Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 14.816.568
Truy cập hiện tại 6.221 khách
Người phụ nữ dạy trẻ "Sống xanh"
Ngày cập nhật 16/12/2015

Dừng chân ở một quán nước ven đường thuộc phường Thủy Dương, tôi bất chợt nhìn thấy một cậu bé chừng 4, 5 tuổi đang lom khom nhặt vỏ hộp sữa làm tôi không khỏi tò mò. Không hiểu cậu bé giúp mẹ nhặt rác hay có trò gì với mấy vỏ hộp sữa kia? Tiến lại gần cậu bé, tôi hỏi:“Cháu nhặt rác giúp mẹ à? Giỏi quá!”. Cậu bé mặt tỉnh bơ trả lời tôi:“Không có cái gì là rác cả dì ạ!”. Tôi bắt đầu thấy thích thú với cậu bé này. Trò chuyện một lúc với cháu tôi mới biết cháu học trường Mầm non Thủy Dương và tôi đã hiểu ra vấn đề về cái câu: “Không có cái gì là rác cả!”.

Cậu bé kéo tay tôi vào nhà và khoe về mấy cái ống nhòm được làm từ lõi cuộn giấy toilet, các nhân vật hoạt hình được làm từ đĩa CD và vỏ nhựa chai nước ngọt, tranh làm từ vỏ trứng và túi nylong cũ… “Dì biết sao không? Mẹ cháu đi chợ toàn mang cả đống túi nylong về nhà. Cô giáo bảo phải hạn chế sử dụng túi nylong để bảo vệ môi trường. Cái tranh đó là cô giáo dạy cháu làm đó. Cô còn dạy cháu phải tiết kiệm điện, nước, bảo vệ và không làm hại các loài vật sống trong thiên nhiên hoang dã…”. Tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, không ngờ một cậu bé chỉ mới chừng 4, 5 tuổi mà lại có thể nói ra được những điều như vậy. Ngay cả con tôi, uống sữa xong có bao giờ tự động bỏ vào thùng rác đâu vậy mà cậu bé này lại có những nhận thức chẳng thua gì người lớn.                     

Liên lạc với chị Chủ tịch Hội LHPN phường Thủy Dương tôi tìm hiểu về ngôi trường mà cậu bé đang học - Trường Mầm non Thủy Dương. Qua chị Chủ tịch Hội phường, tôi được biết ý tưởng thay đổi nhận thức và hành vi trong trẻ về bảo vệ môi trường là của cô Phạm Thị Ánh Hồng - Hiệu trưởng trường Mầm non Thủy Dương cũng là Ủy viên Thường vụ Hội LHPN phường.

Được gặp gỡ cô, cùng cô trao đổi về cuộc sống gia đình, công việc hiện tại, và phương pháp dạy trẻ thay đổi nhận thức và hành vi trong việc bảo vệ môi trường, tôi nhận thức ra rất nhiều vấn đề nhỏ nhưng lâu dần thì gây ra tác hại lớn mà lâu nay mình vẫn còn mắc phải. Tôi thầm cảm phục về người phụ nữ có lối sống giản dị, giản dị từ cách ăn nói, lối sống cho đến trang phục. Thật ra để thay đổi nhận thức và hành vi trong việc bảo vệ môi trường đối với một số người dân là cực kỳ khó. Hiện nay đất nước Việt Nam nói chung và tỉnh Thừa Thiên Huế của chúng ta nói riêng có rất nhiều tổ chức phi chính phủ tài trợ các dự án, chiến dịch bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật hoang dã; hay việc nhỏ nhất là kêu gọi tiết kiệm điện, nước trong sinh hoạt, mà chẳng thấy thay đổi được mấy người. Chỉ có trẻ con là nhận thức và thay đổi nhanh hơn cả bởi chúng chỉ như tờ giấy trắng, được ươm mầm, nuôi dưỡng đúng cách thì sẽ phát triển tốt và có ích cho xã hội và cô Hồng đã làm được điều này với chính các học sinh mầm non thân yêu của mình. Cô chia sẻ: “Hồng nghĩ một đứa trẻ biết yêu cái cây, con vật, thì thường là sẽ trở thành những người nhân hậu, và sống có trách nhiệm hơn với mình và mọi người xung quanh.  Một đứa trẻ quen với việc bỏ rác vào thùng, tự tắt tivi khi ra khỏi phòng, thì khi lớn lên chắc cũng sẽ là những người ngăn nắp, biết sắp xếp tổ chức cuộc sống và công việc của mình tốt hơn. Và để làm tấm gương cho các cô giáo và các cháu noi theo thì bản thân Hồng trước tiên phải có một “lối sống xanh”. Khi các cháu nhìn thấy cô hiệu trưởng nhặt rác trong sân trường bỏ vào thùng rác, thì tự khắc các cháu sẽ tự có ý thức về việc phải giữ gìn vệ sinh nơi công cộng”. Cô Hồng cho biết, cô rất vui và tự hào vì nhiều phụ huynh trao đổi rằng họ rất hài lòng về lối sống và thói quen hàng ngày của con họ từ lúc mới chập chững bước chân vào lớp mẫu giáo bé đến nay, bọn trẻ thấm nhuần các thói quen của lối “sống xanh” một cách tự nhiên nhất. Các cháu ý thức được việc bỏ rác đúng nơi quy định, tắt đèn khi ra khỏi phòng, nhắc nhở bố mẹ khóa vòi nước khi quên, rồi còn giúp bố mẹ trồng rau xanh cải thiện chất xơ cho bữa ăn, và đặc biệt là không vòi vĩnh đồ chơi ngoài hàng quán mà yêu cầu bố mẹ hướng dẫn làm đồ chơi từ các vật dụng bỏ đi… Về hình thức dạy của trường, cô chỉ đạo các cô giáo trong các giờ tập hát cho các cháu nên tập các làn điệu dân ca địa phương, cho các cháu chơi các trò chơi dân gian phù hợp với lứa tuổi và đặc biệt chú trọng giáo dục kỹ năng sống văn minh cho trẻ. Thường xuyên đưa các cháu trong độ tuổi 4-5 tuổi đi tham quan các di tích ở địa phương như đình làng, nhà truyền thống…

 

Theo chân cô đến tham quan các lớp học, ngăn nắp, sạch sẽ là ấn tượng đầu tiên đập vào mắt tôi. Ở đây toàn là các đồ chơi được làm từ các loại vật dụng bỏ đi. Bằng đôi tay khéo léo, trí tưởng tượng phong phú, các cô giáo tự mày mò, sáng tạo ra các mẫu đồ chơi độc đáo cho trẻ, vừa mang nhiều ý nghĩa mà lại tiết kiệm một phần kinh phí cho nhà trường, và quan trọng hơn hết là tận dụng được các loại phế thải, giảm tải lượng rác thải ra môi trường. Hàng năm, trường luôn tổ chức các cuộc thi “Sáng tạo tài năng”, tạo sân chơi cho các cô giáo thi đua sáng tạo ra nhiều đồ chơi mới lạ và có giá trị chuyên môn, phục vụ cho công tác giảng dạy, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các cô áp dụng các phương pháp đổi mới giáo dục, tạo môi trường cho trẻ được vui chơi, trải nghiệm. Hiện nay, mô hình làm đồ chơi từ các loại vật dụng bỏ đi thu hút rất nhiều sự quan tâm của các trường học trong và ngoài địa phương đến tham quan, học hỏi và nhân rộng mô hình, một số trường cũng đã đưa về áp dụng giảng dạy tại đơn vị mình. Cô chia sẻ: “Thật tình, Hồng rất vui về điều này và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho trường nào muốn học tập hay tham quan. Chỉ mong ước sao tất cả trẻ em trên đất nước Việt Nam này được chơi các đồ chơi an toàn và không gây hại cho sức khỏe, và đặc biệt hơn hết là tận dụng lại những thứ được cho là phế thải, khó tiêu hủy, gây hại cho môi trường.”

Dẫn tôi vào tham quan phòng truyền thống của trường, cô tự hào chỉ vào Bằng khen giải Nhất “Hội thi thiết bị dạy học tự làm”, giải Nhì “Hội thi Giáo dục bảo vệ môi trường và Biển đảo”, giải Nhì Hội thi “Ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai” cấp thị xã… Cô cho biết năm học 2014 - 2015 trường Mầm non Thủy Dương đã được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục cấp độ 3 và nhiều năm liền được công nhận“Đơn vị thực hiện xuất sắc phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Chỉ tay ra sân trường cô rạng rỡ khoe với tôi mấy cây xanh mới được trồng thêm trong sân trường vừa tạo môi trường xanh, sạch, đẹp, thân thiện trong nhà trường, vừa tạo bóng mát cho các bé trong các giờ học ngoài trời. Ngoài sân còn có cả “Vườn rau của bé” để tăng thêm nguồn thực phẩm rau, củ, quả tươi sạch, vừa để nấu ăn hàng ngày tại chỗ cho trẻ, vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Và điều đặc biệt ở đây là các cô giáo và các bé cùng tham gia chăm sóc, quan sát, khám phá, trải nghiệm thông qua các hoạt động học tập, vui chơi, lao động tập thể bổ ích và đem lại hiệu quả giáo dục cao.

Cả buổi sáng được trò chuyện, được tham quan ngôi trường mầm non Thủy Dương cùng cô, tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác trước ý tưởng, cái tâm đầy nhiệt huyết của người phụ nữ giản dị ấy. Bao nhiêu năm trong nghề là bấy nhiêu năm ươm mầm cho “lớp mầm”, “lớp chồi”, “lớp lá” biết yêu thiên nhiên, yêu và bảo vệ môi trường sống xung quanh từ những việc làm nhỏ nhất. Tôi nể phục và tự hào về cô, một hiệu trưởng, một cán bộ hội với tinh thần “sống xanh”, hết lòng yêu thương trẻ và dạy trẻ “sống xanh”. Cô là một trong những đóa sen hồng trong vườn hoa nữ công nhân viên chức lao động, vườn hoa của những người làm công tác Hội, là tấm gương để những người đang và sẽ làm mẹ, làm thầy học tập và noi theo, để những hành động tuy là nhỏ đó phần nào giúp quê hương Hương Thủy của chúng ta ngày một sạch hơn, xanh hơn và đẹp hơn./.

Cao Phương Thanh – Hội LHPN thị xã Hương Thủy
Các tin khác
Xem tin theo ngày