Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 14.848.369
Truy cập hiện tại 3.244 khách
Quy định tổ chức thực hiện ngân sách nhà nước địa phương năm 2016
Ngày cập nhật 06/01/2016

Ngày 30/12/2015, UBND tỉnh có Quyết định số 70/2015/QĐ-UBND về việc ban hành Quy định tổ chức thực hiện ngân sách  nhà nước địa phương năm 2016

Theo đó, có một số biện pháp triển khai thực hiện dự toán NSNN tỉnh như sau:
1. Về quản lý điều hành thu ngân sách nhà nước:
a) Tổ chức triển khai thực hiện ngay từ đầu năm công tác thu ngân sách, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời theo quy định của pháp luật. Không ban hành, điều chỉnh chính sách làm giảm thu và tăng chi, ảnh hưởng đến cân đối ngân sách nhà nước.
b) Sở Tài nguyên và Môi trường, các Ban quản lý dự án, UBND các huyện tập trung đôn đốc việc đầu tư hoàn chỉnh các khu quy hoạch đấu giá đất để tăng thu cấp quyền sử dụng đất. Các Sở có liên quan khẩn trương tìm biện pháp và đối tác để sớm chuyển nhượng quyền sử dụng các khu đất có lợi thế kinh doanh; đẩy mạnh việc xắp sếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước theo Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 25/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý các trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp.
c) Tiếp tục rà soát, kiểm tra, tổ chức thực hiện các khoản thu phí, lệ phí theo quy định của pháp lệnh về phí, lệ phí và Chỉ thị 24/2007/CT-TTg ngày 01/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chấn chỉnh việc thực hiện các quy định của pháp luật về phí, lệ phí, chính sách huy động và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân.
d) Cơ quan Thuế, Hải quan tăng cường theo dõi, kiểm tra, kiểm soát việc kê khai thuế của các tổ chức, cá nhân; đồng thời, tổ chức thu triệt để các khoản nợ đọng thuế có khả năng thu hồi, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng thực hiện có hiệu quả biện pháp cưỡng chế nợ thuế; đẩy mạnh thực hiện thanh tra, kiểm tra thuế theo cơ chế quản lý rủi ro, tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên sâu theo từng ngành, từng lĩnh vực trọng điểm, các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp rủi ro cao, các doanh nghiệp rủi ro cao đã được hoàn thuế, doanh nghiệp sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, các ngành, các lĩnh vực có dấu hiệu chuyển giá và việc thực hiện miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, hoàn thuế để truy thu đầy đủ vào NSNN các khoản tiền thuế bị gian lận. Tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế để giảm thời gian, chi phí cho người nộp thuế.
đ) Cơ quan Thuế thực hiện hướng dẫn các tổ chức, cá nhân nộp thuế vào NSNN theo phân cấp nguồn thu giữa các cấp chính quyền địa phương như thời kỳ 2011-2015 đã được HĐND tỉnh thông qua. Tiếp tục tổ chức triển khai tốt, có hiệu quả các Luật thuế đã được sửa đổi, bổ sung và triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách tài chính, thuế mới ngay từ khi mới ban hành.Tổ chức thực hiện rà soát lại các giấy phép cấp quyền khai thác khoáng sản để triển khai thu đúng, thu đủ và kịp thời khoản thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Đồng thời theo dõi để tổ chức thu kịp thời vào NSNN đối với các khoản thuế, tiền sử dụng đất khi đến hạn phải nộp.
e) Tổ chức thực hiện nghiêm các kết luận, kiến nghị của cơ quan kiểm toán, thanh tra.
2. Về tăng cường công tác quản lý chi ngân sách nhà nước:
2.1. Về quản lý vốn đầu tư:
- Nâng cao trách nhiệm của các Chủ đầu tư, các Ban quản lý dự án, các đơn vị tư vấn quản lý đầu tư.
- Đẩy nhanh hơn nữa tiến độ quyết toán vốn đầu tư. Xử phạt nghiêm theo quy định đối với các chủ đầu tư chậm quyết toán công trình XDCB. Giao trách nhiệm cho Sở Tài chính tham mưu, theo dõi và báo cáo UBND tỉnh việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đầu tư XDCB theo quy định tại Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ.
- Thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện các dự án, công trình; đối với những dự án, công trình thực hiện không đúng tiến độ phải kịp thời quyết định hoặc điều chỉnh để chuyển vốn cho những dự án có tiến độ triển khai nhanh, có khả năng hoàn thành trong năm 2016 nhưng chưa được bố trí đủ vốn.
2.2. Về quản lý chi thường xuyên:
a) Về công tác phân bổ, thông báo dự toán:
- Về việc đảm bảo kinh phí hoạt động khi chưa có dự toán được duyệt: Trường hợp trong tháng 01/2016, dự toán ngân sách và phương án phân bổ ngân sách chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, cơ quan tài chính và Kho bạc nhà nước tạm cấp kinh phí cho các đơn vị sử dụng ngân sách.
Trong phạm vi 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được phương án phân bổ dự toán ngân sách, cơ quan tài chính phải có văn bản thông báo kết quả thẩm tra. Nếu quá 07 ngày làm việc mà cơ quan tài chính chưa có ý kiến coi như đồng ý với phương án phân bổ của cơ quan, đơn vị đã gửi cơ quan tài chính. Trường hợp cơ quan tài chính nhất trí với phương án phân bổ thì Thủ trưởng cơ quan, đơn vị phân bổ ngân sách giao ngay dự toán cho các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc, đồng gửi cơ quan tài chính. Trường hợp cơ quan tài chính đề nghị điều chỉnh thì trong phạm vi 03 ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản của cơ quan tài chính, cơ quan, đơn vị phân bổ tiếp thu, điều chỉnh và gửi lại cơ quan tài chính để thống nhất; trường hợp không thống nhất nội dung điều chỉnh, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định tại Điểm 1.5, Mục 1, Phần IV, Thông tư số 59/2003/TT-BTC ngày 23/06/2003 của Bộ Tài chính.
- Thời gian phân bổ dự toán kéo dài chậm nhất đến ngày 31/01/2016; quá thời hạn này, cơ quan tài chính tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh giảm dự toán chi của đơn vị để bổ sung vào dự phòng ngân sách theo quy định. Trường hợp do nguyên nhân  khách quan, vượt quá thẩm quyền của đơn vị như chưa có phê duyệt của cấp có thẩm quyền về tổ chức bộ máy, cơ chế thực hiện nhiệm vụ..., đơn vị dự toán cấp I phải dự kiến thời hạn hoàn thành để cơ quan tài chính cho kéo dài thời gian phân bổ, song chậm nhất không quá ngày 31/3/2016; quá thời hạn này, dự toán còn lại chưa phân bổ sẽ xử lý tương tự như đối với các nguyên nhân chủ quan nêu trên.
- Khi phân bổ, giao dự toán cho các đơn vị sử dụng ngân sách, đơn vị dự toán cấp I phải chú ý phân bổ để hoàn trả các khoản đã được tạm ứng, tạm cấp, các khoản phải thu theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; trường hợp đơn vị không phân bổ dự toán cho các khoản phải thu hồi này, cơ quan tài chính có văn bản thông báo cho các cơ quan, đơn vị để phân bổ lại, đồng thời thông báo cho cơ quan Kho bạc nhà nước cùng cấp để tạm thời chưa cấp kinh phí cho đến khi nhận được bản phân bổ theo đúng quy định trên.
- Việc bổ sung kinh phí chi thường xuyên ngoài dự toán chỉ thực hiện theo định kỳ.
b) Điều chỉnh dự toán đơn vị sử dụng ngân sách:
- Trường hợp cần điều chỉnh dự toán giữa các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc mà không làm thay đổi tổng mức và chi tiết theo từng lĩnh vực chi được giao, đơn vị dự toán cấp I thống nhất với cơ quan tài chính đồng cấp điều chỉnh dự toán giữa các đơn vị sử dụng ngân sách liên quan, đồng gửi Kho bạc nhà nước nơi giao dịch làm căn cứ kiểm soát chi, cấp phát, thanh toán.
- Trường hợp đơn vị dự toán cấp I được cấp có thẩm quyền giao bổ sung dự toán để thực hiện nhiệm vụ phát sinh, nếu quyết định bổ sung dự toán đã thể hiện chi tiết lĩnh vực chi và đơn vị thực hiện thì không phải lập phương án phân bổ gửi cơ quan tài chính thẩm định, mà phân bổ giao dự toán cho đơn vị trực thuộc và thông báo Kho bạc nhà nước nơi giao dịch để thực hiện.
- Trường hợp điều chỉnh dự toán từ kinh phí không thực hiện chế độ tự chủ sang kinh phí thực hiện chế độ tự chủ, kinh phí không thường xuyên sang kinh phí thường xuyên, điều chỉnh nhiệm vụ chi trong phạm vi dự toán được giao không tự chủ, không thường xuyên nhưng đã được ghi chú theo nhiệm vụ chi, đơn vị cần phải có ý kiến thống nhất của cơ quan tài chính để đảm bảo việc phân bổ kinh phí thực hiện được các nhiệm vụ được giao.
c) Về việc kiểm soát chi, thực hiện kỷ luật trong công tác lập báo cáo:
- Cơ quan tài chính, KBNN các cấp tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng kinh phí NSNN từ khâu lập, phân bổ và phê duyệt dự toán chi tiết, cấp phát và xét duyệt quyết toán. Trong quá trình phân bổ dự toán phải bám sát các tiêu chuẩn, định mức chi tiêu, đảm bảo bố trí kinh phí hợp lý, tiết kiệm có hiệu quả. Thực hành tốt Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí, không bố trí các khoản chi vượt tiêu chuẩn, định mức, không đúng chính sách chế độ, các khoản ngoài nhiệm vụ chi của đơn vị.
- Tăng cường kỷ luật tài chính trong công tác lập báo cáo định kỳ và quyết toán ngân sách nhà nước. Các đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư, cơ quan tài chính cấp dưới chậm phân bổ dự toán, chậm nộp báo cáo tài chính và các báo cáo khác theo thời gian quy định thì cơ quan tài chính có quyền áp dụng một trong hai biện pháp: Thông báo cho KBNN nơi giao dịch tạm ngừng cấp phát thanh toán (trừ các khoản lương và có tính chất lương); áp dụng hình thức phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán theo quy định tại Nghị định số 105/2013/NĐ-CP ngày 16/9/2013 của Chính phủ. Thủ trưởng và kế toán trưởng đơn vị dự toán chịu trách nhiệm về những hành vi vi phạm pháp luật về sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định tại Điều 72 của Luật NSNN.
- KBNN tỉnh, huyện thực hiện nghiêm túc việc cung cấp đầy đủ các báo cáo theo quy định cho các cơ quan tài chính, các đơn vị sử dụng ngân sách giao dịch trực tiếp.
d) Việc rút dự toán:
- Đối với đơn vị sử dụng ngân sách:
Căn cứ dự toán ngân sách năm được giao, đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện rút dự toán chi theo chế độ, định mức chi tiêu ngân sách đã được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và tiến độ, khối lượng thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo nguyên tắc:
+ Các khoản chi thanh toán cá nhân (lương, phụ cấp lương, trợ cấp xã hội) đảm bảo thanh toán theo mức được hưởng hàng tháng của các đối tượng hưởng lương, trợ cấp từ ngân sách nhà nước.
+ Trích nộp các khoản đóng góp (Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp) kịp thời cho cơ quan Bảo hiểm xã hội theo đúng quy định của pháp luật.
+ Những khoản chi có tính chất thời vụ hoặc chỉ phát sinh vào một số thời điểm như đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm, sửa chữa lớn và các khoản có tính chất không thường xuyên khác thực hiện thanh toán theo tiến độ, khối lượng thực hiện theo chế độ quy định.
- Đối với bổ sung cân đối từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới:
Căn cứ dự toán bổ sung cân đối từ ngân sách cấp trên cho ngân sách dưới được cấp có thẩm quyền giao và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chi, hàng tháng cơ quan tài chính cấp dưới chủ động rút dự toán tại Kho bạc nhà nước đồng cấp để đảm bảo cân đối ngân sách cấp mình; riêng ngân sách cấp xã rút dự toán tại Kho bạc nhà nước nơi giao dịch.
Đối với kinh phí tăng cường cơ sở vật chất ngành giáo dục cho UBND các huyện chỉ được rút dự toán sau khi có thẩm định chi tiết của Sở Tài chính.
Mức rút dự toán hàng tháng về nguyên tắc không vượt quá 1/12 tổng mức bổ sung cân đối cả năm sau khi đã trừ nguồn chi trả nợ vay Chương trình kiên cố hóa kênh mương, đầu tư các dự án đường giao thông nông thôn, trạm bơm điện phục vụ sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cơ sở hạ tầng làng nghề nông thôn cho ngân sách tỉnh; riêng các tháng trong quý I, căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ mức rút dự toán có thể cao hơn mức bình quân trên, song tổng mức rút dự toán cả quý I không được vượt quá 30% dự toán năm.
Trường hợp đặc biệt cần tăng tiến độ rút dự toán, Uỷ ban nhân dân cấp dưới phải có văn bản đề nghị cơ quan tài chính cấp trên xem xét, quyết định.
đ) Về xử lý ngân sách cuối năm áp dụng cho năm ngân sách 2015 và 2016:
Hạn chế chi chuyển nguồn, chỉ thực hiện chuyển nguồn đối với một số khoản chi còn nhiệm vụ và thực sự cần thiết. Việc xử lý ngân sách cuối năm thực hiện theo Thông tư số 108/2008/TT-BTC ngày 18/11/2008 của Bộ Tài chính. Việc chi chuyển nguồn thực hiện như sau:
- Đối với dự toán giao đầu năm: Nguồn kinh phí chi hành chính, sự nghiệp không tự chủ giao cho các đơn vị dự toán; nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia; vốn bổ sung có mục tiêu cho ngân sách các huyện đến hết 31/01 năm sau nếu không sử dụng hết thì sẽ thu hồi hoặc hủy dự toán. Trường hợp do nguyên nhân khách quan không thể giải ngân, được cấp có thẩm quyền cho phép mới được chuyển nguồn sang năm sau để tiếp tục sử dụng.
- Đối với các khoản bổ sung ngoài dự toán trong năm:
Giao cơ quan tài chính các cấp căn cứ vào tình hình thực tế (thời gian triển khai nhiệm vụ, thời điểm bổ sung,…) để quy định thời hạn giải ngân cụ thể khi thông báo bổ sung kinh phí cho các cơ quan, đơn vị. Quá thời gian quy định thì thực hiện thu hồi hoặc hủy dự toán như quy định nêu trên.
Thực hiện chi chuyển nguồn sang năm sau không cần xét chuyển: Nguồn thực hiện chế độ tiền lương, chuyển nguồn của các cơ quan hành chính và các đơn vị sự nghiệp thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính, chi cho các đề tài nghiên cứu khoa học. Không kéo dài thời gian thực hiện các khoản vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước.
e) Về tăng cường hiệu quả sử dụng kinh phí:
- Các đơn vị dự toán các cấp phải thực hiện đầy đủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm và sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với cơ quan nhà nước theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ và Nghị định số 117/2013/NĐ-CP ngày 07/10/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 130/2005/NĐ-CP; chế độ tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ.
- Tiến hành sắp xếp, tinh gọn bộ máy quản lý nhà nước, tinh giản biên chế, hạn chế tăng biên chế sự nghiệp được đảm bảo từ nguồn NSNN cấp, khuyến khích thực hiện chế độ làm việc kiêm nhiệm đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, bản, tổ dân phố nhằm sử dụng kinh phí NSNN một cách tiết kiệm, có hiệu quả.
2.3. Về phương thức quản lý, cấp phát vốn chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án trung ương bổ sung có mục tiêu trên địa bàn:
Việc quản lý, cấp phát vốn chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án Trung ương bổ sung mục tiêu thực hiện theo quy định hiện hành của UBND tỉnh và các văn bản pháp luật liên quan. Các Sở được phân công theo dõi, quản lý các chương trình, dự án và UBND các huyện, các chủ đầu tư phải khẩn trương hoàn tất các thủ tục có liên quan để sử dụng kinh phí có hiệu quả, theo quy định nhà nước hiện hành.
 

 

Tập tin đính kèm:
Anhduong-huongthuy.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày