Tìm kiếm
/UploadFiles/TuyChonLk/tailieuhdnd_230x61.png
Luồng gió mới sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW tại thị xã Hương Thủy
Ngày cập nhật 17/07/2024

 Sau gần 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách (TDCS), hoạt động TDCS trên địa bàn thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần vào công cuộc giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn.

Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và các văn bản của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Thị ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo các phòng, ban ngành liên quan phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) làm tốt từ khâu tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về TDCS đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Ông Lê Ngọc Sơn, Bí thư Thị ủy thị xã Hương Thuỷ chia sẻ, TDCS xã hội là một trong những nội dung quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của hệ thống chính trị từ thị xã đến cơ sở; là một trong những trụ cột quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững.

Trong những năm qua, công tác này đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể triển khai tích cực, đồng bộ. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động TDCS xã hội, tuyên truyền, quán triệt sâu rộng nội dung Chỉ thị 40, Kết luận 06 của Ban Bí thư và các văn bản của tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với TDCS; tạo điều kiện thuận lợi cho NHCSXH thị xã thực hiện các nhiệm vụ được giao, nhất là tập trung nguồn lực cho TDCS thông qua việc bố trí ngân sách thị xã chuyển sang để ủy thác cho vay, đáp ứng nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

Đã có hàng ngàn hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn thị xã Hương Thủy được vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh

Đã có hàng ngàn hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn thị xã Hương Thủy được vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh

Đến nay, sau gần 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, các cấp ủy, chính quyền toàn thị xã có sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động về vị trí, vai trò của TDCS đối với thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn. Từ đó đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi, đặc biệt là trong công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn thị xã; từ 4,07% hộ nghèo (năm 2014) xuống còn 0,64% (năm 2024).

Đồng thời thông qua hiệu quả TDCS đã góp phần hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, thị xã Hương Thủy được công nhận đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019, góp phần tạo được niềm tin, sự đồng tình, hưởng ứng, ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân.

Theo PGD NHCSXH thị xã Hương Thủy, trong những năm qua, nguồn vốn TDCS trên địa bàn thị xã không ngừng tăng trưởng, ngày càng đáp ứng được tốt hơn nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tổng dư nợ đến 30/4/2024 đạt 445,214 tỷ đồng, dư nợ tăng 265,685 tỷ đồng so với năm 2014; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 14,5%, với 7.757 hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ, với dư nợ bình quân hơn 57,3 triệu đồng/hộ tăng 39,4 triệu đồng so với năm 2014.

Quy mô tín dụng được mở rộng, chất lượng tín dụng ngày càng được củng cố và nâng cao, tổng nợ quá hạn và nợ khoanh là 1,375 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,3% tổng dư nợ; giảm 74 triệu đồng (giảm 0,49%) so với năm 2014. Sau 10 năm Chỉ thị số 40 đi vào cuộc sống, nguồn vốn ủy thác địa phương thị xã đạt 10,064 tỷ đồng, tăng 10,064 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị số 40.

Nhờ nguồn vốn vay TDCS, nhiều hộ gia đình tại thị xã Hương Thủy đã mở rộng mô hình sản xuất, trồng trọt, kinh doanh để tăng thêm thu nhập

Nguồn vốn TDCS đã phục vụ cho nhu cầu sản xuất kinh doanh và đời sống của hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Xét về hiệu quả sử dụng vốn vay của NHCSXH, hầu hết các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích và đạt hiệu quả kinh tế cao, mang lại lợi nhuận trong đầu tư SXKD góp phần giúp hộ vay hoàn trả gốc và lãi đúng kỳ hạn; đồng thời có tích luỹ để trang trải cho cuộc sống gia đình và tiếp tục mở rộng SXKD như: các mô hình trồng thanh trà tại 2 xã miền núi Dương Hòa và Phú Sơn; Hương sạch Tân Nguyên tại xã Thủy Phù; làng nghề chổi đót tại phường Thủy Phương; Nuôi cá lồng tại các xã Thủy Tân, mô hình rau sạch Thủy Phù; phát triển du lịch cộng đồng tại xã Thủy Thanh; cơ khí tại phường Phú Bài…

Để nâng cao hiệu quả nguồn vốn TDCS trong thời gian tới, Bí thư Thị ủy Hương Thủy Lê Ngọc Sơn yêu cầu thị xã tiếp tục quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện ngày càng tốt hơn nữa tinh thần của Kết luận số 06-KL/TW, ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với TDCS xã hội. Nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc củng cố, nâng cao chất lượng TDCS.

Chỉ đạo MTTQ và các tổ chức CT-XH từ thị xã đến cơ sở phát huy tốt hơn nữa vai trò tập hợp lực lượng, đẩy mạnh phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về TDCS đến các tầng lớp nhân dân; mở rộng cuộc vận động vì người nghèo để huy động sự đóng góp của toàn xã hội bổ sung nguồn vốn cho TDCS.

Không để xảy ra lợi dụng, trục lợi, tiêu cực trong hoạt động TDCS xã hội, bảo đảm thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội. Hàng năm bổ sung nguồn vốn ủy thác địa phương sang NHCSXH đảm bảo kế hoạch được tỉnh giao để tiếp tục giải ngân các chương trình xuất khẩu lao động, chương trình cho vay giải quyết tạo việc làm trên địa bàn thị xã...

 

 

Thùy Nhung- Lê Tình
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 15.867.846
Truy cập hiện tại 5.996 khách