Tìm kiếm
/UploadFiles/TuyChonLk/tailieuhdnd_230x61.png
CHIẾN KHU DƯƠNG HÒA Tập 2: NHỮNG NGÔI LÀNG KIÊN TRUNG
Ngày cập nhật 12/11/2013

Kháng chiến chống Pháp kết thúc bằng hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, đất nước chia đôi, quân dân Thừa Thiên lại bước vào một giai đoạn mới. Giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, đấu tranh thống nhất đất nước. Chiến khu Dương Hòa tiếp tục trở thành trung tâm chỉ huy của kháng chiến chống Mỹ của tỉnh Thừa Thiên. Để thuận lợi cho công tác chỉ đạo, năm 1961, Tỉnh ủy quyết định điều chỉnh một số xã của chiến khu, theo đó, xã Hương Thọ trở thành một xã của huyện Hương Thủy. Với điều chỉnh đó, chiến khu Dương Hòa nằm gọn trong địa bàn huyện Hương Thủy và xã chiến khu lấy tên là Hương Thọ, bao gồm các làng Lương Miêu, Thác Hộ, Dương Hòa, Định Môn, Kim Ngọc, La Khê Trẹm, Thạch Hàn và Hải Cát.

Vùng chiến khu với trung tâm là làng Dương Hòa và Định Môn là nơi đóng của đầu não chỉ huy kháng chiến trở thành cái gai trong mắt chính quyền Việt Nam Cộng Hòa và lực lượng Mỹ. Địch tìm mọi cách để tách nhân dân Dương Hòa nói riêng và vùng chiến khu nói chung với cách mạng. Bằng nhiều hình thức, địch tổ chức đấu tranh bằng chính trị đến thi hành các chính sách lôi kéo, tách rời nhân dân với chiến khu.
    Từ năm 1959 trở đi, trong ảnh hưởng của chính sách ấp chiến lượt trên toàn miền Nam, chiến khu Dương Hòa đã bị chia thành các ấp chiến lược, rải từ làng Lương Miêu cho đến La Khê Trẹm. Trong đó, với vị trí trung tâm chiến khu, trung tâm xã Hương Thọ, làng Định Môn bị địch xây dựng làm ấp chiến lượt thí điểm của quận Nam Hòa, một quận do địch hình thành gồm các xã, các làng vùng gò đồi ở phía Tây của Hương Thủy và phía Tây Nam của Hương Trà ngày nay. Qua ấp chiến lược thí điểm Định Môn, địch muốn chứng minh sức mạnh, qua đó khống chế chiến khu.
    Ông Mai Ngọc Phương, Nguyên Bí thư Đảng ủy xã Hương Thọ giai đoạn 1964 – 1968 kể lại: từ năm 1959, vừa lập các ấp chiến lược ở Hương Thọ, địch vừa xây dựng cơ quan chính quyền ở ngay góc trái của đình làng Định Môn. Cơ quan Ngụy quyền xã Hương Thọ nếu được củng cố sẽ trở thành mũi xung kích để đánh vào lòng chiến khu. Vì thế, chúng tôi nhận được chỉ thị của các cấp là phải làm sao phá ấp chiến lược Định Môn, đánh bật đầu não Ngụy quyền ở xã Hương Thọ mà cụ thể là cơ quan Ngụy quyền đóng ở khuôn viên đình làng Định Môn.
Ngày nay, dấu tích của cơ quan chính quyền Hương Thọ của Ngụy quyền vẫn còn nền móng, với những cây cột bê tông khá cao. Đứng ở khu vực cơ quan Ngụy quyền xã Hương Thọ cũ, ai cũng có thể quan sát được nhiều vị trí khác nhau. Cơ quan này có thể được bảo vệ bởi Chi khu Nam Hòa và cứ điểm Tứ Tượng, cứ điểm Dương Phẩm ở bên kia xã Thủy Bằng của lực lượng Mỹ - Ngụy.
Trước tình hình đó, đáng lưu ý là, trong ấp chiến lược Định Môn, chúng ta đã tổ chức được một chi bộ Đảng hoạt động với bí thư chi bộ là ông Nguyễn Trọng Tài người làng La Khê Trẹm. Chi bộ Đảng đã tổ chức dân quân vũ trang, xây dựng nội tuyến trong dân và thực hiện công tác dân vận, binh vận. Nhờ đó, Định Môn đã xây dựng được chính quyền hai mặt. Ban ngày, chính quyền ấp chiến lược hoạt động dưới vỏ bọc là ngụy nhưng ban đêm lại là cách mạng. Mô hình chi bộ nội tuyến ở Định Môn được áp dụng cho các ấp chiến lược khác ở xã Hương Thọ như Kim Ngọc, La Khê Trẹm, Lương Miêu, Dương Hòa …
Với cơ sở đó, đầu năm 1964, Tỉnh ủy Thừa Thiên quyết định tập trung lực lượng, chỉ đạo tiến hành khởi nghĩa thí điểm tại xã Hương Thọ. Đội công tác phát động quần chúng phá thế kìm kẹp của địch gồm 38 đồng chí, có đồng chí đội trưởng, đội phó do 1 đồng chí ủy viên thường vụ tỉnh ủy và 1 đồng chí phụ trách quân sự tỉnh trực tiếp chỉ đạo. Đội công tác đã chia làm 3 mũi gồm: mũi thứ nhất về các làng Lương Miêu – Thác Hộ - Dương Hòa, mũi thứ hai về làng Đình Môn và mũi thứ ba về các làng La Khê – Kim Ngọc – Thạch Hàn. Trong đó, mũi Định Môn làm điểm ngay trong tháng 1/1964. Kết quả là chỉ trong 1 tháng, Định Môn đã phá được ấp chiến lược, trở thành điển hình về phá ấp chiến lược của tỉnh. Ngay sau thành công ở Định Môn, cuối tháng 2/1964, Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị bàn kinh nghiệm về phá ấp chiến lượt. Phong trào phá ấp chiến lượt của tỉnh sau đó đã phát huy chiến thắng Định Môn.
Định Môn đã thể hiện vai trò đầu tàu của mình đối với chiến khu bằng những trận đánh của quân và dân ta ngay trên địa bàn của làng. Ngày 07/01/1964, một trận đánh úp của tiểu đội thuộc lực lượng dân quân vũ trang Hương Thọ đã diễn ra ở đồi Chè phía Nam của làng Định Môn. Ông Mai Ngọc Phương, khi đó chưa làm Bí thư Đảng ủy xã Hương Thọ, là một thành viên của tiểu đội đó. Ông cho hay: “Để tạo bất ngờ và tiêu diệt địch ngay loạt đầu, chúng tôi tổ chức vận động ra 4 góc, quanh chỗ đóng quân của trung đội địa phương quân của Ngụy. Sau đó, ra ám hiệu để đồng loạt ném lựu đạn. Bị ném lựu đạn, địch vừa chết vừa bị thương, chưa kịp hoàn hồn thì chúng tôi nổ súng tiêu diệt gần hết. Địch chỉ sống sót 1 tên lính truyền tin.”
Sau trận tập kích của quân dân Hương Thọ ở đồi Chè phía Nam làng Định Môn, một tháng sau, quân đội Ngụy mở một cuộc tấn công quy mô tiểu đoàn vào làng Định Môn, ở khu vực cánh đồng trước đình làng, vào ngày 09/02/1964. Lợi dụng địa thế, địa vật quanh cánh đồng, Tỉnh đội Thừa Thiên, huyện đội Hương Thủy cùng dân quân xã Hương Thọ đã bố trí trận địa phục kích đánh bại quân địch ngay trên cánh đồng.
Trận địa của ta ngày đó có 3 cứ điểm chủ yếu. Gồm: khu vực chùa Định Môn, đình làng Định Môn và đồi Chè phía Bắc làng Định Môn – nơi ranh giới giữa làng Kim Ngọc và làng Định Môn. Cái bình phong của đình làng là một nơi đặt hỏa lực của quân dân ta. Trải qua trận đánh đó và các biến cố sau này, nó vẫn đứng sừng sững như thế. Nếu nói đình làng Định Môn là trung tâm kháng chiến của làng, của chiến khu thì bình phong trước đình làng như một minh chứng của sự kiên cường, hiên ngang ấy.
Sau thất bại tại Định Môn, địch thi hành chính sách gom dân, đưa về các vùng đất bên kia Tả Trạch, sông Hương để ở. Trong đó, chủ yếu là về làng Cư Chánh thuộc xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy ngày nay. Cho đến tháng 11/1964, vùng Dương Hòa, Lương Miêu đều bị gom hết. Một số ít cán bộ hoạt động rút về vùng núi Rệ, khe Vàng để trốn tránh. Với sự kiên cường của mình, làng Định Môn và làng Kim Ngọc phải đến cuối năm 1967 mới bị gom qua chi khu Nam Hòa nhưng chỉ chưa đầy 1 năm đã tìm cách đấu tranh để trở về làng cũ.
Điều đặc biệt là trong thời gian đó, riêng làng La Khê Trẹm vẫn bám trụ lại được và trở thành làng duy nhất của vùng chiến khu không bị gom dân đưa về nơi khác ở. Ngôi làng ở ngay mõm đất ngã ba Bãng Lãng, nơi đổ bộ để càn quét chủ yếu của quân Pháp, trong kháng chiến chống Pháp, lại trở thành nơi đứng vững nhất của chiến khu khi địch thực hiện chính sách ấp chiến lược trong kháng chiến chống Mỹ. Không gom được dân làng La Khê Trẹm qua các làng bên xã Thủy Bằng ngày nay, địch buộc phải tìm cách xây dựng Ngụy quyền ở La Khê Trẹm.


Địch xây dựng được chính quyền nhưng vẫn không thể kiểm soát được nhân dân. Và đình làng La Khê Trẹm trở thành nơi tập trung đấu tranh của nhân dân trong làng trước những chính sách, chiến lược của địch. Ông Võ Đại Truy, một dân quân thời chống Pháp, hoạt động dưới vỏ bọc một nông dân ngày ngày cày cuốc. Thế nhưng, ban đêm, ông với người làng lại tổ chức tiếp tế cho cán bộ ở trong rừng núi phía Tây của làng, bắt liên lạc để đưa thanh niên trong làng thoát ly chiến đấu, củng cố lực lượng tại chổ. Theo ông Truy, hầu hết người làng đều hoạt động như vậy.
Mỗi lần ở La Khê Trẹm có biến cố, có hoạt động của lực lượng vũ trang chiến khu hay của dân quân trong làng, lực lượng Ngụy quân đóng ở cứ điểm Chi khu Nam Hòa, đối diện với đình làng La Khê Trẹm, bên kia sông Tả Trạch, lại bắn đạn cối sang đình làng đe dọa. Thế nhưng, đình làng vẫn không bị xóa sổ, người làng vẫn tiếp tục con đường đấu tranh của mình. Trải qua bao bom đạn của kẻ thù, hòng dập tắt ngọn lửa kháng chiến ở La Khê Trẹm, ngày nay, đình làng không còn giữ được kiến trúc xưa nhưng sự tồn tại của đình làng và những gì xung quanh đã cho thấy sức mạnh của lòng dân ở những ngôi làng kháng chiến là như thế nào.
Ông Mai Ngọc Phương, Nguyên Bí thư Đảng ủy xã Hương Thọ giai đoạn 1964 – 1968 nhận định: “Còn dân còn chỗ dựa, vì thế, người dân làng La Khê Trẹm vẫn đấu tranh giữ đất, bám trụ địa bàn sinh sống là chỗ dựa cho những cán bộ cách mạng ở địa phương như chúng tôi. Sự kiên cường của các làng như La Khê Trẹm, Kim Ngọc, Định Môn đã trở thành ngọn lửa quyết tâm của chúng tôi”.
Suốt thời gian từ năm 1964 cho đến 1975, vùng đất thuộc các làng Lương Miêu – Dương Hòa trở thành vùng trắng. Khi đó, địa đầu là La Khê Trẹm cho đến trung tâm là  Định Môn đã thay thế vai trò của Lương Miêu – Dương Hòa, trở thành bức bình phong che chắn cho vùng hậu cứ ở phía Tây của các làng này. Đó là vùng núi Rệ, núi Cáy và khe Vàng. Nhờ đó, chiến khu Dương Hòa được bảo vệ không chỉ là hai con sông Tả Trạch, Hữu Trạch, và các ngọn núi mà còn có nhân dân các làng ven sông này.
Có sự che chở đó, hậu cứ khe Vàng và núi Rệ ở phía Tây xã Hương Thọ khi trước và là xã Dương Hòa ngày nay ngày một củng cố. Nơi đó trở thành nơi xuất phát của những cuộc tấn công mạnh mẽ của các đơn vị chính quy của ta về vùng đồng bằng./.
 

Đình Đính- huongthuy.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 15.936.876
Truy cập hiện tại 1.789 khách