Tìm kiếm
/UploadFiles/TuyChonLk/tailieuhdnd_230x61.png
Chuyện kể về một người vợ liệt sĩ
Ngày cập nhật 28/07/2021

Chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau do chiến tranh để lại vẫn còn hiển hiện trong mỗi gia đình, nơi những người vợ, người mẹ liệt sĩ ngày đêm sống trong nhớ thương, mòn mỏi. Vượt lên mọi hy sinh, mất mát, họ đã nỗ lực vươn lên nuôi con khôn lớn, sống xứng đáng với những người đã khuất. 

Một chiều tháng 7, chúng tôi ghé thăm sạp hàng nhỏ của bà Lê Thị Nhạn, đối diện chợ Mai, phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy. Bà Nhạn là vợ liệt sĩ Nguyễn Thanh Lai, hy sinh tại chiến trường Campuchia. 
 
Trong không gian của sạp hàng kinh doanh đồ gốm nhỏ hẹp, bà gợi nhớ về ký ức bằng câu chuyện buồn nhưng quá đỗi tự hào. Bà kể, tình yêu của bà và ông cũng đẹp như nhiều đôi lứa khác và kết quả của tình yêu đó là một cuộc hôn nhân tràn ngập tiếng cười. Nhưng, niềm hạnh phúc ấy chỉ tồn tại hơn 7 tháng. Ngày bà mang thai cũng là ngày bà tiễn chồng lên đường nhập ngũ. Và đó cũng là giây phút cuối cùng bà bên cạnh chồng mình. "Chồng của tôi hy sinh tại mặt trận Campuchia, lúc đó đứa con trai vẫn chưa chào đời. Đây thật sự là nỗi mất mát quá lớn”, bà Nhạn nghẹn ngào. 
 
Sau thời gian suy sụp, bà kìm nén nỗi đau mất chồng, gượng dậy gánh vác những khó khăn, vất vả để nuôi con khôn lớn, cũng như quyết không đi thêm bước nữa dù đang ở tuổi đôi mươi. Nhưng để có thể thay chồng trở thành trụ cột gia đình, là chỗ dựa vững chắc cho cậu con trai duy nhất của mình không là chuyện đơn giản với bà Nhạn. Để cùng con vượt qua những tháng ngày cơ cực, bà Nhạn không nề hà bất cứ việc gì. “Lúc đó cứ việc có thể kiếm ra tiền là tôi đều làm, miễn đó là công việc lương thiện. Và đến hiện tại, ngoài buôn bán ở sạp hàng có thêm đồng ra đồng vào, cộng thêm khoản trợ cấp hàng tháng của Nhà nước, gia đình tôi đảm bảo cuộc sống ổn định”, bà chia sẻ.
 
“Trước lúc chồng tôi hy sinh ở chiến trường Campuchia, tôi chỉ được 1 lá thư duy nhất và đó cũng là lá thư cuối cùng của chồng. Đến ngày đón hài cốt chồng trở về, kỷ vật duy nhất mà bà nhận được là 1 chiếc balo kèm theo 1 tấm ảnh. Nhưng thời gian, rồi thiên tai, giờ đây những kỷ vật ấy cũng không còn”, bà Nhạn bùi ngùi. 
 
Ở tuổi 65, dù thường xuyên bị những cơn đau nhức xương khớp hành hạ, nhưng với bản tính tảo tần, chịu thương chịu khó, bà vẫn gắng gượng dọn hàng ra chợ bán, vì bà quan niệm, không thể ỷ lại vào khoản trợ cấp của Nhà nước. Dù khó khăn đến đâu thì bản thân cũng phải cố gắng vượt qua.
 
Không chỉ là tấm gương sáng về ý chí, nghị lực, trong cuộc sống thường ngày, bà Nhạn còn được biết đến là một người mẹ, người bà đáng kính khi luôn răn dạy con cháu phải biết kính trên, nhường dưới, hòa nhã, thân thiện với mọi người; phát huy truyền thống của một gia đình cách mạng, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; biết trân trọng, tự hào về sự hy sinh của người đã khuất, từ đó tạo động lực để vươn lên trong lao động, phát triển kinh tế... 
Thu - Quý - Nhi
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 16.416.587
Truy cập hiện tại 2.158 khách