Tìm kiếm
/UploadFiles/TuyChonLk/tailieuhdnd_230x61.png
Một vài suy nghĩ về thực hiện nguyên tắc “tự phê bình và phê bình” theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Ngày cập nhật 04/02/2015

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, tự phê bình và phê bình là vấn đề tất yếu của cuộc sống, là quy luật vận động và phát triển của Đảng ta. Con người sinh ra ai cũng có bản tính lương thiện. Quá trình ứng xử với tự nhiên, xã hội mà hình thành nên nhân cách và cá tính khác nhau. Hồ Chí Minh nói khuyết điểm như “bụi bẩn”, việc thực hành tự phê bình và phê bình (TPB và PB) là để nhận rõ và gạt đi những “bụi bẩn” đó, cũng giống như “việc tắm gội, rửa mặt hàng ngày” không thể thiếu được. 

Hồ Chí Minh cho rằng“Chủ nghĩa cá nhân là một thứ vi trùng rất độc, do đó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm” như bệnh: tham lam, lười biếng, ba hoa, bè phái, địa phương chủ nghĩa, ham danh vị, quân phiệt, quan liêu, xa rời quần chúng, hẹp hòi, chuộng hình thức, lối làm việc bàn giấy, vô kỷ luật, ích kỷ, hủ hóa ... nên điều trị các chứng bệnh ấy không có thuốc đặc hiệu nào hơn là TPB và PB. Người thường xuyên thực hiện việc TPB và PB, xem đây là một nguyên tắc rất quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên, tổ chức nhận rõ được khuyết điểm để sửa chữa, hoàn thiện hơn, góp phần làm cho Đảng ta ngày càng vững, mạnh, kể cả những lúc khó khăn nhất, Người nói: “Trong bao nhiêu năm hoạt động bí mật, dù bị bọn thực dân khủng bố gắt gao, Đảng ta gặp nhiều khó khăn nguy hiểm, nhưng Đảng ta ngày càng phát triển, càng mạnh mẽ và đã lãnh đạo nhân dân ta làm cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi, đó là Đảng ta khéo dùng cái vũ khí sắc bén tự phê bình và phê bình”.
Tuy nhiên, trong thực tế thì TPB và PB là một việc làm không dễ, bởi đây là vấn đề rất nhạy cảm, dễ đụng chạm đến từng cá nhân, tổ chức. Tâm lý của con người Việt Nam nói chung là thích được khen hơn bị chê và phần lớn đều cho rằng: việc tự nói ra khuyết điểm, tự nhận khuyết điểm là tự thừa nhận sự non kém của mình trước người khác, trước tổ chức; là sự thừa nhận cái sai, cái dốt, cái kém của mình, làm mất thể diện, mất uy tín, mất địa vị và có thể liên lụy đến uy tín, vị thế của cá nhân, tổ chức. Trong thực tế cuộc sống đã không ít trường hợp mượn cớ tự phê bình để nhân đó phê bình mạnh mẽ đồng chí mình hoặc tổ chức khác. Những tập thể, cá nhân yếu kém, mất đoàn kết nội bộ hoặc chạy theo thành tích thì thông thường TPB và PB một cách hình thức. Bởi thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Khuyết điểm cũng như chứng bệnh, phê bình cũng như uống thuốc. Sợ phê bình cũng như có bệnh mà giấu bệnh không dám uống thuốc, để đến nổi bệnh ngày càng nặng... nể nang không phê bình để đồng chí mình cứ sa vào lầm lỗi đến nổi hỏng việc, thế thì khác nào thấy đồng chí mình ốm mà không chữa cho họ, nể nang không dám tự phê bình để cho khuyết điểm mình chứa chất lại, khác nào mình tự bỏ thuốc độc cho mình”. 
Để thực hiện tốt việc TPB và PB, theo Hồ Chí Minh trước hết phải nhận thức đúng vấn đề. Vì con người thường “Nhân vô thập toàn”. Điều quan trọng là ở chỗ khi có khuyết điểm thì mọi người có dám nhận ra để sửa chữa hay không, Hồ Chí Minh cũng đã chỉ ra rằng:“Một Đảng mà giấu diếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính” và Người yêu cầu: Các cấp uỷ phải thật đoàn kết, thật dân chủ, phải thực hành chế độ “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” và “tự phê bình và phê bình” để không ngừng tiến bộ. 
Trong những năm qua, nhất là từ sau khi thực hiện NQTW 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, nhiều đảng bộ, chi bộ từ cơ sở đến Thị xã đã làm tốt công tác TPB và PB mà đã góp phần nâng cao nhận thức, tạo được sự thống nhất về tư tưởng chính trị trong cán bộ, đảng viên, xây dựng được nhiều tấm gương sáng về lối sống, đạo đức, chuyên môn, nghiệp vụ, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao… Năm 2014, với tinh thần học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về “Nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm”; nhiều cấp ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy các cấp đã nghiêm túc kiểm điểm TPB và PB, gắn trách nhiệm của tập thể trước yêu cầu chính trị của Đảng bộ, nhân dân, vai trò từng cá nhân với tập thể, rút ra được những kinh nghiệm quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.
Tuy vậy, bên cạnh đó, vẫn còn một số cấp ủy cơ sở chưa thực hiện nghiêm túc công tác TPB và PB. Năm qua vẫn còn một số cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách & pháp luật của Đảng và Nhà nước phải xử lý pháp luật, nguyên nhân chủ yếu là do cấp ủy buông lỏng sự lãnh đạo, không thực hiện nghiêm chế độ TPB và PB … 
Để góp phần thực hiện tốt việc TPB và PB, chúng ta phải quán triệt và thực hiện nghiêm túc tư tưởng Hồ Chí Minh. Quá trình thực hiện phải đảm bảo tính Đảng, tính giáo dục, tính khách quan, trung thực, thẳng thắn và dân chủ. Đồng thời, cần lưu ý thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Trước hết, phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đối với công tác TPB và PB, phải xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng yếu trong công tác xây dựng Đảng, làm cho mọi cán bộ, đảng viên thấy rõ mục đích, ý nghĩa của việc TPB và PB. Thực hiện TPB và PB phải thể hiện tính dân chủ, không mệnh lệnh, áp đặt mà phải công tâm và trách nhiệm.
Phải xử lý tốt mối quan hệ biện chứng giữa TPB và PB. Muốn tiến bộ và trưởng thành trước tiên phải tự nhìn lại mình, phải đấu tranh và chiến thắng được mình. Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh “Trước ta nói phê bình và tự phê bình, bây giờ phải nói tự phê bình và phê bình. Nói như thế là chú trọng phê bình mình trước, phê bình người sau, phê bình mình là chính, phê bình người là phụ”. 
Hai là, xây dựng bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả NQTW 4 về xây dựng Đảng, gắn với Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp  tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, làm cho mọi cán bộ, đảng viên, nhân dân dám đấu tranh với cái sai, bảo vệ cái đúng, bảo vệ lẽ phải, thẳng thắn, trung thực, có thái độ kiên quyết, đúng mực trong thực hiện việc TPB và PB.
Theo Hồ Chí Minh: Tự phê bình và sửa chữa có khi dễ, nhưng có khi cũng khó khăn, đau đớn vì tự ái, vì thói quen, hoặc vì nguyên nhân khác. Đó là một cuộc đấu tranh “nội tâm”, phải “ráo riết, triệt để”, đúng mức, thật thà, không nể nang, không thêm bớt và “Người mắc khuyết điểm hôm nay, ngày mai chưa chắc đã mắc khuyết điểm. Người hôm nay chưa mắc khuyết điểm chưa chắc ngày mai cũng không mắc khuyết điểm”.
Ba là, mỗi cán bộ, đảng viên phải nghiêm túc, trách nhiệm, tự giác trong học tập, nghiên cứu. quán triệt và chấp hành đầy đủ, kịp thời các quy định, luật pháp của Đảng và pháp luật Nhà nước, nhất là Quy định 47 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, giữ đúng các nguyên tắc và đảm bảo chế độ về TPB và PB một cách thường xuyên, liên tục, kịp thời, không chỉ vào dịp cuối năm mà ngay cả trong sinh hoạt thường kỳ của cấp ủy, chi bộ, tổ chức chính trị - xã hội, trong sơ kết, tổng kết thực hiện các chuyên đề, hoặc trong quá trình đánh giá, nhận xét cán bộ phục vụ việc quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Việc TPB và PB phải được tiến hành trong tổ chức, đúng người, đúng việc. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải “biết cách phê bình sáng suốt, khôn khéo, như chiếu tấm gương cho mọi người soi thấu những khuyết điểm của mình, để tự mình sửa chữa”. Phải có thái độ chân tình cầu thị, nói đúng ưu điểm và khuyết điểm, phê bình phải đúng lúc, có hoàn cảnh thích hợp, biết lắng nghe và chờ đợi đồng chí tiếp thu để tránh việc làm cho người bị phê bình “nản chí, oán ghét”. 
Bốn là, phải thường xuyên phát động phong trào quần chúng tham gia xây dựng Đảng, trong đó có nội dung TPB và PB đối với cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng. Muốn vậy, phải thực hiện nghiêm túc, đồng bộ và hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể chính trị, xã hội trong việc phản biện, giám sát hoạt động của Đảng, Nhà nước, đồng thời phát huy tốt những mặt tích cực của cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng, góp phần nâng cao năng lực và sức chiến đấu của đảng viên và tổ chức đảng, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao. 
Năm là, sau khi kiểm điểm TPB và PB, mỗi một cán bộ, đảng viên, tổ chức… phải xây dựng chương trình, kế hoạch sửa chữa những mặt hạn chế, khuyết điểm có thời gian, bằng lộ trình cụ thể rõ ràng, nghiêm túc. Cần đề cao trách nhiệm cá nhân và phải hết sức tự giác, thành khẩn trong việc sửa chữa khuyết điểm, vì đây cũng là một trong những nội dung hết sức quan trọng trong công tác TPB và PB, là khâu quan trọng cuối cùng, vì mục đích, yêu cầu của việc TPB và PB là để sửa chữa khuyết điểm, tiến bộ. 
***
Mừng Đảng 85 mùa Xuân, mừng Xuân Ất Mùi - 2015 đến, chúng ta càng tự hào, tin tưởng vào đường lối lãnh đạo sáng suốt và đúng đắn của Đảng. Bởi Đảng ra đời trong mùa Xuân, “Xuân” và “Đảng” sẽ sống mãi trong lòng Dân tộc và cùng song hành để đem lại hương sắc tươi đẹp cho quê hương, đất nước… Là cán bộ, đảng viên của Đảng, chúng ta phải ra sức học tập, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng, “Nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm”, mà trước hết phải nắm và thực hiện đồng bộ, hiệu quả tư tưởng Hồ Chí Minh về TPB và PB, theo phương châm“nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật” góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên vững vàng, hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XIV đề ra. Chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp, Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XV.
 
Phan Anh Thư, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thị ủy
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 15.906.290
Truy cập hiện tại 438 khách