Tìm kiếm
/UploadFiles/TuyChonLk/tailieuhdnd_230x61.png
“Nêu gương” là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, là động lực thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị.
Ngày cập nhật 21/03/2014

Chỉ thị 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, xác định việc học tập và làm theo Bác là nhiệm vụ thường xuyên và phải gắn với quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao của mỗi tổ chức, cá nhân… Với tinh thần đó, năm 2012, thực hiện chủ trương của trên, chúng ta đã quán triệt và triển khai chuyên đề “Suốt đời phấn đấu cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, làm người công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị”. Đây là chuyên đề mang chủ đề của cả nhiệm kỳ 2011-2015…Ban Thường vụ Thị ủy đã cụ thể hóa bằng kế hoạch để tổ chức thực hiện trong toàn Đảng bộ thị xã, nhằm giáo dục mỗi cán bộ, đảng viên phải tự xem xét, soi lại bản thân mình và rèn luyện theo  yêu cầu: Tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, nêu cao tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; kiên quyết chống tham ô, lãng phí, quan liêu, thực hành dân chủ và ra sức phấn đấu thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng các cấp.

Sau đó, thực hiện chủ trương của cấp trên, ngày 02/5/2013, Ban Thường vụ Thị ủy đã ban hành Kế hoạch số 34-KH/TU triển khai học tập chuyên đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương; nêu cao trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”. Yêu cầu đặt ra: Việc học tập và làm theo phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh phải bằng chương trình hành động thiết thực, thể hiện trong công tác, trong quan hệ hằng ngày với nhân dân; mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tự liên hệ bản thân, đề ra phương hướng phấn đấu, làm theo và phải gắn với thực hiện NQTW 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và thực hiện Quy định những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên…
Năm 2013 đi qua với bao khó khăn và thử thách, nhưng nhờ sự chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ của các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể từ thị xã đến cơ sở; sự tích cực hưởng ứng của cán bộ, đảng viên và toàn dân; sự giúp đỡ có hiệu quả của cấp trên nên trên các mặt về kinh tế, xã hội tiếp tục được duy trì và có bước phát triển. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 15,72% và hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết Thị ủy đề ra đều đạt hoặc vượt kế hoạch…đạt được những thành quả đó, có phần đóng góp không nhỏ của cán bộ, đảng viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, gắn với thực hiện NQTW4 khóa XI và học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
    Đối với công tác xây dựng Đảng, nhìn lại hơn một năm thực hiện NQTW4 (khóa XI)“Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, gắn với học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nói chung và thực hiện việc nêu gương nói riêng đối với mỗi tổ chức, cán bộ, đảng viên từ Đảng bộ thị xã đến cơ sở bước đầu đã có sự chuyển biến trên nhiều mặt: Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng được chú trọng; đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên được tốt hơn; kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường. Vai trò lãnh đạo toàn diện của Thường vụ Thị ủy và các cấp ủy đảng được phát huy hơn. Công tác cải cách hành chính, nhất là triển khai và áp dụng các giải pháp về cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”,“một cửa liên thông”, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001… được chỉ đạo thực hiện khá đồng bộ. Đã xây dựng, hoàn thiện quy trình thủ tục hành chính, liên quan đến trách nhiệm giải quyết theo nhóm về đầu tư; đất đai; xây dựng; về thu hồi, giao hoặc cho thuê đất; về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư… theo hướng làm rõ đầu mối xử lý, minh bạch hóa quy trình thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết và giảm khối lượng hồ sơ thủ tục không cần thiết,… nên cơ bản đã có chuyển biến tích cực trong việc giải quyết các thủ tục hành chính từ thị xã đến các phường, xã.
Công tác quản lý nhà nước về đất đai và xây dựng được tăng cường cả trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, đã hoàn thành việc cưởng chế 4 hộ xây dựng trái phép ở Thủy Dương và đang tiếp tục chỉ đạo các phường, xã kiên tiếp tục xử lý các trường hợp xây dựng trái phép, lấn chiếm đất công.
Đối với hai nội dung được Ban Thường vụ Tỉnh ủy gợi ý, Ban Thường vụ Thị ủy đã nghiêm túc kiểm điểm tự phê bình và phê bình; chú trọng chỉ đạo UBND thị xã thực hiện Kết luận số 62-KL/TT, ngày 07/02/2012 của Thanh tra tỉnh về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ tại UBND thị xã Hương Thủy và các đơn vị trực thuộc”. Đến nay đã chỉ đạo, xử lý kỷ luật đối với 5 cán bộ thuộc thị xã quản lý vi phạm kỷ luật, trong đó cảnh cáo 1, khiển trách 4; đồng thời đã chỉ đạo cấp ủy cơ sở xử lý kỷ luật 2 cán bộ vi phạm về đạo đức lối sống, 1 cán bộ vi phạm Quy định 47-QĐ/TW, 2 cán bộ vi phạm trong việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Về số tiền phải thu hồi 2.038.938.000 đồng, do thực hiện không đúng một số quy định trong tổ chức bán đấu giá đất từ 2003 đến 2010, đã chỉ đạo thu được 1.379.520.000 đồng nộp vào tài khoản Thanh tra tỉnh; chỉ đạo thu hồi 11 trường hợp cấp giấy CNQSD đất ở, với tổng diện tích 12.013,8 m2, do cấp sai thủ tục thừa kế quyền sử dụng đất hoặc cấp vượt diện tích, sai nguồn gốc sử dụng đất, trong đó có 10 hộ chấp hành giao nộp quyết định cấp QSDĐ, 1 hộ do giấy CNQSD đất ở đã thế chấp tại ngân hàng, có đơn xin gia hạn thời hạn giao nộp. Đối với đất lâm nghiệp, đang tích cực chỉ đạo UBND thị xã phối hợp với các cơ quan chức năng cấp trên, xử lý, thu hồi 19 giấy CNQSD đất lâm nghiệp của 12 hộ tại xã Phú Sơn và Dương Hòa với tổng diện tích 66,52 ha do cấp theo dự án WB3 sai đối tượng và 1 giấy CNQSD đất lâm nghiệp…
Về công tác cán bộ, đã bổ sung hoàn thiện Quy định 45-QĐ/TU của Ban Thường vụ Thị ủy về phân cấp quản lý cán bộ để phù hợp hơn; tập trung khắc phục được một bước về tình trạng “ách tắc” trong việc luân chuyển, điều động cán bộ;  tiến hành rà soát số cán bộ cấp trưởng, phó các cơ quan, ban, phòng ở khối Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể đã đảm nhiệm chức vụ 2 nhiệm kỳ liên tiếp trở lên để có kế hoạch chuyển đổi vị trí thích hợp, nhất là lĩnh vực nhạy cảm thuộc các danh mục quy định cần định kỳ thay đổi vị trí công tác hoặc số cán bộ, công chức, viên chức đảm nhiệm công việc chuyên môn với thời gian dài, có tư tưởng bảo thủ, trì trệ, có biểu hiện tiêu cực gây dư luận không tốt… Đã chuyển đổi vị trí 4 cán bộ chủ chốt các ban, phòng cấp thị xã có thời gian công tác hai nhiệm kỳ trở lên, tiến hành củng cố, kiện toàn lại Phòng Tài nguyên - Môi trường, Văn phòng đăng ký đất đai thị xã; rà soát củng cố đội ngũ cán bộ công tác địa chính ở các phường, xã.
Đối với cơ sở, đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục những khuyết điểm, hạn chế kéo dài ở một số đơn vị, địa phương, góp phần củng cố kiện toàn đội ngũ cán bộ. Những trường hợp có cán bộ, đảng viên sai phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước đã được chỉ đạo xử lý kịp thời, đến nay ở những đơn vị, địa phương này đã đi vào hoạt động ổn định, như: Thủy Châu, Thủy Tân, Thủy bằng và Thủy Phù…
Nhìn chung, việc kiểm điểm, khắc phục sửa chữa khuyết điểm, yếu kém theo tinh thần NQTW4 (khóa XI) về xây dựng Đảng ở các cấp, các ngành trong thị xã được tiến hành nghiêm túc, bảo đảm phương châm, phương pháp, mục đích, yêu cầu đề ra, nhất là những vấn đề dư luận nổi lên trong xã hội được thực hiện khá nghiêm túc, đạt kết quả, góp phần phòng ngừa sai phạm đối với cán bộ, đảng viên, xây dựng Đảng bộ thị xã trong sạch, vững mạnh, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ chính trị được giao... Tuy vậy, nhìn trên góc độ toàn diện thì vẫn còn nhiều việc cần làm; sự chỉ đạo sửa chữa, khắc phục các yếu kém, khuyết điểm sau kiểm điểm vẫn chưa quyết liệt, đồng bộ, nên vẫn còn có những dư luận, thắc mắc, trông chờ của nhân dân, nhất là những kiến nghị các vấn đề về dân sinh, về đạo đức, phong cách, lối sống của một số cán bộ, đảng viên... Qua theo dõi kiểm điểm cuối năm cho thấy, nhiều nơi chỉ đạo việc kiểm điểm chưa đúng yêu cầu, nhất là kết quả sửa chữa, khắc phục khuyết, nhược điểm theo quy định, nhiều bản báo cáo kiểm điểm còn chung chung, trách nhiệm chính trị và sự nêu gương của cán bộ, đảng viên chưa được rõ nét...
         Việc nêu gương của cán bộ, đảng viên phải được xác định là trách nhiệm,  nghĩa vụ, là một trong những phẩm chất quan trọng, đồng thời cũng là động lực để thúc đẩy mọi người làm theo mình, thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Sinh thời Bác Hồ dạy: “Một trăm bài diễn thuyết hay không bằng một tấm gương sống”, “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Người xác định, nội dung nêu gương của cán bộ, đảng viên phải được thể hiện trên cả ba mối quan hệ: Đối với mình, đối với người và đối với công việc.
Đối với mình là không được tự cao tự đại, tự mãn. Bởi tự cao tự đại, tự mãn là căn bệnh rất nguy hiểm. Nếu cán bộ, đảng viên mắc phải căn bệnh này thì dễ mù quáng, thiển cận, luôn đề cao cá nhân mình, coi thường quần chúng, cấp dưới và nhất định sẽ thoái bộ, dừng lại. Theo Người thì “Tự mãn, tự túc là co mình lại, không cho mình tiến bộ thêm”.
Đối với người phải yêu thương, khoan dung, độ lượng; phải luôn có thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết. Người nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải thực hiên tốt điều “Nhân”, “Thật thà yêu thương, hết lòng giúp đỡ đồng chí, đồng bào. Vì thế mà kiên quyết chống lại những người, những việc có hại đến Đảng, đến nhân dân”.
Đối với việc thì cán bộ, đảng viên phải tận tâm, tận lực, có trách nhiệm, gương mẫu phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; phải luôn giữ vững nguyên tắc “Dĩ công vi thượng”, để việc công lên trên, lên trước việc tư; phải “chí công vô tư”, tức là phải biết hy sinh lợi ích cá nhân cho lợi ích chung, cho quê hương, đất nước, cho nhân dân. Theo Người, để làm tốt việc nêu gương, thì cán bộ, đảng viên phải luôn thực hiện “nói đi đôi với làm”… Đây là vấn đề có tính nguyên tắc của việc nêu gương, mới có được lòng tin của quần chúng. Nếu người cán bộ, đảng viên nói nhiều làm ít, nói mà không làm hoặc “nói một đằng làm một nẻo”, thì chắc chắn sẽ mất uy tín… Người dạy: “Tuyên truyền phải miệng nói tay làm, phải tùy hoàn cảnh mà tổ chức giúp đỡ nhân dân thật sự, không phải chỉ dân vận bằng diễn thuyết”.
Để vận dụng đúng đắn, sáng tạo và hiệu quả phong cách nêu gương của Bác Hồ đối với cán bộ, đảng viên, xin trao đổi một số vấn đề sau:
Một là, phải thường xuyên thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về vai trò, nội dung của phong cách nêu gương. Việc nêu gương của cán bộ, đảng viên có vai trò hết sức quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, thông qua các phong trào thi đua rộng khắp như: xây dựng đô thị mới, nông thôn mới, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa…cho thấy: Ở đâu cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp gương mẫu trong thực hiện“xung phong, đi trước” thì ở đó phong trào sẽ phát triển mạnh mẽ, đạt kết quả; ở đâu cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu, ở đó phong trào yếu kém, đi xuống…
Nội dung phong cách nên gương trong 3 mối quan hệ với mình, với người, với công việc phải được nhận thức sâu sắc, thể hiện rõ tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”,“làm mực thước cho người ta bắt chước” trong mỗi hành động, việc làm cụ thể của cán bộ, đảng viên. Hình thức, phương pháp tuyên truyền, giáo dục hết sức linh hoạt, sáng tạo, thông qua việc tổ chức triển khai các chuyên đề, lồng ghép trong nội dung sinh hoạt chi bộ, cấp ủy; qua các phương tiện thông tin đại chúng một cách thường xuyên, liên tục…
Hai là, tất cả cán bộ, đảng viên đều phải xác định rõ trách nhiệm và tự giác trong việc“nêu gương” mới đảm bảo sự đồng bộ và hiệu quả trong tổ chức thực hiện, người giữ chức vụ càng cao thì phải nêu gương càng nhiều. Về góc độ tổ chức Đảng thì, mỗi một chi bộ, tổ đảng… phải xác định rõ vai trò hạt nhân lãnh đao, từ đó mà thực hiện tốt việc nêu gương trong xây dựng, thực thi nghị quyết của Đảng. Vì Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của các dân tộc Việt Nam, giữ vai trò, vị trí lãnh đạo xã hội. Về góc độ cá nhân, đã là cán bộ, đảng viên thì phải thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ theo quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, phải xác định rõ vị trí“công bộc”,“người đầy tớ của nhân dân”. Cán bộ giữ chức vụ càng cao phải nêu gương càng nhiều để cán bộ, đảng viên cấp dưới và để quần chúng noi theo… Việc nêu gương phải được thực hiện đúng các quy định của Đảng, nhất là Quy định 101 ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương…, Hướng dẫn 07 ngày 11/10/2011 của Ban Tổ chức Trung ương Đảng về đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên“…Những đảng viên là cấp ủy viên và cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt ở các cấp, nhất là người đứng đầu phải có yêu cầu cao hơn để cán bộ dưới quyền, đảng viên và quần chúng học tập, noi theo”… Có như vậy mới đảm bảo được yêu cầu của việc “nêu gương”, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chung của địa phương, đơn vị.
Ba là, luôn nắm vững và thực hiện tốt nguyên tắc, phương pháp về phong cách nêu gương. Để có thể nêu gương trước quần chúng, cán bộ, đảng viên phải luôn thực hiện tốt lời nói đi đôi với việc làm, phải biết tuyên truyền rộng rãi gương người tốt, việc tốt trong nhân dân. Nói đi đôi với làm phải được xác định là yêu cầu bắt buộc, là nguyên tắc cao nhất của phong cách nêu gương, là thước đo, tấm gương phản ảnh tư cách của người cán bộ, đảng viên. Thường xuyên nêu gương của cấp trên đối với cấp dưới, của thế hệ trước đối với thế hệ sau, của người lớn tuổi đối với người trẻ tuổi. Trong gia đình thì ông bà, cha mẹ làm gương cho con cháu; ở trường học các thầy, cô giáo làm gương cho học sinh; ở cơ quan, đơn vị thì cán bộ lãnh đạo làm gương cho cấp dưới, người này làm gương cho người kia… Trong cuộc sống hàng ngày, mỗi cán bộ, đảng viên không những phải nỗ lực tu dưỡng, rèn luyện để không ngừng tiến bộ, trưởng thành, mà còn phải là tấm gương tốt rộng trong việc làm những điều đúng, điều thiện, chống lại những cái ác, cái sai. Đó mới chính là thực hiện việc học tập và làm theo phong cách nêu gương của Bác Hồ.
Bốn là, nỗ lực phấn đấu, nâng cao hiệu quả rèn luyện về sự nêu gương. Để có thể nêu gương, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải ra sức rèn luyện, kiên quyết đấu tranh khắc phục những tồn tại, yếu kém mà Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã chỉ ra, gắn chặt với kiểm điểm định kỳ của cán bộ, đảng viên, tổ chức theo đúng theo quy định. Trên cơ sở thực hiện đầy đủ các chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải ngày càng nâng cao đức tính “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; dũng cảm đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chống lợi ích nhóm, chống lối sống cơ hội, thực dụng, lối sống vì tiền tài, danh vọng, vô cảm trước những khó khăn, vất vả của quần chúng; phải miệt mài, nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao… qua đó mới tạo được sự uy tín cho mình trước quần chúng và cấp dưới, góp phần giữ vững niềm tin của nhân dân với Đảng.
Năm là, phải thực hiện đồng bộ bảy nội dung về việc nêu gương theo Quy định 101-QĐ/TW ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư (khóa XI). Tất cả cán bộ, đảng viên đều phải có trách nhiệm, tự giác cụ thể hóa việc nêu gương bằng kế hoạch, chương trình thực hiện thông qua việc học tập, công tác, sinh hoạt, lối sống… báo cáo ra chi bộ, cấp ủy nơi công tác biết, góp ý, giúp đỡ, giám sát, tạo điều kiện thực hiện; đây là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá chất lượng cán bộ, đảng viên. Nội dung việc rèn luyện, tu dưỡng phải theo đảm bảo đúng bảy nội dung Quy định 101 của Ban Bí thư; trong đó cần chú trọng những đến những yêu cầu căn bản: Sự sâu sát thực tế, gần gũi, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, của cấp dưới; sự nêu cao ý thức phục vụ nhân dân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; sự làm việc khách quan, công tâm, tập trung giải quyết những lợi ích chính đáng của nhân dân, của cơ quan, đơn vị; sự chủ động đối thoại với nhân dân và cán bộ dưới quyền; sự kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện vô cảm, quan liêu, cửa quyền, hách dịch, các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà nhân dân, cán bộ cấp dưới.
Để thực hiện tốt việc “nêu gương”, các cấp ủy, chi bộ phải luôn quán triệt và triển khai nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả các chủ trương, quy định của cấp trên; xây dựng kế hoạch theo dõi, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thực hiện chế độ báo cáo, phản ảnh về kết quả thực hiện của cán bộ, đảng viên…
 

Phan Anh Thư, Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thị ủy
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 15.931.054
Truy cập hiện tại 7.047 khách