Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 14.910.185
Truy cập hiện tại 4.646 khách
Cây thuốc mang tên Khỉ
Ngày cập nhật 29/02/2016
Cây sọ khỉ: còn gọi là xà cừ. Thân cây lớn với đường kính trên 1m, được trồng làm cây xanh dọc đường, quả nang tròn to 4cm chứa nhiều hột dẹp có cánh. Tác dụng bổ đắng, hạ nhiệt, trị sốt và có tính kháng sinh, trị bệnh thiếu máu hồng cầu liềm.
Cây lông khỉ: còn có tên khác là lông cu li, kim mao, cẩu tồn mao, cẩu tích. Là loài thực vật ký sinh, thân liền rễ, tầm vóc nhỏ, cao khoảng 2,5m nhưng lá lại dài tới 2m, phủ bởi nhiều vẩy vàng bóng. Dùng dưới dạng sắc uống hoặc thuốc rượu (mỗi ngày 10 – 20g). Nó là thuốc chống viêm, chữa phong thấp, chân tay tê nhức, đau lưng, người già đi tiểu nhiều, phụ nữ khí hư, bạch đới, nhức mỏi toàn thân khi mang thai. Lông tơ bao phủ quanh thân rễ cây lông khỉ, lấy đắp vào vết thương ngoài da sẽ trở thành thứ thuốc cầm máu rất tốt.
Cây mặt khỉ: còn có tên gọi khác là đơn mặt khỉ, dây đất, cây ganh. Là loại dây leo dài hơn 12m. Lá, dây, rễ tươi hoặc khô được chế thành thuốc sắc (mỗi ngày dùng 8 – 16g) bôi để chữa mụn nhọt, mẩn ngứa hoặc uống để chữa kiết lỵ, tẩy giun sán.
Cây củ khỉ: còn có tên vương tùng, hồng bì núi; cả lá, cành, hoa, quả đều chứa nhiều tinh dầu, mùi hương dễ chịu. Lá, rễ củ khỉ tươi giã nát dùng đắp chữa bong gân, sai khớp. Dùng dưới dạng thuốc sắc (mỗi ngày 8 – 16g) trị chứng cảm mạo, sốt rét, phong thấp. Tinh dầu chưng cất từ củ khỉ phối hợp với tinh dầu bạc hà, khuynh diệp chữa rất hiệu quả các bệnh cảm cúm, đau nhức.
Cây đười ươi: còn gọi là cây lười ươi, bàng đại hải, đại hải tử. Cây to, thân có thể cao trên 25m với đường kính 1m. Cây mọc nhiều ở miền Nam, thường thu lấy hạt phơi sấy khô. Hạt khô ngâm vào nước nóng sẽ nở to gấp hàng chục lần, trở thành chất nhầy trong như thạch, màu nâu nhạt, vị hơi chát; cho thêm vào một ít đường, nó là thứ nước giải khát rất ngon, lạ miệng lại có tác dụng thanh nhiệt, nhuận tràng, giải độc. Nếu đem sắc đặc, sẽ được một loại thuốc chữa các chứng bệnh: sốt, cảm nắng, chảy máu cam, đau mắt, đau răng, ho khan, nôn ra máu, giun sán, viêm đường tiết niệu, kiết lỵ, tiêu chảy…
Hầu khương: có nghĩa là củ ngải của khỉ, còn có tên là Cốt toái bổ, ráng đuôi phụng, ráng bay. Bào tử được gió đưa đi và bám vào các cành cây to, mọc thành những chùm lá, nhiều lá mọc quanh thân tạo thành cái phễu hứng mùn để sống phụ gia nơi thân cây. Dưới các cuống lá hình thành một căn hành, mọng nước có hình dáng củ gừng dẹp, phủ đầy lông mịn màu vàng xám. Bộ phận dùng là căn hành, đốt qua để cháy hết lông rồi bổ đôi phơi khô. Tính vị: đắng, ấm. Tác dụng: bổ thận, bổ xương, trị đau nhức xương khớp, bong gân.
Hầu tử trình: có nghĩa là bình nước của khỉ, còn có tên cây bắt ruồi, cây nắp bình. Cây có đuôi lá mọc ra một sợi dài cong xuống, tận cùng mọc ra một cái túi to bằng cổ tay, bên trên có một cái nắp để đậy lại, bên trong túi có mùi thơm và vị ngọt. Côn trùng chui vào khua động thì cái nắp sẽ đậy lại, nhốt côn trùng để tiêu hóa. Dùng: cả cây phơi khô; tính ngọt, hơi lạnh. Tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, giảm huyết áp, khử đờm, giảm ho.
 
                                                                                                                                                                                                                                                                      HIẾU VĂN
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Đỗ Tất Lợi – Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – NXB Khoa học Kỹ thuật – 1977.
2. Hà Văn Cầu – Sổ tay các vị thuốc thường dùng trong y học dân tộc – NXB Y học – 1988.
3. Bùi Đức Dũng – Dược liệu học – NXB Y học – 1995.
 
Các tin khác
Xem tin theo ngày