoạch để phát huy tối đa giá trị di tích cầu ngói Thanh Toàn nói riêng và du lịch cộng động xã Thuỷ Thanh nói chung; trong đầu tư xây dựng cơ bản cần phải đồng bộ và mang tính tổng thể khi địa phương đẩy nhanh quá trình đô thị hoá; nâng cao hơn nữa ý thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh cảnh quan môi trường, nhất là tại các khu vực dân cư tập trung, dọc các tuyến sông, hói…
 
 
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND thị xã Lê Văn Cường đề nghị lãnh đạo xã Thuỷ Thanh tiếp thu đầy đủ các ý kiến phát biểu, góp ý của 2 đồng chí phó chủ tịch và đại diện các phòng, ban chuyên môn; đồng thời chủ động phối hợp với cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch, tham mưu UBND thị xã triển khai các nội dung đã được thống nhất chủ trương. Về định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, đồng chí Chủ tịch UBND thị xã lưu ý giải pháp chuyển đổi ngành nghề, tạo việc làm cho người dân khi tốc độ đô thị hoá tại địa phương diễn ra nhanh, nhiều diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi, một bộ phận người dân không còn đất canh tác.
 
Liên quan đến công tác quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng, Chủ tịch UBND thị xã đề nghị cần có chiến lược dài hơi, nhất là việc đầu tư mở rộng các tuyến đường, hệ thống thoát nước, cây xanh… phải đồng bộ và đáp ứng được yêu cầu phát triển đô thị cũng như khi Thuỷ Thanh trở thành phường. “Về công tác quản lý đất đai, giao Phòng TN&MT nghiên cứu, tháo gỡ những phần diện tích đất sử dụng sai mục đích; các ngành chức năng cũng tập trung nghiên cứu và sớm triển khai kế hoạch đấu giá đất. Tuy nhiên, địa phương cần có kế hoạch, phương án tìm nguồn thu khác mang tính bền vững bên cạnh nguồn thu từ sử đụng đất, đấu giá đất”, Chủ tịch UBND thị xã Lê Văn Cường nhấn mạnh.
Thanh Đoàn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 16.331.740
Truy cập hiện tại 940 khách