Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình (thứ 3, trái sang) kiểm tra dọc tuyến sông Như Ý tại xã Thủy Thanh
Chu đáo, cẩn trọng, không để xảy ra sai sót
Sáng 11/2, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình có buổi làm việc với lãnh đạo thị xã Hương Thủy về công tác chuẩn bị cho 2 sự kiện quan trọng trên. Theo đó, lễ đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba và công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận thị xã Hương Thủy hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM dự kiến tổ chức sáng 22/2 tại Trung tâm Văn hóa, Thông tin & Thể thao thị xã Hương Thủy.
Song song với lễ đón nhận và công bố quyết định là các hoạt động hưởng ứng, bao gồm: Hội chợ thương mại, “Chợ quê ngày hội” và đua trải truyền thống. Trong đó, Hội chợ thương mại tổ chức tại khuôn viên Trung tâm Văn hóa, Thông tin & Thể thao thị xã từ ngày 21-23/2. Hai hoạt động: “Chợ quê ngày hội” và đua trải diễn ra tại điểm du lịch cộng đồng cầu ngói Thanh Toàn (xã Thủy Thanh) từ 21-25/2.
Theo ông Nguyễn Thanh Minh - Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy, tại hội chợ thương mại, ngoài các sản phẩm công nghiệp, nông thôn tiêu biểu của Hương Thủy còn có sự góp mặt của những sản phẩm đến từ A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc, Phú Vang… Điều này tăng thêm tính đa dạng và là dịp để giới thiệu, quảng bá những thành tựu, tiềm năng trong phát triển công nghiệp nông thôn của Hương Thủy cũng như toàn tỉnh.
Quy mô của “Chợ quê ngày hội” cơ bản như những lần tổ chức trước đây với các hoạt động: trưng bày hoa, mua bán nông sản, hàng lưu niệm; trình diễn các thao tác sản xuất, sinh hoạt của người dân nông thôn; bài chòi, ẩm thực, du thuyền, đua ghe câu, bắt vịt trên sông... Đua trải trên sông Như Ý khai mạc vào trưa 22/2, sau khi kết thúc lễ đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba và công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận thị xã Hương Thủy hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Qua khảo sát, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đánh giá cao công tác chuẩn bị của thị xã Hương Thủy và xã Thủy Thanh đối với sự kiện quan trọng này. “Lễ đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba và công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận thị xã Hương Thủy hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM không chỉ là sự kiện quan trọng của thị xã mà còn của tỉnh nên khâu tổ chức phải thật sự chu đáo, cẩn trọng, không để xảy ra sai sót”, Phó Chủ tịch UND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.
Bên cạnh những phương án chi tiết liên quan đến an ninh trật tự, vệ sinh môi trường điện chiếu sáng, giao thông…, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thị xã Hương Thủy và xã Thủy Thanh phải đặt công tác phòng, chống COVID-19 lên hàng đầu và lực lượng y tế luôn trong trạng thái sẵn sàng, có phương án xử lý kịp thời nếu phát hiện dịch bệnh.
“Với các hoạt động hưởng ứng, ngoài việc tạo thêm không khí vui tươi, đây là cơ sở cho thấy, Thừa Thiên Huế nói chung, Hương Thủy nói riêng đã và đang đẩy mạnh việc thích ứng, hồi phục và tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội trong trạng giai đoạn thường mới. Cũng qua sự kiện này, thị xã Hương Thủy trở thành một trong những địa phương đầu tiên của tỉnh kích hoạt sớm các hoạt động kinh tế, văn hóa, du lịch, lễ hội… ngay từ đầu năm”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nói.
Hài hòa giữa bảo tồn & phát triển du lịch
Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo TX. Hương Thủy tham quan Vân Thê Garden & Homestay - một trong những mô hình du lịch của xã Thủy Thanh
Trong buổi làm việc với thị xã Hương Thủy sáng 11/2, một nội dung quan trọng nữa được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đề cập là đẩy mạnh phát triển du lịch Hương Thủy, trọng tâm là du lịch cộng đồng tại xã Thủy Thanh.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, dù có nhiều phương án để phát triển du lịch cộng đồng tại xã Thủy Thanh nhưng đến nay, nguồn thu từ du khách khi đến với cầu ngói Thanh Toàn, đến với xã Thủy Thanh không đáng kể, rất ít người làm du lịch cộng đồng tại địa phương có thể “sống” được với hoạt động này.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thị xã Hương Thủy cần xây dựng đề án quy hoạch chi tiết về du lịch của xã Thủy Thanh, trong đó, lấy cầu ngói Thanh Toàn làm hạt nhân; gắn kết di sản, di tích trên địa bàn với cộng đồng, người dân và phải tránh tư duy bảo tồn di sản tốt nhưng không khai thác được giá trị kinh tế và ngược lại.
“Di sản văn hóa là nguồn lực lớn, là tài nguyên tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội nói chung, du lịch nói riêng. Do vậy, phải làm thế nào để cân đối, hài hòa giữa bảo tồn di sản với phát triển kinh tế - xã hội. Nếu thực hiện thỏa đáng giữa bảo tồn và phát huy, giữ gìn và khai thác thì sẽ thu được kết quả khả quan, bền vững. Đây là cách ứng xử lý tưởng nhất khi đạt được “mục tiêu kép” vừa bảo vệ di sản, vừa phát triển kinh tế - xã hội”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.