Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 14.627.402
Truy cập hiện tại 299 khách
Ký ức vùng cát
Ngày cập nhật 30/12/2015

Những năm đầu của thập kỷ 80 đang còn tỉnh Bình Trị Thiên. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nhiều anh em chúng tôi trở lại trường Đại học Y khoa – Huế học tập và tốt nghiệp ra trường. Chúng tôi nguyện đi nhận công tác bất cứ nơi đâu khi tổ chức phân công. Tôi được về công tác tại ngành Y tế huyện Hương – Phú và được phân công về làm Trạm Trưởng trạm Y tế xã Vinh Hà (Bây giờ thuộc huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế).

Vinh Hà thời ấy là vùng xa của huyện, một xã vùng cát rất nghèo, đường đi đến xã chủ yếu là đường đất, cát; phương tiện đi lại hết sức khó khăn, chủ yếu là xe đạp, đi bộ, cả xã chỉ có vài xe gắn máy, vận chuyển bệnh nhân chỉ bằng đường thủy dọc sông Đại Giang lên trung tâm huyện hoặc lên Huế, qua phá Tam Giang về trung tâm Y tế Phú Lộc hoặc gánh bộ là chủ yếu.

          Cảm giác đầu tiên về đến cơ sở Y tế là tôi rất ngạc nhiên, lo lắng và thoáng buồn bởi lẻ Trạm y tế nhưng không có Trạm y tế, chỉ có 02 phòng làm việc tại HTX Nông nghiệp, không có phương tiện, dụng cụ y tế, không có thuốc men, không trực gác. Bốn cán bộ Trạm y tế chủ yếu là làm việc tại nhà riêng và làm tư, hệ thống sổ sách không khai thác được gì,…Nhưng điều làm tôi bất ngờ là tất cả cán bộ của Trạm y tế, lãnh đạo xã, lãnh đạo 02 HTX Nông nghiệp lại rất hồ hởi, phấn khởi khi tiếp nhận quyết định của tôi và hứa sẽ làm bất cứ những gì có thể làm được và hỗ trợ mọi điều kiện để vực dậy lĩnh vực y tế của xã nhà, luôn luôn đi cùng với Trạm y tế để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngày càng tốt hơn. Đây là những tình cảm và trách nhiệm của địa phương dành cho tôi trong những ngày đầu tiên đi làm nhiệm vụ Bác sỹ, và tôi tiếp tục công tác ở Trạm y tế Vinh Hà 03 năm mới trở về Trung tâm y tế huyện khi chuẩn bị thành lập lại huyện Phú Vang và Hương Thủy. Những năm tháng gian khổ, những thành quả đạt được, những tình cảm mà cán bộ và nhân dân xã Vinh Hà giành cho tôi đã trở thành những kỷ niệm đẹp, luôn trở về trong ký ức của tôi – ký ức Vùng Cát đã và sẽ theo tôi trong suốt năm tháng của cuộc đời.

          Bằng những kiến thức học được ở trường Y, kinh nghiệm những năm tháng trong quân ngũ tôi cùng với cán bộ trạm y tế bắt tay ngay vào xây dựng kế hoạch củng cố và phát triển Trạm y tế xã, kịp thời đáp ứng yêu cầu tốt nhất cho thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu trên địa bàn. Cái khó nhất lúc bấy giờ là tuyên truyền nâng cao nhận thức về thực hiện các chương trình y tế quốc gia, bảo vệ sức khỏe và phòng chống dịch bệnh cho cán bộ và nhân dân, xây dựng cơ sở vật chất trang thiết bị, đưa các hoạt động của Trạm y tế vào nề nếp,…Phương tiện nghe nhìn của nhân dân rất thiếu, chủ yếu là tuyên truyền miệng khi thực hiện các chương trình y tế và hệ thống phát thanh của trạm y tế xã, Hợp tác xã Nông nghiệp đã dành cho trạm y tế chúng tôi nhiều ưu ái, không những hỗ trợ lương thực, thực phẩm mà còn cho trạm y tế mượn lâu dài bộ máy loa phóng thanh để chúng tôi mở Chuyên mục tuyên truyền thường xuyên ở Trạm y tế xã và tuyên truyền lưu động.

          Rồi những khó khăn cũng nhanh chóng qua đi, Trạm y tế xã đã được đầu tư xây dựng mới bằng nguồn ngân sách của xã và đi vào hoạt động nề nếp, chúng tôi đã quản lý và điều trị, chăm sóc bệnh nhân tại Trạm y tế xã. Công tác chăm sóc và bảo vệ bà mẹ trẻ em được thực hiện tốt nhất, các bà mẹ mang thai được quản lý, tiêm phòng uốn ván đầy đủ và đều sinh tại Trạm y tế xã, nhân dân tự nguyện chấp nhận các Chương trình y tế quốc gia, nhất là chương trình tiêm chủng mở rộng, DS-KHHGĐ, phòng chống bệnh tiêu chảy, nhiễm khuẩn hô hấp, chống phong, chống lao, bứu cổ,…Sáu bệnh truyền nhiễm trẻ em dần được đẩy lùi và thanh toán, dịch bệnh được theo dõi, phát hiện và xử lý kịp thời nên không có dịch xảy ra lớn trên địa bàn. Những buổi làm việc, kiểm tra, chỉ đạo tại xã của ngành y tế huyện và Trung tâm y tế dự phòng, Trung tâm Bảo vệ BMTE-KHHGĐ, Trung tâm phòng, chống bệnh xã hội…cùng sự quan tâm hỗ trợ các thiết bị y tế cho Trạm y tế xã của Trung tâm y tế huyện đã tạo thêm niềm tin cho cán bộ Trạm y tế xã, với những việc làm và kết quả đạt được lãnh đạo và nhân dân xã nhà rất tin tưởng vào hoạt động của Trạm y tế, các anh đã không những chia sẻ đối với chúng tôi những món quà tinh thần mà còn cả vật chất trong quá trình sản xuất, thu hoạch được, tuy rất nhỏ nhưng chúng tôi cảm thấy trân trọng quý giá vô cùng.

      Những năm gần đây, chúng ta mới phấn đấu 100% trạm y tế xã có Bác sỹ nhưng ngành y tế Hương Phú những năm đầu thập niên 90 đã có 90% Trạm y tế có Bác sỹ, riêng huyện Hương Thủy đã có 100% Trạm y tế có Bác sỹ. Nhiều Bác sỹ Trạm trưởng y tế một thời, bây giờ vẫn đang gắn bó với Trạm y tế như Bác sỹ Hùng, Bác sỹ Phượng, Bác sỹ Thảo,…ở Trung tâm y tế Hương Thủy, Bác sỹ Phương, Bác sỹ Sương, Bác sỹ Vân,…ở Trung tâm y tế Thành phố Huế…

          Đến rồi đi là tất yếu của cuộc đời, nhiều Bác sỹ đã công tác ở Trạm y tế xã như tôi thời bấy giờ được chuyển về y tế huyện, thành phố rồi phấn đấu trưởng thành như Bác sỹ Lê Qúy Thảo - Giám đốc bệnh viện Răng-Hàm-Mặt tỉnh, Bác sỹ Hoàng Hội - Giám đốc Trung tâm phòng, chống sốt rét tỉnh, Bác sỹ Nguyễn Văn Vỹ - Giám đốc Trung tâm Y tế Hương Thủy, Bác sỹ Bùi Văn Đoàn - Phó khoa truyền nhiễm bệnh viện Trung ương Huế, xa hơn huyện Hương Phú như Bác sỹ Hoàng Thị Tâm - Phó Giám đốc Sở y tế, Bác sỹ Phan Đăng Tâm - Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe…và nhiều Trạm trưởng y tế xã khác bây giờ đang là lãnh đạo các Trung tâm y tế, lãnh đạo các Khoa, phòng của Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng, các bệnh viện chuyên khoa của tỉnh, bệnh viện Trung ương Huế, bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM…Riêng tôi không được vinh dự tiếp tục cống hiến trực tiếp cho ngành y và được giao nhiệm vụ làm công tác Đảng và Chính quyền thị xã Hương Thủy từ năm 1996 cho đến nay.

          Mỗi lần đến với ngành y, nghĩ về ngành y tôi đều còn cảm nhận hơi thở của hoạt động ngành y tuyến cơ sở; kỷ niệm của những tháng ngày công tác của tuyến y tế cơ sở lại trở về với thực tại, những việc làm ít ỏi của chúng tôi thời bấy giờ nhưng đã góp phần quyết định khôi phục tuyến y tế cơ sở một thời gian dài không hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả, đây cũng là hành trang để chúng tôi vượt qua những khó khăn, thử thách để tiếp tục vươn lên trong công tác và cuộc sống.

          Mỗi lần về lại Vinh Hà trong những đợt địa phương có kỷ niệm lớn, dự các buổi giao lưu, gặp mặt mà địa phương mời hay về thăm lại những gia đình đã giúp đỡ tôi thời bấy giờ, ký ức Vùng Cát một thời lại tràn về trong tôi với những cảm xúc lân lân khó tả, bản thân như là người con của quê hương vùng cát một thời vất vả về lại quê sau một thời gian xa cách.

          Quê hương Vinh Hà bây giờ đã nhiều đổi thay, những đường cát níu chân không còn, cánh đồng Bàu Ô, Hà Cỏ đã được thâm canh trồng lúa bội thu, những hồ nuôi tôm trãi dài giáp với phá Tam Giang, các hoạt động dịch vụ phát triển mạnh,…Tuyến giao thông tỉnh lộ Thủy Phù – Vinh Thanh, Quốc lộ 49B nâng cấp nối với Quốc lộ 1A và nhiều dự án đầu tư khác đã tạo động lực phát triển Kinh tế-xã hội cho cả vùng dọc phá Tam Giang, trong đó có Vinh Hà. Hoạt động của các Trạm y tế xã trên địa bàn tỉnh bây giờ thuận lợi hơn nhiều: Trạm y tế được tầng hóa, phương tiện dụng cụ y tế được trang bị đầy đủ, đội ngũ cán bộ y tế được bổ sung, tập huấn đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ nên y tế cơ sở hiện nay hoạt động nhiều thuận lợi và đạt nhiều kết quả, thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, góp phần xây dựng ngành y tế tỉnh nhà phát triển vững mạnh toàn diện.

          Dù gian nan, vất vả nhưng ngành y chúng tôi luôn tự hào với lời thề Hypograt, những điều Di huấn của Hải Thượng Lãng Ông, lời dạy của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu” chúng tôi luôn luôn yêu mến ngành y như lời bài hát ngành y mà chúng tôi đã từng sáng tác:

          Ngành y em yêu và mơ ước từ bao giờ

          Ngành y em yêu như yêu mẹ dịu hiền

          Tay em xinh xinh, chiếc áo màu trắng xinh

          Em chăm sóc từng bệnh nhân

          Em nâng niu từng cây thuốc lên xanh

          Em vun trồng cho cuộc đời, cho tương lai hạnh phúc mai sau.

          Ở đâu có đau thương, chúng em đều có mặt

          Tự hào thay ngành y chúng em.

          Tôi viết những dòng này như để tri ân lãnh đạo và nhân dân xã Vinh Hà cũng như nhiều xã khác đã thực sự giúp đỡ chúng tôi trong những ngày tháng công tác tại Trạm y tế xã, tri ân những người thầy thuốc, cán bộ y tế nhân kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống của ngành 27/2. Cán bộ ngành y hiện nay vẫn đang còn nhiều khó khăn, thiệt thòi và đầy áp lực, nhưng nếu được đi lại: Tôi xin chọn lối này.

Bác sỹ Lê Văn Chung
Các tin khác
Xem tin theo ngày