Tìm kiếm
/UploadFiles/TuyChonLk/tailieuhdnd_230x61.png
Nông thôn Hương Thủy sau 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới
Ngày cập nhật 24/02/2016

Qua 5 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, thị xã Hương Thủy đã gặt hái nhiều thành quả nổi bật. Đến nay đã có 3 xã (Thủy Thanh, Thủy Tân, Dương Hòa) đạt 19/19 tiêu chí và đã được Ủy ban nhân dân tỉnh có quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), các xã còn lại đạt từ 13 đến 16 tiêu chí (trong tổng số 19 tiêu chí theo quy định).

 
Đ/c Lê Văn Chính, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy, CT HĐND thị xã trao bằng công nhận xã Dương Hòa đạt chuẩn nông thôn mới
 
Để triển khai xây dựng NTM đạt kết quả cao, ngay từ những ngày đầu thực hiện chương trình, UBND thị xã Hương Thủy đã ban hành Kế hoạch tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua Xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thị xã. Việc tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua xây dựng NTM có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng NTM trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của thị xã.  
Thống kê của Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới cho thấy, tổng nguồn vốn huy động xây dựng nông thôn mới trong 5 năm qua ở thị xã là 481.397 triệu đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương, tỉnh, thị xã và địa phương 225.775 triệu đồng; số còn lại huy động từ các nguồn lực xã hội. Có thể thấy, nguồn lực đầu tư của Trung ương, của tỉnh và kể cả của thị xã mặc dù vẫn còn khiêm tốn nhưng qua đây đã cho thấy chính sách linh động trong huy động nguồn lực từ nhiều kênh khác nhau. Thực hiện tốt chủ trương “Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ của toàn xã hội”, người dân đã nhận thức rõ "vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới" từ đó đã chung tay, góp sức cùng với cả hệ thống chính trị thực hiện hoàn thành nhiều tiêu chí tưởng chừng rất khó đạt được ở một số địa phương. Trong đó, có những tấm gương điển hình như bà Ngô Thị Hoa gốc ở tại thôn Lang Xá Bàu, xã Thủy Thanh (hiện nay ở tại Hải Phòng) đóng góp 500 triệu đồng để làm đường giao thông ở thôn Lang Xá Bàu; bà Ngô Thị Hoa ở thôn 9, xã Thủy Phù đóng góp 380 triệu đồng để làm đường bê tông thôn 9, xã Thủy Phù; ông Đậu Hải Sơn, Bí thư chi bộ thôn Dương Phẩm, xã Thủy Bằng hiến 900 m2 đất vườn; ông Hoàng Lãm, thôn Dương Phẩm, xã Thuỷ Bằng hiến 700m2 đất vườn; ông Lê Tiếp, thôn 1A, xã Thủy Phù hiến 200m2 đất vườn để mở rộng đường giao thông...; rất nhiều ngày công lao động được huy động đóng góp để mở rộng, nâng cấp các tuyến đường bê tông ở thôn xóm.
Trong 5 năm qua, thị xã cũng đã tích cực chỉ đạo triển khai nhiều công trình, hạng mục công trình; thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển dịch cơ cấu lao động và một số chính sách hỗ trợ khác để hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới; xây dựng 136 tuyến đường bê tông có chiều dài 24,203km, đầu tư 3.050,6 tấn xi măng trị giá 3,8 tỷ đồng và hỗ trợ 20% giá trị thi công trị giá 1,9 tỷ đồng giúp cho nhiều xã đạt tiêu chí về giao thông; xây dựng đựợc 58 phòng học, 6 phòng chức năng, 5 nhà vệ sinh, 4 nhà xe, 7 tường rào và sân vườn trường học, tu sửa 4 phòng học, quét vôi 4 phòng học… với kinh phí đầu tư 35.718 triệu đồng, nhờ đó đã có thêm nhiều trường học được công nhận đạt chuẩn Quốc gia, nâng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia của thị xã lên 34/48 trường, đạt 70,83%. Tỷ lệ người dân tham gia BHYT 85%; các di tích lịch sử, văn hóa ở 6 xã xây dựng nông thôn mới từng bước được đầu tư trùng tu, tôn tạo từ nhiều nguồn vốn như: Cầu ngói Thanh Toàn, Phủ thờ Tôn Thất Thuyết, Đình Hòa Phong, Đình làng Phù Bài. Các hoạt động văn hóa thể thao, các lễ hội truyền thống được bảo tồn và phát triển; thu nhập bình quân đầu người được nâng cao, năm 2010 bình quân 11.599.568 đồng/người, đến nay thu nhập bình quân đầu người chung cho 6 xã đạt 29.520.000 đồng/người/năm. 
Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, quyết tâm của các tầng lớp Nhân dân, bộ mặt nông thôn Hương Thủy đã có bước thay đổi rõ rệt. Đời sống Nhân dân được cải thiện và nâng cao; văn hóa xã hội và môi trường nông thôn có nhiều tiến bộ; dân chủ được mở rộng, hệ thống chính trị được củng cố; an ninh, trật tự xã hội được giữ vững. Diện mạo nông thôn mới đã hiện hữu với những con đường bê tông rộng rãi trải dài; hệ thống điện, kể cả điện chiếu sáng đã được đầu tư khá đầy đủ, nước máy được kéo về đến tận thôn xóm; công sở, trường học, nhà văn hóa xã, thôn khang trang rộng rãi... Sự đổi thay rõ nét của bức tranh nông thôn chính là minh chứng cho sự hòa quyện của ý Đảng, lòng Dân trong thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới.
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, thị xã Hương Thủy tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng ở nông thôn, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của Nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội và phấn đấu giữ vững các tiêu chí các xã đã đạt được trong năm 2015, nâng cao chất lượng các tiêu chí để được công nhận lại vào năm 2020; đẩy mạnh các phong trào thi đua, phấn đấu thực hiện mục tiêu đến hết năm 2020 toàn thị xã có 100% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới để trở thành đơn vị cấp huyện đầu tiên của tỉnh Thừa Thiên Huế được công nhận hoàn thành việc xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới./.
 
Nguyễn Đắc Tập - Ủy viên Ban Thường vụ, PCT UBND thị xã
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 15.894.920
Truy cập hiện tại 2.088 khách