Tìm kiếm
/UploadFiles/TuyChonLk/tailieuhdnd_230x61.png
Hiệu quả từ mô hình nuôi thỏ của thầy giáo trẻ
Ngày cập nhật 15/12/2014

Cuối năm 2013, trong một lần tình cờ xem chương trình “Sinh ra từ làng” trên kênh VTV6 của Đài Truyền hình Việt nam, thấy mô hình nuôi thỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao, anh Lê Minh Tưởng - một thầy giáo trẻ ở xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy quyết chí làm theo mô hình này với mong ước cải thiện kinh tế cho gia đình. Bắt đầu với 4 cặp thỏ giống, đến nay, đàn thỏ của anh đã lên tới 150 con, đem lại thu nhập hơn 80 triệu đồng mỗi năm.

Do đồng lương cơ bản từ công việc của một thầy giáo dạy thể dục ở trường tiểu học không đủ trang trải cho cả gia đình, trước đây anh Tưởng từng chọn các vật nuôi như heo, gà đẻ để tăng thêm nguồn thu nhập. Tuy nhiên, những vật nuôi này không đem lại hiệu quả kinh tế cao. Học hỏi qua tài liệu trên sách báo và internet, anh Tưởng tự mày mò thiết kế lồng để nuôi thỏ, kỹ thuật chăm sóc cũng như cách điều trị, phòng dịch. Sau khi nuôi thử nghiệm và nhân giống thành công, anh  đã nâng qui mô đàn thỏ nuôi thường xuyên lên khoảng 150 con, trong số này có hơn 50% thỏ nái, còn lại là thỏ thịt và thỏ đực. Chia sẻ về những ngày đầu khởi nghiệp, anh Lê Minh Tưởng cho biết: “Thời gian đầu do chưa có kinh nghiệm nên thỏ bị bệnh và chết nhiều nên tôi đã vay mượn tiền vào các trang trại ở Quảng Nam để nhờ tư vấn cũng như học hỏi kinh nghiệm. Ngoài ra, tôi lên mạng tìm hiểu cách chăm sóc sao cho thỏ không bị bệnh, cùng với quan sát kỹ, tôi thấy thỏ cần phải làm chuồng trại sạch sẽ và thức ăn cho chúng không bẩn. Từ đó, tỷ lệ thỏ chết giảm dần”. 

Cỏ là thức ăn chủ yếu của thỏ

Vệ sinh chuồng trại thường xuyên là khâu quan trọng để phòng bệnh cho thỏ

Để thỏ giống khỏe mạnh, sinh sản tốt, anh cho thỏ phối giống bình quân 3 tháng sinh sản 2 lứa, mỗi lứa thỏ mẹ đẻ từ 4 đến 6 thỏ con. Sau 4-5 tháng nuôi, thỏ có trọng lương trung bình trên trên 3kg. Mỗi tháng, trang trại anh Tưởng cho xuất chuồng một lứa từ 70-90 con, với giá bán từ 90-100 nghìn đồng/kg thỏ thịt, trừ chi phí, anh thu về hơn 8 triệu đồng. “Nhờ nuôi thỏ, từ hộ gia đình khó khăn, đến nay gia đình tôi đã tích lũy được một số vốn tương đối khá. Tôi mới mua được mảnh đất ở khu vực đường tránh Huế và dự định sẽ đầu tư mở rộng trang trại trong thời gian tới” - Anh Tưởng vui vẻ nói.

Sau 4 tháng nuôi, thỏ có trọng lượng khoảng 3kg

Từ mô hình nuôi thỏ thành công của anh, nhiều người đã đến học hỏi kinh nghiệm và mua thỏ giống về nuôi. Trong số đó có nhiều thanh niên không có việc làm ở địa phương được anh tạo điều kiện tối đa từ khâu tư vấn chuồng trại, chăm sóc đến hỗ trợ con giống. Trao đổi với chúng tôi về mô hình nuôi thỏ của anh Tưởng, anh Đoàn Văn Huy - Bí thư Đoàn Thanh niên xã Thủy Phù cho biết: “Ngoài công việc của một thầy giáo, anh Tưởng còn là cán bộ năng nổ, nhiệt tình của chi đoàn thôn 5. Nhiều thanh niên ở địa phương khó khăn về công việc, có nhu cầu làm ăn kinh tế đều được anh tận tình giúp đỡ, tạo điều kiện phát triển mô hình nuôi thỏ. Qua đây, mong các cơ quan, đoàn thể cấp trên và chính quyền địa phương tạo điều kiện cho anh Tưởng được vay thêm vốn để mở rộng quy mô trang trại, tạo thêm nhiều việc làm cho thanh niên địa phương”.
Từ những hiệu quả bước đầu trong nuôi thỏ, thời gian tới anh Tưởng dự định phát triển số lượng lên khoảng 500 con thỏ giống với mong muốn vừa đảm bảo cung cấp giống cho bà con nhân dân trên địa bàn, vừa bán thỏ thương phẩm ra thị trường.
Hiện nay, mặc dù chăn nuôi thỏ không phải là mới, song việc đầu tư chăn nuôi với quy mô lớn có tính toán khoa học và bài bản như mô hình của anh Tưởng chưa nhiều. Đây chính là một hướng đi mới để các hộ gia đình chăn nuôi trên địa bàn thị xã học tập phát triển kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập, vươn lên ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững.
 

Bài&ảnh: Thanh Đoàn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 15.909.840
Truy cập hiện tại 1.643 khách