Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 14.635.682
Truy cập hiện tại 2.100 khách
“TRUNG THỰC VÀ TRÁCH NHIỆM”, MỘT TRONG NHỮNG PHẨM CHẤT QUAN TRỌNG PHẢI CÓ Ở MỖI CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN HIỆN NAY
Ngày cập nhật 02/02/2016
Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống lý luận về đường lối cách mạng Việt Nam liên quan đến công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; giải phóng dân tộc, giai cấp và con người; độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, sức mạnh dân tộc, sức mạnh thời đại; đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân; xây dựng quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang Nhân dân; phát triển kinh tế và xã hội; đạo đức cách mạng; bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau… 
 

 

Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thị xã, Hội LHPN phường Thủy Lương và các đ/c Lương Quang Xuất, nguyên BT Đảng ủy xã Thủy Tân; Nguyễn Kim Cẩn, CT Hội CCB phường Thủy Dương được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng Bằng khen tại HN Tổng kết 4 năm thực hiện Chỉ thị 03 của BCT

Năm qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã cụ thể hóa chủ đề toàn khóa  học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về “Suốt đời phấn đấu cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, làm người công bộc tận tụy, trung thành của Nhân dân, đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị” bằng chuyên đề “Trung thực, trách nhiệm; gắn bó với Nhân dân; đoàn kết xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh”. Ban Thường vụ Thị ủy đã xây dựng Kế hoạch số 58-KH/TU ngày    15/4/2015 để triển khai thực hiện trong toàn Đảng bộ thị xã. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thiết thực trong đời sống chính trị của cán bộ, đảng viên và Nhân dân ta. Sau hội nghị triển khai cấp thị xã, Ban Thường vụ Thị ủy đã chỉ đạo tổ chức nhiều lớp nghiên cứu, học tập, quán triệt, triển khai chuyên đề tại Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị thị xã và tại các đảng bộ, chi bộ trực thuộc Thị ủy cho cán bộ, đảng viên, tỷ lệ tham gia đạt trên 90,6%; đồng thời đã chú trọng chỉ đạo tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, đoàn thể, các cơ quan đơn vị gắn với việc đưa nội dung học tập và làm theo Bác trở thành việc làm thường xuyên; đề cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong việc chuẩn bị nội dung, điều hành thảo luận, liên hệ, tổ chức đăng ký “làm theo” đối với cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên sát hợp; gắn với việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay” và thực hiện nhiệm vụ chính trị đặt ra, trong đó trọng tâm là khắc phục những mặt hạn chế, khuyết điểm sau khi đã kiểm điểm rút ra… từ đó giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên có biện pháp tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, lề lối làm việc, năng lực công tác, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu Nghị quyết Thị ủy đề ra trong năm 2015 và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2010 - 2015. Tuy vậy, bên cạnh đó vẫn còn một số cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đúng mức trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nên chưa tạo được sự chuyển biến tích cực trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở địa phương, đơn vị…
Năm 2016, năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XV, năm bản lề, chúng ta phải đề ra các chương trình, kế hoạch cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ, nên có ý nghĩa hết sức quan trọng và thiết thực trong quyết định kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của toàn khóa… Cùng với các giải pháp tích cực khác, thì việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là một trong những nội dung quan trọng, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đồng bộ. Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XV cũng đã sớm ban hành Hướng dẫn số 01-HD/TU ngày 14/12/2015 về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị với 7 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có việc tiếp tục thực hiện chuyên đề năm 2015“Trung thực, trách nhiệm; gắn bó với Nhân dân; đoàn kết xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh” và chủ đề toàn khóa “Suốt đời phấn đấu cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, làm người công bộc tận tuỵ, trung thành của Nhân dân, đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị”. 
Chuyên đề 2015 đề cập 3 vấn đề lớn: “Trung thực, trách nhiệm”, “gắn bó với Nhân dân”, “Đoàn kết, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh”, nhưng nếu xét một cách toàn diện thì “Trung thực, trách nhiệm” đã bao hàm hai nội dung còn lại. Bởi “trung thực” và“trách nhiệm” là hai thuộc tính hình thành nên bản chất của người cán bộ, đảng viên, trong đó rõ nhất là trách nhiệm chính trị đã được Đảng, Nhà nước quy định, mà thước đo cho phẩm chất trung thực và trách nhiệm là kết quả thực thi nhiệm vụ được giao, trong đó có trách nhiệm trước Nhân dân, trước Đảng. Nói cách khác, “trung thực” và“trách nhiệm” có mối quan hệ biện chứng, tạo nên sự thống nhất trong mỗi chúng ta. 
Để góp phần tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt Chuyên đề 2015, mà trước hết thực hiện đồng bộ, hiệu quả phẩm chất“Trung thực và trách nhiệm”, xin được trao đổi một số vấn đề liên quan như sau:
Trước hết, lãnh đạo các cơ quan, địa phương, đơn vị phải tiếp tục nâng cao nhận thức và coi trọng việc tự giáo dục trong cán bộ, đảng viên; thông qua việc tự nghiên cứu, học tập, tuyên truyền, quán triệt, làm cho cán bộ, đảng viên hiểu rõ từng nội hàm trong Chuyên đề, nhất là về“Trung thực và trách nhiệm” để nhận thức và hành động hiệu quả trong việc học tập và làm theo... 
Phải làm cho mọi cán bộ, đảng viên hiểu rõ: “Trung thực” là một phẩm chất đạo đức, là sự thống nhất giữa tư tưởng và hành động, nhận thức và việc làm; giữa đạo đức và hành vi đạo đức của mỗi người và phải gắn liền với đạo đức người cộng sản, bắt nguồn từ truyền thống của dân tộc như thật thà, ngay thẳng, vị tha, thương yêu con người, sống có tình, có nghĩa... Biểu hiện cụ thể là “nói thì làm”… Còn “Trách nhiệm” là điều phải gánh vác, nhận lấy về mình. Trách nhiệm được hình hành trên cơ sở các mối quan hệ xã hội được chi phối bởi các quy định, quy ước, quy chế, pháp luật, dư luận xã hội... ; là kết quả nhận thức đúng đắn về trách nhiệm của con người nói chung và cán bộ, đảng viên nói riêng, từ đó chi phối hành động tích cực, tự giác… 
Hai là,  phải chú trọng lãnh đạo và thực hiện đồng bộ, hiệu quả việc nêu gương trong mỗi địa phương, đơn vị và ngay trong từng bộ phận trực thuộc của tổ chức, đơn vị mình, đúng theo quy định của Đảng. Cần quán triệt và cụ thể hóa Quy định số 101-QĐ/TW ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư (khóa XI) về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, lãnh đạo chủ chốt ở tất cả các cấp phù hợp, đồng bộ và hiệu quả. Phải xác định “nêu gương” cũng là một phẩm chất quan trọng để mỗi cán bộ, đảng viên làm tốt trách nhiệm “công bộc” và “đầy tớ” của Nhân dân, từ đó có động cơ phấn đấu và “tiên phong” trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Nếu làm cán bộ, làm người đảng viên mà không có được đức tính này thì nên cần xem lại mình và phải biết “xấu hổ” trước quần chúng, trước khi đứng vào hàng ngũ chúng ta cũng đã có “lời thề” suốt đời hy sinh phấn đấu thực hiện mục tiêu và lý tưởng của Đảng, của Nhân dân… Cán bộ có chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu, có như thế cấp dưới mới “nể, phục”, học và tự giác làm theo, nhất là nêu gương về tư tưởng và chính trị; đạo đức, lối sống, tác phong; tự phê bình và phê bình; trong quan hệ với Nhân dân; trách nhiệm trong công tác; về ý thức tổ chức kỷ luật và đoàn kết nội bộ… Phải lấy hiệu quả công việc làm thước đo sự cống hiến và trách nhiệm chính trị được giao đối với mỗi cán bộ, đảng viên; đồng thời phải luôn biết hy sinh, cống hiến, ra sức rèn luyện về phẩm chất, đạo đức, lối sống để đảm bảo sự “chuẩn mực”…  
Hồ Chí Minh dạy “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Với người lãnh đạo thì lời nói đi đôi với việc làm lại càng quan trọng và cần thiết, nên yêu cầu: Phải nói đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, không được xuyên tạc, nói sai; không được “nói một đàng làm một nẻo”; không được hứa mà không làm…“Tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước”. 
Ba là, mỗi một cán bộ, đảng viên phải tự mình xây dựng và thực hiện đồng bộ lối sống “Trung thực, trách nhiệm” với chính bản thân mình điều trước tiên, sau đó là đối với gia đình, người thân, bạn bè, đồng chí, với Tổ quốc, với Đảng, Nhân dân… 
Theo Bác Hồ, là người cán bộ, đảng viên thì phải “Dĩ công vi lượng”, đặt lợi ích của Đảng, Tổ quốc và Nhân dân lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân … Phải góp phần mình trong việc thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là các nghị quyết bức thiết trong đời sống, chính trị, đạo đức, xã hội hiện nay như NQTW9 khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng với yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, NQTW4 khóa XI về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”… phù hợp với đặc điểm công việc của ngành, địa phương, đơn vị mình, góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo; khắc phục tình trạng thiếu trung thực, dối mình, dối người, dối Đảng, dối dân, thói ích kỷ, tham lam, vô cảm…; khắc phục suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng… nâng cao uy tín, vai trò, vị thế của Đảng trước yêu cầu mới đặt ra.
Bốn là, cùng với yêu cầu “tự giác” thì cũng cần phải có biện pháp“bắt buộc”. Thường xuyên tăng cường kiểm tra, giám sát; coi trọng việc tự phê bình và phê bình, việc tự kiểm tra, tự giám sát; đảm bảo sự chặt chẽ, đồng bộ từ khâu lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gắn với thực tiễn, so sánh nội dung “đăng ký”của cán bộ, đảng viên. Kiểm tra không phải nhận hay đọc báo cáo cấp dưới mà phải đi sâu đi sát, nhúng tay vào việc. Việc tổ chức học tập ở hội trường là cần nhưng chưa đủ, bởi theo Bác Hồ thì hô khẩu hiệu hoặc nói miệng thì dễ, làm mới khó… nên cần phải lấy hiệu quả công việc làm thước đo, đánh giá việc học tập, làm theo cần loại bỏ tư tưởng “đầu voi đuôi chuột”, “đánh trống bỏ dùi”, khắc phục cho được tình trạng hình thức, phiến diện, thiếu thực chất, “kiểm điểm ngược”… và kết hợp chặt chẽ với việc khen, chê, thưởng, phạt nghiêm minh, đúng người, đúng việc. 
Năm là, phải lấy kết quả thực hành nội dung “Trung thực, trách nhiệm” làm thước đo phẩm chất, đạo đức và trách nhiệm chính trị của người cán bộ, đảng viên, xem đây là một trong những tiêu chí để xem xét, đánh giá, xếp loại chất lượng cuối năm và bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm; là một trong những căn cứ để xem xét và thực hiện công tác cán bộ như quy hoạch, bố trí, đào tạo, đề bạt… ở các cơ quan Đảng, Nhà nước, ban, ngành, đoàn thể… Bởi vì như đã phân tích ở trên, “Trung thực và trách nhiệm” là phẩm chất, cũng là bản chất của con người nói chung và đối với cán bộ, đảng viên nói riêng, vì đó là sự thống nhất trong nhận thức và hành động, giữa lời nói và việc làm, từ chủ trương đến kết quả.
*
*   *
Mùa xuân - Nhớ Bác, chúng ta càng phải “Trung thực, trách nhiệm” noi gương Bác trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, cần làm tốt hơn vai trò “công bộc”, “đầy tớ” trước Đảng, Tổ quốc và Nhân dân, tạo ra động lực mới, khí thế mới để cùng nhau thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015 - 2020 ngay trong những tháng đầu, năm đầu, với quyết tâm thi đua hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2016, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng ổn định, phồn vinh và hạnh phúc./.
 
Phan Anh Thư - Ủy viên Ban Thường vụ Thị ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thị ủy
Các tin khác
Xem tin theo ngày