Tìm kiếm
/UploadFiles/TuyChonLk/tailieuhdnd_230x61.png
Hương Thủy: Chủ động phòng, chống rét, dịch bệnh cho trâu, bò
Ngày cập nhật 15/01/2015

Hiện thời tiết ở Thừa Thiên Huế đang trải qua một trong những đợt rét đậm nhất từ đầu mùa. Rét đậm, rét hại sẽ làm giảm sức đề kháng của các loại gia súc, đặc biệt là trâu bò. Theo đó, ngành thú y thị xã Hương Thủy đã và đang chủ động thực hiện nhiều biện pháp phòng chống rét cho trâu, bò.

Hiện nay việc chăn nuôi trâu, bò của bà con nông dân đa số vẫn còn mang tính quảng canh, manh mún, phân tán tại hộ gia đình. Nguồn thức ăn chăn nuôi chủ yếu dựa vào chăn thả tự nhiên là chính, chưa tận dụng triệt để nguồn phụ phẩm nông nghiệp như rơm, rạ, thân, lá cây ngô, lá mía.... Do vậy, khi điều kiện thời tiết bất lợi và dịch bệnh xảy ra thì trâu bò dễ gặp phải rủi ro, gây thiệt hại lớn, nếu như bà con  nông dân không có biện pháp phòng chống. Hiện nay, tổng đàn bò trên địa bàn thị xã có 1.836 con, đàn trâu 1.317 con, để đảm bảo an toàn cho trâu, bò trong mùa rét, những ngày này, thị xã Hương Thủy đã tích cực tuyên truyền, cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp xuống tận các địa bàn dân cư hướng dẫn cho bà con nhân dân về các biện pháp phòng chống rét cho trâu, bò. Trạm Thú y thị xã cho biết, trạm đã chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch phòng chống đổ, ngã cho trâu, bò do dịch bệnh và đói rét khá đồng bộ và cụ thể, trước hết tập trung tuyên truyền để nâng cao ý thức tự bảo vệ đàn gia súc của chính gia đình mình, sau đó tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tận các hộ chăn nuôi.



Người dân đã chủ động thức ăn cho trâu, bò trong mùa rét

Theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, nhiệt độ thấp và ẩm sẽ giảm sức đề kháng của trâu, bò, nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm có điều kiện bùng phát. Theo đó, mỗi người dân cần ý thức cao trong việc chủ động các biện pháp phòng chống rét cho đàn gia súc; không nên thả rông gia súc vào những ngày nhiệt độ xuống thấp; tăng cường giám sát tình trạng đàn vật nuôi, hạn chế thấp nhất các loại dịch bệnh có thể xảy ra trên đàn vật nuôi vào mỗi dịp rét.                                              
Hiệu quả từ chăn nuôi trâu, bò mang lại là khá lớn, vừa giải quyết công ăn việc làm, đảm bảo một phần sức kéo trong sản xuất nông nghiệp vừa là nguồn thu nhập ổn định nên nhiều người dân vẫn tiếp tục chăn nuôi gia súc theo hướng gia trại. Việc phát triển chăn nuôi gia súc đã thực sự góp phần đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, từng bước xóa bỏ thế độc canh cây lúa trong những năm qua. Tuy nhiên, một bộ phận người chăn nuôi vẫn chưa xoá bỏ hoàn toàn tập quán chăn nuôi truyền thống, trâu bò còn thả rong ngoài đồng, trên đồi, rừng sản xuất và cả trong khu dân cư. Để khắc phục thực trạng này, trước mùa mưa rét năm nay, Trạm thú y thị xã đã phối hợp các phường, xã tổ chức 10 lớp tập huấn với trên 400 người tham gia; đồng thời đến tận các hộ nuôi để trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật cho người chăn nuôi, bước đầu đã mang lại hiệu quả, được bà con nông dân phấn khởi và làm theo.
 

Bài & ảnh: Ngọc Minh
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 15.908.048
Truy cập hiện tại 1.169 khách