Tìm kiếm
/UploadFiles/TuyChonLk/tailieuhdnd_230x61.png
PHÁT HUY NHỮNG THÀNH QUẢ ĐÃ ĐẠT ĐƯỢC, QUYẾT TÂM TẠO ĐỘT PHÁ, THỰC HIỆN THẮNG LỢI NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2016, NĂM ĐẦU KẾ HOẠCH GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
Ngày cập nhật 26/01/2016
Năm 2015 là năm cuối của kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2011 -2015, là năm diễn ra nhiều sự kiện lớn, trọng đại của quê hương, đất nước như kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước; 40 năm Ngày giải phóng quê hương Hương Thủy, Thừa Thiên Huế và 5 năm Ngày thành lập thị xã; là năm diễn ra Đại hội Đảng các cấp, tiến đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn và đồng thời phải tập trung thời gian cho công tác chuẩn bị, tổ chức Đại hội Đảng các cấp… nhưng được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự lãnh, chỉ đạo trực tiếp, sâu sát của Ban Thường vụ Thị ủy, giám sát của HĐND, UBND thị xã đã tập trung chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hộị, lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ làm động lực và thành tích chào mừng các sự kiện diễn ra.
 
Kết quả là đã hoàn thành đạt và vượt 15/15 chỉ tiêu chủ yếu đề ra, trong đó: Giá trị sản xuất thực hiện 13.864,5 tỷ đồng, đạt 100,05% KH, tăng 12,55%; Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 1.550 tỷ đồng, đạt 103,33% KH; Kim ngạch xuất khẩu thực hiện 490 triệu USD, đạt 100% KH; Tổng thu ngân thực hiện cả năm 220,392 tỷ đồng, bằng 105,33% dự toán tỉnh giao và 94,12% dự toán của thị xã. Trong đó, các khoản do thị xã, các phường, xã thu đạt 139,650 tỷ đồng, bằng 123,15% dự toán tỉnh giao, bằng 100,96% dự toán của thị xã. Thu tiền sử dụng đất ước đạt 77 tỷ đồng, bằng 154% dự toán tỉnh giao và bằng 103,36% dự toán của thị xã. Sản lượng lương thực có hạt đạt 39.189,6 tấn; năng suất bình quân cả năm là 62,3 tạ/ha.
Trên lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường như giải quyết việc làm, tỷ lệ lao động được đào tạo nghề, tỷ lệ trẻ 5 tuổi suy dinh dưỡng, tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ hộ sử dụng nước máy, tỷ lệ độ che phủ rừng… đều thực hiện đạt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.
Công tác quốc phòng, an ninh được coi trọng, củng cố, tăng cường; cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính được quan tâm; tổ chức bộ máy, biên chế các phòng, ban, phường xã được rà soát, củng cố, kiện toàn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Các chương trình trọng điểm được tập trung chỉ đạo và đạt những kết quả nổi bật, đặc biệt là chương trình chỉnh trang, xây dựng và phát triển đô thị; chương trình xây dựng nông thôn mới và chương trình xây dựng trường học đạt chuẩn Quốc gia. 
Về xây dựng nông thôn mới, nhờ được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị các cấp; sự ủng hộ, vào cuộc của Nhân dân; quan tâm đầu tư về hạ tầng thiết yếu như hệ thống giao thông thủy lợi, trường học, nhà văn hóa, sân thể thao... nên diện mạo các xã xây dựng nông thôn mới được thay đổi nhanh chóng. Tháng 11/2015, UBND tỉnh có quyết định công nhận 3 xã Thủy Tân, Thủy Thanh và Dương Hòa đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành chỉ tiêu số xã được công nhận đến năm 2015 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XIV đề ra.
Đối với Chương trình chỉnh trang, xây dựng và phát triển đô thị: năm 2015 và cả giai đoạn 2011-2015, thị xã đã tập trung khai thác, huy động mọi nguồn lực, trong đó chủ yếu là từ nguồn thu tiền sử dụng đất hằng năm và nguồn bổ sung, hỗ trợ từ ngân sách tỉnh để đầu tư nhiều công trình, dự án góp phần chỉnh trang, phát triển đô thị, đặc biệt một số công trình dự án lớn, quan trọng khi hoàn thành sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và thay đổi diện mạo đô thị trên địa bàn như Đường Quang Trung (giai đoạn 1,2); đường Sóng Hồng giai đoạn 3, đường và cầu hồ Châu Sơn (kết nối phường Phú Bài, Thủy Châu và đường Dương - Phương); các khu dân cư và tái định cư mới như khu tái định cư Thủy Dương, Thủy Thanh, Thủy Vân giai đoạn 1, 2 (tiếp giáp với khu A, B - đô thị An Vân Dương); khu dân cư Vịnh Mộc- Thủy Dương, khu Dân cư tái định cư Thanh Lam - Thủy Phương giai đoạn I, II; khu dân cư ven đê Nam Sông Hương- Thủy Phương, khu Đồng Cát- Thủy Bằng… 
Ngoài ra, các dự án của Trung ương, tỉnh và các doanh nghiệp đầu tư, thực hiện trên địa bàn như Dự án mở rộng Quốc lộ 1A, Trạm thu phí Phú Bài, khu đô thị Đông Nam Thủy An, khu nhà ở An Đông, đường Thủy Dương - Thuận An, đường Trường Chinh nối dài, đường từ tuyến Phạm Văn Đồng đến đường Thủy Dương - Thuận An; ô tô Trường Hải - Thủy Dương; chợ mới Phú Bài… có tác động làm thay đổi nhanh chóng và rõ rệt diện mạo đô thị của thị xã theo hướng hiện đại.
Đối với chương trình xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, thị xã đã ưu tiên dành nguồn lực để đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống trường lớp, tăng cường trang thiết bị, cơ sở vật chất và các mặt khác, nhờ đó đã thực hiện tốt chương trình đề ra. Trong năm 2015, được UBND tỉnh công nhận mới thêm 3 trường, công nhận lại 3 trường, nâng tổng số trường được công nhận đến hết năm 2015 là 35/48 trường, đạt tỉ lệ 72,91% (kế hoạch đề ra 70% số trường). Trong đó: 08/18 trường mầm non, 16/17 trường tiểu học, 07/09 trường THCS, 02/02 trường TH&THCS, 02/02 trường THPT. 
Bên cạnh những thành tựu, kết quả đạt được, thị xã Hương Thủy còn gặp nhiều khó khăn, thách thức và cả những tồn tại, hạn chế đó là:
- Về công tác quy hoạch: Đây là nhiệm vụ quan trọng, đi trước, định hướng cho sự phát triển trong tương lai của mỗi địa phương. Đối với thị xã Hương Thủy, do nằm trong phạm vi quy hoạch chung mở rộng thành phố Huế đến năm 2030 định hướng đến 2050 theo Quyết định 649/QĐ-TTg ngày 06/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ nên thị xã không lập được quy hoạch chung toàn thị xã; công tác quản lý dựa chủ yếu vào quy hoạch chung thị trấn Phú Bài (cũ) mở rộng và các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết ở các phường, xã; tỷ lệ quy hoạch lấp kín còn thấp.
- Công tác quản lý đất đai, đô thị ở một số địa phương chưa chặt chẽ, nhất là quản lý trật tự xây dựng trong vùng các khu quy hoạch, các dự án đã được phê duyệt, công bố quy hoạch; quản lý tình trạng lấn chiếm, sử dụng vỉa hè, các công trình công cộng; quản lý khai thác khoáng sản, đất lâm nghiệp, quỹ đất công ích, đất 5% ở các xã, phường…
- Đối với việc khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, nhất là về đất đai, lao động và du lịch: thị xã Hương Thủy có lợi thế là gần thành phố Huế - trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh; có địa hình và quỹ đất ở vùng gò đồi thuận lợi cho đầu tư phát triển công nghiệp, xây dựng… nhưng thực tế trong thời gian qua, ngoài KCN Phú Bài do tỉnh quản lý, việc thu hút đầu tư phát triển công nghiệp địa phương chưa tương xứng tiềm năng, mục tiêu của địa phương, các doanh nghiệp còn bố trí phân tán, thiếu tập trung; hạ tầng thiết yếu chưa được đầu tư đầy đủ, chưa chú trọng đúng mức đến việc bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp nên đã phát sinh những hệ lụy. Nguồn lao động địa phương tuy dồi dào nhưng vẫn thiếu lao động có tay nghề cao, phù hợp để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp. Về dịch vụ, du lịch: một số điểm du lịch có tiềm năng nhưng chưa được quảng bá, khai thác, phát huy hiệu quả như du lịch sinh thái hồ Tả Trạch; khai thác các cụm, điểm di tích tại Cầu ngói Thanh Toàn, xã Thủy Thanh; các di tích tại xã Thủy Bằng, Dương Hòa…
- Trong lĩnh vực nông nghiệp, việc chuyển đổi cơ cấu còn chậm, tuy đã bước đầu hình thành các trang trại, các mô hình chăn nuôi tập trung có quy mô nhưng tỷ trọng của ngành chăn nuôi so với trồng trọt còn thấp; chưa hình thành được các vùng sản xuất chăn nuôi tập trung; việc xây dựng, khai thác, quảng bá các thương hiệu sản phẩm nông nghiệp còn hạn chế…
- Cải cách hành chính tuy có những chuyển biến tích cực nhưng có mặt vẫn chưa đáp ứng tốt nhu cầu, nguyện vọng của người dân; còn nhiều hồ sơ giải quyết trễ hạn, tình trạng cán bộ nhũng nhiễu, gây phiền hà cho Nhân dân vẫn còn xảy ra, nhất là trong lĩnh vực đất đai; việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật làm việc ở các cơ quan, đơn vị từ thị xã đến phường, xã có lúc, có nơi chưa nghiêm.
- Công tác xúc tiến đầu tư, khai thác các nguồn lực hiệu quả chưa cao, nhất là nguồn lực từ các doanh nghiệp, nguồn lực trong dân và nguồn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh và trung ương.
- An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tuy được đảm bảo nhưng ở một số mặt, một số địa bàn diễn biến phức tạp, có thể xảy ra điểm nóng cần được tập trung chỉ đạo xử lý.
Năm 2016 là năm đầu thực hiện kế hoạch kinh tế xã hội giai đoạn 2016- 2020 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XV đề ra, là năm diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và bầu cử Quốc hội khóa XIV, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, do vậy toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong thị xã quyết tâm, phấn đấu thực hiện thành công kế hoạch kinh tế - xã hội ngay từ năm đầu của nhiệm kỳ, tạo tiền đề cho những năm tiếp theo. 
Mục tiêu chung là: Tiếp tục sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tích cực khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương; thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực. Tiếp tục đẩy nhanh quá trình xây dựng và phát triển đô thị gắn với xây dựng nông thôn mới; đầu tư phát triển lĩnh vực văn hóa xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân; thực hiện tốt các mục tiêu an sinh xã hội; giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng - an ninh; đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng chống tham nhũng, lãng phí. Phấn đấu xây dựng thị xã phát triển nhanh và bền vững.
Các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể:
Tốc độ tăng giá trị sản xuất: 14%- 14,5%; Thu nhập bình quân đầu người: 54 triệu đồng; Tổng vốn đầu tư toàn xã hội: 1.500 - 1.600 tỷ đồng; Thu ngân sách trên địa bàn 242,470 tỷ đồng; trong đó thu từ đấu giá cấp quyền sử dụng đất là 75 tỷ đồng; Tổng sản lượng lương thực có hạt: 37 nghìn tấn; Tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên: 1,1%; Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên dưới 15%; Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,5-2%/năm; Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề: 60%; Tạo việc làm mới cho 1.500 - 1.800 lao động; Tỷ lệ đô thị hóa 58%; Xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia: 6 trường (4 trường công nhận mới và 2 trường công nhận lại); Tỷ lệ số hộ sử dụng nước máy 89,5%; Độ che phủ rừng 55%; 80 % Cụm CN, TTCN và làng nghề thu gom, xử lý chất thải rắn; 100 % chất thải y tế được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn; 85 % lượng rác thải sinh hoạt được thu gom, vận chuyển và xử lý tập trung.
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 đề ra, UBND thị xã xác định một số giải pháp chính, đó là:
1. Tập trung phát triển kinh tế, tạo môi trường và động lực phát triển cho các năm tiếp theo.
Về công nghiệp, TTCN: tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Từng bước hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật gắn với thu hút đầu tư vào cụm CN&TTCN Thủy Phương, tranh thủ nguồn lực của tỉnh để XD tuyến đường gom số 3, số 4 và tranh thủ các nguồn vốn khuyến công để hỗ trợ cho các doanh nghiệp và các cơ sở làng nghề, TTCN.
Về dịch vụ, du lịch: hoàn thiện Quy hoạch dịch vụ du lịch trên địa bàn thị xã, tăng cường và đổi mới công tác xúc tiến đầu tư để thu hút các nhà đầu tư đến đầu tư lĩnh vực dịch vụ, du lịch trên địa bàn nhất là ở các khu vực có tiềm năng như Cầu ngói Thanh Toàn, khu Công viên hồ Ba cửa, hồ Tả trạch, khu du lịch Tâm linh Tượng đài Quán Thế Âm…
Về nông nghiệp: ổn định sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp; nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu, vùng sản xuất chuyên canh rau sạch, màu sạch ở các phường, xã ven thành phố, vùng nguyên liệu rừng trồng ở các xã vùng gò đồi, khuyến khích chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại, gia trại; giữ vững thương hiệu gạo ngon Thủy Thanh và xây dựng thành công từ 1 đến 2 thương hiệu gạo chất lượng cao khác. 
2. Chỉ đạo thực hiện tốt công tác thu ngân sách, nhất là nguồn thu từ khai thác quỹ đất và các khoản thu có số thu lớn để đáp ứng các nhu cầu chi, nhất là chi đầu tư phát triển; tích cực khai thác, phát triển nguồn thu mới để tăng tính ổn định, bền vững của thu ngân sách thị xã; tranh thủ tốt ngoại lực, nhất là các nguồn đầu tư hỗ trợ từ ngân sách cấp trên, đồng thời phải tăng cường hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, các nhà đầu tư nghiên cứu, thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn.
3. Trên cơ sở nguồn lực huy động được, bố trí và sử dụng các nguồn lực có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển đồng đều, hài hòa giữa các vùng miền, phường, xã; mặt khác ưu tiên nguồn lực để tập trung thực hiện các công trình, dự án lớn có tính đột phá, nhất là các công trình, dự án hạ tầng kỹ thuật về giao thông, khai thác quỹ đất và tạo diện mạo mới cho đô thị như: dự án hạ tầng khu dân cư Nam Đông Nam - Thủy An; hạ tầng khu TĐC và dân cư hói Cây Sen; khu dân cư khu vực 1- phường Thủy Dương; hạ tầng khu dân cư Thanh Lam giai đoạn 4; đường Quang Trung giai đoạn 2; thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng và bố trí tái định cư để triển khai thuận lợi các công trình, dự án của tỉnh trên địa bàn như đường Trường Chinh nối dài; khu tái định cư và dân cư TĐC 2 - Thủy Thanh; dự án khu TĐC - dân cư Thủy Dương, Thủy Thanh giai đoạn III…
4. Thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý theo quy hoạch; khắc phục khó khăn khi chưa có quy hoạch chung toàn thị xã bằng quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết có tính định hướng ở các phường, xã; tăng tỷ lệ diện tích phủ kín quy hoạch nhằm tạo cơ sở để quản lý có định hướng, tránh tình trạng manh mún, tùy tiện do không có quy hoạch gây ra.
5. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về đất đai từ thị xã đến các phường, xã; rà soát điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020, triển khai thực hiện tốt kế hoạch sử dụng đất 2016; tăng cường công tác quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp, nhất là công tác cấp giấy và tình trạng lấn chiếm, tranh chấp đất lâm nghiệp; quản lý chặt chẽ quỹ đất công ích, đất 5% ở các xã, phường; tiếp tục quan tâm công tác cấp giấy CNQSD các loại đất, nhất là đất ở; tạo chuyển biến tích cực trong công tác giải quyết đơn thư tranh chấp, khiếu nại về đất đai.
6. Chỉ đạo thực hiện tốt các lĩnh vực văn hóa - xã hội, tiếp tục quan tâm đầu tư cho giáo dục ở các cấp học; nâng cao chất lượng công tác khám, điều trị và chăm sóc sức khỏe Nhân dân từ hệ thống các trạm y tế phường, xã đến Trung tâm Y tế thị xã; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, nhất là dịp đón chào xuân mới Bính Thân và Festival Huế - 2016; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm để tạo thu nhập và nâng cao đời sống Nhân dân.
7. Coi trọng củng cố quốc phòng, an ninh; tăng cường tiềm lực quốc phòng của địa phương; đảm bảo tốt an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là trong dịp Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, chú trọng các địa bàn trọng điểm, phức tạp.
8. Rà soát, xây dựng các Đề án để triển khai thực hiện các chương trình trọng điểm giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu phải nâng cao hiệu quả và tạo sự đột phá trong thực hiện từng chương trình, trong đó: 
Chương trình chỉnh trang, xây dựng và phát triển đô thị, ngoài việc đầu tư chỉnh trang hệ thống hạ tầng kỹ thuật như giao thông, điện chiếu sáng, cây xanh đô thị... phải tạo được chuyển biến trong công tác quản lý và nâng cao ý thức, nếp sống văn minh đô thị của người dân, lập lại trật tự quản lý, sử dụng vỉa hè và công tác vệ sinh môi trường dọc tuyến đường Nguyễn Tất Thành và các tuyến đường chính của thị xã.
Đối với chương trình xây dựng nông thôn mới: ưu tiên, dành nguồn lực để đầu tư các xã có lộ trình đạt chuẩn trong giai đoạn 2016 - 2020, theo đó phấn đấu xã Thủy Phù được công nhận đạt chuẩn vào năm 2017, xã Thủy Bằng năm 2018, xã Phú Sơn năm 2019 và xã Thủy Vân vào năm 2020. Các xã đã được công nhận trong năm 2015 phải tiếp tục tập trung thực hiện, nâng cao chất lượng các tiêu chí trong giai đoạn tiếp theo.
Chương trình về đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia: thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ trẻ để tạo nguồn kế cận ở các cấp; dành nguồn lực thích đáng để hỗ trợ, tạo điều kiện cho cán bộ học tập về chính trị và chuyên môn nghiệp vụ; phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề để tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề, gắn đào tạo nghề và giải quyết việc làm sau đào tạo, khắc phục tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”. Rà soát, xây dựng và thực hiện kế hoạch xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 theo hướng tăng tỷ lệ trường và cấp độ đạt chuẩn; ngoài đầu tư về trường, lớp, cơ sở vật chất, chú trọng đến chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý các trường học.
Chương trình cải cách hành chính và nâng cao năng lực quản lý đô thị: tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; đổi mới phong cách, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ các phòng, ban, đơn vị, phường, xã; mỗi cán bộ phải có ý thức trách nhiệm, tận tụy phục vụ Nhân dân; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cố tình gây phiền hà, nhũng nhiễu trong thực hiện các thủ tục hành chính đối với tổ chức công dân; đầu tư kinh phí để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng mô hình một cửa điện tử hiện đại, trước hết là tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của thị xã, tiếp đó, xây dựng kế hoạch triển khai đến các phường, xã với mục tiêu tạo sự minh bạch, thông thoáng, hiệu quả trong giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính cho tổ chức, công dân.
9. Tăng cường các mối quan hệ đối nội, đối ngoại; tích cực tranh thủ sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh; sự hỗ trợ giúp đỡ của các sở, ban, ngành trong tỉnh; sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Thường vụ Thị ủy, giám sát của HĐND; sự phối hợp của Mặt trận và các đoàn thể thị xã trong quá trình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ.
 
Lê Ngọc Sơn Phó Bí thư Thị ủy - Chủ tịch UBND thị xã
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 15.896.081
Truy cập hiện tại 2.505 khách