Tìm kiếm
/UploadFiles/TuyChonLk/tailieuhdnd_230x61.png
CHIẾN KHU DƯƠNG HÒA Tập 4: CHIẾN THẮNG CỨ ĐIỂM
Ngày cập nhật 19/11/2013
Dãy núi Tứ Tượng với cứ điểm Chóp Vung ở ngay trên đỉnh cao phía sau

Vùng chiến khu với hậu cứ Khe Vàng – núi Rệ chỉ cách vùng giáp ranh và vùng đồng bằng bởi một con sông Tả Trạch. Vì thế, việc tận dụng các điểm cao để hình thành các cứ điểm nhằm kiểm soát, khống chế các hoạt động của lực lượng cách mạng từ vùng chiến khu trở thành nhiệm vụ then chốt của địch. Dọc bờ tả ngạn sông Tả Trạch, từ núi Mỏ Tàu về tận dãy Tứ Tượng, hàng loạt cứ điểm được xây dựng như Mỏ Tàu, A-sê-nôn, Tân Ba – Độn Hoàng, Võ Xá, Dương Phẩm, chi khu Nam Hòa, Chóp Vung … Đánh các cứ điểm để mở đường hoạt động, tiếp cận vùng đồng bằng, khi đó, trở thành một trong những mặt hoạt động của lực lượng vũ trang cách mạng.

Dải cứ điểm kéo dài gần 18km dọc bờ tả ngạn sông Tả Trạch, tính từ khu vực cứ điểm Mỏ Tàu xuống cứ điểm Chóp Vung, tựa như bức tường thép với các điểm cao có thể quan sát rõ ràng từng hoạt động của lực lượng vũ trang cách mạng. Đó là chưa kể cứ điểm La Sơn của địch ở phía Nam – Đông Nam chiến khu. Sự hình thành dải cứ điểm này đã gây không ít khó khăn cho hoạt động của ta. Các trận địa pháo đặt ở các cứ điểm này thường xuyên bắn phá vùng chiến khu Dương Hòa với các khu vực mà địch nghi ngờ có cơ sở ta hoạt động.
    Quan trọng nhất, tập trung đông đảo nhất, hỏa lực mạnh mẽ nhất chính là cứ điểm Mỏ Tàu. Núi Mỏ Tàu còn được gọi là Mã Tàu. Với độ cao 325m so với mực nước biển, cách căn cứ Phú Bài khoảng 14km, cách núi Rệ khoảng 15km, cách ngã ba Tuần 18km, cách căn cứ Ấp 5 – Thủy Phương khoảng 14km, Mỏ Tàu có thể nói là một điểm cao quan trọng, có khoảng cách trung bình so với các căn cứ và các khu vực cần khống chế, bảo vệ của địch. Vì thế, với địch, bức bình phong Mỏ Tàu mất cũng có nghĩa căn cứ Ấp 5 và căn cứ Phú Bài, sân bay Phú Bài bị đe dọa. Đánh thẳng vào cứ điểm Mỏ Tàu, tạo thế uy hiếp các căn cứ quân địch, mở đường cho lực lượng chính quy về đồng bằng phía Nam Thừa Thiên là một trong các nhiệm vụ hàng đầu của lực lượng vũ trang cách mạng.
    Ở cứ điểm Mỏ Tàu, từng diễn ra nhiều trận đánh lẻ tẻ do lực lượng vũ trang ta tổ chức. Nhưng đáng kể nhất là chiến dịch La Sơn năm 1974 mở ra, chiến dịch đánh Mỏ Tàu từ ngày 28/8 đến ngày 03/9 là một chiến dịch then chốt của chiến dịch lớn La Sơn và được mang mật danh K18. Tham gia trận đánh này có tiểu đoàn 8 Bộ binh của tỉnh, Trung đoàn 6 của Quân khu Trị Thiên, một bộ phận của sư đoàn 324 và một Đại đội Đặc công và 1 Đại đội Bộ binh của huyện Hương Thủy. Đây là loạt trận đánh ác liệt nhất trong chiến dịch La Sơn 1974.

    Ông Lê Hữu Tòng, Nguyên huyện đội trưởng Huyện đội Hương Thủy trong giai đoạn đó đã kể lại rằng: “Vì phải đánh từ phía trong ra, lực lượng vũ trang của ta gặp phải vách núi cao và dốc đứng. Nhưng với quyết tâm đánh là thắng. Từng bước chúng ta đào các hầm chữ A vây lấy mặt phía Tây và Tây Nam núi Mỏ Tàu, xây dựng các điểm hậu cần, y tế ở cách đó không xa lắm. Chiến sỹ ta cứ bò bám vào vách đất đá mà lên. Đánh ác liệt lắm vì địch có không quân hỗ trợ. Thế mà chúng ta vẫn nhiều lần đánh bật địch khỏi cứ điểm Mỏ Tàu. Khi địch ham tập trung cho Mỏ Tàu để đối phó ta thì bị hở các điểm khác, nhờ đó mà cứ điểm La Sơn bị đánh bại. Vùng phía Nam Phú Bài của địch lung lay.”
    Để cảm nhận không gian bao quát của núi Mỏ Tàu với vùng phía Nam Thừa Thiên, chúng tôi đã tìm đường đi lên đỉnh núi. Hành trình lên đỉnh núi quả là hành trình vất vả. Chúng tôi chẳng mang theo cái gì ngoài thiết bị tác nghiệp và mấy chai nước uống, thế mà, bở cả hơi tai. Nghĩ lại, mới thấy khâm phục sự chịu khó, chấp nhận gian khổ của những chiến sỹ cách mạng khi trèo lên ngọn núi này để đánh địch. Theo người lính già Lê Hữu Tòng, hành trang của quân cách mạng chỉ là vũ khí với ít lương khô, ai may mắn thì có thêm một bi-đông nước, thế nhưng, đánh là đánh.
    Khi đứng trên đỉnh núi Mỏ Tàu, bằng mắt thường, chúng tôi có thể nhìn thấy khu vực phía Nam thành phố Huế, thấy được căn cứ Tiểu đoàn 1 bộ binh của tỉnh hiện nay đóng ở ngay căn cứ Ấp 5 ngày xưa của địch, thấy được phường Phú bài, khu công nghiệp Phú Bài. Phía Bắc thì có thể thấy được núi Rệ, núi Trọc (độn Cáy) và cả khu vực ngã ba Tuần. Quả thực, với thiết bị tiềm vọng, đặt trận địa pháo ở ngay trên đỉnh Mỏ Tàu, địch có thể bảo vệ khu vực phía Nam Thừa Thiên và gây khó khăn cho hoạt động của ta.
    Ông Lê Hữu Tòng cũng cho biết thêm rằng: chính vì sợ mất Mỏ Tàu nên địch tập trung quá mức cho cứ điểm này khi lực lượng ta tấn công nên bị hở các nơi khác. Bên cạnh cụm căn cứ với 3 đỉnh núi ở Mỏ Tàu, phía Đông Nam của Mỏ Tàu còn có sân bay dã chiến có tên là Cưa, một căn cứ hậu cần cách đó gần 1 km ở phía Đông Bắc. Địch đóng ở đó luân phiên 2 trung đoàn là Trung đoàn 51 và Trung đoàn 54 của Sư đoàn 1 Bộ Binh.
Bên cạnh các cứ điểm Mỏ Tàu, A-sê-nôn, Tân Ba - Độn Hoàng với lực lượng chính quy đóng chốt, địch còn xây dựng lực lượng địa phương quân, lực lượng bảo an dưới sự chỉ huy, điều phối của chi khu Nam Hòa. Phụ trách khu vực tả ngạn sông Tả Trạch, chi khu Nam Hòa ở làng An Ninh, xã Thủy Bằng, trở thành lực lượng địa phương đối đầu trực tiếp với chiến khu Dương Hòa. Các đơn vị địa phương quân, lực lượng bảo an của chi khu Nam Hòa thường xuyên đi tuần, gài mìn, lật hầm … đã gây thiệt hại không nhỏ cho ta.  Vì thế, đánh thẳng vào lỵ sở của chi khu Nam Hòa cũng là nhiệm vụ đặt ra.
Đầu tháng 7 năm 1971, đại đội 3 đặc công của huyện đội Hương Thủy đã tổ chức một trận đánh lớn vào lỵ sở của chi khu Nam Hòa. Khi đánh trận này, ông Lê Hữu Tòng đang là đại đội phó đại đội 3 đặc công Hương Thủy.
Đưa chúng tôi lên nơi từng là lỵ sở của Chi khu Nam Hòa, ông Lê Hữu Tòng chỉ rõ những gì đã diễn ra của cái đêm đánh trận đó. Ông nói: “Cái lỵ sở này có 2 vòng thép gai ở bên ngoài, một lô cốt phía Đông, một lô cốt phía Bắc và được bảo vệ từ xa bởi cứ điểm Chóp Vung và cứ điểm Dương Phẩm. Thế nên, khi đánh, chúng tôi quyết định ngay lập tức cắt hàng rào thép gai và mật tập đồng loạt vào 2 cái lô cốt. Chỉ chưa đầy 5 phút, chúng tôi đã tiêu diệt được quân địch ở trong 2 lô cốt. Khi 2 nhóm anh em đánh 2 lô cốt thì 1 nhóm khác nhanh chóng tiếp cận tòa nhà lỵ sở và ném bộc phá vào bên trong tiêu diệt lực lượng địch ở trong đó cũng như tên cố vấn Mỹ. Giữa sân lỵ sở có 2 khẩu pháo 105 ly và 3 khẩu 12 ly 7, chúng tôi ngay lập tức gài bộc phá phá hủy. Phá hủy xong cụm pháo đó thì chúng tôi rút lui. Bởi lẽ, khi đó địch ở 2 cứ điểm Chóp Vung và Dương Phẩm đang cố gắng cứu lỵ sở chi khu Nam Hòa bằng cách bắn súng máy uy hiếp.”
Hiện nay, khu vực lỵ sở của chi khu Nam Hòa đã trở thành nơi đóng nhà máy của công ty cổ phần chế biến lâm sản Hương Giang. Thời gian đã qua gần 40 năm sau chiến tranh, thế nhưng, vẫn còn đó những chứng tích của một thời khét tiếng của lỵ sở chi khu Nam Hòa. 2 cái lô cốt vẫn còn đó. Tòa nhà trung tâm của lỵ sở chi khu vẫn còn và đã trở thành một phần của dãy nhà văn phòng công ty cổ phần chế biến lâm sản Hương Giang.

 


Một loài hoa trên đỉnh núi Mỏ Tàu

Cùng với những trận đánh vào các cứ điểm khác, lực lượng vũ trang cách mạng đã gây cho địch hàng loạt tổn thất nặng nề. Từng bước làm suy yếu vòng cung cứ điểm bao bọc phía Tây Hương Thủy, tức là phía Đông chiến khu Dương Hòa. Đặc biệt, sau hiệp định Pari 1973, việc tổ chức những trận đánh chống lấn chiếm xuất phát từ các cứ điểm này cũng được đặt ra. Bởi lẽ, địch càng lấn chiếm sâu vào chiến khu Dương Hòa thì hoạt động của ta càng khó khăn. Không cho địch nghỉ ngơi, đánh mọi lúc, mọi nơi, đánh khi có cơ hội trở thành phương châm của quân dân Hương Thủy mà trực tiếp là đại đội 1 đặc công và đại đội 3 bộ binh.
Song song với chiến đấu trên chiến trường, công tác binh vận được đặc biệt chú ý. Một trong những hoạt động binh vận của huyện đội Hương Thủy đã để lại tác động sâu sắc với lực lượng địch chính là việc vận động 1 đại đội thuộc trung đoàn 54 của địch đóng tại khu vực cứ điểm Mỏ Tàu cùng tổ chức bữa cơm hòa hợp vào ngày 19/5/1973, ngày kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ ngay sau hiệp định Pari. Lúc đó, ông Võ Nguyên Quảng làm huyện đội trưởng và ông Lê Hữu Tòng làm huyện đội phó. Địa điểm tổ chức bữa cơm hòa hợp đó là ở ngay cạnh sân bay dã chiến Cưa. Sau này, câu chuyện bữa cơm hòa hợp ngày 19/5/1973 đó vẫn thường được những người lính của huyện đội Hương Thủy xưa kia kể lại. Nhiều người, cả 2 bên, luôn cảm thấy bữa cơm đó có ý nghĩa nhất trong những năm cuối chiến tranh.
Trên chiến địa, quân dân ta chiến thắng bằng lòng gan dạ. Trên mặt trận binh vận, quân dân ta chiến thắng bằng sự thông minh, khôn khéo. Sự hỗ trợ kịp thời của lực lượng chủ lực các cấp đã giúp cho quân dân Hương Thủy, mà trực tiếp là chiến khu Dương Hòa được giữ vững.
Nhờ đó, tháng 3 năm 1975 lịch sử, từ chiến khu Dương Hòa, các lực lượng vũ trang của ta tiến về đánh bại lực lượng địch và giải phóng vùng đồng bằng Nam Thừa Thiên Huế, cắt đứt đường rút chạy của quân đội Việt Nam Cộng Hòa vào Đà Nẵng. Đồng thời, trở thành mũi thọc sâu từ Nam lên Huế, góp phần vào thắng lợi chung, giải phóng toàn tỉnh Thừa Thiên Huế ngày 26/3/1975./.
(còn nữa)
 

Đình Đính- huongthuy.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 15.937.793
Truy cập hiện tại 2.071 khách