Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 14.736.268
Truy cập hiện tại 233 khách
Công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật đã và đang góp phần quan trọng phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn thị xã
Ngày cập nhật 07/03/2016

Để tiếp tục phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản đảm bảo vệ sinh an toàn lương thực, thực phẩm có giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho người lao động bằng cách thực hiện các biện pháp đồng bộ, chuyển đổi nhanh cơ cấu sản xuất nông nghiệp, từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong sản xuất, đẩy mạnh công tác chuyến giao khoa học công nghệ… trong thời gian qua, Trạm Khuyến Nông lâm ngư thị xã Hương Thủy chủ động, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu đề xuất, tổ chức xây dựng và triển khai các hoạt động khuyến nông để chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thị xã nên có những chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Thị ủy, UBND thị xã đề ra.

1. Một số kết quả công tác tuyên truyền, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất trong năm 2015:
Công tác thông tin tuyên truyền: Trạm KNLN đã phát hành 1.000 tờ rơi về các quy trình kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản… cho bà con nông dân; phối hợp với Đài Truyền thanh thị xã, Phòng Văn hóa Thông tin… để đưa tin, bài, hình ảnh, các chuyên mục chuyên đề phát thanh, đăng báo điện tử về hoạt động các mô hình khuyến nông trong năm. Thường xuyên cập nhật tin tức mới trong lĩnh vực nông nghiệp, giới thiệu các mô hình khuyến nông có hiệu quả; tư vấn, giải đáp trực tiếp những thắc mắc của bà con nông dân về kỹ thuật sản xuất cây trồng, vật nuôi…; tổ chức 5 hội thảo, hội nghị đầu bờ có 250 người nông dân ở các HTX Thủy Phương, HTX Thủy Châu, HTX Thủy Phù và HTX Thủy Lương tham gia, đánh giá tình hình và kết quả sản xuất các giồng lúa chất lượng bằng phương pháp hữu cơ, cải tạo đồng ruộng, cánh đồng lớn cây lúa…
Công tác đào tạo, tập huấn kỹ thuật, tuyên truyền và tổ chức tham quan học tập ngày càng được quan tâm: Việc nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân là vấn đề hàng đầu, được  xác định là một nhiệm vụ cần phải làm thường xuyên. Trong năm, Trạm đã cử 15 lượt cán bộ, viên chức dự 7 lớp tập huấn, hội thảo về khoa học công nghệ do Trường Đại học Nông lâm, Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh tổ chức trên các lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp…, cử 1 cán bộ dự thi và đạt giải Hội thi sáng tạo kỹ thuật do tỉnh tổ chức năm 2015; tổ chức 9 lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt với 350 người tham gia, tập trung vào các nội dung: kỹ thuật trồng lúa theo hướng bền vững; kỹ thuật trồng thâm canh cây chè bằng phương pháp hữu cơ, lồ ô; kỹ thuật sản xuất rau an toàn; kỹ thuật trồng và bảo quản hoa Mokara; kỹ thuật trồng chuối nuôi cấy mô; kỹ thuật trồng chanh không hạt; kỹ thuật trồng các loại cây dược liệu như Hương Bài… Ngoài ra, thông qua các lớp tập huấn, đã hướng dẫn, trang bị kỹ cho bà con nông dân kiến thức về sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP. Tổ chức 12 lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi với 450 người tham gia. Tập trung vào các nội dung: kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm an toàn sinh học theo hướng quy mô gia trại, trang trại; chú trọng an toàn dịch bệnh; kỹ thuật nuôi gà mái đẻ sản xuất con giống; kỹ thuật chăn nuôi chim cút, kỹ thuật nuôi chim trĩ; các vấn đề về phòng chống dịch bệnh, nhất là giảm thiểu tác hại của bệnh cúm trên gia cầm, bệnh tai xanh trên lợn, lở mồm long móng trên trâu, bò, lợn; kỹ thuật nuôi lươn không bùn… Các lớp tập huấn thật sự thu hút sự tham gia của đa số học viên và thông qua công tác này nâng cao được kiến thức, trình độ khoa học kỹ thuật, kỹ năng tổ chức sản xuất cho bà con nông dân... ứng dụng tốt vào thực tế sản xuất nông nghiệp, đem lại những kết quả thiết thực.
Thường xuyên làm tốt công tác chỉ đạo sản xuất trên các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, Trạm đã phối hợp chặt chẽ với Phòng Kinh tế, Trạm BVTV, Trạm Thú y thị xã, phân công cán bộ về từng địa bàn chỉ đạo công tác theo dõi, giám sát, kiểm tra các loại cây trồng, vật nuôi phát hiện dấu hiệu sâu bệnh, dịch bệnh để hướng dẫn cho bà con nông dân phòng trừ kịp thời, sẵn sàng đối phó với mọi trường hợp khi có dịch bệnh xảy ra.  Trong năm, Trạm cũng đã tranh thủ sự giúp đỡ, đầu tư của Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện các mô hình khuyến nông trên địa bàn thị xã, tạo điều kiện phối hợp tổ chức kiểm tra, đánh giá, hướng dẫn cho bà con nông dân học tập, chia sẻ kinh nghiệm như mô hình sản xuất thử nghiệm các giống lúa mới; mô hình nuôi lợn thịt gống ngoại bằng đệm lót sinh học, mô hình chăn nuôi gà Ai Cập đẻ trứng,...
2. Triển khai các mô hình khuyến nông và các phương án hỗ trợ sản xuất: 
Thực hiện tốt công tác chuyển giao kỹ thuật đã tác động tích cực đến phát triển sản xuất thông qua các mô hình khuyến nông. Về trồng trọt, đã xây dựng và triển khai các mô hình sát với nhu cầu thực tế, phù hợp với từng địa phương như mô hình chuối nuôi cấy mô, chè hữu cơ ở xã Thủy Bằng; lan Mokara tại phường Thủy Phương; chanh không hạt tại phường Thủy Phương và Thủy Dương… Đây là những mô hình cây dài ngày, 1-2 năm sau mới cho thu hoạch và thu hoạch được nhiều chu kỳ, giảm được công lao động, giải quyết được khâu thời vụ, có hiệu quả kinh tế cao. Tổng ngân sách hỗ trợ cho các mô hình này 110 đồng. Mô hình sản xuất lúa theo phương pháp canh tác hữu cơ, cải tạo đồng ruộng vụ Đông Xuân 2014-2015 được thực hiện ở HTXNN Thủy Phương, Thủy Châu, làm tăng hiệu quả kinh tế cho người nông dân (lợi nhuận 350.000 đồng đến 650.000 đồng/sào). Mô hình sản xuất giống lúa Ma lâm 48 thực hiện trong vụ Hè Thu 2015 tại HTXNN Thủy Lương và Thủy Phù bằng phương pháp hữu cơ đã tác động tích cực đến kỹ thuật thâm canh và cho hiệu quả kinh tế rõ rệt. Ma lâm 48 là giống ngắn ngày nên thuận lợi cho việc thu hoạch chạy lũ và được người dân đồng tình, phấn khởi. Ngoài ra các mô hình này giúp bà con nông dân hiểu và thực hiện bón lót vôi, phân hữu cơ vi sinh trước khi gieo sạ nhằm tăng cường độ phì của đất, hạn chế sâu bệnh, giảm lượng phân hóa học và thuốc trừ sâu… từ đó nâng cao được năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế. Qua các hội nghị đầu bờ đánh giá các mô hình lúa cho thấy, người nông dân thật sự ứng dụng tốt chương trình 3 giảm, 3 tăng, có sử dụng phương pháp tiến bộ về quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), sử dụng các gống lúa mới đã thay thế dần các giống cũ có năng suất thấp, chất lượng kém, nhất là các loại giống thích nghi được điều kiện canh tác trên diện rộng, trồng được trên nhiều chân đất, cho năng suất cao, chất lượng gạo ngon, cây cứng nên chống đổ ngã, chống chịu sâu bệnh, thời gian sinh trưởng ngắn... Năm 2015, chương trình “Cánh đồng lớn cây lúa” ngày càng được mở rộng và nâng cao chất lượng, thực hiện được 600 ha, tăng so với năm 2014 là 296,9 ha. Nhìn chung, các mô hình sản xuất lúa năm 2015 đã tác động sâu sắc đến việc triển khai thực hiện chính sách bảo vệ và phát triển đất trồng lúa, góp phần quan trọng ổn định diện tích gieo trồng lúa cả năm 6.266.6ha, năng suất bình quân 62,33 tạ/ha, sản lượng thóc 39.062,7 tấn (đạt 106% KH). Ngoài ra, cây công nghiệp, cây ăn quả và các loại rau màu được tiếp tục đầu tư thâm canh cho năng suất chất lượng ngày càng tăng như cây thanh trà 62,04 ha; cây hồ tiêu 14 ha; ngô 36,3 ha đạt 35 tạ/ha; sắn 149 ha đạt 133,7tạ/ha; khoai lang 245,5 ha đạt 61,7tạ/ha; rau các loại 388,6 ha, đạt 99,7 tạ/ha; đậu các loại: 137,3 ha đạt 6,9tạ/ha. Đối với cây thanh trà cho thu nhập trên 200 triệu đồng/ha/năm. 
Trong chăn nuôi đã ứng dụng tốt các quy trình kỹ thuật tiến bộ thực hiện các mô hình khuyến nông. Mô hình nuôi lươn không bùn thực hiện tại phường Thủy Phương, bước đầu tạo ra sản phẩm có triển vọng được thị trường ưa chuộng, mô hình có tính nhân rộng được nhiều nơi. Mô hình nuôi chim cút thực hiện tại xã Thủy Phù, xã Phú Sơn cho kết quả tốt, thu hoạch trứng thương phẩm luôn ổn định về giá cả và thu nhập, được bà con hướng đến mở rộng quy mô sản xuất. Mô hình nuôi gà đẻ thực hiện tại xã Thủy Phù, xã Phú Sơn có quy mô lớn về chuồng trại, số lượng đàn gà có chất lượng càng tăng, cung cấp lượng trứng đáng kể cho các lò ấp sản xuất và cung cấp con giống đảm bảo an toàn dịch bệnh, bán được giá, tiêu thụ mạnh. Đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, có nhiều triển vọng hình thành vùng sản xuất con giống ổn định bền vững. Kinh phí từ ngân sách thị xã hỗ trợ cho các mô hình chăn nuôi là 120 triệu đồng.
Từ nhu cầu phát triển chăn nuôi, thủy sản của các phường, xã, Phòng kinh tế tham mưu xây dựng, tổ chức thực hiện các kế hoạch, phương án đầu tư hỗ trợ phát triển đàn bò, đàn dê, vịt trời sinh sản và đàn lợn nái tỷ lệ nạc cao trên địa bàn được UBND thị xã phê duyệt từ nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế, vốn phát triển vùng gò đồi và nguồn Khoa học công nghệ, tổng kinh phí thực hiện 6.227 triệu đồng, trong đó nguồn ngân sách hỗ trợ 1.089 triệu đồng (ngân sách thị xã 600 triệu đồng, ngân sách tỉnh 489 triệu đồng), dân đóng góp hơn 5.138 triệu đồng. Cụ thể: Phương án hỗ trợ phát triển chăn nuôi dê, ngân sách hỗ trợ 135,6 triệu đồng, cung ứng 72 con dê giống cho 18 hộ thực hiện trên địa bàn thị xã, nhằm chuyển đổi phương thức chăn nuôi dê từ chăn thả hiệu quả thấp sang phương thức chăn giữ, nuôi nhốt hiệu quả cao, tăng số lượng và chất lượng đàn dê, tạo ra sản phẩm có giá trị cho thị trường hiện nay. Phương án hỗ trợ thay đổi phương thức chăn nuôi, phát triển đàn bò sinh sản kết hợp lai hóa nâng cao sản lượng thịt bò, ngân sách hỗ trợ 286 triệu đồng, cung cấp 35 con bò lai sinh sản, trồng 1,75 ha cỏ VA06, thiến 15 bò đực cóc, phối tinh nhân tạo cho 150 con bò cái sinh sản với 35 hộ tham gia nhằm cải tạo - lai hóa tăng tỷ lệ máu bò ngoại với phương thức thụ tinh nhân tạo, ổn định và đẩy mạnh phát triển đàn bò trên địa bàn thị xã. Phương án Hỗ trợ phát triển đàn lợn giống tỷ lệ nạc cao cho Phú Sơn và Dương Hòa, ngân sách hỗ trợ 40 triệu đồng, nuôi 28 con lợn giống F1, lợn ngoại với 06 hộ tham gia thực hiện, góp phần phát triển đàn lợn giống tỷ lệ nạc cao trên địa bàn thị xã, ổn định và tăng thu nhập cho người chăn nuôi. Phương án phát triển chăn nuôi vịt trời sinh sản, ngân sách hỗ trợ 70 triệu đồng, cung ứng 180 con vịt trời sinh sản cho 04 hộ tham gia, nhằm đa dạng hóa vật nuôi cung cấp nguồn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng, kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường. 
Thực hiện tốt công tác kỹ thuật công nghệ thông qua các mô hình khuyến nông, các chương trình dự án sản xuất, trong năm ngành chăn nuôi đã giữ vững ổn định và có xu hướng phát triển, tổng đàn gia súc, gia cầm về cơ bản tăng bình quân so với cùng kỳ năm trước từ 3-5%; hiện có 1.336 con trâu, 2.046 con bò, 23.914 con lợn, gia cầm 286.000 con…
Tóm lại, được sự quan tâm giúp đỡ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, sự lãnh đạo của Thị ủy, UBND thị xã, sự phối kết hợp tốt giữa các ban ngành liên quan, lãnh đạo các xã, phường trên địa bàn thị xã, thông qua các chương trình, mô hình khuyến nông trong và ngoài thị xã đã làm tốt việc cung cấp thông tin, thị trường, định phướng phát triển, hướng dẫn sử dụng tiến bộ kỹ thuật mới trên các mặt chuyên môn như công nghệ sử dụng giống mới, công nghệ làm đất, tưới nước, bón phân, BVTV, thú y, thức ăn gia súc, gia cầm, điều kiện chăm sóc phù hợp với môi trường sống của sinh vật như độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng, thời vụ… nên việc chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đã có sự chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển. Đến nay bà con nông dân đã thay đổi căn bản về cách nghĩ, thói quen, tập quán sản xuất, đã biết đầu tư thâm canh, ứng dụng tốt các tiến bộ kỹ thuật, có sự liên kết trong sản xuất… Nhờ đó mà đạt được một số kết quả nhất định, năng suất cây trồng, vật nuôi, năng suất lao động, hiệu quả vốn đầu tư đã tăng lên đáng kể, công nghệ thu hoạch bảo quản nông sản có sự tiến bộ nên chất lượng sản phẩm được nâng cao và có giá trị hơn, nhiều địa phương đã tạo ra hàng hóa cung cấp cho thị trường trong và ngoài thị xã. Một số vùng đến nay đã xác định được một số cây trồng, vật nuôi chủ lực như trồng lúa chất lượng, trồng cây ăn quả, trồng rừng, chăn nuôi gia súc gia cầm, nuôi trồng thủy sản đảm bảo môi trường sinh thái. Nhiều nông dân đã tăng thêm thu nhập, vươn lên làm giàu... Nhiều xã, phường đã phát huy được tiềm năng, thế mạnh, xóa đói giảm nghèo bền vững, trình độ dân trí được nâng lên, làm thay đổi diện mạo của vùng nông thôn, miền núi, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh và bền vững, góp phần thực hiện thành công các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên trong sản xuất nông nghiệp hiện nay thì việc ứng dụng, chuyển giao kỹ thuật cho bà con nông dân đang còn nhiều khó khăn, tồn tại. Đó là đội ngũ cán bộ kỹ thuật có chuyên môn giỏi trên địa bàn nông thôn còn  thiếu; thiếu cán bộ khuyến nông phụ trách trên một số lĩnh vực như nuôi trồng thủy sản; trình độ dân trí chưa đồng đều, nhận thức còn hạn chế, xem nhẹ kiến thức khoa học công nghệ, cơ sở vật chất nghèo nàn, vốn ít. Kinh phí chuyển giao kỹ thuật thông qua các mô hình khuyến nông còn rất thấp, do đó việc mở lớp tập huấn, phục vụ công tác tuyên truyền về khuyến nông; việc tổ chức tham quan cho bà con học tập các điển hình tiên tiến còn hạn chế, chỉ trong phạm vi thị xã và các huyện lân cận; việc xây dựng mô hình với quy mô nhỏ, manh mún, tính nhân rộng chưa cao. Một số cơ quan chuyên môn chưa xác định đúng vai trò, chức năng nhiệm vụ nên công tác chuyển giao kỹ thuật còn bị chồng chéo, trùng lắp.
3. Một số vấn đề cần quan tâm trong công tác chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất thời gian đến:
- Đẩy mạnh việc chuyển giao, ứng dụng kỹ thuật công nghệ, đặc biệt là công nghệ sinh học để nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi nhằm đảm bảo an ninh lương thực ổn định đời sống Nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội. Chú ý ứng dụng khoa học công nghệ để sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi theo hướng hữu cơ, sản phẩm sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người  tiêu dùng, sản xuất theo quy trình VietGap.
- Tăng cường nghiên cứu khảo sát, nắm bắt nhu cầu thực tế sản xuất từng xã, phường phù hợp với phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thị xã để ứng dụng hiệu quả các mô hình khuyến nông, khai thác tốt tiềm năng những vùng có lợi thế so sánh kết hợp việc bảo tồn sinh thái tự nhiên, quản lý, sử dụng tốt, có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở các địa phương.
- Thường xuyên cập nhật, chọn lọc các thành tựu khoa học kỹ thuật đã được khẳng định là đúng đắn không những do các tổ chức khoa học công nghệ nghiên cứu và phát triển mà còn bao gồm cả những tiến bộ do nông dân tự thân đúc rút tổng kết từ kinh nghiệm thực tiễn đã được kiểm chứng để chuyển giao ứng dụng vào sản xuất nông - lâm - ngư - nghiệp đảm bảo vệ sinh môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu thời tiết.
- Tranh thủ sự giúp đỡ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, trường Đại học Nông lâm, các nhà khoa học, các nhà quản lý để làm tốt công tác tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất ngày càng tốt hơn. Chú trọng công tác xã hội hóa về khuyến nông, đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến để chủ động phòng chống dịch bệnh cây trồng vật nuôi, đảm bảo sản xuất ổn định.
- Tăng cường công tác tập huấn, đào tạo, tuyên truyền, xây dựng các mô hình trình diễn để cung cấp thông tin kịp thời, thuyết phục nông ngư dân mạnh dạn đầu tư công sức, tiền của để ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
- Cần có cơ chế phối hợp trong quá trình thực hiện các chương trình đề án, phương án sản xuất nông nghiệp, đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn, quy hoạch vùng sản xuất, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, toàn diện, chuyển đổi cơ cấu kinh tế phù hợp ở địa phương; tư vấn xây dựng các phương thức tổ chức sản xuất hợp lý ở các gia trại, trang trại hướng đến sản xuất hàng hóa có chất lượng, có khả năng cạnh tranh cao; tạo điều kiện về chính sách vay vốn để người nông dân nhân, mở rộng các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến đã có kết quả, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.../.
Một số hình ảnh về hoạt động khuyến nông:        
 
                                                   
                                                                                                                                                                                        Mô hình lan Mokara                                                                                                                  Hội thảo mô hình SX lúa                 
                                                                                                                                                                                  
                                                                                                                                                                                  Chuyển giao công nghệ IBM trên đồng ruộng ở Thủy Phù
                                      
Tập huấn sản xuất lúa VietGap ở xã Thủy Thanh                                                                  Hội nghị đầu bờ mô hình lúa ở HTX Thủy Phương
    
Thường trực HĐND thị xã kiểm tra các mô hình khuyến nông
         

Tập huấn chuyển giao KHKT 

 

Đặng Văn Mãnh
Các tin khác
Xem tin theo ngày