Tìm kiếm
/UploadFiles/TuyChonLk/tailieuhdnd_230x61.png
Giải pháp nào để diệt trừ cây mai dương?
Ngày cập nhật 22/03/2015

Theo thống kê sơ bộ từ các ngành chức năng, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã có hàng trăm ha diện tích đất bị nhiễm cây mai dương - một loài thực vật ngoại lai cực kỳ nguy hiểm. Mặc dù các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp, song để triệt tiêu hoàn toàn loại cây này thì cần có một giải pháp khoa học và sự hỗ trợ từ các cơ quan chuyên môn.

Có mặt tại buổi ra quân diệt trừ cây mai dương trên các đồng ruộng ở địa phương do Hội Nông dân phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy phát động, chúng tôi mới cảm nhận hết sự vất vả, khó khăn của bà con trong việc phá bỏ loại cây này. Theo người dân, cây mai dương xuất hiện hầu khắp các địa bàn ở Hương Thủy sau trận lũ lịch sử năm 1999. Loài cây này không chỉ xâm lấn làm bạc màu, hoang hóa đồng ruộng mà còn trực tiếp đe dọa đến hệ sinh thái động, thực vật xung quanh. Chính vì thế, nhằm hạn chế tối đa tốc độ lây lan và giảm thiểu thiệt hại cho người nông dân, các đoàn thể địa phương đã phát động phong trào “Diệt trừ cây mai dương”, tiến hành ra quân mỗi năm từ 2 đến 3 đợt, trong đó đợt cao điểm là sau Tết Nguyên đán, trước khi thu hoạch vụ lúa Đông Xuân. Ông Lê Văn Xi, Chủ tịch Hội Nông dân phường Thủy Châu (thị xã Hương Thủy), cho biết: “Ngoài việc phát dọn để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con khi thu hoạch lúa, mục đích chính của các đợt ra quân là nhằm tuyên truyền cho bà con biết được tác hại của loại cây này để có ý thức hơn nữa trong việc loại bỏ loài cây độc hại này”.

Một buổi ra quân phát dọn cây mai dương của Chi hội nông dân tổ 11, phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy.

Được biết, cây mai dương có tên khoa học là Mimosa Pigra, hay còn gọi là cây mắt mèo hoặc trinh nữ nâu, có nguồn gốc từ Châu Mỹ, thuộc họ đậu, thân nhiều gai cứng, sống được trên cạn lẫn dưới nước. Đặc tính của loại cây này là làm cho đất nghèo dinh dưỡng, gây ảnh hưởng xấu và nguy cơ hủy diệt hệ động, thực vật trong vùng, do chứa loại axit amin có thể gây độc với nhiều loài. Thân của nó khi chết bị phân huỷ tạo ra chất độc gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến môi trường . “Khu vực nào bị nhiễm cây mai dương thì ở đó nguồn nước rất độc, bà con làm cỏ hay dặm lúa vô tình để xước tay, ngay lập tức bị sưng và nhức kinh khủng. Mỗi lần chặt bỏ rất khó khăn, vì loại cây này gai nhiều mà lại mọc thành từng bụi rậm” - ông Vũ Đức Linh, ở tổ 15, phường Thủy Châu (thị xã Hương Thủy) nói.
Ngoài tốc độ phát tán nhanh, cây mai dương còn có khả năng tái sinh. Nếu không được kiểm soát, sau 10 năm, 01 ha cây mai dương có thể phát triển thành 1.000 ha. Ở Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng, mặc dù chưa có con số thống kê chính thức, song chúng đã hiện hữu khắp nơi, từ những bản làng vùng cao đến tận các vùng cát ven biển, từ các đồng bằng nông thôn đến cả những bãi đất hoang trong lòng đô thị. Ra quân phát dọn chỉ là biện pháp tạm thời, cần một giải pháp khoa học để triệt tiêu loại cây độc hại này.
 

Bài & ảnh: Thanh Đoàn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 15.905.036
Truy cập hiện tại 120 khách