Tìm kiếm
/UploadFiles/TuyChonLk/tailieuhdnd_230x61.png
Tập trung phát triển kinh tế - xã hội, chỉnh trang, xây dựng đô thị
Ngày cập nhật 20/03/2014

Ngày 09/02/2010, Thị xã Hương Thủy được thành lập. Kết quả đó mở ra một giai đoạn mới với những nhiệm vụ to lớn và lâu dài với mục tiêu hướng đến xây dựng thị xã Hương Thuỷ phát triển nhanh và bền vững, trở thành một trong những trung tâm kinh tế động lực và đô thị mới của tỉnh, góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế thành Thành phố trực thuộc Trung ương.

Trong những năm qua, nhất là năm 2013, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, do ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế, thiên tai, nhưng nhờ có sự đoàn kết nhất trí cao của tập thể lãnh đạo, sự nỗ lực của các ban, ngành, đoàn thể, các phường, xã và nhân dân, nên tình hình kinh tế - xã hội của Thị xã vẫn có những chuyển biến tích cực. Công nghiệp, TTCN, dịch vụ tăng khá, nông nghiệp vẫn cơ bản giữ được ổn định, thu ngân sách đạt kế hoạch đề ra, vốn đầu tư xây dựng cơ bản được bố trí đầu tư tập trung. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống nhân dân được cải thiện và nâng lên. Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, các công trình hạ tầng KT-XH được tiếp tục quan tâm đầu tư, nhờ vậy diện mạo đô thị ngày càng được cải thiện.
Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại. Các lĩnh vực kinh tế có phát triển và tăng trưởng khá nhưng chưa thực sự bền vững; tích lũy nội bộ còn thấp, thiếu vốn đầu tư cho phát triển KT-XH; các tiềm năng thế mạnh của địa phương khai thác còn hạn chế và phát huy chưa đúng tầm. Công nghiệp phát triển nhưng chủ yếu ở Khu công nghiệp Phú Bài. Công nghiệp, TTCN địa phương phát triển chưa mạnh, quy mô còn nhỏ, một số ngành nghề truyền thống khôi phục và phát triển chưa nhiều và đang còn khó khăn cả về tổ chức sản xuất và chất lượng sản phẩm. Dịch vụ du lịch chưa được đầu tư nhiều. Một số loại dịch vụ tuy có phát triển nhưng vẫn còn hạn chế về số lượng và chất lượng như nhà hàng, khách sạn, công nghệ thông tin. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nhất là cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa chưa cao, chưa đều trên các vùng. Các mô hình trồng cây ăn quả, cây thực phẩm và chăn nuôi tập trung theo hướng thâm canh, sản xuất hàng hóa chưa nhiều. Quản lý đất đai và tài nguyên môi trường có những mặt chưa tốt. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp còn hạn chế. Thu ngân sách tăng khá nhưng một số nguồn thu chưa thật ổn định. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội trong thời gian qua được đầu tư xây dựng khá, tuy vậy trên  nhiều mặt vẫn còn khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển KT-XH, chỉnh trang phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay.
Năm 2014, được dự báo là tình hình kinh tế được cải thiện song vẫn sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức; đặc biệt là kinh tế hồi phục chậm, thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp, khó lường, nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản hạn chế. Vì vậy, để hoàn thành kế hoạch phát triển KT-XH chúng ta phải nỗ lực, quyết liệt khắc phục những tồn tại, khó khăn, vướng mắc thời gian qua. Đồng thời tập trung huy động mọi nguồn lực nhất là nội lực để đầu tư phát triển kinh tế xã hội, tập trung cho chương trình xây dựng, chỉnh trang, phát triển đô thị và nông thôn mới, cải thiện bộ mặt đô thị, từng bước xây dựng Hương Thủy trở thành một trong những trung tâm kinh tế động lực và đô thị mới của tỉnh. Trên cơ sở các Đề án đã được phê duyệt: Quy hoạch kinh tế - xã hội đến năm 2020; Chương trình chỉnh trang, xây dựng và phát triển đô thị thị xã Hương Thủy giai đoạn 2012-2015, định hướng đến 2020; Đề án phát triển kinh tế vùng gò đồi các xã xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2012-2015, định hướng đến năm 2020; Chương trình Bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu thị xã Hương Thủy giai đoạn 2012-2015 định hướng đến năm 2020; Đề án Quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn thị xã đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2015 của thị xã; Chương trình đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng trường học đạt chuẩn Quốc gia. Qua đó, tập trung huy động và sử dụng tốt mọi nguồn lực, nhất là nội lực cho đầu tư phát triển. Trong đó, chú trọng đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, công trình hiện đại, theo hướng phát triển nhanh và bền vững; từng bước cải tạo, chỉnh trang, xây dựng các khu nhà ở, các đô thị mới theo hướng hiện đại, tiện nghi, đa dịch vụ, tập trung vào khu vực trung tâm các phường nội thị, các khu đô thị như Đông - Nam Thủy An, An - Vân - Dương. Phát triển đô thị trong sự gắn kết với thành phố Huế và các khu vực lân cận, phấn đấu đến năm 2015 nâng cấp các xã Thủy Bằng, Thủy Vân, Thủy Thanh thành phường nhằm hướng tới thị xã Hương Thủy đạt các tiêu chí của đô thị loại III theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần XIV của thị xã và phấn đấu hướng đến đạt một số tiêu chí đô thị loại I theo định hướng của UBND tỉnh. Song song với mục tiêu xây dựng bộ mặt Thị xã, mục tiêu phát triển kinh tế nhanh và bền vững là mục tiêu quan trọng và có tính đột phá, thể hiện tiềm năng của một đô thị trẻ. Theo đó, trong những năm tới, cần tiếp tục đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế toàn diện và bền vững, phát triển nhanh hơn công nghiệp - TTCN và xây dựng theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa. Cùng với đó, tạo bước phát triển đột phá về dịch vụ, đặc biệt là du lịch, thương mại, tài chính. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp toàn diện gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng đô thị hoá.
Để đạt được những mục tiêu đề ra, lãnh đạo Thị xã cùng các ban ngành, địa phương và toàn thể nhân dân phải nỗ lực để hoàn thành từng chỉ tiêu, các tiêu chí đã xác định. Trong đó, cần chú trọng vào các nhiệm vụ chủ yếu sau:
 Thứ nhất: Về quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị, phải hoàn thành quy hoạch phân khu chức năng, quy hoạch chi tiết khu trung tâm thị xã Hương Thủy; lập quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết một số khu chức năng đô thị quan trọng, các khu đô thị ở các phường Thủy Châu, Thủy Lương, Thủy Phương, Thủy Dương; lập quy hoạch phân khu các khu dân cư trong khu vực nội thị để làm cơ sở cho đầu tư hạ tầng và khai thác quỹ đất ở tạo vốn đầu tư phát triển hạ tầng đô thị bền vững. Đồng thời, hoàn chỉnh quy chế quản lý kiến trúc đô thị để thực hiện quản lý, giám sát việc phát triển đô thị theo quy hoạch và tiếp tục rà soát các quy hoạch không phù hợp để điều chỉnh, đồng thời bổ sung các quy hoạch cần thiết phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, cần tăng cường quản lý, giám sát việc phát triển đô thị theo quy hoạch nhằm phát triển hài hòa bền vững theo các đồ án quy hoạch được duyệt. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước về đô thị cho cán bộ quản lý xây dựng cấp xã nhằm nâng cao nhận thức và thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công.
Thứ hai: Thực hiện chủ trương xã hội hóa việc đầu tư phát triển đô thị: áp dụng phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong việc giải phóng mặt bằng và bê tông hoá hệ thống giao thông nông thôn, bê tông hóa kênh mương…; thực hiện tốt chính sách ưu đãi để huy động vốn trong thành phần kinh tế tư nhân, vốn tại chỗ, vốn trong nước và nước ngoài tham gia phát triển đô thị, cung cấp các dịch vụ đô thị, đặc biệt là cung cấp nước sạch, thu gom và xử lý rác thải, quản lý công trình công cộng.
Thứ ba: Chú trọng cải cách thủ tục hành chính về đất đai, nhà ở, xây dựng, đầu tư… theo hướng chặt chẽ, gọn nhẹ, nhanh chóng, tạo điều kiện cho nhà đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh; minh bạch hóa các thủ tục theo hướng một cửa, một đầu mối cơ quan giải quyết, giao trách nhiệm cho từng cơ quan theo chức năng nhiệm vụ của mình để giải quyết trực tiếp các thủ tục; bãi bỏ các quy định một hồ sơ phải qua nhiều cơ quan xác nhận; xây dựng Bộ phận “ một cửa” điện tử hiện đại, tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác quản lý.
Thứ tư: Đẩy mạnh phong trào “Xây dựng nếp sống văn minh đô thị”, bằng các phương thức tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân nâng cao ý thức, trách nhiệm thực hiện nếp sống văn minh đô thị, loại bỏ thói quen xấu và hình thành nếp sống văn minh đô thị và xem đây vừa là nhiệm vụ đột phá trước mắt, vừa là nhiệm vụ lâu dài.
Khi thực hiện tốt các chính sách, định hướng phát triển kinh tế- xã hội đã đề ra, Thị xã hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu xây dựng Thị xã phát triển bền vững, phát huy tối đa tiềm năng và thế mạnh nội lực, huy động tốt các nguồn lực bên ngoài, nhằm xây dựng kế hoạch đầu tư các dự án trọng điểm, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và định hướng cho những năm tiếp theo. Từ đó, thị xã Hương Thủy sẽ tạo nên bước đột phá về phát triển các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng một cách bền vững, xứng tầm đô thị vệ tinh quan trọng trong hệ thống đô thị Thừa Thiên Huế, là trung tâm kinh tế động lực của Tỉnh, góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế sớm trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương./.
 

Phan Văn Thông - Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 15.931.014
Truy cập hiện tại 7.023 khách