Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 14.616.114
Truy cập hiện tại 157 khách
Làm giàu từ chính con sông quê hương
Ngày cập nhật 18/11/2015

Trong một chuyến công tác về làng Hòa Phong, xã Thủy Tân vào một buổi chiều đầu mùa thu, chúng tôi được nghe chị Nguyễn Thị Ngọc Nga, Chủ tịch Hội LHPN xã Thủy Tân tấm tắc kể về chị Nguyễn Thị Tằm, chi hội trưởng phụ nữ thôn Hòa Phong là một người vừa năng nổ, nhiệt tình trong công tác Hội, vừa đảm đang, nhanh nhạy trong phát triển kinh tế gia đình. Để tận mắt chứng kiến về cuộc sống hiện tại và nghị lực vươn lên làm giàu từ chính vùng đất mênh mông là nước của chị Tằm, chúng tôi đã đến thăm gia đình chị. Men theo con đê dài là đến làng Hòa Phong. Làng Hòa Phong nhìn qua như cô lập giữa bốn bề sông nước, nghe các chị bảo là đã nhiều mùa lụt nước dâng lên tràn cả con đê. Một đoạn sông Đại Giang dài ven làng được người dân ở đây tận dụng nuôi cá lồng. Nghề nuôi cá lồng trên sông Đại Giang ở làng Hòa Phong đã xuất hiện từ lâu nhưng phải mấy năm trở lại đây, thấy được lợi ích kinh tế, nên bà con ở đây mới mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô nuôi.

Cũng như nhiều hộ dân ở đây, gia đình chị Tằm trước đây chủ yếu làm nghề nông. Hai vợ chồng chị cưới nhau năm chị mới 19 tuổi, cái tuổi ăn chưa no, lo chưa xa. Đến nay anh chị đã có với nhau 4 người con. Chị tâm sự: “Nghĩ lại cái thời nớ tui thấy rùng cả mình. Khổ chi mà khổ lạ. Cứ cách 2 năm đẻ một đứa, liên tù tì 4 đứa như vậy. Lúc nớ kiến thức chăm sóc con cũng không có, đau lên đau xuống, 2 vợ chồng chỉ quanh đi quẩn lại bên mấy sào ruộng. Đêm nằm nghĩ nát óc cũng không biết làm chi để có thu nhập khá hơn mà còn lo cho con cái học hành. Lúc nớ cũng không dám nghĩ tới chuyện có của ăn của để mô O ơi. Nhưng rồi cũng qua hết”. Nhìn dáng người rắn chắc và đôi mắt sáng đầy tự tin của chị chúng tôi tin chị đã tự mình vươn lên làm giàu từ hai bàn tay nhỏ nhắn, chai sần ấy.

Không chịu khuất phục trước cái khó, cái nghèo cứ đeo bám dai dẳng. Chị nghĩ thầm: “Quê mình có con sông Đại Giang, mặt nước có, vốn đầu tư không lớn, vì sao mình không nuôi cá lồng trên sông nhỉ?”. Thế là năm 2001 chị mạnh dạn vay vốn Ngân hàng CSXH với số tiền ban đầu là 30.000.000đ (Ba mươi triệu đồng).  Lúc đó cũng đã có 1 vài hộ dân ở đây chuyển sang nuôi cá lồng trên sông nhưng chủ yếu là nuôi 1 đến 2 lồng để cải thiện bữa ăn hàng ngày. Ban đầu, chị cũng chỉ dám đầu tư nuôi thử nghiệm 2 lồng gồm cá trắm cỏ và mè. Cá trắm cỏ và mè rất kén thức ăn nên chị không nuôi theo kiểu công nghiệp mà chỉ cho cá ăn rong và cỏ để vừa giảm chi phí đầu tư thức ăn, vừa cho thịt cá chắc và ngon. Nhưng khí hậu thì bất thường, nguồn thức ăn tự nhiên cho cá dần cũng bị thu hẹp nên chị cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm thức ăn cho cá. Thay vì mỗi năm thu hoạch một lần thì có những đợt phải đến hai năm chị mới thu hoạch được 1 vụ cá. Ý thức được những khó khăn về nguồn thức ăn cho các loại cá trắm cỏ và mè, chị mạnh dạn đầu tư nuôi thêm nhiều loại cá mới như diêu hồng, lóc, thát lát, rô phi…

 

Sau nhiều năm gắn bó với nghề, chị cũng rút ra được nhiều kinh nghiệm từ việc nuôi cá lồng và học hỏi thêm các hộ nuôi có hiệu quả về kỹ thuật chăm sóc, mật độ thả lồng và xử lý tình huống, phòng trừ dịch bệnh… Đến nay gia đình chị đã có tổng cộng 15 lồng cá với đủ các loại cá như trắm cỏ, mè, diêu hồng, lóc, thát lát, rô phi… Trung bình mỗi vụ nuôi khoảng tầm 8 tháng, cá nặng khoảng 1,2kg – 1,5kg là có thể xuất bán. Cá gia đình chị nuôi chủ yếu là ăn rong, cỏ, thịt chắc, ngon nên các thương lái rất thích mua cá của gia đình chị. Mỗi vụ gia đình chị thu lợi từ 12.000.000đ – 15.000.000đ/lồng. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, lãi ròng cả năm thu được cũng từ 180.000.000đ – 200.000.000đ.

Chồng chị là Bí thư chi bộ kiêm công an viên của thôn nên ít có thời gian giúp vợ việc gia đình. Chị một tay vừa lo toan việc gia đình, vừa nuôi cá lồng còn nuôi thêm 02 con lợn nái lấy giống và 06 con lợn thịt. Thu nhập từ việc nuôi lợn đã trừ chi phí cả năm cũng được 20.000.000đ.

Chính từ nguồn thu nhập ổn định từ việc nuôi cá lồng và nuôi lợn, gia đình chị đã vươn lên thoát nghèo bền vững, chị cũng đã xây dựng được nhà cửa khang trang, có điều kiện chăm lo tốt việc học hành cho các con. Hiện nay các cháu đều đã lập gia đình và có nghề nghiệp ổn định. Thấy các con đều đã “yên bề gia thất” chị thấy thật sự mãn nguyện. Có trong mơ chị cũng không hình dung được lại có ngày mình thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của nghèo, khó.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, chị còn là một cán bộ Hội năng nổ, nhiệt tình, tâm huyết với công tác Hội. Những chị em có hoàn cảnh khó khăn trong thôn, chị luôn sẵn sàng giúp đỡ bằng việc chia sẻ kinh nghiệm mà chị tích lũy được sau những tháng ngày tìm tòi, học hỏi để cùng nhau vươn lên thoát nghèo. Ngoài ra chị luôn vận động chị em hội viên trong thôn thực hiện tốt phong trào thi đua và 6 nhiệm vụ trọng tâm của Hội; tuyên truyền, vận động, thu hút được đông đảo chị em phụ nữ tham gia vào Hội.

Những năm gần đây, phong trào phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc đã có sức lan tỏa và phát triển sâu rộng trên địa bàn xã Thủy Tân nói riêng và thị xã Hương Thủy nói chung, góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt đời sống nông thôn. Trong đó, chị Nguyễn Thị Tằm là một cán bộ Hội điển hình, tự tin, chịu khó, năng động vươn lên thoát nghèo bền vững nhờ thực hiện mô hình phát triển kinh tế gia đình, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Những thành quả đạt được hôm nay của chị thật đáng trân trọng. Chị đã góp phần tô thắm thêm hình ảnh đẹp của người phụ nữ nông thôn, xứng đáng là một trong những đóa sen hồng, tấm gương sáng để cán bộ, hội viên, phụ nữ thị xã học tập và noi theo./.

Cao Phương Thanh – Hội LHPN thị xã Hương Thủy
Các tin khác
Xem tin theo ngày