Tìm kiếm
/UploadFiles/TuyChonLk/tailieuhdnd_230x61.png
Những tín hiệu vui cho phát triển chăn nuôi trâu, bò ở Dương Hoà
Ngày cập nhật 30/10/2014

Xã miền núi Dương Hòa với diện tích tự nhiên trên toàn xã là hơn 26 nghìn ha, có nhiều kiện thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi đại gia súc ( trâu, bò) và trồng rừng kinh tế.

Trước đây, xã Dương Hòa được biết đến là một vùng chăn nuôi trâu bò với số lượng lớn, có lúc lên đến cả nghìn con. Tuy nhiên, từ năm 2004 trở lại đây, do kinh tế rừng trồng phát triển, nhiều diện tích đất tự nhiên lúc trước là đồng cỏ để người dân chăn thả trâu, bò theo cách chăn nuôi truyền thống đều được tận dụng trồng rừng kinh tế mà chủ yếu là cây keo lai, một diện tích lớn khác bị thu hồi để lấy đất xây dựng công trình Tả Trạch nên đồng cỏ dành cho chăn nuôi bị thu hẹp. Bên cạnh đó là thói quen chăn thả (thả rong trâu, bò) của bà con nhân dân đã làm đàn trâu bò giảm sút đáng kể do bệnh dịch, mất trộm, chết do thời tiết … vì không được chăm sóc tốt.
Riêng đàn bò thì con giống địa phương phần lớn là bò vàng (bò cỏ) đã bị thoái hóa do lai tạo cận huyết, chất lượng giống kém nên con con chậm lớn, chế độ dinh dưỡng, thuốc men không đầy đủ…. Nên hiệu quả kinh tế mang lại từ việc chăn nuôi trâu bò thấp, từ đó nhiều hộ gia đình đã bán hết và không đầu tư chăn nuôi tiếp. Có lúc đàn trâu, bò ở của xã Dương Hòa chỉ còn một vài trăm con.  
Từ năm 2012, do thấy hiệu quả kinh tế mang lại từ chăn nuôi trâu bò khá cao, nhiều người dân đã đầu tư tái đàn trở lại. Trong đó, đáng chú ý là đàn bò phát triển một cách nhanh chóng, phương pháp chăn nuôi đã có những chuyển biến tích cực, từ chổ chủ yếu là thả rong, nay nhiều người đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại, trồng cỏ và chăn nuôi theo mô hình bán thâm canh, đàn bò vàng cũng dần được chọn lọc lai tạo giống bò lai Sind có tốc độ phát triển và hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều, công tác tiêm phòng dịch bệnh, vệ sinh chuồng trại cũng được người dân chú ý
Đặc biệt có nhiều hộ đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua bò giống lai Sind F2, F3 để chăn nuôi, điển hình như hộ anh Phan Trực ở thôn Hộ xã Dương Hòa đầu tư gần 200 triệu đồng để cải tạo đàn bò, làm chuồng trại và trồng cỏ, hộ ông Ngô Đình An, Chế Quang Sinh, Lê Thanh Quốc và nhiều hộ khác cũng đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua con giống bò lai Sind, ngoài ra còn hàng chục hộ dân khác cũng mạnh dạn đầu tư chăn nuôi và từng bước cải tạo giống bò vàng địa phương bằng phương pháp dẫn tinh và cho đực giống lai Sind nhảy trực tiếp. Song song với đó, bà con cũng chuyển đổi một số diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ để làm thức ăn chăn nuôi. Hiện nay toàn xã có hơn 700 con trâu bò, trong đó có khoảng hơn 450 con bò và hơn 40% trong số đó là bò lai Sind hoặc mang một phần dòng máu lai Sind. Đây có thể xem là những tín hiệu vui cho việc khôi phục chăn nuôi trâu bò, là một thế mạnh trong phát triển kinh tế của xã miền núi Dương Hòa giúp nâng cao đời sống kinh tế cho người dân.

Anh Chế Quang Sinh với đàn bò lai Sind của mình

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi cơ bản về điều kiện tự nhiên, sự hỗ trợ, giúp đỡ động viên của chính quyền địa phương và sự thay đổi về nhận thức của người dân thì vẫn cần tính đến hướng phát triển ổn định và lâu dài, tháo gỡ một số khó khăn để hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi có hiệu quả và bền vững, bao gồm việc quy hoạch đất, quy hoạch vùng chăn nuôi và cơ sở hạ tầng để phát triển mô hình trang trại gia trại theo hướng bền vững. Nguồn vốn để chăn nuôi  trâu, bò khá lớn nên cần tạo điều kiện để người dân có thể tiếp cận và được vay các nguồn vốn ưu đãi trong phát triển sản xuất chăn nuôi, trang bị về kỹ thuật trong chăn nuôi thâm canh và vỗ béo để tăng năng suất và sản phẩm, bên cạnh đó cũng cần bảo đảm khâu phòng trừ dịch bệnh cho đàn gia súc.
Nếu có những chính sách và định hướng phát triển phù hợp thì chăn nuôi trâu, bò ở xã miền núi Dương Hòa hứa hẹn là một điểm sáng trong phát triển kinh tế, góp phần từng bước nâng cao đời sống cho bà con nhân dân.
 

Bài & ảnh: Thạch Sơn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 15.913.292
Truy cập hiện tại 2.841 khách