Tìm kiếm
/UploadFiles/TuyChonLk/tailieuhdnd_230x61.png
“Cánh đồng mẫu lúa chất lượng”, mô hình sản xuất tích cực trong sản xuất nông nghiệp hiện nay
Ngày cập nhật 04/03/2014

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Thị ủy, UBND thị xã cùng các ngành chức năng và sự nỗ lực của bà con nông dân, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thị xã đã có chuyển biến tích cực. Vụ Đông Xuân 2013, năng suất đạt trên 62 tạ/ha; vụ Hè thu 54,88 tạ/ha. Năng suất bình quân năm 2013 đạt 58,5 tạ/ha. Kết quả đó có sự đóng góp quan trọng của các mô hình trình diễn “cánh đồng mẫu lúa” vụ mùa Đông Xuân 2013 thắng lợi do Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh phối hợp với Phòng Kinh tế, Trạm Khuyến nông Lâm ngư thị xã và các HTX trên địa bàn đã triển khai thực hiện theo hướng áp dụng tiến bộ KHKT bước đầu đã đem lại hiệu quả tích cực.

Trong năm 2013, các giống lúa mới, chất lượng cao được mạnh dạn đưa vào khảo nghiệm, thực tế sản xuất cho năng suất cao như ở xã Thủy Thanh sử dụng giống lúa chất lượng cao Hương Cốm 4, với diện tích 2 ha đạt năng suất 57 tạ/ha; giống lúa Bắc Thơm 7, diện tích 25 ha, năng suất 60 tạ/ha; ở xã Thủy Tân, giống lúa Hương Thơm 1, diện tích 25 ha, năng suất trên 59 tạ/ha; Thủy Dương sử dụng giống lúa ĐH 18 với diện tích 0,33 ha cho năng suất 80 tạ/ha. Ngoài ra, một số đơn vị khác như HTX Thủy Phương sử dụng các loại giống lúa mới DT68, NDD2, Hưng dân, QR2 đều cho năng suất cao…
Có thể thấy, các mô hình trình diễn ứng dụng trong sản xuất các loại giống lúa mới ngày càng đa dạng, tăng cả về chất lượng và số lượng. Những mô hình này đã mở ra hướng sản xuất mới, giúp người dân thay đổi nhận thức về sản xuất nông nghiệp hàng hóa, phù hợp với cơ chế thị trường, phát huy lợi thế để tăng nguồn thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích. Việc tăng cường triển khai xây dựng thí điểm các mô hình là một hướng đi đúng đắn, mang lại lợi ích cho người nông dân cũng như các HTX nông nghiệp và các doanh nghiệp, đồng thời thắt chặt mối liên kết giữa 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông.
Mô hình “Cánh đồng mẫu lúa” với bước khởi đầu còn nhiều khó khăn nhưng với sự đồng thuận cao của lãnh đạo các cấp, các ngành từ tỉnh, thị xã, các xã, phường và nông dân nên đã cho thấy xu thế tất yếu của sự liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Sản xuất nông nghiệp theo “Cánh đồng mẫu lúa chất lượng” là hướng đi đúng trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
Thực hiện mô hình “Cánh đồng mẫu lúa chất lượng” đối với sản xuất các giống lúa mới đã thực hiện tốt mục tiêu của việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến một cách đồng bộ, hiệu quả trên một diện tích lớn, rút ngắn khoảng chênh lệch về năng suất giữa các hộ nông dân, các thửa ruộng, các vùng sản xuất, nâng cao năng suất bình quân trong toàn vùng, gia tăng chất lượng lúa, gạo, tạo ưu thế cạnh tranh trong sản xuất và làm nền tảng cho việc sản xuất lúa theo hướng vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu lúa gạo hàng hóa tại địa phương.
“Cánh đồng mẫu lúa chất lượng” thực hiện tại thị xã Hương Thủy không chỉ  tạo cơ hội khai thác lợi thế của địa phương, tạo ra quy mô sản xuất tương đối lớn, khối lượng nông sản hàng hóa tập trung chất lượng cao, giá thành hạ mà qua đó đã tạo nên môi trường tích cực nâng cao kỹ năng sản xuất và ý thức kỷ luật của nông dân, giúp họ liên kết chặt chẽ với nhau trong sản xuất, tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống ngay trên mảnh ruộng của mình…
Ứng dụng các giống lúa mới đưa vào sản xuất thử với năng suất tương đối cao nhưng đảm bảo chất lượng, phù hợp với nhiều loại đất và nhiều vùng khí hậu… nên có thể đưa cơ cấu vào trong sản xuất với diện tích phù hợp nhằm đa dạng giống lúa trên địa bàn thị xã. Đồng thời nâng cao chất lượng lúa gạo tỉnh nhà, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất.

Lãnh đạo thị xã và các ban, ngành đánh giá “Cánh đồng mẫu lúa chất lượng” vụ Đông - Xuân 2013 tại HTX NN Thủy Thanh 2


Để phát huy kết quả đạt được và tạo điều kiện nhân rộng các mô hình trình diễn, cần tiếp tục xây dựng mô hình “Cánh đồng mẫu lúa chất lượng” trong thời gian tới và những năm tiếp theo như sau:
- Tăng cường công tác tuyên truyền, tiếp tục nâng cao nhận thức về mọi mặt cho người nông dân, nhất là về khoa học, công nghệ; năng lực tổ chức, quản lý sản xuất của các HTX…
- Phát triển cánh đồng mẫu lúa trên cơ sở quy hoạch vùng sản xuất lúa hàng hóa trong điều kiện xây dựng nông thôn mới, phải thực hiện tốt sự liên kết sản xuất giữa các hộ nông dân - doanh nghiệp - nhà khoa học; đặc biệt là giữa nông dân, các tổ chức của nông dân (hợp tác xã) với doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
- Tập hợp những nông dân nhỏ lẻ để hình thành cánh đồng mẫu lúa với diện tích rộng hơn mô hình đã thực hiện, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất trên cơ sở liên kết giữa nông dân với nhau, giữa nông dân và doanh nghiệp, tạo điều kiện áp dụng những kỹ thuật mới, giải quyết đầu ra ổn định và có lợi cho nông dân. Vì vậy, việc nhân rộng cánh đồng mẫu chất lượng là một hướng tổ chức sản xuất phù hợp trong xây dựng nông thôn mới.
- Tạo điều kiện bố trí kinh phí để tiếp tục sản xuất các loại giống lúa mới đưa vào khảo nghiệm để đánh giá đầy đủ, có kết luận chính xác hơn về giống lúa chất lượng làm cơ sở cho việc nhân rộng. Cũng trên cơ sở đó, đề nghị các địa phương quan tâm đưa một số giống lúa chất lượng như HC4, BT7, HT1…vào những vùng quy hoạch để trở thành những vùng sản xuất hàng hóa, quan tâm đến việc tiếp cận các doanh nghiệp, tư thương… để chủ động thị trường hiệu quả..
- Đầu tư nhân rộng Mô hình “Cánh đồng mẫu lúa chất lượng” để tiến tới xây dựng vùng lúa trên cùng một xứ đồng, cánh đồng, cùng quy trình SX từ các khâu: cày ải phơi đất, vệ sinh đồng ruộng trước khi gieo sạ; sử dụng cùng một loại giống lúa được xác nhận chất lượng cao, xuống giống đồng loạt đồng trà, với cùng mật độ gieo sạ … Việc triển khai xây dựng “mô hình cánh đồng mẫu lúa chất lượng” tạo điều kiện thuận lợi cho ngành nông nghiệp quy hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng bền vững; đồng thời giúp nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất hàng nông sản theo hướng tập trung với khối lượng lớn, chất lượng cao, sản xuất và tiêu thụ nông sản theo hợp đồng, chủ động trong sản xuất, điều tiết và tiêu thụ lúa gạo ở những vùng sản xuất lúa trọng điểm, đồng thời làm giảm giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận cho nông dân…Do vậy, các cấp, các ngành cần tập trung chỉ đạo, tạo điều kiện nhằm mở rộng mô hình cánh đồng mẫu lúa chất lượng có hiệu quả./.
 

Bài, ảnh: Đặng Văn Mãnh
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 15.931.932
Truy cập hiện tại 7.403 khách