Tìm kiếm
/UploadFiles/TuyChonLk/tailieuhdnd_230x61.png
Phục hồi di tích, giáo dục giới trẻ
Ngày cập nhật 23/12/2014

Những năm tháng chống Mỹ cứu nước, địa bàn xã Thủy Thanh (TX Hương Thủy) là cái nôi của cách mạng. Gần 40 năm sau chiến tranh, những dấu tích xưa vẫn còn đó. Một số hầm bí mật nuôi giấu cán bộ cách mạng được phục hồi nguyên vẹn.

Chúng tôi tìm về xã Thủy Thanh trong cái se lạnh của đất trời. Biết nguyện vọng muốn tìm hiểu về những cái hầm bí mật nuôi giấu bộ đội, ông Trần Duy Thao, Bí thư Đảng ủy xã Thủy Thanh liền nói: “Bây giờ muốn thống kê hết các hầm bí mật e rằng không xuể. Ở Thủy Thanh có đến hàng trăm cái hầm bí mật lớn nhỏ. Có những cái được phục dựng, tôn tạo lại nhưng cũng có rất nhiều cái một phần vì dấu tích thời gian, một phần vì tiến trình đô thị hóa đã không còn nữa”.
Về Thủy Thanh, chúng tôi may mắn được gặp rất nhiều cựu binh đã từng chiến đấu trên mảnh đất này. Ông Nguyễn Xuân Thắng, Đội trưởng biệt động Hương Thủy năm xưa là một trong số đó. Cùng ông Thắng đến hầm bí mật Văn Thánh, một trong những “địa chỉ” nuôi giấu thương binh ở Thủy Thanh. Ông Thắng nói rành mạch, rõ ràng từng chi tiết, những mốc lịch sử diễn ra tại đây. “1-1-1964 diễn ra cuộc phát lệnh khởi nghĩa tiêu diệt ngụy quân, ngụy quyền ở xã Thủy Thanh. Năm 1968, hầm Văn Thánh là nơi nuôi giấu cán bộ, bộ đội thương binh. Ngày 31-3-1975, chính nơi đây cách mạng kêu gọi ngụy quân, ngụy quyền giao nộp vũ khí…”, ông Nguyễn Xuân Thắng kể.

Hai cựu binh Nguyễn Xuân Thắng (trái) và Nguyễn Thanh Hải trở lại hầm bí mật Văn Thánh

Có lẽ chính những sử liệu quý giá đó mà bây giờ hầm bí mật Văn Thánh được phục dựng lại như cũ. “Hàng năm, chúng tôi thường trao học bỗng cho các cháu hiếu học ngay tại nơi đây, một phần là để giáo dục các cháu hiểu biết hơn về quá trình đấu tranh của ông cha ta thời trước”, ông Trần Duy Thao cho biết.
Không chỉ hầm Văn Thánh, năm 2012, được sự hỗ trợ về kinh phí của Công an tỉnh Thừa Thiên Huế kết hợp với kinh phí của địa phương. Chính quyền xã Thủy Thanh đã phục dựng lại hầm bí mật Cồn Miệu. Việc phục dựng các hầm bí mật này không chỉ góp phần lưu dấu một thời cách mạng sục sôi trên mảnh đất anh hùng mà còn giúp những người ở xa khi trở lại quê hương biết được những dấu tích ngày xưa; giúp những cựu binh đã hoạt động tại đây khi trở về có dịp ôn lại những kỉ niệm. Những thế hệ sau này có cơ hội chứng kiến được một giai đoạn của lịch sử cách mạng. Nói như cựu binh Nguyễn Thanh Hải, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Thủy Thanh: “Những dấu tích này được phục hồi, có nghĩa là những năm tháng chiến đấu của chúng tôi tại nơi đây vẫn còn được nhớ rõ”.

Hầm bí mật Cồn Miệu trở thành điểm thành điểm tham quan du lịch

Trong hàng trăm hầm bí mật lớn nhỏ ở Thủy Thanh, bây giờ có 3 cái vẫn còn nguyên vẹn là hầm Văn Thánh, hầm Cồn Miệu và hầm bí mật tại nhà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Hàng. Ngoài ý nghĩa nhân văn sâu sắc, những “địa chỉ” này đã được chính quyền xã Thủy Thanh “biến” thành các điểm tham quan, góp phần thu hút khách du lịch. Ông Nguyễn Mậu Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Thủy Thanh cho hay: “Sau khi phục hồi 2 hầm bí mật, đó là Văn Thánh và Cồn Miệu. Chúng tôi liền xây dựng nơi đây trở thành các điểm tham quan du lịch, đưa vào tour và bản đồ du lịch của xã. Những địa điểm này, hằng năm thu hút khoảng 1000 lượt khách ghé thăm. Chúng tôi kết hợp với các trường học trên địa bàn, vào dịp lễ tết, thầy cô giáo đưa học sinh đến đây để giáo dục cho các em về truyền thống cách mạng”.
Thấy rõ những lợi thế để phát triển du lịch, nhưng khi chúng tôi đề cập đến việc tại sao không phục hồi tất cả các hầm bí mật khác?! Ông Hòa trăn trở: “Phục hồi hầm bí mật không phải chuyện dễ, trong khi nguồn lực của xã hiện nay hạn chế. Trước khi phục hồi, tôn tạo một cái hầm nào đó, chúng tôi phải tham mưu các vị lão thành cách mạng, cựu binh đã từng hoạt động tại đây. Để phục hồi nguyên bản, phải tìm nguồn nguyên vật liệu đúng như cũ. Việc đó rất khó, nếu dùng vật liệu rẻ tiền để phục hồi thì e rằng nó không tồn tại được lâu. Hầm bí mật đều nằm ở những vị trí hiểm trở, du khách đến tham quan cần phải đầu tư hệ thống giao thông thuận lợi”.
 

Bài&ảnh: Lê Thọ
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 15.909.810
Truy cập hiện tại 1.627 khách