Tìm kiếm
/UploadFiles/TuyChonLk/tailieuhdnd_230x61.png
CHIẾN KHU DƯƠNG HÒA Tập 5 (tiếp theo và hết): ĐÁNH THỨC CHIẾN KHU
Ngày cập nhật 19/11/2013
Các công trình ở đập Tả Trạch

Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến khu Dương Hòa đã làm tốt vai trò hậu cứ, vai trò nuôi dưỡng và hội tụ sức mạnh, trí tuệ của cách mạng Thừa Thiên Huế. Những chiến thắng suốt chiều dài con đường cách mạng ấy có dấu ấn của chiến khu Dương Hòa. Sự lựa chọn Dương Hòa, như nhận định của Đại tá Huỳnh An, ở phần một của loạt phóng sự này, đó là nơi có thể tung ra những cú đánh vào yết hầu của địch. Thời chiến tranh, Dương Hòa anh hùng là vậy, thời hòa bình, Dương Hòa đang thức dậy để hòa nhịp vào sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của Thừa Thiên Huế.

Chúng tôi có mặt ở khu vực đập Tả Trạch của công trình thế kỷ, hồ Tả Trạch với những công trình phức hợp đi kèm, vào một ngày giữa tháng 6. Sau nhiều năm, công trình phức hợp này cũng đã đi vào những công đoạn cuối. Đứng trên cao, có thể nhìn thấy sự hối hả của xe, của máy và của từng người. Đập Tả Trạch ra đời để khống chế những cơn lũ hung dữ đã và có thể sẽ xuất hiện trên lưu vực sông Hương. Nó còn là nhu cầu của sự phát triển bền vững hơn đô thị Huế, thị xã Hương Thủy và Hương Trà nói riêng, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung.
    Ông Lê Văn Chung, PCT UBND thị xã Hương Thủy cho biết rằng: “Trong tương lai không xa, vùng lòng hồ Tả Trạch sẽ được địa phương quan tâm phát triển du lịch sinh thái và dịch vụ. Nhưng để được như thế, địa phương sẽ phải giải quyết nhiều bài toán đi kèm. Rồi đây, thị xã cũng sẽ xúc tiến xây dựng một khu lưu niệm ở trung tâm chiến khu Dương Hòa xưa để giáo dục thế hệ sau.”

Các công trình ở đập Tả Trạch
    Sau chiến thắng 1975 đến nay, suốt một dải từ Dương Hòa, thị xã Hương Thủy, xuống Hương Thọ, thị xã Hương Trà, gặp rất nhiều khó khăn để phát triển kinh tế, xã hội, do sự chia cắt của địa hình, sự trắc trở của sông núi. Sau ba mươi mấy năm, người dân vùng chiến khu xưa vẫn làm kinh tế như ngày trở lại quê cũ. Vùng khá hơn thì bước đầu có sự chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Tuy nhiên, sự thay đổi ấy vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển về lâu dài. Điểm cơ bản chính là phát huy tiềm năng tự nhiên còn thiếu sự đột phá và mang tính bền vững cao.
    Loanh quanh Dương Hòa để tìm một nghề gì đó của bà con có thể nói là tiêu biểu cho sự thay đổi khác hơn tính thuần nông vốn có. Chúng tôi cứ bắt gặp hình ảnh những bãi thẻ nứa phơi đầy nhà, đầy sân. Tìm hiểu mới biết, có nhiều hộ dân nơi đây đã làm một nghề gắn với tiềm năng cây tre nứa ở địa phương. Đó là nghề chuốc tăm tre và que nhang. Ông Trần Thuật ở thôn Hộ, xã Dương Hòa, tâm sự: “Làm nghề ni cũng có thu nhập tàm tạm. Người siêng năng và có sức thì được chừng 150 ngàn một ngày. Người yếu sức thì cũng hơn 100 ngàn một ngày. Nghề ni xuất phát từ việc người ta thường lên đây mua tre, nứa về làm tăm, que nhang, người dân ở đây thấy rứa nên tự tổ chức làm luôn cái khâu sơ chế. Tính ra như tui làm nghề cũng được gần 15 năm rồi.”
    Với xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, những năm qua, các cấp chính quyền tỉnh, thị xã đã có những chính sách phát triển dựa trên tiềm năng của địa phương. Đặc biệt là các thôn từng là vùng chiến khu. Trong đó, lấy đất rừng trồng kinh tế để cấp cho người dân các thôn Thạch Hàn, La Khê Trẹm, Kim Ngọc, Định Môn chuyển sang trồng cây cao su là một hướng phát triển bền vững. Những vườn cao su xanh mướt, cho mủ đạt năng suất đã làm thay đổi sản xuất của người dân. Có những hộ dân ở Hương Thọ mạnh dạn hơn đã xây dựng vùng đất của mình thành trang trại tổng hợp. Vừa trồng cao su vừa nuôi cá, gà vịt. Những cái tên như Nguyễn Mến, Võ Đại Màng được nhắc đến như những cách làm hay, có sự chịu khó để phát triển mô hình kinh tế của riêng mình. Vùng trồng cao su xưa không ở đâu xa, chính là vùng đồi núi của một thời hậu cứ chiến khu.  
    Trước đây, các thôn vùng chiến khu của xã Hương Thọ được ví như ốc đảo, bởi sự chia cắt, bao bọc của hai con sông Hữu Trạch và Tả Trạch. Thế nhưng, điều đó đã trở thành quá khứ. Cây cầu phao bắt qua Tả Trạch được xây dựng và đưa vào sử dụng trong tháng 5 này đã nối đôi bờ vui cho người dân Thủy Bằng – Hương Thọ. Đó là chưa kể một cây cầu khác bằng bê tông cũng vừa được khởi công trong tháng 4 ở đoạn Liên Bằng – Thạch Hàn, bắt qua Hữu Trạch.
    Đánh thức Dương Hòa để hòa nhịp vào sự phát triển của địa phương vừa là nhu cầu vừa là mệnh lệnh của cách mạng. Bởi lẽ, sự phát triển của cả tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung không thể tách rời vùng chiến khu một thời nuôi dưỡng cách mạng. Hồ Tả Trạch với các công trình đi kèm ra đời không đơn thuần chỉ là cái hồ thủy lợi, thủy điện, hay một công trình để khống chế con nước thất thường của lưu vực Hương Giang vào mùa mưa lũ. Mà hơn thế, nó tạo sự đồng đều hơn, bền vững hơn, tạo điều kiện tốt hơn cho sự phát triển của vùng chiến khu xưa. Nếu có chiến lược kinh tế tốt, Dương Hòa có thể trở thành một động lực phát triển ở phía Tây của thị xã Hương Thủy trong tương lai.
Những cây cầu bắt qua sông Tả Trạch ở Dương Hòa ngày nay là một ví dụ. Những cây cầu ấy giúp giao thông ở hai bờ Tả Trạch được thuận tiện hơn. Bớt đi những chuyến đò tròng trành cũng là bớt đi sự nguy hiểm cho người dân. Việc có cầu đã trở thành xung lực cho những phát triển của bờ bên kia sông. Có thể, trước đây chưa có cầu bắt qua sông, việc phát triển kinh tế của người dân phải tính toán với việc vận chuyển, đi lại bằng ghe thuyền, bằng đò ngang. Thế nhưng, giờ đây đã có cầu thì người dân có thể tính đến những lợi ích lớn hơn để làm kinh tế. Đơn cử như một rừng keo kinh tế ở phía bên kia sông, chắc chắn khi có cầu, giá cả của nó cũng đã khác trước rất nhiều.
    Những ngày tháng 6, tháng 7, cả một vùng lòng hồ Tả Trạch với cái đập cùng những công trình đi kèm đã làm bừng sáng lên một vùng chiến khu tưởng chừng còn ngái ngủ. Công trường hối hả, lòng người cũng hối hả. Mai đây, khi công trình hoàn thành, Dương Hòa sẽ được nhắc đến như một trong các động lực của sự đi lên của Thừa Thiên Huế. Cũng vì thế, công trình hồ Tả Trạch được tỉnh Thừa Thiên Huế xem là công trình thế kỷ.
    Tuy nhiên, có một điều mà trong quá trình thực hiện loạt phóng sự về chiến khu Dương Hòa chúng tôi còn băn khoăn. Đó là những tâm sự của người lính già Lê Hữu Tòng khi ông kể về những kỷ niệm, những ký ức khó phai. Đứng ở lưng chừng núi Mỏ Tàu, ông chỉ xuống vùng hậu cứ và nói rằng: “Trong thâm tâm tôi, tôi vẫn có cảm nhận rằng còn nhiều đồng đội tôi đã ngã xuống ở mảnh đất này và vẫn còn nằm lại trong đất. Dù đã có nhiều đoàn tìm kiếm hài cốt tiến hành khai quật và quy tập khá nhiều. Nhưng với thời gian chiến tranh kéo dài, sự khốc liệt của vùng chiến sự quanh Mỏ Tàu như vậy, chưa thể khai quật hết được. Mong sao, công trình Tả Trạch khoan vội tích nước mà các đơn vị, cơ quan chức năng tiến hành một đợt khai quật tổng thể nữa. Bởi lẽ, từng đi chỉ dẫn cho những đoàn khai quật mộ liệt sỹ từ khi chiến tranh kết thúc cho đến nay nên tôi có thể nhận định như vậy.”
    Ở đâu cũng vậy, sự hy sinh càng có ý nghĩa hơn khi có sự hy sinh ấy để đất nước được sống và phát triển. Có lẽ, ai đó từng đặt chân lên đỉnh núi Mỏ Tàu những ngày Hè, khi bắt gặp hình ảnh một loại hoa rừng màu tím, trên lưng chừng núi Mỏ Tàu, nơi chiến địa ác liệt trong những năm cuối chiến tranh chống Mỹ cứu nước, sẽ cảm nhận được điều này. Sự khốc liệt từng có ở Mỏ Tàu không làm màu tím của một loại hoa rừng bớt đẹp mà đơn giản là nó làm cho đất chiến địa nở hoa. Một biểu tượng của sức sống mạnh liệt.
Dương Hòa hôm nay nói riêng và cả vùng chiến khu Dương Hòa xưa nói chung đã và đang có sự phát triển ngày càng tương xứng hơn với sự phát triển chung của tỉnh nhà. Mai đây, khi nhắc đến Dương Hòa, lớp người đi sau sẽ không chỉ nhắc đến một vùng chiến khu mà còn nhiều hơn thế./.
 

Đình Đính- huongthuy.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 15.937.858
Truy cập hiện tại 2.116 khách