Tìm kiếm
/UploadFiles/TuyChonLk/tailieuhdnd_230x61.png
CHIẾN KHU DƯƠNG HÒA Tập 3: TÌM VỀ HẬU CỨ
Ngày cập nhật 13/11/2013
Núi Rệ nhìn từ khe Đá Bạc

Với sự bao bọc, cảnh giới từ các ngôi làng dọc bờ sông Tả Trạch, sông Hữu Trạch, vùng hậu cứ ở phía Tây của chiến khu Dương Hòa có sự an toàn trước các cuộc tấn công, xâm nhập của địch. Những ngọn núi cao vùng hậu cứ trở thành nơi xây dựng, tổ chức lực lượng, triển khai các kế hoạch hoạt động, nơi đóng các cơ quan đầu não kháng chiến… Đó còn là nơi xuất phát của những trận đánh lớn của các đơn vị chủ lực trong suốt quá trình kháng chiến chống Mỹ.

Suốt một vùng rừng núi trải dài, từ khu vực Sông Hai Nhánh cho đến tận núi Rệ, núi Cáy ở phía Tây Dương Hòa được gọi là hậu cứ. Vùng đồi núi đó được xây dựng thành các khu vực khác nhau nhằm bố trí các cơ quan thuộc Tỉnh ủy, Tỉnh đội, Thành ủy, các cơ quan của huyện Hương Thủy, Phú Vang và các đơn vị chủ lực. Điều dễ hiểu là không có sự bố trí tập trung vào một khu vực mà chia thành nhiều khu vực khác nhau tùy vào vùng khe suối và núi non để bố trí các cơ quan thuộc các cấp khác nhau, nhằm đảm bảo an toàn trước các cuộc tấn công của địch. Vì thế, vùng hậu cứ ở Dương Hòa có các cụm cơ quan khác nhau và khá xa nhau như Hai Nhánh, khe Vàng, khe Đá Dăm, núi Rệ … Nếu tính theo chiều dài thì từ Hai Nhánh về tận núi Rệ cũng gần 15km.  
    Thông thường, các cơ quan kháng chiến được xây dựng dưới tán cây rừng, bên cạnh các dòng khe suối. Nhưng cũng có những cơ quan được bố trí trên núi và việc xây dựng nơi ở lại dựa vào các hang đá. Có những hang đá đã được xây dựng thành địa đạo. Khu vực núi Rệ là một nơi như thế.
    Giữa tháng 6 năm 2013, chúng tôi đã giành hẳn một ngày để tìm hiểu về các địa đạo thuộc núi Rệ, ngọn núi ở phía Tây Bắc xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy. Cùng đi với chúng tôi có ông Lê Văn Vệ, một người từng làm công tác liên lạc ở vùng hậu cứ, hiện ở làng La Khê Trẹm, xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, phía Đông của khu vực núi Rệ. Là người từng hoạt động ở hậu cứ, sau này thường xuyên ra vào khu vực núi Rệ, cho nên, ông Lê Văn Vệ biết rõ vùng núi Rệ như lòng bàn tay. Ông cắt rừng dẫn chúng tôi đi mà không cần phải định hướng bằng ánh sáng mặt trời.
    Sau hơn 2 tiếng rưỡi đồng hồ, chúng tôi cũng tìm được một địa đạo ở lưng chừng núi Rệ. Nó nằm về phía Đông núi Rệ. Đứng trước cửa địa đạo, ông Lê Văn Vệ kể cho chúng tôi nghe những gì ông đã biết về địa đạo này. Theo đó, quanh núi Rệ có 2 hệ thống địa đạo. Một giành cho Thành ủy Huế và một giành cho Huyện ủy và Huyện đội Hương Thủy. Địa đạo nơi chúng tôi đứng hôm đó là ở về phía Đông núi Rệ, thuộc quyền sử dụng của Huyện ủy và Huyện đội Hương Thủy. 30 năm trở lại đây, có rẫy ở cách núi Rệ không xa, lại hay thả trâu từ mùa Xuân tới cuối mùa Thu, vì thế, ông Vệ thường xuyên ra vào địa đạo này để trú mưa mỗi khi đi tìm trâu. Có một lần, ông Vệ còn nhặt được đôi dép cao su, một lần là bi-đông nhựa đã hỏng.
    Theo quan sát của chúng tôi, cửa địa đạo đã bị đất cát bồi lấp khá nhiều. Cửa địa đạo gần như không thể vào được nữa vì cây cối chằng chịt. Mặc dù đứng ở cửa địa đạo tới gần 11h trưa mới đi khỏi đó, đang là một ngày hè, nhưng chúng tôi chỉ thấy một chút ánh sáng yếu ớt chiếu qua các tán lá. Không gian ẩm thấp đến độ chúng tôi thấy mát lạnh trên da. Đi vào bên trong cửa địa đạo, chúng tôi vẫn có thể đứng thẳng người và dùng đèn pin soi vào phía trong địa đạo một đoạn. Nếu nhìn kỹ, vẫn có thể nhận thấy rằng, địa đạo này đã được cải tạo dựa trên một hang đá có sẵn. Năm tháng đã làm cho cụm địa đạo – hang đá ở phía Đông của núi Rệ thay đổi khá nhiều.
    Để tìm hiểu kỹ hơn, chúng tôi đã tìm đến một trong những cán bộ Huyện đội Hương Thủy từng xây dựng và ở nơi địa đạo phía Đông núi Rệ, ông Trần Quốc Dũng. Suốt 10 năm, từ 1965 đến 1975, ông Dũng là trợ lý dân quân huyện đội Hương Thủy. Vì thế, khi chúng tôi nhắc đến Rệ, đến khe Vàng, trong ông lại gợi về những năm tháng khoét đá, đào đất làm địa đạo ở núi Rệ.
    Ông Dũng hồ hởi kể lại: “Khi đến núi Rệ, chúng tôi tìm tới nơi đã có hang đá nhỏ. Vừa đào, vừa chặt cây để làm đà chống. Đào vô càng xa thì càng khó nên chúng tôi đào rẽ ngang, tạo các phòng. Trước năm 1969, tại khu vực chúng tôi có các phòng địa đạo làm việc như phòng dự trữ thức ăn, phòng máy in, phòng ngủ, phòng làm việc của ban này ban khác …”
    Hai địa đạo được hình thành ở sườn Đông và Đông Nam của núi Rệ tạo thuận lợi cho việc liên lạc và bảo vệ. Địa đạo còn lại nằm ở phía Đông Nam núi Rệ, là địa đạo 815, nơi đóng sở chỉ huy thành đội Huế. Các khu đất rộng dọc khe suối ở quanh núi Rệ là nơi luyện tập của các đơn vị bộ đội của tỉnh. Trong đó, chủ yếu là hai tiểu đoàn đặc công của thành đội Huế. 
    Từ năm 1969 trở đi, hệ thống địa đạo ở núi Rệ không còn cán bộ cách mạng ở vì bị địch đánh phá dữ dội. Thậm chí, nhiều cơ quan phải lùi sâu hơn về phía Tây, lên tận vùng rừng núi giáp ranh xã Hương Nguyên huyện A Lưới, hoặc vùng rừng núi gần huyện Nam Đông ngày nay. Tuy nhiên, bám trụ vững chắc địa bàn núi Rệ và vùng lân cận, tổ chức các trận đánh mang tính cường tập, tức đánh mạnh, đánh lớn theo đơn vị chính quy, vẫn là hai tiểu đoàn đặc công của thành đội Huế.
    Chúng tôi may mắn gặp ông Mai Xuân Bảo, Nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 1 Đặc công của Thành đội Huế giai đoạn 1970 - 1972. Trước năm 1970, ông là Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 1 Đặc công của Thành đội Huế. Ông quê ở ngay làng Định Môn, một ngôi làng thuộc chiến khu Dương Hòa. Ông kể lại: “Đơn vị chúng tôi tiến hành các đợt tấn công, đột kích vào thành phố Huế đều xuất phát từ vùng chiến khu, nơi gần núi Rệ cả. Trận đánh xuống căn cứ Thiết giáp Ngụy ở Tam Thai, phía Tây Nam thành phố Huế tháng 10 năm 1967. Rồi trận đánh căn cứ hỗn hợp Mỹ ở An Cựu tháng 2 năm 1968 cũng vậy. Có thể nói rằng núi Rệ và vùng xung quanh nó ở chiến khu Dương Hòa là khởi điểm của chiến đấu và chiến thắng của các đơn vị đặc công như chúng tôi”.
Cũng xuất phát từ hậu cứ Dương Hòa, vào Tết Mậu Thân1968, một đơn vị chủ lực của ta đã men theo con khe Tiền Phương chảy từ dưới chân núi Rệ ra sông Tả Trạch và vượt sông ở bến đò bí mật ở phía Nam làng Định Môn để thực hiện nhiệm vụ. Quãng sông nơi đơn vị đó đi qua đã thay đổi nhiều vì thời gian. Nhưng dấu tích của bến sông xưa vẫn còn. Nơi lên xuống bến đò xưa vẫn có thể nhận ra bằng địa hình và cây cối hai bên.
Khi chúng tôi tìm hiểu về bến đò bí mật đó, ông Mai Ngọc Phương, nguyên bí thư xã Hương Thọ trước năm 1969 đã dẫn chúng tôi ra chỗ bến đò xưa, nơi ông chỉ đạo công tác chuẩn bị cho cuộc hành quân đó. Nhìn qua bên kia sông Tả Trạch là làng Võ Xá, xã Thủy Bằng, chúng tôi nhận thấy một khúc quanh của sông đã tạo nên sự bí mật cho bến đò.

Các tảng đá trước cửa phụ của hang đá – địa đạo
Ông Mai Ngọc Phương kể rằng: Chọn hướng đi từ khe Tiền Phương ra tới khúc sông này là để dễ đi. Hơn nữa, ngay chỗ bến sông được chọn, nó có sự bí mật vì khúc quanh của sông giúp cho mọi việc chuẩn bị cần làm giữa ban ngày cũng khó bị phát hiện bởi cứ điểm Dương Phẩm phía Tây Bắc của bến sông, của chi khu Nam Hòa ở cách đó gần 4km và cả đồn Tứ Tượng đóng trên núi Tứ Tượng nữa. Nhờ thế mà mọi việc được chuẩn bị thấu đáo. Khi có hiệu lệnh là cứ thế mà xuống ghe qua sông.
    Có thể nói, vùng hậu cứ từ núi Rệ lên đến Hai Nhánh của chiến khu Dương Hòa đã trở thành vùng tự do của ta, là nơi bám trụ an toàn của các đơn vị vũ trang thành đội Huế, huyện đội Hương Thủy. Xuất phát từ đó, những đơn vị vũ trang của ta đã thực hiện các trận đánh khiến cho địch khiếp đảm. Làm sao để ngăn chặn có hiệu quả các cuộc tấn công của ta, đồng thời cô lập vùng chiến khu với vùng đồng bằng luôn là câu hỏi hóc búa của địch. Vì thế, nhằm thực hiện mục tiêu đó, địch đã xây dựng nhiều cứ điểm quanh chiến khu Dương Hòa như Mỏ Tàu, Ba Vồng, Tân Ba - Độn Hoàng, Dương Phẩm, Chóp Vung … dựa trên các điểm cao, cũng như xây dựng đơn vị vũ trang đương đầu trực tiếp với chiến khu như Chi khu Nam Hòa.
    Nhưng lần lượt, các điểm cao đó của địch lần lượt bị các lực lượng vũ trang của ta đánh bại liên tục và bị tiêu diệt./.
 

Đình Đính- huongthuy.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 15.936.875
Truy cập hiện tại 1.788 khách