Tìm kiếm
/UploadFiles/TuyChonLk/tailieuhdnd_230x61.png
Hội nghị tập huấn trồng rau an toàn sinh học, ứng dụng kỹ thuật bảo quản nông sản sau thu hoạch
Ngày cập nhật 06/06/2014

Sáng ngày 05/06/2014, Trạm Khuyến Nông - Lâm - Ngư và Hội Nông dân thị xã Hương Thủy phối hợp tổ chức hội nghị “ Tập huấn kỹ thuật trồng rau an toàn sinh học, ứng dụng kỹ thuật bảo quản nông sản sau thu hoạch”. Hội nghị tập huấn có 40 cán bộ và hội viên nông dân xã Thủy Thanh tham dự.

Kỹ sư Vũ Thị Lành, Phó Trưởng Trạm Khuyến Nông-Lâm-Ngư thị xã Hương Thủy giới thiệu nội dung tập huấn.

Hội nghị tập huấn đã được Kỹ sư Vũ Thị Lành – Phó Trưởng Trạm Khuyến Nông - Lâm - Ngư thị xã Hương Thủy giới thiệu các kiến thức trong sản xuất rau an toàn như: tất cả các loại rau ăn củ, thân, lá, hoa quả có chất lượng đúng như đặc tính giống của nó,  hàm lượng các hóa chất độc và mức độ nhiễm các sinh vật gây hại ở dưới mức tiêu chuẩn cho phép,  bảo quản an toàn cho người tiêu dùng và môi trường. Đồng thời Kỹ sư Vũ Thị Lành còn giới thiệu quy trình kỹ thuật về nội chất được quy định cho rau tươi, nguyên tắc trong việc sản xuất rau an toàn, điều kiện sản xuất rau an toàn, chọn đất và làm đất, nước tưới và tưới nước; cách chọn hạt giống và kỹ thuật ngâm ủ; cách nhận biết xử lý nguồn nước ngầm chứa nhiều kim  loại nặng độc hại  (Asen, chì, thủy ngân….) nhằm đảm bảo cung
cấp nguồn nước sạch cho tưới phun; xử lý nền đất sản xuất bằng các loại phân sinh học, phân hoai mục và phân tổng hợp NPK phù hợp với đất đai thổ nhưỡng và từng chủng loại rau không độc hại, không gây ô nhiễm môi trường.
         Toàn thể Hội nghị tập huấn cũng được nghe giới thiệu “Vai trò, mục đích của việc bảo quản chế biến nông sản sau thu hoạch, phương pháp phòng trừ sâu bệnh hại trong kho bảo quản và chế biến”; giới thiệu nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục được phép lưu hành không độc hại, không gây ô nhiễm môi trường và những chủng loại thuốc độc hại bị cấm sử dụng cho rau.
        Thông qua Hội nghị tập huấn, các học viên có cơ hội giao lưu học hỏi, tiếp thu các kiến thức kỹ thuật mới trong sản xuất rau an toàn và được cấp phát tài liệu để làm cẩm nang sau khi được tập huấn có thể áp dụng vào thực tế trên địa bàn. Trong thực tiễn hiện nay, người tiêu dùng đều mong muốn sử dụng các loại thực phẩm sạch, trong đó có rau an toàn cho bữa ăn của gia đình mình, thế nhưng để thực sự nhận biết được rau an toàn cũng như sẵn sàng trả giá cao để sử dụng các sản phẩm này thì dường như không nhiều người tiêu dùng làm được. Kết quả điều tra của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) tại 6 tỉnh phía Bắc vừa qua cho thấy, 88% người tiêu dùng được hỏi không nhận biết được rau an toàn và rau không an toàn. Đa phần người tiêu dùng vẫn dựa vào cảm tính và đánh giá ngoại quan của bản thân khi mua rau. Cụ thể, phần lớn người tiêu dùng đều cho rằng rau sạch, rau an toàn là các loại rau non, xanh, không sâu, nhìn hấp dẫn và quay lưng lại với các loại rau có mẫu mã xấu, có biểu hiện sâu bệnh; quan niệm như trên là không có cơ sở khoa học nào cả. Thực tế, do thói quen canh tác, nhiều diện tích rau của nông dân được trồng ở những vùng ô nhiễm, tận dụng các nguồn nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt nên khả năng rau chứa các chất độc hại và hàm lượng kim loại nặng là rất cao. Hơn nữa, vì lợi nhuận, nên việc sử dụng các loại thuốc trừ sâu, phân hóa học, các hóa chất bảo vệ thực vật của người trồng rau còn tùy tiện và nhiều khi không tuân thủ thời gian cách ly như khuyến cáo của nhà sản xuất.
        Do đó, để thị trường rau an toàn lớn mạnh, cần sự nhận thức và phối hợp thực hiện thông suốt giữa người sản xuất, cơ quan quản lý và người tiêu dùng dựa trên niềm tin và hệ thống kiếm soát chất lượng chặt chẽ của các ngành chức năng.
 

Bài, ảnh: Trần Công Năm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 15.925.402
Truy cập hiện tại 4.616 khách