Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 14.935.704
Truy cập hiện tại 813 khách
Kết quả giảm nghèo giai đoạn 2011-2015, triển khai chính sách nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020
Ngày cập nhật 25/02/2016

Thực hiện mục tiêu giảm nghèo là chính sách xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta. Trên cơ sở mục tiêu, chiến lược giảm nghèo giai đoạn 2011- 2015 được Thủ tướng phê duyệt, cùng với nhiều chủ trương, chính sách, cơ chế, thị xã Hương Thuỷ đã xác định công tác xóa đói giảm nghèo là nhiệm vụ hàng đầu, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân. Các cấp ủy, chính quyền và các tổ chức hội, đoàn thể đã tập trung nguồn lực đề ra nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả trong việc hỗ trợ người dân xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là giảm nghèo theo hướng bền vững.

Dưới sự chỉ đạo của Thị ủy, HĐND, UBNĐ thị xã, các ban, ngành, đoàn thể đã phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, kịp thời, có tinh thần trách nhiệm. Ban chỉ đạo chương trình và cơ quan thường trực phát huy vai trò trong tham mưu, chủ động và hướng dẫn trong quá trình tổ chức thực hiện, đáp ứng chức năng, nhiệm vụ được phân công. Các tổ chức chính trị xã hội vào cuộc tích cực, hiệu quả; đóng góp, ủng hộ nguồn lực. Nhân dân đồng tình hưởng ứng đã tác động mạnh mẽ đến hiệu quả của chương trình. Các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế xã hội và xóa đói giảm nghèo đã thực sự đi vào cuộc sống của người dân, được Nhân dân đón nhận và tham gia tích cực. 
 
 
Đ/c Lê Ngọc Sơn, PBT Thị ủy, CT UBND thị xã trao học bổng và quà cho trẻ em nghèo dịp chuẩn bị đón năm mới 2016
 
Về  chính sách tín dụng ưu đãi đã tạo điều kiện cho người nghèo được tiếp cận các nguồn vốn tín dụng để phát triển kinh tế, tăng thu nhập đồng thời gắn việc vay vốn, tín dụng với hướng dẫn cách làm ăn, khuyến nông, khuyến công và chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất. Việc cung ứng vốn cho nhu cầu vay của các hộ nghèo được đáp ứng đủ và kịp thời qua nhiều kênh (phụ nữ, nông dân, đoàn thanh niên…). Do đó, 100% hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu đủ điều kiện được vay vốn để đầu tư cho sản xuất kinh doanh từ Ngân hàng CSXH, tổng dư nợ cho vay tính đến nay hộ nghèo 17,61 tỷ đồng, cận nghèo 93,38 tỷ đồng.  Ngoài ra, hàng năm triển khai các chương trình cho vay tín dụng học sinh – sinh viên và đã giải ngân 27,596 tỷ đồng, nước sạch vệ sinh môi trường 28,69 tỷ đồng, vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn 1,43 tỷ đồng, cho vay hộ nghèo về nhà ở 0,47 tỷ đồng. 
Thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn thị xã với tổng vốn đầu tư 2,565 tỷ đồng hỗ trợ cho người dân đầu tư cây, con giống, một phần vật tư cho sản xuất theo quy định của Nhà nước, tập huấn chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ mua máy nông nghiệp… Chương trình phát triển kinh tế vùng gò đồi có tổng kinh phí thực hiện 2,640 tỷ đồng tập trung đầu tư xây dựng một số mô hình sản xuất có hiệu quả cao (cải tạo vườn thanh trà, mô hình chăn nuôi bò, dê…) và chuyển giao các tiến bộ KHKT đã giúp hộ nghèo nâng cao năng suất, sản lượng, góp phần nâng cao thu nhập từ sản xuất nông nghiệp ngoài kinh tế rừng cho hộ dân vùng gò đồi.
Thực hiện tốt chính sách đào tạo, dạy nghề cho lao động thuộc hộ nghèo, tổ chức đào tạo nghề cho 6.946 lượt người gồm các nghề như may công nghiệp, làm nấm rơm, trồng hoa, làm chổi đót. Sau khi đào tạo, những lao động này đã tìm được việc làm ở các công ty thuộc khu công nghiệp Phú Bài, làng nghề Thủy Phương, Thủy Lương hoặc tận dụng các nguyên liệu sẵn có ở địa phương để tự sản xuất, từ đó nâng cao thu nhập vươn lên thoát nghèo. Hằng năm, trên địa bàn thị xã đã giải quyết việc làm cho 1.500 đến 1.700 lao động tại địa phương. Công tác tạo việc làm mới và xuất khẩu lao động được quan tâm, đặc biệt thông qua xuất khẩu lao động, người lao động được tiếp cận với thị trường nước ngoài, tích lũy được nguồn vốn để xây dựng nhà cửa, sản xuất kinh doanh, áp dụng vào việc đầu tư sản xuất nông nghiệp, thoát nghèo bền vững. Các hình thức bảo trợ xã hội đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo cũng được đảm bảo như hỗ trợ về y tế, giáo dục đào tạo, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ tiền điện, 100% hộ nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế…
Chương trình hỗ trợ người nghèo về nhà ở đã được quan tâm thực hiện: UBND thị xã đã hỗ trợ cho 77 hộ nghèo với kinh phí 1.927,64 triệu đồng, trong đó ngân sách Nhà nước 1.137,8 triệu đồng, gia đình và các tổ chức xã hội khác 690,24 triệu đồng. Từ Quỹ vì người nghèo và các nguồn vận động, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thị xã phối hợp với các cấp, ngành hỗ trợ xây dựng mới 37 ngôi nhà và sửa chữa 5 nhà cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn với kinh phí 597 triệu đồng, qua đó đã giúp cho người nghèo ổn định cuộc sống .
Với tinh thần “không có hộ nào thiếu ăn trong dịp Tết”, hàng năm thị xã tích cực vận đồng các nguồn lực cùng với ngân sách địa phương để hỗ trợ cho người nghèo vui Tết đón xuân. Những phần quà tuy không lớn nhưng qua đó thể hiện được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự sẻ chia của cộng đồng, góp phần mang đến cho người nghèo một cái Tết đầy đủ hơn.
Mặc dù việc triển khai chương trình giảm nghèo vẫn còn một số khó khăn nhất định nhưng trong thực tế đã đem lại nhiều kết quả thiết thực cho người nghèo, tạo điều kiện để phát triển vươn lên thoát nghèo. Bộ mặt nông thôn được đổi mới về mọi mặt, đặc biệt các xã nghèo, khó khăn đã có sự thay đổi đáng kể, nhất là về cơ sở hạ tầng và việc tổ chức phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Người dân đã biết tính toán, lựa chọn loại hình sản xuất phù hợp, gắn với yếu tố thị trường, mạnh dạn hơn trong việc ứng dụng giống mới, công nghệ mới vào sản xuất… góp phần nâng cao đời sống; có nhiều hộ thoát nghèo bền vững. Sau gần 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2011- 2015, kết quả trên các lĩnh vực đều đạt và  vượt kế hoạch đề ra, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 7,92% năm 2010  xuống còn 2,99 % cuối năm 2015, giảm 4,93% đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XIV đề ra, đồng thời góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội. Có 3 xã đạt tiêu chí hộ nghèo trong việc xây dựng nông thôn mới năm 2015 (Thủy Thanh, Thủy Tân, Dương Hòa).
Bước sang năm 2016, với mục tiêu nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu và nâng cao khả năng tiếp cận của người dân về các dịch vụ xã hội cơ bản, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1614/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tổng thể “Chuyển đổi phương pháp đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020”.  Đây được xem là cuộc thay đổi lớn góp phần giảm nghèo bền vững đồng thời mở ra bước ngoặt mới về nhận thức trong công tác giảm nghèo. Có thể khẳng định, tiếp cận chuẩn nghèo theo hướng đa chiều là một khái niệm  mới, do vậy khi triển khai chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong việc rà soát, bình xét, phân loại hộ nghèo tại cơ sở. Để đáp ứng yêu cầu thực hiện tốt công tác điều tra, UBND thị xã chỉ đạo Ban chỉ đạo giảm nghèo và tổ giám sát  thị xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, quy trình rà soát điều tra hộ nghèo trên toàn thị xã, tổ chức tập huấn cho Ban chỉ đạo giảm nghèo thị xã, các xã, phường, thôn, tổ, điều tra viên đồng thời yêu cầu các xã phường phải thực hiện tại thôn, tổ, trực tiếp với từng hộ, người dân theo đúng phương pháp. Quy trình công cụ đo lường nghèo đa chiều đảm bảo công khai, dân chủ, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, giám sát của Mặt trận Tổ quốc và sự tham gia của chính quyền, người dân, phản ánh đúng thực trạng đời sống của Nhân dân ở địa phương. UBND xã, phường phải xác định chính xác danh sách, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo. Ban chỉ đạo giảm nghèo và tổ giám sát thị xã tích cực giám sát, chỉ đạo và kịp thời phát hiện những sai sót chưa hợp lý để điều chỉnh. Qua gần một tháng triển khai, công tác điều tra rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều đã hoàn thành kế hoạch theo yêu cầu đề ra và đã được Sở LĐTB&XH tỉnh đánh giá cao. Theo kết quả điều tra, cuối năm 2015 toàn thị xã có 1.180 hộ nghèo (tăng 153 hộ so với năm  2014). Nhìn chung, với phương pháp xác định nghèo đa chiều đã có những thay đổi đáng kể, một số đơn vị biến động tăng như phường Thủy Châu, phường Thủy Lương, xã Thủy Thanh, xã Thủy Bằng. Ngoài ra, đa số những hộ nghèo chủ yếu là những hộ già cả, neo đơn, hộ có đông người ăn theo, tàn tật/bệnh tật không có khả năng lao động, họ bị thiếu hụt về tiếp cận các nhu cầu cơ bản của xã hội. Các đơn vị còn lại biến động không đáng kể, điều này phản ánh được mức tiếp cận các yếu tố cơ bản khá đầy đủ.
Hy vọng, phát huy những kết quả đã đạt được về chương trình giảm nghèo giai đoạn 2011 - 2015, chính sách nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn thị xã đã được xác định, trong thời gian tới, thị xã tiếp tục duy trì để hạn chế tình trạng tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới, tạo điều kiện cho các hộ nghèo vươn lên. Để làm tốt chính sách, cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách về các chương trình giảm nghèo giúp từng người dân, từng hộ nghèo và cận nghèo hiểu và ý thức được việc giảm nghèo là trách nhiệm của người dân; có chính sách hỗ trợ phù hợp và hiệu quả nhằm hướng đến thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn thị xã đạt kết quả tốt, góp phần hoàn thành chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của Đảng bộ thị xã đề ra, xây dựng thị xã Hương Thủy ngày càng giàu đẹp, văn minh./. 
 
Võ Thị Minh Thảo - Thị ủy viên, Phó Trưởng Phòng LĐ - TB&XH thị xã
Các tin khác
Xem tin theo ngày